Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

K8 gặp mặt 2014 tại Hang Quân khu, La Hiên, Thái Nguyên - Thông báo 1

- Nhân vật quan trọng ở đây là Nguyễn Thế Hùng, b3, b1 k8. Bạn kể lại, hồi năm 1967, sau 2 đêm trú trong hang, khóa Út mình, hồi đó gọi là C5, lên xe tải tiếp tục đi lên phía Bắc, sáng sớm hôm đó Hùng nhìn thấy người ông của mình đứng ở đầu làng, lúc đó mới nhận ra chính là quê mình (từ bé Hùng sống ở đây)... C5 theo QL 1B, qua Lạng Sơn, Bằng Tường... 
- Tháng 6 vừa qua Thế Hùng mời chúng tôi về quê, thăm lại cái hang ngày xưa đã ở - mời các bạn xem lại bài "Thăm lại hang ở La Hiên", đăng thứ Bảy, 7-6-2014. - Theo yêu cầu của nhiều bạn, Ban LL, nhận thấy trách nhiệm, hôm qua đã họp mở rộng và Quyết định: Gặp mặt thường niên K8 năm nay tổ chức tại La Hiên, Thái Nguyên (từ Tp. Thái Nguyên, 70km, đi QL 1b khoảng 20km). 
Thời gian: 02 ngày, 6 và 7-12-2014. 
Chương trình dự kiến: Đi sáng sớm từ HN, dự kiến 2 xe to 30 chỗ. Thăm hang Quân khu ở La Hiên, liên hoan buổi trưa ở cửa hang. Chiều thăm quan tiếp (núi, rừng, suối, ...), về Đình Cả (15km). Ăn tối, chuyện trò, nghỉ ngơi tại nhà Thế Hùng và nhà ông chú bên cạnh. Bạn nào không thu xếp ở lại đêm được thì có 1 xe về trong ngày 6.12. Sáng hôm sau ra suối (300m) đánh răng, rửa mặt, ... mô phỏng và nghĩ lại 47 năm trước thế nào?!! Thăm quan tiếp 1 số điểm tại Thái Nguyên như Hồ Núi cốc, Bảo tàng dân tộc học QG, ..., rồi về HN. Chương trình cụ thể sẽ được BTC (bùi Chuẩn, Bùi Thắng, Thế Hùng) thông báo tiếp sau!! 
Đề nghị các thành viên BLL Quang Hà b1, Bùi Thắng b2, Quang Vinh b3, Tuệ b4, Chuẩn b5, Nam Hùng b6, Thái c11 loan báo cho các bạn trong B và theo dõi lấy lại đăng ký của các bạn (ai dự kiến đi 1 ngày, ai đi 2 ngày?), báo cho BTC trước ngày 1-12-2014, để bố trí xe và chỗ nghỉ. 
Thông tin về chương trình đi sẽ được truyền theo 3 kênh: Tin nhắn sms, Facebook "Ban NVT", E-mails!!! 
Mong các bạn quan tâm, theo dõi và động viên nhau tham gia đông vui. Các bạn ở xa (Miền Nam, Miền Trung) cũng cố gắng tham gia!! 
TM BTC 
Bùi Thắng

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Thăm cô Nhâm ngày 5-11-2014

Hôm nay mình đi "tiền trạm" cho chuyến thăm cô Nhâm nhân ngày 20-11. Cô khỏe, tuy có gày hơn năm ngoái. Cô vẫn mang kính lúp, ngồi đọc báo trước hiên nhà. Xem ảnh các trò trên Uttroi cô mừng vui rạng rỡ và liên tục hỏi tên các trò. Tiếc là máy tính trục trặc nên cứ mất mạng liên tục. Trong lúc chờ đợi anh Tùng, con cô sửa máy, hai cô trò lại nói chuyện "bằng bảng". Cô ở cùng với con trai và con dâu nhưng có lẽ cô khỏe hơn cả: con dâu đi bệnh viện, con trai chân bị tập tễnh và mới thay thủy tinh thể. Mời C11 và 11C nhưng là trò lớp tóan của cô Nhâm ở trường Trỗi hoặc trường Hòan Kiếm hậu Trối, cùng đến thăm cô vào hồi 9h30 sáng T4 ngày 5 tháng 11, 2014 tại nhà cô: nhà số 6, ngõ 29 đường Khuất Duy Tiến, gần ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, đối diện tòa nhà Licogi 3. Nếu không tiện thời gian trên, các anh chị và các bạn có thể đến bất kỳ lúc nào, cô đều rất chào đón.

