Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Râu tôm - minh họa

Về việc a.TM dẫn hình chiếc râu tôm khổng lồ, cho tui "dơ tay phát biểu" như sau: Hôm đám giỗ bác Ba Tạo, do tui tới trước a.TM chừng tiếng rưỡi nên có nhiều thời gian ngắm nghía cây gậy. Với kiến thức hạn hẹp về thế giới sinh vật biển (đặc biệt là những sinh vật biển dưới độ sâu một vài km, hoặc của quá khứ), thì tui không thể lập "kết luận khoa học" được. Nhưng tui tin vào thông tin do gia đình bác Ba cung cấp.
Và xin gởi bà con hình minh họa về sự khổng lồ của sinh vật biển dưới độ (rất) sâu, hình con mực dài 8 mét, nặng 250 kg bị chết dạt lên bờ biển Tasmanie - Úc, và hình con mực dài 9 mét đang bị cá nhà táng dở trò (chụp ngày 15/10/2010 bằng máy tự động phục kích dưới độ sâu từ một tới vài km).

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

RÂU TÔM HÙM

Hôm rồi tôi và anh Chí được mời ăn giỗ bác Ba Tạo ( Nguyễn Văn Tạo). Anh Chí mải ăn nên không biết, còn tôi may mắn được chiêm ngưỡng một kỷ vật của bác Tôn tặng bác Ba .
Tôi xin mạn phép nhà anh Tlai giới thiệu về kỷ vật này. Vâng , đó chỉ là một cái batoong đen bóng như gỗ mun, khá nặng như làm bằng sừng trâu vậy. “Cây gậy” này thực ra vừa là kỷ vật nhưng đồng thời cũng là báu vật. Nó là báu vật thật đấy AE ạ. Báu vật “độc” nhất thế giới luôn. Nó vượt xa tất cả trí tưởng tượng phong phú của mọi người. “Cây gậỵ” đó, nếu được xem xét đúng mức sẽ tựa như quả bom nổ giữa các Phòng nghiên cứu sinh học thế giới.
Xin gửi đến các bạn lời kể của chị Thủy (con Bác Ba). Đọc xong, các bạn sẽ thấy mấy lời “phi lộ” bên trên của tôi thật khiêm nhường:
“…Đây là cây gậy của bác Tôn cho ba chị. Bác Tôn nói với bác Ba : cây gậy này là …cọng râu của một con tôm hùm. Anh em tù mình, khi làm cầu tàu Ma Thiên Lãnh( Côn Đảo) bắt được đem làm gậy tặng tui. Bữa đó mần con tôm, thịt chứa đầy hai thùng thiếc lớn, ae ăn xong nhiều người bị đau bụng phải xách quần chạy…”.
* Ảnh anh Triều( anh của TL) và cọng râu tôm.
SG 30/8/2011

Một số bài hát về bộ đội

 Nghe lại một số ca khúc quen thuộc cuối thập niên 70 và đầu 80 thế kỷ trước, cũng là cách ôn lại những giai đoạn đã qua.

LỜI TẠM BIỆT TRƯỚC LÚC LÊN ĐƯỜNG

Sáng tác: Vũ Trọng Hối
Trình bày: Tốp ca nam
Ngày ra đi, hướng biên cương, gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt.
Nòng súng thép, dáng câu thơ,
Ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt.
Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom
Ngọn nguồn đau thương trải qua nhiều rồi
Việt Nam ơi! Việt Nam ơi!
Trái tim Việt Nam, tình yêu cuộc sống.
Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom
Quyết chiến thắng!
Cho hôm nay, cho con, cho cháu và cho khắp mọi miền.
Đời tuyệt đẹp, gió bát ngát, xanh xanh câu hát trời trong sáng tuyệt trần.

Ngày ra đi, hướng biên cương, có em tiễn đưa mà mắt lệ ướt.
Về đi em, nếu yêu nhau, hãy yêu rộng hơn cả non nước một thời.
Cầm bàn tay em nào anh nói gì nhiều đâu,
Cuộc đời thanh xuân là thôi nhé tạm biệt,
Dòng nước mắt, dù thiêng liêng, vẫn không làm cho giặc kia lùi bước.
Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom
Quyết chiến thắng!
Cho hôm nay, cho con, cho cháu và cho khắp mọi miền.
Mùa quả ngọt, trái sẽ chín, anh đi em nhé vì chân lý ngời ngời.  


CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI BIỂU TÌNH BỊ BẮT

Vũ Ngọc Tiến  
Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Anh tuổi Nhâm Ngọ, nếu tính cả tuổi mụ thì anh vừa tròn 70 tuổi, nhưng còn khá phong độ. Dáng người thấp đậm, gương mặt trẻ trung, phúc hậu và đôi mắt một mí biết cười. Lòng bàn tay anh đỏ hồng, đôi gò Kim Tinh  và Thái Âm dầy dặn, ấm nóng. Ngồi đối diện anh uống café, nếu dồn hết tinh lực mà dùng thuật Bát Sát trong sách xem tướng để quan sát toàn diện chừng dăm phút, tôi như thấy một viền sáng rất mảnh và trong suốt của thể Phách bao quanh thân hình. Tướng người như thế, gặp một lần là có thể tin ngay, yên tâm kết bạn lâu dài…
 Trong ảnh: Nhà văn Vũ Ngọc Tiến (thứ 3 từ trái qua, đứng sau giữa GS Nguyễn Huệ Chi và nhà văn Nguyên Ngọc)

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Chủ tịch nước bị mất tích!


Tôi xin kể sau đây câu chuyện mà tôi từng được nghe chú Ba Tô Ký trực tiếp kể hồi ở Hà nội, khoảng năm 1970. Tất nhiên là nghe lóm vì chú kể với người khác mà tôi vô tình được có mặt! (Tôi nhớ hình như còn có mấy bạn Trỗi cũng có mặt khi đó).
Chú nói: Cụ Tôn vốn là dân thủy thủ lang bạt khắp nơi, vậy mà bây giờ ổng bị “quây” hết cỡ, hổng đi đâu được. Tôi nghiệp! Bởi vậy anh em Nam bộ ngoài này có rảnh vẫn thường tới thăm cho Cụ vui.
Rồi chú kể câu chuyện thế này:
Có một lần chú Ba tới thăm Cụ Tôn. Đám bảo vệ nói Cụ đang nghỉ. Chú nói thì tôi vô thăm Cụ bà. Quen rồi, nên họ cũng để chú vô. Lên nhà thấy Cụ ông đang ngồi uống trà một mình kêu chú vô ngồi chơi. Chuyện vãn một hồi, chú hỏi Cụ có thèm thịt chó không? – Tụi nó đâu có cho! – Vậy là chú rủ Cụ đi.
Xuống nhà, chú Ba đưa Cụ Tôn vô băng sau xe (hồi đó chú thường tự lái cái co-măng-ca đít tròn, cửa sau lúc nào cũng kéo rèm). Chú nói Cụ nằm xuống, lấy cái áo mưa phủ lên rồi đánh xe ra cổng, nói với đám bảo vệ: Cụ ông mệt, tôi về để Cụ nghỉ. Rồi chạy xe thẳng xuống gần Bạch Mai, chỗ có mấy ông Nam bộ ở đó, mời Cụ một chầu thịt chó đã đời.
Tới chiều trễ, đám bảo vệ không thấy Cụ Tôn xuống nhà, sợ Cụ bệnh vội lên xem thì Cụ bà nói: Ổng đi từ trưa rồi! – Hoảng hồn, đám bảo vệ báo động về Cục huy động quân đi tìm “chủ tịch nước bị mất tích!”. Một mặt gọi điện cho chú Ba. Lúc đó chú mới cười lớn: Yên tâm đi. Cụ dzui quá nên hơi mệt đang nằm nghỉ trên nhà tôi nè!
Chú Ba kể tới đó rồi cười hà hà và nói: Tụi nó đưa 2 xe tới nhà tôi đón Cụ về. Rồi từ đó, hễ tôi tới thăm Cụ là tụi nó đề phòng, xem xét kỹ lắm!
Hình: chú Ba Tô Ký

Thạch thất nữa nè .

