Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2008

ĐI CÔN SƠN

Buổi chiều mấy hôm trước,đang ngồi nghĩ kế có cách nào trốn nhà để rủ mấy thằng bạn hẩu đi lai rai ở đâu đó thì cơn mưa chiều ập tới. Đang tặc lưỡi tiếc rẻ vì cơn mưa làm mất đi cái sự sướng, chợt nghe tiếng nói của “Chị Hai” thoảng trong tiếng mưa:
- Này anh “Mõ", anh xem có thể xếp cái “Tù và” lại, thu xếp đưa vợ con đi đâu đó ít hôm có được không?
- Hả? Mẹ nó nói gì?
- Trời ạ! Sao trông cái bản mặt ông cứ như người thua chứng khoán thế. Làm - ơn - thu - xếp - đưa - các - con - đi - nghỉ…Mẹ sắp nhỏ dằn từng tiếng. Nghỉ hè, thấy chúng nó ru rú ở nhà đến tội. Tiếng “Chị Hai” lầ̀u bầ̀u nghe đến phát sợ.
Từ cái đận nhận giấy Hưu đến giờ, cái thằng tôi tự nhiên sinh ra chứng sợ đi xa. Bạn bè ai rủ đi, dù chỉ ở ngoại ô thôi là cũng lắ́c đầu nguầy nguậy. Chả trách, khi nghe vợ nói, không biết là nên đi nghỉ ở đâu? Mũi Né, Nha Trang…ư, những chỗ đó đông bỏ mẹ! Chỉ chen lấn thôi cũng đủ thấy mệt. Không hiểu sao chợt nghĩ đến Côn Sơn, nơi mà cách đây hơn 20 năm về trước, thằng tôi đã từng xách từng can dầu đi bán cho ngư dân ở đó. Nay có lẽ nên quay về thăm lại nơi đó xem thế nào. Nghĩ vậy, liền nói với bà xã:
- Đi Côn Sơn nhé!
- Đi đâu cũng được, miễn là đừng ở cái chốn đô thành đầy bụi bặm này.

Thế là thoáng như một giấc mơ, ngày hôm sau chúng tôi đã đặt chân xuống Côn sơn. Phong cảnh ở đây vẫn như ngày nào. Màu xanh bát ngát của rừng núi và mầu xanh của biển như muốn lẫn vào nhau. Trông thật hoang sơ và hùng vĩ.

Côn Sơn là một quần đảo có tổng Dt là 76 km2. Nó bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ và chỉ có 2 đảo có nước ngọt. Đảo nơi chúng tôi đến có tên là Côn đảo (tên đặt sau ngày giải phóng), nó còn có tên gọi khác là đảo Gấu lớn. Đảo có Dt là 51,520 km2, chiều dài 15 km chiều ngang có chỗ rộng 9 km, có chỗ hẹp 1 km và độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 3m. Dân số khoảng 7000 ng thuộc 9 khu dân cư. Điều làm tôi ngạc nhiên là những cư dân sinh sống ở đây đa phần nói giọng Bắc hay Trung ( nói tắt là tỉnh Bình Tĩnh).Thậm chí có cô gái khi tôi hỏi chuyện, cô nói quê ở tận địa đầu nước ta là Tiên yên (Móng Cái).

Di tích lịch sử ở đây, ngoài bảo tàng tội ác, còn khu nhà tù Pháp, Mỹ, nghĩa trang Hàng dương. Thắng cảnh thì có vườn quốc gia, Bãi đầm trầu và Bãi ông Đụng…Hình như chủ trương của chính quyền nơi đây là cố gắng giữ nguyên vẻ hoang sơ cho đảo, cho nên đến giờ chỉ có vài dự án được duyệt và đang được triển khai. Tôi ngỏ lời với cô HDV giới thiệu nơi mua Lan rừng, thì được trả lời là điều đó là bất khả vì chính quyền cấm khai thác và người dân ở đây cũng ý thức được nên tôi cũng không thấy nơi bán. Các DIVU ở đây cũng đã được các nhà làm Du lịch để mắt tới, mặc dù chưa được như ý lắm nhưng cũng ở mức chấp nhận. Các món đặc sản thì khỏi nói, giá cũng tầm tầm…cá Mú sao giá khoảng 250 k/1kg, ăn sống chấm Mù tạc hoặc nấu lẩu thì hương vị thật đậm đà. Cá Chình 180 k/1kg đem nướng muối ớt, đầu và đuôi nấu măng Côn đảo thì có mà miễn “cò men”. Gà “đi bộ” của Côn đảo thì khỏi phải “lói” nhé. Các món ốc như Vú nàng, Bàn tay, Đá hoặc ốc Kim thoi hay ốc Động thì khi thưởng thức, nghĩ đến cô bạn HB đang sống ở Hà “lội” nên đã kịp làm một bộ sưu tập các món ốc “Ngó” để gửi cô bạn của mình. Món đặc biệt nhất là món Trùn biển đem nấu với Mướp làm món nhắm thì hãy tợp một ly, ăn một miếng rồi hãy nhắm mắt lại huy động khứu, vị giác để thưởng thức vị thơm, ngọt ,giòn sần sật của miếng thịt Trùn biển rồi thốt lên : Ố là la…