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Đã tìm được trò cho thầy Phạm Đình Nghĩa

Nhờ anh Quốc giúp, mình đã liên lạc được với anh Tôn Gia Quý. Anh nhận ra thầy Nghĩa chủ nhiệm B của anh, là B duy nhất có học sinh nữ. Thế là đã tìm được các trò cho thầy!

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Thầy Trỗi làng Chuông dạy ... khâu nón!

Thầy là bí thư chi bộ ở làng Chuông với bao nhiêu thời gian dành cho việc họp hành, lo toan cho từ các cụ già đến trẻ nhỏ theo cốt cách của một đảng viên chân chính. Thầy cô sống một cuộc sống đạm bạc trong ngôi nhà còn chưa quét sơn tường. Thầy là trai làng Chuông nên ngồi khâu nón, còn cô là gái Hải Dương, không biết khâu nón nên cô đảm trách việc mang ra chợ Chuông bán. Thông thường những khi rỗi rãi, mỗi ngày thầy khâu xong một chiếc cho dù năm nay thầy đã 72 tuổi. Thầy đã từng được mời đến Viện Bảo tàng Dân tộc học và đến trường Quốc tế để dạy khâu nón. Thật đáng khâm phục.
Hình ảnh: Thầy Phạm Đình Nghĩa, B trưởng B6K8 năm học 67-68 đang khâu nón bên hiên nhà tại làng Chuông.

Tìm trò cho Thầy.!

Kính gửi các anh chị K4. Em xin ghi lại những dòng tâm sự của thầy Phạm Đình Nghĩa - B trưởng của B6K8, năm học 1966-1967. "Thầy nhớ nhất là cái Tết Nguyên đán đầu tiên trên đất bạn, cách xa quê hương hàng nghìn cây số mà các thành viên đón giao thừa lúc đó là các em học sinh lần đầu tiên đón xuân xa bố mẹ. Đối với thầy, đó cũng là tết đầu tiên xa gia đình. Các tết trước tuy ở trong quân ngũ nhưng thầy đều được thưởng tết về cùng gia đình đón xuân. Tết này lại là cái tết sau đám cưới của thầy chưa đầy một tháng (chú thích: thầy Nghĩa cưới vào Noel và lên trường một ngày sau đó). Thế là thầy và trò đều trong hòan cảnh gần như giống nhau: Quà mừng tuổi không có, lời chúc tụng của người thân cũng thiếu luôn. Thầy và trò ngồi quây quần bên đĩa kẹo chuyện trò chờ nghe lời chúc tết của Bác Hồ, nhắc nhau cố gắng rèn luyện, học tập để sau này lớn lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc." Đây là bài thơ đón xuân thầy viết năm ấy (1966): "Bính Ngọ năm nay ở xa quê. Thầy xa vợ trẻ, trò vắng cha. Đón xuân vui vẻ chưa từng thấy. Lời chúc lời ca rộn cả nhà." Trong lớp ấy thầy nhớ như in anh Tôn Gia Quí con cụ Tôn Quang Phiệt vì những lời phát biểu độc đáo mà các trò khác không có như: "Thầy ơi thầy có biết là lúc nào em khóc không? Em mà có tiếng khóc tức là trong ba lô em hết kẹo." hay "Em mà làm nên ông nọ ông kia là em biếu thầy cái Vonga." Nghe nói anh Tôn Gia Quí học khóa 4. Các anh chị xem và tìm các trò K4 cho thầy nhé (có lẽ là HKII, năm học 1965-1966).