Bọn cá cờ đực hay nhả bọt và nằm dưới đám bọt ấy chờ ... " người iu " . Những con cá cờ đó rất sẵn lòng đánh nhau với bất cứ ai dám làm phiền chúng . Và chúng không bao giờ biết được có những thằng sẵn sàng trốn học bất kể lúc nào để mang chúng về làm đấu sỹ .
Ngày ở Thạch Thất bọn tôi cũng hay tổ chức những trận thư hùng cho chúng . Những kẻ thắng trận thì tơi tả nhưng chủ nhân của chúng thì vô cùng hả hê ngược lại hoàn toàn với những kẻ bại trận .
Một buổi trưa hè oi ả nắng vỡ đầu .
Và cũng buổi trưa đó chỉ có hai thằng ham chơi là mình và Lê Tuấn ( Tuấn mập ), lang thang qua từng thửa ruộng tìm bắt bọn cá cờ đực . Hình như bọn cá cũng trốn nắng nên hai thằng không bắt được con nào .
Khi mình vừa nhìn thấy một đám bọt lớn và chắc mẩm mình sẽ có một con trùm thì Lê Tuấn kêu to :
- Kiên ơi ! Tao bị rắn cắn rồi .
Vội bỏ đám bọt hấp dẫn đó , mình chạy vội lại chỗ Tuấn . Dấu cắn vẫn đang chảy máu nhưng kẻ gây án mất dạng .
- Nó đâu rồi ? Mình hỏi .
- Tao không biết . Khi vừa bị cắn tao tóm lấy nó và quăng đi rồi . Tuấn nói .
- Có phải rắn độc không ? Mình hỏi . ( Công nhận là hỏi ngu thật ) .
- Tao cũng không biết , nhưng hình như là rắn độc .
Thế thì nguy hiểm thật . Mình vội rút giải rút quần đùi ra buộc chặt lên trên chỗ rắn cắn và thắt nút cẩn thận . Tình thế cực kỳ gian nan . Mình dìu Tuấn vào bờ và cõng Tuấn chạy về .
Quãng đường cũng khá dài . Hai thằng cứ mê mải tìm bọn cá cờ mà không biết rằng đã ở cách nhà đến 3 cây số . Dọc đường Tuấn cứ nài nỉ :
- Kiên ơi . Mày cứ thả tao xuống đi bộ cũng được mà .
- Không được . Mày đi bộ là nọc rắn nó sẽ dễ dàng làm mày chết ngay . Mình nói . ( Đoạn này tụi mình đã được học từ hồi ở trại Cau rồi ) .
Cuối cùng thì mình cũng đưa nó về đến chỗ chú y tá của trường .
Sau khi xem xét kỹ lưỡng , chú y tá phán một câu làm hai thằng đen thui vì nắng và ướt đẫm vì mồ hôi thất kinh :
- Rắn nước cắn . Rửa sạch chân đi để bôi cồn .
Ui giời .

Thương hiệu nông sản Việt Nam đang bị tấn công?

Trước đây khi nói đến “tấn công”, người ta thường hình dung đến một hành động hữu hình, quyết liệt giữa những thực thể tự nhiên. Nhưng giờ đây... 
Nhiều cuộc “tấn công” vô hình nhưng mức độ quyết liệt lại rất cao mà không phải lúc nào con người cũng nhận ra được, như những cuộc “tấn công” trên internet hay “tấn công” vào nhân cách, uy tín của con người, thương hiệu của sản phẩm... 

Tư liệu

Nhân tiện hôm nọ hộ chị VTM, vào trang You Tube thấy clip này có nhận định về Chiến tranh biên giới Việt-Trung 17/02/1979 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đăng lại để anh em tham khảo.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Xâm lấn kinh tế mới nguy hiểm

"Xem ra thì hiện nay người Việt Nam rất quan tâm đến những hòn đảo đã bị mất và có thể sắp mất ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng ít người để ý đến một cuộc xâm lấn kinh tế. Cuộc xâm lăng này lại được nhiều đồng lõa làm nội ứng. Cuộc xâm lăng nhẹ nhàng, chậm chạp mà chắc chắn; nếu không ngăn ngừa ngay thì sau này cũng rất khó tháo gỡ...."

"Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 16 tháng 6 năm 2011 trên 90% gói thầu thuộc lĩnh vực khác nhau rơi vào tay Trung Quốc, thì việc “ngành năng lượng điện tại Việt Nam ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc cũng không có gì làm lạ”. Phụ thuộc nghĩa là thế nào? Liệu có lúc nào các nhà máy điện do Trung Quốc xây có thể cùng ngưng chạy một lúc hay không? Chuyện rất khó xảy ra. Nhưng nếu người ta cố ý thì chuyện gì cũng có thể làm được"
Tháng trước, nhiều báo, đài và mạng thông tin đã ồn ào về cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở vùng giáp giới Việt Nam trong các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây.
Nhưng dù Bắc Kinh cố ý biểu diễn sức mạnh quân sự sát biên giới nước ta thì người mình cũng không cần sợ.

Một Đời Người Một Rừng Cây

Sáng tác: Trần Long Ẩn
Trình bày: Trọng Tấn

Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây
Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nghĩ về nhiều người
Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như là ánh lửa chiều hôm, khi gió về
Cây đã mọc từ thủa nào, trên đồi núi thật cằn khô
Cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ
Và em như chùm lan mọc, từ những cành cổ thụ già nua
Và tôi vẫn nhớ hoài một lòai cây, sống gần nhau thân mới thẳng
Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai
Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình
Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành
Phải không anh, phải không em?
Chân lý thuộc về mọi ngừời, không chịu sống đời nhỏ nhoi
Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người
Ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân 

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Rỗi rãi thì đọc

Để thấy được những mưu đồ thâm hiểm của các “thế lực thù địch” lợi dụng "tự do dân chủ" kích động nhân dân. Sau vụ biểu tình tại Hà nội của những người yêu nước hôm chủ nhật 21/8/2011. Với lý luận "sắc bén" tác giả Vũ Duy Thông có bài “Cần nhận rõ những mưu đồ thâm độc” đăng trên Báo điện tử Hà nội mới, trong đó có đoạn: 
"Thể hiện lòng yêu nước có nhiều cách. Thể hiện bằng lời nói, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả phù hợp với năng lực, và trong khuôn khổ pháp luật thì các hoạt động hô hào cũng là một cách nhưng lại không mang lại hiệu quả nhất. Không chỉ thế, những người có ý đồ xấu thường lợi dụng hình thức biểu tình, tụ tập đông người này (mà nhiều người tham gia thường nhẹ dạ, cả tin, không biết mình đang bị lợi dụng) để thực hiện những mưu đồ của họ... ". 
PGS - TS Vũ Duy Thông là ai? 
Vốn là một cây bút "sắc sảo" của ngành Tuyên giáo, tiến sĩ, nhà thơ Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản Ban tuyên giáo TW, người từng trả lời phỏng vấn hồi tháng 11/2010 phê phán Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vì chất vấn chính phủ …Sau khi bài "Cần nhận rõ những..." được đăng trên mạng đã có rất nhiều phản hồi của bạn đọc đối với bài này. 
Để đánh giá một sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau như thế nào? giữa tư duy, nhận thức chính trị của một PGS – TS, nhà báo của Đảng khác với tư duy nhận thức của một blogger khá có tiếng “lề trái” khi nhìn nhận sự việc, qua phản hồi bằng một "thư ngỏ" của blogger Jb.NHV.