Ngày đầu đi thăm bảo tàng, để khỏi nghe tiếng thuyết minh đều đều của cô bé Hdv, tôi lẻn sang phòng khác ngắm các hình chụp các bậc tiền bối thì bắt gặp hai hình chụp liền nhau,trông bức hình có cảm giác quen quen và trông ông cụ thời trẻ sao mà đẹp trai thế! Thế là giương máy lên, nháy một cái, nay đưa lên để các bạn đoán xem là bậc phụ huynh của ai?

Phải công nhận chế độ nhà tù thời Pháp - Mỹ, ngụy đem lại những cảm xúc thật là khó tả, nhất là khu chuồng Cọp của Pháp và Mỹ, ngụy. Khi xem, nó mang lại cho ta sự xúc động đồng thời là một cảm giác nặng nề…Đứa con gái nhỏ của tôi đêm về không ngủ được, lục đục suốt. Khi hỏi, nó nói: Con cứ nhắm mắt lại là những hình ảnh đó lại hiện lên, không làm sao ngủ được. Con sợ ! Thật là một giáo cụ trực quan tuyệt vời cho một bài học lịch sử. Tôi chắc rằng đến khi bằng tuổi tụi mình, cô bé vẫn không thể nào quên…

“Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận
Hết lớp này, lớp khác dập lên trên
Mặt phẳng lì không mộ đất nhô lên
Không bia mộ,k hông tên và không tuổi”
Nghĩa trang Hàng Dương có dt khoảng 20 ha,gồm 4 khu A, B, C, D. Nó đã được tôn tạo và khởi công xây dựng ngày 19/12/1992. Phía ngoài là nhà tưởng niệm và một quả chuông nguyện rất lớn. Qua cổng chào ta được thấy khu vườn đá với các tượng và phù điêu…

Khu hành lễ và tượng đài chính có đế 9m . 9m, chiều cao 21,6m,chiều rộng đáy 2,16m, chiều rộng đỉnh 1,26m.T ượng đài được tổ hợp từ 144 phiến đá khối đồng thời là 144 bản trạm khắc những lịch sử hàng ngàn năm của văn hóa dân tộc ta.
Nghĩa trang quả thật là rộng lớn và phong cảnh rất hữu tình. Có rất nhiều ngôi mộ không tên và có những mộ chôn tập thể…các bia mộ quay mặt đủ mọi hướng.T heo lời hdv, khi khai quật lên, người chết quay mặt về hướng nào thì bia quay hướng đó.
Khi lên tới mộ cô Sáu, hương khói nghi ngút từ lúc nào. Dân nơi đây gần như ngày nào cũng vậy, họ thay nhau hương khói cho Cô. Trên đảo này, không có chùa hay nhà thờ, tín ngưỡng của họ là mộ cô Sáu và một ngôi nhà nhỏ thờ bà Phi Yến (Lê thị Răm ) vợ thứ vua Nguyễn Ánh. Những ngày giỗ chạp, rằm hay lễ Tết…họ dâng hương, mâm quả với tất cả tấm lòng thành. Gia đình tôi thắp hương, khấn Cô hãy phù hộ, độ trì cho tất cả mọi người sức khỏe, thành đạt...Nghe nói mộ cô Sáu thiêng lắm.
Chỉ có điều đáng tiếc là nghĩa trang Hàng Dương bây giờ rất ít loại cây này, hầu như chỉ còn lác đác vài cây cổ thụ rải đây đó trên nghĩa trang. Thay vào đó là những tán cây bàng, cây bằng lăng và những loại cây rừng khác.


Côn đảo mùa này hoa Tràm nở rộ, các bãi tắm như bãi Đầm trầu…cát rất mịn, nước biển trong xanh và sạch. Sẽ rất là một nơi lí tưởng cho những ai đặt chân đến nơi đây bởi nó vẫn còn nguyên nét hoang sơ và không khí rất trong lành. Chỉ có điều khuyến cáo là nếu có dự định nghỉ ở đây, các bạn nên sắm cho mình thuốc chống muỗi vì muỗi là loại động vật nhiều nhất nơi đây khi đêm về. Nhớ mang theo một thùng Votka, nếu có dự định ở lâu (1 tuần) và có tâm hồn ăn uống.
Chúc các bạn cùng gia đình có một kì nghỉ hè vô cùng lí thú và bổ ích.

(Bài viết có sử dụng tư liệu của ban quản lí di tích lịch sử cách mạng Côn đảo. Xin chân thành cảm ơn)

16 nhận xét:

  1. Hai bài về Côn Đảo post liền nhau mà vẫn hay,hấp dẫn.Mỗi ông mỗi vẻ giúp ae hiểu về địa danh này.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  2. AK7 có ăn lương của Công ty du lịch nào không mà quảng cáo dữ vậy? Mà mang 1 thùng Vodka ra thì uống với ai cho hết?