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Tưởng nhớ Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi

Sáng nay, ngày 15-10-2014, đoàn đại biểu trường ta đã đến đặt vòng hoa và nghiêng mình tưởng nhớ Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Thật nhiều cảm xúc tràn về khi đứng bên tượng đài anh Trỗi, nhất là khi nghe anh Bùi Vinh đọc về 9 phút kiêu hùng của anh trước họng súng quân thù. Nên chăng hàng năm cứ vào ngày này Ban Liên lạc các khóa tổ chức cho khóa mình về tề tựu bên anh?

16-10 Nhớ bạn Y Hòa

Hàng năm cứ đến ngày 16-10 là tôi dường như khó ngủ vì những hình ảnh và những kỷ niệm của bạn Y Hòa cứ ào ạt tràn về trong tâm khảm tôi.Y Hòa là người bạn cùng khu tập thể 5B Hoàng Hoa Thám Hà Nội, cùng tổ học nhóm, cùng lớp 10G K22 Nguyễn Trãi Hà Nội, cùng nhập ngũ một ngày...Nhớ ngày 6-01-1972 chúng tôi những học sinh lớp 10G và chúng bạn cùng khóa K22 Nguyễn Trãi Hà Nội lên đường nhập ngũ với tinh thần hừng hực khí thế như nhà thơ Phạm Tiến Duật đă nói "Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, mà lòng phơi phới dậy tương lai!".Nhưng chiến tranh là bom đạn và hiểm nguy cận kề, cuộc chiến ngày càng ác liệt, mùa hè đỏ lửa thành cổ Quảng Trị chìm ngập trong bom đạn.Ngày đó lũ học sinh chúng tôi cùng nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tạm xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ vào miền nam chiến đấu hồn nhiên, thơ mộng. Nhưng chiến tranh ngày càng khốc liệt, đơn vị chúng tôi được tăng cường chị viện cho chiến trường thành cổ Quảng Trị, đến tháng 10-1972 thì hai bên ta và địch đều thương vong không kể xiết, Y Hòa, Chấn Hưng và nhiều người bạn cũng như đồng đội của tôi đã hy sinh anh dũng và nằm xuống vĩnh viễn ở những địa danh gắn với mưa bom bão đạn như động ông Gio, đồi cháy, sông Thạch Hãn, thành cổ,...
..Ngày 16-10 trong một trận đánh giữa sư đoàn 312 của ta và sự đoàn 8 của địch, Y Hòa trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7 đã dũng cảm chỉ huy anh em chiến đấu chống trả quân địch và bạn đã anh dũng hy sinh trên chốt ở đồi Cháy gần thành cổ Quảng Trị. Sự hy sinh của Y Hòa, Chấn Hưng và các bạn Liệt sỹ K22 đã đóng góp vào chiến công hiến hách của dân tộc là Mỹ cút, ngụy nhào và đem lại Độc lập tự đó cho Tổ quốc. Chúng ta vô cùng thương tiếc và biết ơn các bạn ấy.
Nhân ngày giỗ của Y Hòa, xin được thắp nén hương cho bạn và các bạn Liệt sỹ của K22, cầu mong linh hồn Y Hòa, Chấn Hưng cùng các bạn Liệt sỹ K22 được phiêu diêu miền cực lạc.



Nhớ bạn Y Hòa

Cùng bạn ra đi năm nào,
Những chiến sỹ đầu xanh, vui vẻ,
Vượt Bến Hải, thành cổ xông vào,
Động ông Gio, đồi Cháy, dốc Miếu, Gio Linh,...

Chiến dịch năm ấy pháo dội, bom gào...
Cùng bạn ra đi năm nào,
Những chiến sỹ đầu xanh, vui vẻ,
 Vượt Bến Hải, thành cổ xông vào,

Anh dũng chiến đấu trên đồi Cháy,
Bão đạn, mưa bom chẳng sờn lòng,
Nay bạn nằm lại bên thành cổ,
lạnh lẽo cô đơn một nấm mồ.