PS: Blogger này đã từng bị lão KVK7 "dọa nạt" 

Khảo sát văn bản của chính quyền

(bác nào ngại đọc cái gọi là thông tin "lề trái" nên "tua" qua)
KHẢO SÁT VĂN BẢN THÔNG BÁO NGÀY 18/8/2011
Phạm Xuân Nguyên

Thí vấn dư sở phạm hà tội ?
Tội tại vị dân tộc tận trung!
(Hồ Chí Minh)

Phạm tội gì đây, ta tự hỏi
Tội trung với nước, với dân à?
(Nam Trân dịch)

Bản thông báo của UBND thành phố Hà Nội phát đi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày 18/8/2011 đã lập tức thành một “văn kiện lịch sử” về nội dung răn đe, ngăn chặn người biểu tình yêu nước và về hình thức bất chấp lề lối pháp quy của việc ban hành một văn bản hành chính. Nhiều người đã khảo sát “văn kiện” này dưới hai góc độ ấy. Ở đây tôi thử làm một phép khảo sát văn bản dưới góc độ ngôn ngữ học.

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

100 năm ngày sinh ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hôm nay ngày sinh của ĐẠI TƯỚNG, tròn 100 tuổi 25/8/1911 - 25/8/2011. Đây là tấm thiệp cảm ơn với chữ ký do chính ĐẠI TƯỚNG ký cảm ơn các các đồng chí đã đến chúc thọ.
Nhân dịp này ÚT TRỖI xin kính chúc ĐẠI TƯỚNG khỏe!

Kỷ niệm ở Thanh Sơn-Phú Thọ



Tiểu đội của tôi

Nhập ngũ 06 tháng 01 năm 1972 cùng với Vũ Trung(K8 Trỗi), Y Hòa(K 7 Trỗi), Chấn Hưng(K22 Trãi), Phương Bình(K7 Trỗi), Thanh Sơn(K22 Trãi), Lương Hòa(K22 Trãi), Nho( K22 Trãi),Ngô Tất Thắng(K7 Trỗi),...biên chế vào C42 D54 E59 huấn luyện tăng cường cho mặt trận Quảng Trị của Bộ tư lệnh Thủ Đô, sau đó tôi được trên điều động sang đơn vị mới đó là Z1E205 Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc đóng quân trên địa bàn của một xã miền núi huyện Thanh Sơn ,Phú Thọ. Tiểu đội của tôi là tiểu đội "Con cưng" của tiểu đoàn bộ Z1 gồm Thái Hòa "Khọm"(K 6+7 Trỗi), Lê Vân(K 7 Trỗi), Hồng Hà(K 7 Trỗi), Hà"Mít"(K 7 Trỗi), "Tề"Phúc(K 7 Trỗi), Thống Nhất(K 7 Trỗi) và 5 chàng thanh niên của Đông Anh, Gia Lâm Hà Nội cùng Trần Hải, cháu của Trung tá Trần Bạo - Trung đoàn trưởng E205 nữa; trong đó tôi là Binh nhất, còn các chàng kia là Binh nhì. Tiểu đội trưởng của chúng tôi là Hạ sỹ "Mốc" Nguyễn Văn Thuộc, người Nghi Tàm, Quảng Bá, Hà Nội. Sở dĩ vì sao chàng được gọi là "Mốc" thì tôi không rõ, nhưng hình như cũng gần chục năm "Chống gậy tìm sao" rồi. Hồi đó chúng tôi là những chàng lính vừa rời ghế nhà trường, trẻ măng, mặt còn lông tơ, tuổi vừa chớm 18, còn chàng tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thuộc mới 28, nhưng trông đã già dặn so với lũ chúng tôi lắm rồi, dáng nhỏ thó, vui tính, nhanh nhẹn và chưa vợ. Chúng tôi huấn luyện tân binh thời gian đầu ở nhà dân trong bản gần tiểu đoàn bộ. Thời gian này vất vả nhưng thắm đậm tình bạn bè, đồng chí. Ngoài những thời gian ban ngày lao động xây dựng lán trại, học chính trị và tập kỹ chiến thuật Thông tin liên lạc, buổi tối chúng tôi quây quần bên bếp lửa nhà sàn uống chè"Bồm" hoặc cà phê "Bít tất" tán dóc về những món ăn ngon của Hà Thành hay những kỷ niệm tuổi học trò ở trường Trỗi hay trường Nguyễn Trãi, Hà Nội.Tôi và Hồng Hà còn tranh cãi nảy lửa về "Thế nào là giờ GMT?", mãi nhiều năm sau này khi gặp lại ở quán giải khát đầu ngã tư Điện Biên Phủ cắt Hoàng Diệu, Hồng Hà mới công nhận tôi đúng, sau khi "Bật mí" là có tham khảo ý kiến "Ông già"(Thiếu tướng Lê Liêm, thứ trưởng Bộ Văn Hóa). Lê Vân( Con Chính ủy Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc-Thiếu tướng Lê Cư), tiểu đội phó, dáng đậm chắc, chín chắn, cương trực. "Tề" Phúc chàng trai hay hát(Con Thiếu tướng Phục-Cục trưởng Cục Chính sách quân đội), tôi biết hát một vài bản tình ca và dân ca Ý hay Nga là học"Mót" của chàng này. Thống Nhất cao gầy, đẹp trai và đỏm dáng nhất tiểu đội(Con Đại tá Nguyễn Thông-Chánh Văn phòng TCCT quân đội), tuy cũng là quân phục nhưng chàng này mặc vào và tay lúc lắc đồng hồ Rolex là ăn đứt siêu người mẫu Bình Minh, làm không biết bao bóng hồng trong đơn vị bị "Say nắng". Thống Nhất nổi tiếng đơn vị về tài thiện xạ, chẳng là chàng được bố cho mượn khẩu súng thể thao và một cơ số đạn"Khủng" nên Chủ nhật nào tiểu đội tôi cũng được một bữa tươi với chim cu xanh hay gà rừng. Hà"Mít"(Con tướng Kinh Chi-Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội), thấp bé nhẹ cân nhất tiểu đội, xứng với danh"Mít" từ hồi ở trường Trỗi....

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Tản mạn chuyện câu cá.

Hoài Phúc

Đọc bài “Câu cá hồi ở Alaska“. của bạn Minh Phượng, tôi nhớ là mình cũng có 2 lần đi câu cá ở Quế Lâm.

