Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2008

CÔN ĐẢO

Hôm rồi tôi có ra Côn Đảo thăm lại nơi các phụ huynh của nhiều AE mình đã từng qua. Từ cầu tàu 914 đến Banh 1, Banh 2 rồi cầu Ma Thiên lãnh, Chuồng bò, Hầm xay lúa…tới các Chuồng cọp thời Pháp, thời Mỹ…thăm nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ các tiền bối…đủ cả, những nơi mà AE ta chắc chắn đã nghe và xem nhiều trên sách vở, phim ảnh nhưng nay tôi mới được tận mắt chứng kiến. Đúng là trang lịch sử hào hùng không thể quên được, đặc biệt là đối với tôi, nơi mà phụ huynh đã từng trải qua.

Nhưng thôi, những chuyện này nếu tôi kể lại chắc không thể bằng lịch sử và sách báo. Tôi xin kể với AE chuyện Côn Đảo ngày nay, nơi mà chỉ có “1 trường, 1 chợ, 1 vợ, 1 cây xăng”. Và cây xăng này chỉ hoạt động vào giờ hành chánh.



Côn Đảo - nhìn ra biển từ trên núi (cầu Ma Thiên Lãnh)



Toàn bộ dân trên đảo (kể cả bô đội, công an…) chỉ khoảng 8.000 người. Đảo Côn Lôn (đảo lớn nhất Côn Đảo) dài 15 km, chỗ rông nhất 9 km và chỗ nhỏ nhất chỉ có 1 km. Khu vực trung tâm đảo, vùng “đồng bằng” lớn nhất, nơi tập trung các chứng tích nhà tù, nơi là khu vực hành chánh của đảo chỉ khoảng 3 km trải dài theo biển. Nói chung là hoàn toàn có thể cuốc bộ. Nhưng nếu có nhu cầu “làm biếng” thì có thể thuê xe đạp (50.000 đ/ngày) hoặc xe gắn máy (120.000 đ/ngày bao gồm xăng). Đặc biệt có lẽ đây là nơi duy nhất ở VN không có chỗ gửi xe vì đi đến đâu cũng chỉ việc bỏ thí xe ngoài đường không cần khóa cổ, thậm chí có thể để nguyên hàng hóa trên xe mà ko hề có chuyện gì xảy ra. Dân đảo chạy xe giữa đường lỡ có hư hỏng thì bỏ xe bên vệ đường vẫy xe khác đi nhờ về nhà, hôm sau mới ra lấy xe về. Dân đảo nói : xe ko hề bị mất gì, có chăng là từ khi xăng lên giá thì thỉnh thoảng bị mấy cháu TN hút tạm chút xăng, nhưng đa phần là ngày hôm sau mấy cháu đó đều tới gặp chủ xe xin lỗi và xin trả tiền mà hầu hết các chủ xe đều cho qua. Xe ô tô thì chỉ phục vụ khách du lịch “xịn” (cỡ như tụi tôi thì chỉ đi bộ) và quan chức cao cấp của huyện nhà.


Xe gắn máy để trên lề đường không gửi, không khóa




Hàng ngày, vào lúc 5g30 sáng còi hụ khắp đảo và tiếp theo là loa phát thanh nhạc tập thể dục cho toàn dân. Sau đó vào lúc 11g30, 13g30 và 17g00 đều có còi báo giờ làm việc và tan tầm đúng nếp sống HN thời trước chiến tranh.

Tất cả các đường phố ở đây đều rất sạch sẽ, rác chỉ là lá cây và hoa héo rụng xuống, không hề có bao ny lông, vỏ chai, rác sinh hoạt…. thậm chí tàn thuốc lá cũng là điều hiếm thấy trên đường (có lẽ “thủ phạm” chỉ là dân du lịch như tôi). Các con đường đều được mang tên các chiến sỹ CM đã từng bị giam cầm nơi đây như Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh….và Nguyễn Huệ (có lẽ là gián tiếp nhắc tới Nguyễn Ánh chăng ?).




Đường chính giữa trung tâm đảo vào "giờ tầm" (11g30) - không bóng người, không miếng rác




Mọi thứ nơi đây đều được chuyển từ đất liền ra. Bữa nào biển động là chợ thiếu hàng. Mỗi khi tàu hàng ra chậm, toàn dân đảo đều biết. Dân trên đảo chỉ tự cung, tự cấp cho mình cá biển và đá xây dựng (loại đá xây nhà tù). Bởi vậy tiệm nhậu ở đây cũng rất ít và rượu bia không có nhiều sự lựa chọn – chủ yếu là bia Sài Gòn và đế Cần Thơ, các thứ khác muốn có phải đặt trước đợi tàu đem ra !