Bao giờ tôi về vô trong đó,
Thăm bạn, thăm lại chiến trường xưa.
Động ông Gio, đồi Cháy, dốc Miếu, Gio Linh,...
Chiến dịch năm nao pháo dội, bom gào...
  Ngo Thai Hoa K6+K7


Liệt sĩ Y Hòa Mlo Dzuon Dzu

Liệt sĩ Y Hòa

Học sinh khóa 7
Sinh 1954 tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
NR: Khu TT Ban Dân tôc TW, Dốc Ngọc Hà, 5B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, HN
Nhập ngũ: 06/01/1972 (HT: 651091 IA01)
Chức vụ: 
Trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7
Đơn vị: C16, D8, E209, F312
Hy sinh 16/10/1972 (10/9 
Nhâm Týtại Mặt trận Quảng Trị - đồi Cháy, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
Bia tưởng niệm các liệt sỹ Đồi Cháy
Mộ tại: Nghĩa trang Liệt sĩ TP Pleiku (đưa nắm đất về) - Chưa xác định được mộ phần.
Liên hệ gia đình: anh Y Nguyên (Võ Động Sơn) K5, Plei-ku, Buôn Mê Thuột (0912609599).

Xem bài viết:

Lá thư cuối của liệt sĩ Y Hòa gởi về gia đình.

Hôm nay là ngày Kỷ niệm Thương binh Liệt sỹ( 27/7):Tinh thần của ngày này vẫn luôn đọng lại trong mỗi người chúng ta nỗi trăn trở không yên, khi mà vẫn chưa đưa được các bạn về với gia đình! Trong bài viết của Thanh Sơn có nhắc tới lá thư cuối cùng của Y Hòa viết cho ba, má trước khi đi vào chiến trường. Mặc dù lá thư này đã được đăng trong báo "Tuổi trẻ chủ nhật" đăng ngày 10/8/2003 từ lâu. Tập hai "Sinh ra trong khói lửa"cũng có. Nhân dịp này, tôi nghĩ đăng lại lá thư này sẽ không thừa? Dù sao cũng còn nhiều người chưa biết tới lá thư này? Qua nét chữ nghiêng nghiêng có phần bay bướm của bạn. Chúng ta hiểu thêm tâm tư, tình cảm của những người lính ngoài chiến trường. Riêng những người lính còn được may mắn như chúng tôi thì mỗi lần đọc lá thư này đều khóc!