Lần thứ nhất đi cùng Bá Bình. Thật ra tôi chỉ là người đi theo. Mọi thứ đều do Bá Bình chuẩn bị. Điều tôi muốn nói ở đây là chiếc cần câu rất chi là quái dị, chắc chẳng ai có. Cần câu làm bằng cây thước kẻ. Dây là sợi giày cao cổ mà chúng ta hay đi hồi đó. Lưỡi làm từ cây đinh. Vị trí thả câu là nhánh sông con sát với trường Y Trung. Bằng cái cần câu kỳ quái ấy Bá Bình đã câu được một con cá quả khá to đang nuôi con. Đúng là “Cá Chuối đắm đuối vì con“.

Bàn về câu thành ngữ này, tôi xin dẫn sự tích như thế này:

Cá Chuối (cùng họ với cá Lóc ở miền Nam) sau khi "ấp" trứng nở ra một đàn con thì trở nên rất dữ. Trong thời gian "nghỉ hộ sản này" mấy anh như cá Cờ, Lòng tong hay Nhái bén ...mà vớ vẩn loanh quanh tổ là nó "bụp" chết tươi ngay...

Tương truyền,có con cá Chuối Mẹ sợ con đói, nhảy lên bờ nằm giả chết cho kiến bu vào, rồi lăn tòm xuống ao, đem theo cả lũ kiến làm mồi cho con(!). Nhưng có một lần, cá Mẹ nhảy lên bờ quá xa, cố chờ cho lũ kiến bu quanh nhiều đủ cho các con ăn; trưa mùa hè nắng như thiêu như đốt, cá Mẹ kiệt sức không còn đủ sức để nhảy trở lại hồ nữa, đành nằm chịu chết khô cho lũ kiến rỉa thịt (nên mới có thêm câu thành ngữ "Cá ăn kiến - kiến ăn cá" vậy).

Một lần khác, tôi đi câu cùng Nhân Chột. Chúng tôi phát hiện thấy một ao cá cách trường Y Trung khoảng một cây số. Mỗi thằng một cần. Cần câu lần này chính quy hơn nhiều, chỉ có lưỡi câu là phải uốn từ kim băng thôi.

Hôm đầu hai thằng câu được kha khá cá Trôi. Tại lưỡi câu tồi quá, còn không thì chúng tôi còn thu hoạch được hơn thế nhiều.

Hôm sau, quen mui bén mùi , hai thằng lại đi câu tiếp. Vừa mới giật được hai ba con, thì bỗng nhiên một đám “Trung Tàu“ đồng loạt đứng lên từ chổ nấp, la hét om xòm, bao vây chúng tôi. Y như cảnh dân da trắng bị lạc vào các bộ tộc da đỏ hay da đen trong bộ các phim nói đến các vùng Amazon hay châu Phi từ đầu thế kỷ trước. Hai thằng sợ quá, bỏ cần câu, cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Chẳng hiểu lúc đó Nhân Chột nghĩ gì mà vừa chạy, vừa quay đầu lại nói: “Nỉ hảo, Ní hảo ..“. Mấy ông Trung Tàu điên lên, đuổi càng rát. Trên đường có một người phụ nữ đang cuốc đất. Nghe thấy mấy người kia hô hoán, bà ta chạy xộc ra, giơ cuốc chặn chúng tôi lại. Trong phút hiểm nghèo ấy Nhân Chột lại: “Nỉ hảo!“. Bà ta đứng sững lại. Không có từ nào có thể miêu tả được vẻ mặt của bà ta lúc ấy. Sửng sốt? Ngơ ngác? Hơn thế nhiều. Tích tắc ấy đã cứu thoát chúng tôi.

Chạy vòng vèo qua mấy lò gạch, chúng tôi thoát về đến trường.

Nói đến lò gạch, tôi lại nhớ có lần mấy thằng ăn cắp gà của nhà bếp mang lên đó luộc. Được một lúc mấy người công nhân làm gạch cứ chỉ chỉ vào nồi gà nói : “Shủ lơ! Shủ lơ!“ Chẳng hiểu họ nói gì, mấy thằng cứ gật gật. Ba tháng sau, khi sang trường mới tôi mới dám hỏi thầy Hô dạy Trung văn. “Shủ lơ“ là gì ? Thầy nói: “Chín rồi“

Lạm bàn về mấy câu ngoại ngữ thì thế này:

Có con mèo đuổi một con chuột. Con chuột chui xuống hang. Con mèo không bắt được. Loay hoay trước cử hang một lúc, nó bắt chước tiếng gà gáy. Chuột nghe, tưởng mèo đã bỏ đi. Nó chui ra, lập tức bị mèo vồ ăn thịt. Ăn xong, mèo vừa liếm mép vừa nghĩ : “Biết ngoại ngữ cũng lợi thật”.

H.P.

TÀI CHÍNH QUỸ KHUYẾN HỌC K7 Sg

Em páo cáo với các pác:

Qũy khuyến học K7 Sg của một số bạn có tâm huyết thành lập đã phát triển được gần một năm. Tiêu chí của nó nhằm giúp con em các bạn k7 có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, gia đình Ls và các vấn đề khác...Tiền của mọi người đóng góp lúc đầu có khoảng gần 40 Tr. Số tiền này đã được gửi tiết kiệm tại ACB Bank với số lãi cho đến ngày 22/8/2011 được:

* 3,678000 VNđ
Đã chi 1,500,000 (Mừng tuổi cho 3 cháu con
bạn Tập Thanh, Lục sĩ Thanh)
500,000 (Mẹ Ls Y Hòa ngày 27/7)
300,000 (Qùa 20/11)
--------------------------------
Còn lại 1,378,000
số dư này lấy 1tr nhập vào sổ TK, số lẻ còn lại đc nhập vào quỹ lớp.
Tính đến ngày 23/8/2011 quỹ vẫn tiếp tục đc đóng góp của những bạn có tấm lòng chia xẻ là: 51,000,000 VNđ.


Nay TCCK để mọi người rõ và rất mong được nhận sự quan tâm, góp ý của các tấm lòng hảo tâm.

Đố các bạn.


Trong hình này là những ai?
Hỏi thêm:Nếu nói được địa điểm chụp thì càng tốt.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Độc giả BBC nói tới các vấn đề 'nóng' ở Việt Nam

"Nhà cho người thu nhập thấp, theo tính toán của các chuyên gia, nếu mức lương từ 2-3 triệu/tháng, sau khi trừ chi tiêu thì phải tích luỹ từ thời Lý Công Uẩn dời đô mới đủ tiền mua nhà"
 " Chúng ta không nói rằng nhà nước TBCN là hoàn hảo nhưng nó cấp tiến hơn rất nhiều nhà nước hiện nay và mục đích của thế giới này là đi lên và ngày càng hoàn thiện hơn nữa thể chế và mô hình nhà nước.

Cuối tuần qua trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt có Bấm cuộc thảo luận theo yêu cầu của độc giả với chủ đề các bạn chọn, "BBC Vietnamese có phải tổ chức phản động hay không?" Độc giả Phạm Thanh Liêm đã có ý kiến về vấn đề này và cũng đưa ra quan điểm của ông về xã hội Việt Nam hiện nay. 

Chuyện về Bauxite

Khi lập dự án này chẳng lẽ TKV không tính đến bài toán chi phí vận tải ?