Nói vậy, nhưng “phong trào” xây dựng đang ngày càng “nở rộ” tại đây cho dù tất cả sắt thép, gạch ngói, xi măng… đều “mang ra từ đất” như dân đảo nói. Đặc biệt 2 cái “Ủy” – Huyện ủy và UBND Huyện đã xây 2 VP hoành tráng nằm cạnh nhau lớn không thua gì UBND TP.HCM (tuy không đẹp bằng và theo kiến trúc tân thời). Saigontourist cũng đang tiến hành xây 1 khách sạn (ít nhất cũng cỡ 3 sao trở lên) nằm án ngữ ngay trước cửa Banh 2 – nơi chứng tích lịch sử nhà tù Pháp đã từng giam các đ/c Lê Duẩn, Phạm văn Đồng….


KS đang xây của Saigontourist - dãy nhà nâu phía sau là cổng
vào Banh 2 chỉ cách 1 con đường khoảng 4 m




Ngay trước cửa nghĩa trang Hàng Dương, 1 ngân hàng vào loại bậc nhất của VN đã “tài trợ” 1 cái chuông đồng to tổ bố mà nghe nói có trị giá lên tới trên 5 tỷ đồng – trong khi dự toán xây hàng rào chống trâu bò vô Nghĩa trang sẽ chỉ tốn khoảng hơn 2 tỷ nhưng chưa được duyệt. Nghe kể lại rằng bữa khánh thành cái chuông này, hàng đoàn quan chức trong và ngoài đảo đã đến xì xụp vái lạy tới hơn 2 tiếng đồng hồ trong tiếng tụng kinh gõ mõ của 1 đội thầy chùa “rước từ đất ra”. Chẳng hiểu các vị tiền bối trong nghĩa trang có biết không nhưng nghi lễ CM duy nhất dự định thực hiện là nổi nhạc bài “Hồn tử sĩ” đã bị trục trặc kỹ thuật kêu rè rè mà không lên nổi (làm thằng nhỏ phụ trách KT bị "dzợt" lên bờ xuống ruộng).


Vài chuyện tầm phào, để biết tốt nhất về Côn Đảo, không gì bằng hãy 1 lần ra đó. Xin đăng thêm mấy tấm hình để AE “thưởng nhãn”. Nói chung trừ các nhà tù ra thì Côn Đảo rất đẹp và hoang sơ - hoang sơ tới mức nếu có ai ra tắm biển (mà cũng chỉ có dân du lịch thôi) thì trẻ con ngồi kéo dài trên bờ xem như xem phim vậy !


Bãi biển đẹp, nhưng vắng hoe







Hoàng hôn trên núi Chúa (nơi Nguyễn Ánh ẩn trốn khi xưa)

9 nhận xét:

  1. Hay quá!!
    Nhà zdiết sử mà chơi cái phóng sự bỏ túi zdới niều chi tiết chưa bao jờ được biết tới,thì kính đề nghị Hameok6 nên nộp đơn cho báo ND để tờ báo ko còn lÀ NƠI CHÚNG NÓ TẬP ZDIẾT XÃ LỰNG.

    4 SG

    Trả lờiXóa
  2. Lần đầu tiên đọc Hà mèo mà thấy ... chán! (không biết là khen hay chê đây). Chả nhẽ lại xúi mọi người đọc lại 1/07 để biết về Côn Đảo qua bài viết của HT?
    Nói đùa vậy, chứ thực sự nếu muốn thăm cho kỹ thì cũng cần có vài ngày "chăm chú". Theo bài viết thì HMk6 chỉ mới đi trong vùng trũng của đảo Côn Đảo. Chỗ đó là "dạ dày", tập trung rất nhiều di tích lịch sử CM, nơi cơ chế thị trường bắt đầu tỏ ra thắng thế khi KS che mắt nhà tù.
    Nếu đi suốt "hệ tiêu hoá" của Côn Đảo thì còn có "một sân bay (Cỏ Ống) và một bến tầu thương mại (bến Đầm)" ở "tiền môn" và "hậu môn" của ống thực quản, cũng chính là một "huyện lộ".
    Chắc chắn HMk6 chưa lên "Sở Rẫy" nơi tù nhân phải lên trồng cây ăn quả phục vụ giới cai ngục, mà trong bảng phân phối tù nhân ở một banh nào đó vẫn còn ghi số lượng xuất trại.
    Núi Chúa thì rất ít người có thể lên. Cần thuê được xe máy khoẻ, hoặc đủ kiên nhẫn và sức lực leo bộ. Có lẽ một lúc nào "kiếm được tài trợ" (nói giọng thị trường) ta sẽ đi chăng?
    Không biết HMK6 có đến bãi Đầm Trầu ở một đầu đường băng Cỏ Ống, được xem là đẹp nhất đảo, với những tảng đá hoa cương đen nhánh mà khi khai thác về đến đất liền nó được gọi là đá Ý. Cạnh lối vào bãi là miếu thờ hoàng tử Cải, con của Nguyễn Ánh và hoàng hậu Phi Yến (Lê Thị Răm). Hai nạn nhân xấu số của người chồng, người cha, người công dân xấu đã đi vào lịch sử với câu ca dao "Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay". Đền thờ bà Phi Yến ở bên lối lên Sở Rẫy.
    Mà thôi, HMk6 làm tôi nhớ lại chuyến đi Côn Đảo cách nay gần 2 năm. Liệu có bao giờ đi lại?