Ngày 18 tháng 8 năm 1972
Ba má thương nhớ của con!
Hôm nay, từ Quảng Trị con viết thư cho ba má. Sau chặng đường hành quân vượt Trừơng Sơn nóng bỏng, con vừa nghỉ chân.
Ba má ạ! Đến nay, tụi con mỗi đứa một nơi không còn được sống chung với nhau nữa. Vẫn thuộc sư đoàn nhưng thằng Sơn (con chú Chiến) về đơn vị công binh, còn con với thằng Chấn Hưng ở lại tiểu đoàn cũ vưà biên chế thành tiểu đoàn 12 ly 7 pháo phòng không của sư. Buồn quá ba má ạ! Hôm chia tay, thằng Sơn khóc quá. Hiện chưa biết nó ở đâu, Nam hay Bắc?
Còn đơn vị con chỉ là đơn vị phục vụ chiến dịch. Buồn quá vì không đuợc ở bộ binh chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù. Con bây giờ gầy hơn trước vì vừa qua hai tháng gian nan, ác liệt. Vào đây mới thấy ở ngoài Bắc tụi con rèn luyện chẳng ăn thua gì cả. Lúc ở nhà thì sướng như tiên, vào đây thì chẳng có gì ăn, chỉ có cơm với muối thôi. Nhưng vì mệt nên ăn vẫn rất khỏe. Nấu cơm thì chật vật mất mấy tiếng đồng hồ mới chín vì máy bay quần suốt. Ngủ hầm thì ẩm thấp, lầy lội và muỗi nhiều vô kể. Sáng dậy vừa chui ra khỏi màn là muỗi đốt như điên, toàn nhằm vào đầu. Hành quân liên tục suốt ngày suốt đêm. Vác súng đạn nặng nên hai vai sưng đỏ rần cả lên. Có một điều may mắn là con vẫn chưa bị sốt rét lần nào cả. Không biết sẽ thế nào nhưng giờ thì vẫn khỏe. Vì đã xác định trước sẽ khó khăn gian khổ nên con quyết vượt qua. Nhiệm vụ chiến đấu là trên hết mà.
Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị giờ là một nên dân chúng ra vào như đi chợ. Tuy vậy, ở vùng mới giải phóng còn khá phức tạp, chính quyền cách mạng ở đây phải rất vững. Có cửa hàng bách hóa của ta cung cấp nhiều mặt hàng và bán cả bằng hai thứ tiền. Hàng hóa Mỹ thì bãi bỏ triệt để. Dân chúng đã quen với B52, khắp nơi chi chít những vệt bom B52, nhiều khu rừng đã bị chúng thiêu huỷ bằng địa.
Ba má ơi! Hiện giờ chúng con vẫn nằm chờ chiến dịch. Ở Quảng Trị việc giành giữ đất rất gay go, nhất là vùng giáp ranh ngày nào cũng có chiến sự. Bọn con chỉ bắn máy bay thôi, nếu căng lắm mới hạ tầm để đánh bộ binh địch. Vì tiểu đoàn mới nhận súng và mới thành lập, chưa chiến đấu trận nào. Con và thằng Vũ Trung vẫn ở cùng một đại đội với thằng Hưng. Khi hành quân ở Trường Sơn, bọn con gặp nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều. Họ chỉ thích đổi gạo lấy gà chứ không thích đá lửa nên đá lửa con vẫn còn. Thuốc bổ Polyvitamine của má cho con vẫn giữ một gói. Má ạ, bây giờ mới thấy B1 là cần thiết vì không tài nào tìm được một cọng rau. Kiếm được ít lá khoai, lá sắn là mừng lắm. Bây giờ thịt hộp cũng chẳng còn, chỉ có mắm tôm, muối, ít ruốc nên người đứa nào cũng phờ phạc. Mì chính thì nhiều lắm, bọn con cứ pha từng thìa mì chính với nước lã làm canh chan ăn.
Ba má ạ! Bây giờ con mới thấy nhớ nhà, nhớ ba má và anh chị em. Ở giới hạn giữa cái sống và cái chết nhiều lúc ứa cả nước mắt vì nhớ nhà. Biết đâu và vĩnh viễn con chẳng còn được thấy ba má và anh chị em con nữa. Trong chiến đấu điều đó đã trở thành bình thường, cái chết chẳng đe dọa được ai nhưng nó vẫn cứ rình rập đâu đây. Lính tiểu đoàn 56 cùng huấn luyện với tụi con vừa bị B52 rải thảm làm chết ba đứa và bị thương cũng nhiều. Tiểu đoàn con cũng bị máy bay ném bom và bắn rôc- két, may mà không ai bị sao. Con vẫn giữ một cái ảnh của gia đình nhưng thiếu chị Thanh và thằng Trung, thằng Thắng. Nhưng cũng chẳng sao cả vì con vẫn nhớ và hình dung ra chúng nó.
Ba má ơi, không hiểu ở nhà bây giờ ra sao? Ba má có được mạnh khỏe không? Anh Nguyên và chị Thanh học ra sao rồi? Chị Thanh năm nay có khỏe không, có đỗ đại học không? Con Nhung, thằng Trung, thằng Thắng năm nay chắc học ở Chi Nê? Má bảo rằng con vẫn mạnh khỏe và vẫn nhớ chúng nó nhé! Con vẫn hành quân, chưa nghỉ và chắc chẳng bao giờ nghỉ đâu. Còn Thái Hòa không hiểu bây giờ nó ở đâu? Chắc là nó thơm hơn tụi con rồi. Nhưng thôi, sau này về chắc tụi con sẽ lại thơm hơn. Chính trị viên của con nói chỉ còn đánh độ một hay hai chiến dịch nữa thôi.
Cuối thư con chúc ba má và cả nhà mạnh khỏe, chúc cả nhà gặp nhiều may mắn.
Con của ba má.
Quân giải phóng Bắc Quảng Trị – Y Hòa. 
Hòm thư của con: 651091 JA01
TB: Con đã viết về nhà bốn, năm lá thư nhưng vẫn chưa nhận được thư nào.