TKV kiến nghị lấy ngân sách làm đường chở bauxite
"Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề cập các tính toán vận tải cho dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng. Theo TKV, nếu đưa chi phí cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ vào các dự án bauxite thì dự án sẽ không còn hiệu quả kinh tế." ...Báo Pháp luật
Quốc lộ 20, nơi các đoàn xe chở bauxite sẽ đi qua. Ảnh: HTD

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Không lời

Nguồn: DLB

Tâm tư của một anh "bộ đội Cụ Hồ"

Gần nhà tôi có một bác cựu chiến binh nay đã "ngoại bát thập tuần". Có lần bác bộc bạch: "Nghề của tôi là anh bộ đội Cụ Hồ"...Nhưng thực ra bác  đã từng theo học"trường Tây" ở Hà Nội, kháng chiến bùng nỗ bác đi theo Cụ Hồ làm lính cho đến ngày về hưu với chức vụ đại tá.

Nếu chỉ có vậy thì tôi không nói ra đây làm gì, vì giờ có rất nhiều cấp tá về hưu như bác. Số là mấy tuần trước bác có gọi điện thoại cho tôi để giải bài một tâm trạng bức xúc mà qua điện thoại tôi nghe không được rõ lắm, chỉ hiểu đại khái là bác vừa được đi nghe phổ biến tình hình dành cho cán bộ hưu trí ở trong phường nơi cư trú... Hôm đó vị diễn giả là một cán bộ lãnh đạo cao cấp nhưng không hiểu sao lại nói "xanh rờn" rằng ông cha ta xưa kia đánh thắng giặc phương Bắc rồi đều trở lại quy phục, triều cống...nay chống họ làm gì... (?)...và những ai tham gia biểu tình này nọ đều là tiếp tay cho bọn Việt Tân ...(!).

Nghe vậy, tôi thấy "lạ lẫm" đã đành, nhưng vừa thương vừa cảm phục ông già đã ở tuổi "sắp về với các cụ" mà vẫn sắc sảo và đau đáu trước những vấn đề của đất nước hôm nay...
Chuyện bẳn đi cho đến hôm qua, bác sang tận nhà tôi khẩn khoản : "Cậu làm sao giúp tớ đưa cái này lên mạng...", rồi chìa ra 2 trang giấy đánh máy. Đó là lá thư mà bác nói đã viết cho vị diễn giả kia! Thấy tôi băn khoăn, bác bảo "Tớ đảm bảo những điều viết trong đó hoàn toàn đúng sự thật mà tớ đã ghi lại với kỹ năng của một thư ký cao cấp ...", và nói thêm: "Tớ muốn hỏi ý kiến từ công luận, cậu hiểu không?"...

Vậy là tôi đã bị "thuyết phục" không phải vì lời nói mà chính là tấm lòng nhiệt huyết của ông lão đang nhờ cậy chẳng qua vì không thành thạo internet!
Dưới đây là nguyên văn những gì ông viết trong 2 trang giấy đó. ...


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Chính quyền vận động không đi biểu tình

Nhân vật "được" vận động là 1 blogger (JB. NHV)

Quyền biểu tình của công dân

Hoàng Xuân Phú
GS - TSKH
Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.
Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Nhưng đến nay, biểu tình (ngoài sắp đặt của cơ quan Nhà nước) vẫn còn là một chuyện tương đối xa lạ ở Việt Nam, thậm chí như một điều „phạm húy“. Biểu tình bị ngăn cản, dù có diễn ra thì người ta vẫn quanh co, không dám gọi đúng tên. Đa số người dân nhìn nhận quyền biểu tình như một thứ xa xỉ phẩm, không liên quan đến cuộc sống của mình, thậm chí còn nhìn nó như một miếng mồi nhử nguy hiểm: Ừ thì Hiến pháp cho phép đấy, nhưng cứ thử động vào mà xem... Vốn dĩ thuộc phạm trù đối nội, quyền biểu tình được nêu trong Hiến pháp trên thực tế chỉ còn để đối ngoại.
Cản trở đối với quyền biểu tình của công dân không chỉ xuất phát từ ý muốn được „yên ổn“ của những người cầm quyền, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự nhầm lẫn về mặt lô-gíc: Cả hai phía đều coi việc chưa có Luật biểu tình chính là nguyên nhân khiến quyền biểu tình chưa được hay chưa thể thực thi.
Phía người dân tưởng là khi chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên đa số những người muốn bày tỏ chính kiến... vẫn im lặng. Ngay cả những người đã can đảm xuống đường vẫn cảm thấy chưa yên tâm, lo là hành động của mình có gì đó không ổn về mặt pháp luật, nên mới đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình.
Phía chính quyền thì coi các cuộc biểu tình không do họ hoặc các cơ quan Nhà nước tổ chức là bất hợp pháp, là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì chính quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ... Có lẽ cũng do tin rằng chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên một số người muốn trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình, vì nếu có luật thì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa, vẫn còn lại những quyền tự do tối thiểu, và không phải ai cũng muốn chấp nhận những quyền tối thiểu ấy của người dân.
Câu hỏi đặt ra là: Nên hiểu quyền biểu tình và mối quan hệ của nó với Luật biểu tình như thế nào cho đúng?

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Sản phẩm không đạt...hạ tiêu chuẩn.

Hạ tiêu chuẩn Việt Nam để sản phẩm đạt yêu cầu?
SGTT.VN Cục trưởng cục Hoá chất (bộ Công thương) Phùng Hà cho biết, vì sản phẩm phân bón của nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) không đạt tiêu chuẩn Việt Nam về hàm lượng dinh dưỡng 64% nên có nhiều địa phương phía Nam đã tạm giữ sản phẩm, không cho lưu thông.
" Dự án nhà máy DAP Đình Vũ là dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, với mức đầu tư hơn 172,3 triệu USD, công suất 330.000 tấn/năm. Nhà máy được khởi công ngày 27.7.2003, ký hợp đồng EPC* từ năm 2005. Ngày 11.4.2009, dự án đã cho ra mẻ sản phẩm phân bón đầu tiên, nhưng việc nghiệm thu và bàn giao nhà máy đến nay vẫn chưa hoàn tất.ĐỌC TIẾP

*EPC: là gói thầu bao gồm toàn bộ các công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp

Lại chuyện biểu tình

Nhân việc UBND thành phố Hà nội ra thông báo ngày 18/8/2011: yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát.

Ngày 17/08/2001 trên trang Bauxite Việt Nam có bài phân tích của "Người quan sát" về sự khó xử của nhà cầm quyền đối với những cuộc biều tình tự phát của những người yêu nước tại Hà nội, trong đó có đoạn viết: "Trải qua 10 cuộc biểu tình của giới nhân sĩ, trí thức Hà Nội phản đối việc Trung Quốc gây hấn ở biển Đông (tạm gọi tắt là “phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc”), hiện thời nhà cầm quyền Việt Nam đang đứng trước một tình thế khá nan giải: hoặc ủng hộ, hoặc bất hợp tác với phong trào biểu tình...". Bác nào quan tâm xin đọc tiếp

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Thạch Thất lần thứ nhất.