    Trả lờiXóa
  3. Cũng muốn một lần nào trở lại Côn Đảo, để đi lên tận đỉnh Thánh Giá, để được thưởng thức các món ngon trong mùa du lịch, ...
    Ngứa mồm, đành giới thiệu lại bài đã viết sau chuyến đi ngắn cuối năm 2006.

    Trả lờiXóa
  4. Ảnh trong bài là đồng chí Hà huy BỐ của 2 "đồng chí"Hà chí...Cám ơn VA cho biết nhiều thông tin!Ba tôi sau cuộc khởi nghĩa nam kỳ cũng bị đày ra đó.Chưa có lần nào ra Côn đảo chính thức,toàn là ghé tránh bão nên chưa nhìn rõ mấy?

    Trả lờiXóa
  5. Hễ cứ đi đâu xa là quan sát, hỏi thăm và chụp hình về kể chuyện với mọi người đã thành thói quen của anh chị em ta. Bài viết khá kỹ, kết hợp bài HM tạm đủ hướng dẫn cho vợ con đi thăm Côn đảo. Phần còn lại là của bọ (thùng Vốt ca) còn thiếu địa điểm, tên quán...đ/nghị bổ sung.

    Trả lờiXóa
  6. @ĐN:Tên quán là Tri kỉ.Từ nơi nghỉ (Sài gòn - Côn đảo)đi ra quán(đi bộ)khoảng mươi phút.Cùng có vài quán,nhưng theo tôi ở đó họ nấu ăn theo yêu cầu(khẩu vị)khá ngon.Ngoài các món đã kể,còn có món Đẻn đem nấu cháo đậu xanh thì trên cả tuyệt vời(khá rẻ,so với Sg).

    -"diêu" đem đi,nhớ gửi theo hành lí.Đừng xách tay.

    Trả lờiXóa
  7. Sao đoạn đầu là mã tổ hợp mà đoạn sau lại là mã dựng sẵn nhỉ, bài của ak7 ấy. Chắc là soạn làm hai lần, ở hai máy khác nhau?

    Trả lờiXóa
  8. VA trở thành nhà văn từ khi nào vậy mà viết hay quá ta,(tôi hỏi nhỏ nhé, đi với Gấu mẹ, ông có ABC với HDV như hồi đi Q Lâm kg đấy).
    TrM K7

    Trả lờiXóa
  9. @aHT:Ko phải đâu,khi viết bài bên W,dùng Times New Roman và U dựng sẵn.Bà xã làm giáo án lại dùng VN1-Times.Nên khi paste qua UT,do ko để ý nó vậy.Đã chỉnh sửa,đêm qua thấy no vấn đề j.Ko hiểu sáng ra lại thành như vầy?Thôi kệ,để Vnq có việc mà làm.Ko nó cứ bỏ bê trang Ut này để đi Hưởng lạc...thì có mà loạn...!

    Trả lờiXóa
  10. @TMèo:Có "tí ti",mặc dù "Chị hai"quản chặt,nhưng vưỡn...!

    Trả lờiXóa
  11. Trong Nghĩa trang Hàng Dương : các khu A, B, C bao gồm các mộ vốn đã có ở đó. Riêng khu D là các mộ quy tập từ các đảo nhỏ xung quanh về. Hầu hết các ông bị đưa ra đây sau Nam kỳ 40 đều bị giam ở các đảo nhỏ.

    HMK6

    Trả lờiXóa
  12. Cậu Tr đã hỏi nhỏ, không lo cho bạn, mà ak7 dám trả lời to, thật là gan dạ.

    Trả lờiXóa
  13. Cám ơn ak7.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  14. Ba tôi cũng từng bị giam ở Côn Đảo, hình như vào đầu những năm 40 thì phải.

    Trả lờiXóa
  15. @AK7: Việc nào ra việc nấy chứ! Vui "hưởng lạc", ko quên nhiệm vụ"

    Trả lờiXóa
  16. Côn đảo không có nhà thờ, chùa chiền, vì,
    như các tôn giáo đã nói, khi chết anh sẽ hoặc lên cõi rất tuyệt vời hoặc xuống địa ngục,
    nhưng bản thân Côn đảo trước kia là địa ngục trần gian, mọi tôn giáo đều không cải thiện được gì cho con người ở đảo (gồm người tù, cai tù, một số rất ít thường dân),
    bởi vậy, con người ở đảo đã quên đi sự hiện diện của các tôn giáo.
    Cuối cùng, họ kính trọng những người kiên cường không biết khuất phục, và,
    sự kính trọng trở thành "tôn giáo" của họ, với biểu tượng là "cô sáu".
    Tôi nghĩ là như vậy.
    HCQuang

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!