    Trả lờiXóa
  3. Xem lại mới biết những chuyện tôi kể bị HMk6 liệt vào loại "chuyện không thèm kể". Tủi quá!

    Trả lờiXóa
  4. aHT lại quá khen thằng em rồi. Vì biết đã có nhiều người đã đi Côn Đảo và viết về Côn Đảo, mà bản thân thằng em này trước khi đi cũng đã nghiên cứu tương đối kỹ các tài liệu này tới mức có thể nói chuyện tương đối ngang cơ với BGĐ Ban QL Di tích ở đây, thậm chí còn được BGĐ xin thêm 1 số thông tin mà họ thiếu. Và do vậy nên thằng em "chả dám" đi vào đề tài chính, mà chỉ xin "ăn" món ko ai "ăn" mà thôi.
    Ví dụ như ở khu vực đền thờ bà Phi Yến có 4-5 cây thị cổ thụ (chắc phải trên 100 năm), nhưng 3 cây trong khuôn viên đền thì không có trái còn các cây bên ngoài (chỉ cách đó khoảng 5-10 m)thì cho trái hàng năm. Có phải Bà chỉ thích cây "đực" ?
    Toàn chuyện tầm bậy AE đừng nghe "rác tai".

    HMK6

    Trả lờiXóa
  5. Sau giải phóng trước khi ra đảo tìm mộ ông nội tôi ( Tù 1932 hy sinh 1940) Ông già tôi có tra hồ sơ do Pháp lưu trữ của cụ tại SG. Sau khi ra đảo so sánh lại và chỉ mất rất ít thời gian là tìm được mộ chí.
    Còn bây giờ! Nhìn "Hàng Dương" thì quy củ đẹp thật nhưng sự thực thì "lộn tùng phèo râu ông nọ cắm cằm bà kia" không ít. Buồn!
    Tôi và anh tôi có cái tên như hiện nay để các bác gọi là do bố tôi đặt để tưởng nhớ tới cụ.
    d.đ k6

    Trả lờiXóa
  6. @HMK6:Tớ mới ở Côn Sơn về lúc 12h trưa nay.Nghe cô gái HDV nói :Có con ôg...mới ra.Đoán già đoán non,ko piết là trong 2 ôg con,ôg nào ra?Giờ mới piết là cậu,tiếc quá...

    -2 Chúa đảo (Sơn là chúa cũ,Bình là chúa mới)giới thiệu quán Tri Kỷ là quán có nhiều đặc sản và nấu ăn ngon.Tới nhậu thử,chỉ piệt nói một câu:Tuyệt!

    -Định post bài về Côn Sơn,lên đây thấy cậu viết rồi thôi,ko post lên nữa.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi chưa đi Côn Đảo. Đọc thấy ham rồi. Mới bàn gia đình hè này ráng đi được một chuyến Côn Đảo khi vẫn còn hoang sơ.

    Trả lờiXóa
  8. A, đọc chuyện quán nhậu của Ak7 thì biết chuyện gì mọi người không biết ở đấy rồi. Là chuyện đi Côn Đảo mùa không du lịch. Chả có gì để mà ăn nhậu cả. Thậm chí muốn ăn cho ngon một chút ngoài KS cũng chả có gì. Mọi người không tin thì cứ quãng Noel ra đó mà xem. Ngoài cơm bình dân không có gì hết. Đĩa cơm với 1 quả trứng, mấy lát thịt, ít dưa chuột thái, bát nước sôi pha bột canh thả mấy cọng hành lên trên. Tôi đã chén 7 bữa như thế (bao gồm cả bữa sớm) dịp cuối 2006. Chế độ "lao tù" cho dân du lịch trái mùa?
    Còn nói về hoang sơ thì ĐN ơi, đừng mong. Ông anh rể tôi nói 12, 13 năm trước ra đó làm cái đài ra đa biển trên đỉnh núi (không nhớ đỉnh Thánh Giá hay Chúa) đi xe tải có lúc phải chặt cây che ngang trên đầu cho chui lọt; có lúc phải dừng xe chờ khỉ qua đường hết lại đi tiếp. Bây giờ thì suốt dọc "huyện lộ" sạch sành sanh như chưa bao giờ có rừng. Mấy tiếng lội trong rừng lên Sở Rẫy tôi không gặp con thú nào cả, dù rằng bây giờ người ta lại trồng cây ăn trái trên đó chỉ để làm thức ăn tự nhiên cho chúng nó. Ngoài mấy con bị nhốt trong chuồng ở Sở Rẫy ra thì chả thấy con nào ở ngoài.
    Nếu cứ nhìn "rừng" như bây giờ thì không thể hiểu ngày xưa các tù nhân chuẩn bị vượt ngục đóng thuyền, đóng mảng bằng gì, dấu thuyền mảng ở đâu được.

    Trả lờiXóa
  9. @a HT:Côn sơn bây giờ khác xưa rồi pác ơi (về mặt Divu).Nhưng dù sao thì nó cũng hơn nơi khác về mặt thiên nhiên...!

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!