Hoài Phúc
Tôi không nhớ những điều các bạn nhớ, nhưng có thể tôi nhớ những điều các bạn không nhớ.
Tôi đã đọc ở đâu đó có người viết rằng : Hãy đóng con thuyền từ những mảnh ghép của hồi ức, bạn sẽ được về với cội nguồn xưa !
Các bạn Thạch Thất cùng nhau nhớ nhé !
Hơn bốn mươi năm trôi qua rồi. Bây giờ một mình tôi chỉ có thể nhớ được phần nào của câu chuyện, phải có tất cả các thành viên thì mới viết lại được trang sử Thạch Thất thật đầy đủ và ngọn ngành .
Hưng Hóa, một buổi sáng cuối tháng Mười năm 1968.
Hôm ấy là thứ Năm, chúng tôi không có giờ chính khóa, mà mọi người tự học. Bỗng nhiên tôi được thầy Chủ nhiệm, hay còn gọi là thầy Trung đội trưởng, mời lên phòng riêng của thầy nói chuyện. Câu chuyện ngắn ngọn nên đến bây giờ tôi còn nhớ nội dung chính.
- Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nhà trường sẽ tổ chức một Phân hiệu riêng dành cho các em hạnh kiểm kém và học yếu để không làm ảnh hưởng đến mọi người...
- Thưa thầy, em có phải “ đi “ cái Phân hiệu đó không ạ ?
- Tôi không biết.
Lúc đó tôi quá ngây thơ. Tôi đã tự an ủi và bấu víu vào câu trả lời thầy : “ Tôi không biết “. Tự cho rằng, chắc gì mình đã phải “ đi “. Và sau này nghĩ lại, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức thêm một Phân hiệu, thì thầy lấy đâu ra cái “ kinh nghiệm của riêng tôi “.
Sự ngây thơ đã khiến tôi tin vào câu “ Còn nước còn tát “, tôi đã quyết tâm sẽ tu dưỡng ngay sau khi rời khỏi phòng của thầy. Hy vọng rằng có phép trừ đại số thần kỳ xảy ra : Tu dưỡng tức thì sẽ trừ tên tôi ra khỏi danh sách đi Phân hiệu mới. Xuống đến lớp tôi lập tức mở bài vở ra học, chứ không nói chuyện riêng hay chọc phá những người khác nữa. Trong thâm tâm lúc nào, cũng nghĩ mình sẽ tu dưỡng để không phải đi cái Phân hiệu gì gì đó.
Suốt buổi trưa hôm đó đầu óc tôi lúc nào cũng bị ám ảnh về câu chuyện của thầy.
Báo động tập họp ! Cơ hội chứng tỏ mình đây rồi. Tôi nhanh chóng xuống xếp hàng. Đứng hẳn ở hàng thứ ba, một điều chưa bao giờ xảy ra trong những năm tôi học trước đó ở trường Trỗi. Đứng sau mới có cơ hội nói chuyện riêng hay chọc phá những đứa khác chứ. Đang suy nghĩ, không biết thành tích này của mình có được ghi nhận không thì :
– Các em có tên sau đây lên gặp Ban chỉ huy Tiểu đòan
Lần lượt những cái tên có vấn đề với “ hạnh kiểm “ và “ học lực “ được thầy Soạn xướng lên . Mới nghe qua tôi đã hiểu ngay là chuyện gì rồi. Vì tôi ở trung đội 4, nên trong một khoảng thời gian căng thẳng tột độ tên tôi vẫn chưa được xướng đến. Nhưng “ Tránh trời sao khỏi nắng “ .
Trên đường lên gặp Ban chỉ huy Tiểu đoàn cả bọn ngơ ngác, hoang mang nhìn nhau chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra. Chẳng phải bàn, tôi biết chuyện gì sẽ chờ đợi bọn tôi.

Đố

Đố các bác biết những "lời vàng ý ngọc" này của ai? và trong hoàn cảnh nào?

- "Thánh gióng là phi thường, điều đó có vẻ huyền thoại, không phải là huyền thoại mà là: đây là sức mạnh hồn thiêng sông núi, đây là sức mạnh của toàn dân tộc VN, đây là sức mạnh ý chí quật cường của tinh thần không có gì quí hơn độc lập tự do nó hội tụ vào Thánh gióng. Công lao là như thế, tài năng là như thế nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cảm ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản."

- " Việt nam Cu ba như là trời đất sinh ra một anh ở phía Đông một anh ở phía Tây, chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới, Cu ba thức thì VN ngủ, VN gác thì Cu ba nghỉ."

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Mời tham gia Google+

Có ai muốn làm thành viên của Google+ không ? Cho mình email nhé . Sáng mai thức dậy : Ơ ! Mình là thành viên Google+ rồi . Ơ , quả mơ . Đơn giản như đan rổ . Mau mau ... kẻo hết .

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

NGƯỜI MỌC ĐUÔI

Mấy tháng nay, cứ đến chủ nhật tại Hà nội những nhân sĩ trí thức, người yêu nước lại tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn xâm phạm lãnh hải của Việt nam. Trong số đó có nhà văn Phạm Xuân Nguyên hiện là chủ tịch Hội nhà văn Hà nội. Những nhân sĩ trí thức và những người tham gia biểu tình sau đó thường được cơ quan an ninh "quan tâm" một cách đặc biệt. Xin giới thiệu câu chuyện của chính nhà văn PXN do tác giả kể lại.

Chủ nhật 7/8/2011, mình ở quê Hà Tĩnh. Mình về quê giỗ mẹ, nhưng cũng là để thay đổi một chút không khí bức bối ở Hà Nội. Mặc dù quê mình giờ cũng đã lên phố, trở thành phường của thành phố Hà Tĩnh mới tuổi lên bốn. Mặc dù quê mình miền Trung nhiệt độ mùa hè luôn cao hơn ở ngoài Bắc. Nhưng về quê vẫn là về quê, ngay cả khi quê đã khác.
Giỗ mẹ hôm thứ bảy. Sáng chủ nhật, mình ngồi cà phê với anh em, bạn bè ở quê. Bật iPhone vào trang basam, nguyenxuandien xem cập nhật tin biểu tình ở quanh Hồ Gươm. Cuộc biểu tình thứ 9, nhưng là cuộc biểu tình thứ nhất sau lời tuyên bố “Biểu tình phản đối Trung Quốc mang tính chất yêu nước” và lời hứa “Công an thành phố và cấp trên không ai có chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình” của trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an), Giám đốc sở công an Hà Nội. Nhìn những tấm ảnh chụp băng cờ, khẩu hiệu và gương mặt những người quen thuộc trong đoàn biểu tình, mình lại thấy rạo rực, sôi nổi, lại muốn được có mặt trong đoàn.
Mình chìa máy cho mọi người xem, có người lần đầu tiên mới biết ở Hà Nội có biểu tình thế này. Nhân tiện, mình kể cho anh em nghe những lần đi biểu tình trước. Và không giấu cả chuyện mình “có đuôi”. Thì vừa lúc đó có một tin nhắn đến trên điện thoại. Có khách đấy! Thế là sáng nay chủ nhật, như thường lệ, “đuôi” mình lại mọc.
Nhà mình là một căn hộ ở tầng 5 của một chung cư năm tầng, gọi là khu tập thể của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (phòng 503, nhà H1, ngõ 37, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội). Các anh lính đến ngồi ở quán nước cạnh chân cầu thang và canh chừng mình đi xuống để đi theo. Cứ chủ nhật là có lính canh, không cần biết mình có nhà hay không.
Sáng chủ nhật 7/8/2011 mình ở Hà Tĩnh, vẫn biết có 6 lính canh túc trực ở Hà Nội tại nơi mình sống, và trong khi trông chừng đối tượng (không biết là đang vắng nhà) thì các anh lính bày trò chơi bài tam cúc cho hết thì giờ nhàn rỗi. Tới trưa thì các anh về, vì đoàn biểu tình chỉ đi buổi sáng. Nếu mình ở nhà khi đó, mình sẽ nói với các lính đó rằng: “Ơ, thế ra các chú không đọc lời tướng Nhanh tuyên bố đã đăng đầy trên các báo à, vậy là các chú không tuân lệnh thủ trưởng cao nhất của công an thành phố à? Anh đi biểu tình là yêu nước theo lời tướng Nhanh nói, sao các chú vẫn còn canh chừng, theo dõi, mà lại tốn đến nửa tiểu đội thế này?

Tin vui - bất ngờ!

T6 tuần trước, đang ở CQ (tận Gia Lâm), mấy anh BLL Trường, k3, k4 (a. Bùi Vinh, Ngô Vinh k5, Lữ Thái k3, Cát Thịnh k4) gọi điện triệu tập đến 1 "điểm lạ" ở đường Trường Chinh. Sau mấy phút ngại ngùng, điều điện thoại mấy bạn gần đó ứng cứu không được, đành phải đích thân, bỏ việc. Đến nơi, không ngờ lại có quà đem về, xin chia vui, báo cáo cùng anh em như sau:
Nhiều năm về trước, BLL các khóa 3, 4, 8, và Trường, mỗi Ban góp vốn xây dựng Cây xăng 10Trđ (Bạn Trỗi MT và MN cũng có góp). Nay Cty mời đến giải quyết "lợi ích" giai đoạn 06-11, và cả vốn gốc, số tròn mỗi Ban nhận là 30Trđ.
Xin có nhời cảm ơn a. Vinh, các thế hệ BLL Bạn Trỗi nhiệm kỳ thời đó và "Quí Cty Xăng Trường Chinh".
Xin thông báo quảng bá, quyết toán cùng anh em!
Bùi Thắng, BLL k8 HN

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Vu Lan 2011-Đà Nẵng-Quảng Nam

Ngoài Huế làm nhà, đón Cụ vào chơi kết hợp 'tránh bụi' vài tháng rồi, đám cưới rồi, đám giỗ ông ngoại cháu rồi, chở về thăm nhà ngoài Huế tuần trước thấy nhà vườn còn bề bộn lắm chưa thể về được... ngày qua sợ Cụ buồn, rủ đi thăm bà bạn già 90 đang đau phải nằm liệt rồi, còn sớm rủ đi chơi quanh quanh các chùa - nào ngờ đúng lễ Vu Lan (cứ tưởng 15 hóa ra cúng 14), nay đọc thêm bài "...những thằng già nhớ mẹ" thấy thấm thía tệ, gửi các ACE vài tấm hình mừng mẹ con chúng tôi cũng là chúng ta.
Sơ đồ thăm quan núi Thủy/ngọn cao nhất trong dãy Ngũ Hành
Mẹ 85 đứng trước Cổng trèo bộ lên núi
Ngày nay đa số đi lên bằng thang máy, rồi đi bộ xuống
  "Sướng"

Phố cổ Hội An đất Quảng Nam
Ngã tư Hoàng Diệu, bắt đầu khu vực thăm quan-lễ hội
Chùa Cầu - tụ điểm nổi bật nhất của Hội An
Lễ trên sông, bài chòi và thả đèn
Mẹ con 
 Bà Cháu

Một phụ huynh Trỗi K7 được tôn phong làm Thành hoàng làng!

Thủy Lạc là một làng quê trù phú hiền hòa thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Làng nằm bên cửa sông Hồng mà vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước còn là vùng đất ngập nước hoang vu. Có một người thanh niên trí thức quê ở Hà Tĩnh đến đây vận động bà con di dân ra bãi, khai hoang lập ấp. Người thanh niên này còn thuyết phục chính quyền sở tại chu cấp một số nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết đáp ứng những nhu cầu ban đầu của việc di dân.
Từ thế hệ này qua thế hệ khác, dân làng lưu truyền cho con cháu một ước nguyện là được tôn cụ Nguyễn Tạo - người thanh niên Hà Tĩnh năm nào - làm Thành hoàng làng để được đời đời thờ phụng và nhớ ơn người có công khai sinh ra làng. Nghèo đói, chiến tranh liên miên, mãi đến năm 2005, làng mới dựng bia thờ và năm 2010 tôn tạo lại được Đền làng. Bia thờ Thánh Trần Khánh Dư và Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Tạo, đặt sát cạnh Đền. Nhưng họ vẫn chưa biết gì nhiều về cụ Nguyễn Tạo ....ĐỌC TIẾP
PHAN CHÍ THẮNG

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Nhân lễ Vu lan - Những thằng già nhớ mẹ

Vũ Thế Thành
SGTT.VN - Hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc công ty tôi mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sài Gòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở vùng ngoại ô Hà Nội và mất ở đó. Tôi đến thăm khi ông trở lại Sài Gòn được vài tháng.

- Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng – tôi an ủi.
- Mất mẹ, tớ cảm thấy thiêu thiếu thế nào ấy…
- Thiếu cái gì?
- Tớ muốn trồng giàn bầu hay giàn mướp sau nhà cho mát, nhưng sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…
Hồi đó tôi mới xấp xỉ 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Bây giờ thì tôi cảm được cái thiêu thiếu của ông thế nào rồi.
Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ. Mẹ nó chảy nước mắt: “Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học, thì nó học ở đâu? Ra trường tư làm gì có tiền. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…” Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua.
Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở: “May quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì hì…”
Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca đêm, ngồi uống rượu một mình, lướt net, đọc được bài Cá bống kho tiêu nào đó, gọi phone cho tôi từ Mỹ, nói rằng tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu hu qua điện thoại: “Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì…” Mẹ nó mất cũng gần mười năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi!
Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khoả. Chén thù chén tạc, say tuý luý cả bọn chệnh choạng kéo nhau đi hát karaoke. Thằng bạn cầm micro: “Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… Bông hồng cài áo”. Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run... Nó khóc nấc lên. Cách đây hai năm, tôi ghé Châu Đốc dự đám tang mẹ nó.
Chuyện khác, lần này không phải “thằng”, mà là… bà già. Tôi có cô bạn người Ý trạc tuổi, mỗi lần về Milan, ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi sôcôla ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ sôcôla, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Sôcôla Tây thay cho nhang đèn ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng mười năm rồi.
Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có gì ngon cũng để dành cho mình…
Mà có thằng con nào, dù làm tới cái ông vĩ đại cỡ nào, trưởng thành trong con mắt của mẹ đâu? Có thằng sáu chục tuổi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi vì “lại quên mang nón (bảo hiểm)”. Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi vói nhắc thằng con “mang theo áo mưa”.
Tôi có thằng bạn người Đức chừng... 50, ra đường cũng bị bà già vói theo “Alex, quên mang dù!” Thằng này lúc nào cũng vênh váo tự hào vì còn mẹ. Nó khoe: “Từ hồi tôi qua Việt Nam, mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả nhiều lắm. Bả vui!” Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.
Bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho ngày – của – mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thôi thì với bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà…
Nụ cười của người già, dù là nghễnh ngãng, dù là mù loà… nhớ lại, sao mà dễ thương chi lạ, nhớ xoáy tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế! Ước gì thời gian lùi lại, sẽ tìm cách ghẹo bà, để có nhiều hơn nụ cười móm mém như thế. Nụ cười của mẹ già là nụ cười mãn nguyện, con cháu chưa quên bà, vẫn ở bên bà.
Tôi viết bài này, tặng cho các bạn trẻ U 30, 40... gì đó. Các bạn hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần.
Thời gian chắc gì đã làm nguôi ngoai nỗi nhớ?
Nhà thơ Nguyễn Khuyến có câu thơ khóc bạn:
Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan
Ừ, nếu giọt lệ già này mà nhớ mẹ, thì ray rứt biết chừng nào!

Nguồn: Sài gòn tiếp thị

Tin buồn

Mẹ bạn Bùi Tuấn Sơn B6 mất hồi 9.30 ngày 12/8/2011, thọ 83 tuổi.
Tang lễ cử hành từ 10.00 ngày 13/8 tại NTL TPHCM 25 Lê Quý Đôn, Q3.
K8 tập trung viếng: 9g sáng chủ nhật 14/8/2011.
BLLk8 TPHCM kính báo!

Trình quét virus cho Ubuntu

Cách đây mấy năm theo lời "tán tỉnh" của TQ HT về HĐH nguồn mở, tôi đã sử dụng Ubuntu. Trong mấy năm sử dụng từ phiên bản 8.10 cho đến 10.04 nay thì 11.04 cũng chẳng thấy "rus riếc" gì trên PC ở CQ và laptop của cá nhân. Dùng Ubuntu thấy cũng hay hay, được cái khởi động hay "sút đao" rất nhanh, các ứng dụng của HĐH này cũng đủ dùng cho công việc của mình, thứ đến đỡ phải chi hào mua bản quyền.  Ngày nghỉ rỗi hơi, lọ mọ vào kho phần mềm của Ubuntu thấy có cái trình này, thôi thì họ cung cấp thì cũng cứ thử cài vào xài tạm. Bác sĩ dạy rồi: "phòng bệnh hơn chữa bệnh" mất gì của bọ đâu.

Bị vạ lây.

Từ sáng đến giờ không thể vào được các "blogspot", đăng bài thì được, xem thì "NO". (đoán mò nhé) chắc ngày mai chủ nhật, những người dân yêu nước tại Hà nội lại tổ chức biều tình theo thông báo trên blog NXD (cũng blogspot.com mà) nên đám CA mạng nó "rào" luôn "bọn" blogspot lại, đâm ra mấy cái blog Trỗi bị vạ lây.

Đúng là củ "banana"!

Đừng đợi .

Bài này mình " chôm " được trên NET , theo nguyên tắc : Cá vào ao mình là của mình và cá bắt được cũng là của mình .
Đừng đợi thấy một nụ cười rồi mới mỉm cười lại .
Đừng đợi đến khi được yêu thương rồi mới yêu thương lại .
Đừng đợi đến khi cô đơn rồi mới nhận thấy giá trị của tình nhân ái .
Đừng đợi có một công việc thật vừa ý rồi mới bắt đầu làm việc .
Đừng đợi đến khi có thật nhiều rồi mới sẻ chia đôi chút .
Đừng đợi đến khi vấp ngã rồi mới nhận thấy những lời khuyên .
Đừng đợi đến khi có thời gian rồi mới rèn luyện bản thân .
Đừng đợi đến khi người khác buồn lòng rồi mới nói lời xin lỗi .
...Và đừng đợi khi tôi cần comment ( quá cần luôn ) , bạn mới comment .

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

PN&HĐ: Lợi ích quốc gia, cây gậy và…lợi ích nhóm

Lợi ích quốc gia, nụ cười của… lạm phát trước phát ngôn rất ngộ của một ông nghị, chỉ còn cây gậy và lợi ích nhóm…là những lát cắt Phát ngôn và hành động tuần này xin gửi tới quý bạn đọc...Đọc tiếp

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Ơ ! Quả mơ .

Cho thằng em xem mấy cái ảnh các đại biểu QH " làm việc riêng " khi đang họp . Thằng em đồng hao thốt lên : Ơ , em tưởng ...
Các bạn xem tại đây.

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Ngộ chữ .

Thấy mình cứ tỷ mẩn suốt ngày bên máy tính . Gõ bàn phím lia lịa . Có lúc cười rổn rảng , cũng có lúc cau có như kẻ buôn thua bán lỗ . " Thế hệ tiên tiến nhất của đất nước và chắc chắn sẽ thay thế mình " nói :
- Bố ngồi suốt ngày bên máy tính nhưng bố có gõ được bao nhiêu đâu . Cả sáng con theo dõi thấy bố gõ chưa đầy trang . Hình như bố thiếu chữ ?
- Không con ạ . Bố đang bị ngộ chữ .

Chuyện thằng em .

Cầm miếng thịt lợn quay , cắn một miếng to rồi nó cầm cái xương dứ dứ vào mặt mình :
- Hôm nay em sẽ làm một con đề cho bọn nó biết tay .
Ơ cái thằng ! Tự dưng lại nổi máu cờ bạc . Không biết rồi ai biết tay ai . Mình nghĩ .
- Hôm qua em mơ thấy con rắn nó quấn quanh cổ em .
Ôi giời ! Mơ thế mà cũng kể . Mơ thế thì anh đã từng mơ tỷ lần .
- Nhưng mà thày bói nói hôm nay em có lộc , mà lộc lớn đấy .
Thấy nó có vẻ tin tưởng lắm .
- Chẳng may trúng thì sao ? Mình hỏi trêu nó .
- Đầu tiên em sẽ đưa vợ con đi du lịch , về sẽ mua ...
Tóm lại là một viễn cảnh tuyệt vời .
Mà nó trúng thật , trúng to là khác . Nó gọi điện cho mình mà hét lên :
- Em trúng rồi . Giỏi , giỏi thật , tiên sư anh ... thày bói .
Thôi thì nó có lộc cũng mừng cho nó .
Khoảng hai tuần sau mình gặp lại nó . Dáng vẻ mệt mỏi nó kể lại mọi diễn biến . Từ khi trúng đề và xổ số nó phải chi rất nhiều tiền . Bạn bè , anh em họ hàng lũ lượt đến xin hay vay tiền vợ chồng nó . Ngay cả bà bán nước ngoài ngõ cũng hỏi vay mấy trăm để mua thêm hàng . Hắn hiểu rằng người ta vay hắn thì có bao giờ trả . Tiền cờ bạc mà . Bây giờ không còn bao nhiêu . Ngay cả đi du lịch nó cũng không đi được vì phải đi trốn .
Nó than rằng : Lúc này nó còn khổ hơn lúc trước nhiều vì có quá nhiều người ghét và ganh tỵ .
Thỉnh thoảng mọi người cũng nhìn thấy nó với dáng vẻ ủ rũ , mắt lúc nào cũng đảo như rang lạc , nhưng hễ gọi là nó lẩn như trạch .
Mình bỗng liên tưởng đến cảnh cả đàn thú lao vào con thú đã kiếm được miếng mồi để tranh cướp và xâu xé .
Nó nhìn mình buồn bã :
- Em ước gì được trở lại ngày xưa .
Ừ , thằng em cứ ước đi . Bây giờ là tháng 8 rồi .