Đây là lá thư cuối cùng của Y Hòa gửi về cho gia đình. Hai tháng sau, ngày 16 tháng 10, Y Hòa đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Đào Đức Thanh (K7) mời cưới con gái.

Do điều kiện không đưa tận tay được hết, Đào Đức Thanh K7 trân trọng kính mời các bạn Trỗi tới dự đám cưới con gái.


Thông báo

Kính gửi: các anh, các chị và các bạn cựu học sinh trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi.!
Hướng tới kỉ niệm 50 năm Trường Trỗi, tôi có ý định chuyển bài Tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ bên Blog K6 thành Blog chung về LS để gom các bài liên quan về 1 chỗ cho tiện theo dõi . Nay nhân kỉ niệm 50 năm Anh Trỗi hi sinh tôi làm luôn http://ahls-bantroi.blogspot.com/, cũng hơi vội nên giao diện và thứ tự bài mới là tạm thời, còn phải sửa.
Rất mong các anh, các chị và các bạn tham gia, góp ý!

Tô Thắng K6

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

TIN BUỒN

Mẹ bạn Đỗ Hồng Anh B2 K8 NVT là bác Vũ Thị Minh Tuyết mới mất tại bệnh viện Hữu nghị ngày 7/10/2014, thọ 81 tuổi. Lễ viếng từ 10h đến 11h15 ngày Chủ nhật 12/10/2014 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng. Lễ truy điệu từ 11h15; Di quan 11h30. Hóa thân Hoàn vũ tại Văn Điển cùng ngày. -----

"Xanh xanh ... Hà Nội"

Bầu trời xanh của thu đô Hà Nội trong những câu hát ngày xưa thường vắng bóng trong thu nay. Tối nay sẽ bắn pháo hoa ở 30 nơi nhưng ông trời không chiều lòng người tổ chức, chẳng chịu nắng lên chút nào, tối nay đi "trông" pháo hoa thì chỉ thấy khói, có khi còn chẳng thở nổi ấy chứ. Nghe vậy, ông trời chắc phán rằng: "các ngươi phải trách những người đốt rạ chứ sao lại trách ta. Hoặc phải trách những người chi tiền đốt pháo thay vì chi tiền thu rạ để dùng vào những việc có ích, ví dụ đông đến thì tặng cho vùng núi chống rét cho người và dùng cho gia súc ăn khỏi chết đói hàng nghìn con; hay phải ngăn không cho đốt rạ giống như ngăn không cho đốt pháo ý, nếu không thì phải xây nhiều bệnh viện lao hơn để chuẩn bị đón bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nhi. Thế nhé! Lần sau không được trách ta nữa!"

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Chuyện buồn của sinh viên nghèo (2)

N. là một sinh viên nghèo nhưng rất hiếu học và có học lực khá trong lớp học thử nghiệm chương trình dạy và học tòan bằng tiếng Anh. Chương trình này có yêu cầu cao không chỉ về kiến thức phổ thông các môn khoa học mà còn cả tiếng Anh nữa. Tuy nhiên trong lớp đa số lại là sinh viên đến từ nông thôn như N. Tôi được biết cả bố và mẹ em đều phải đi kéo xe bò chở vật liệu thuê những khi tạm rảnh khỏi công việc đồng áng để nuôi em và cậu em trai lớp 7 ăn học. Cứ tưởng em học khá là do được bố mẹ lo cho tạm đủ để chỉ chuyên tâm học hành. Nhưng rồi tôi được biết: "Từ lớp chín tới giờ, mỗi ngày em chỉ ngủ 2 tiếng. Hồi học phổ thông, ban ngày ngoài thời gian đến trường, em đi làm gia sư nên tối đến mới có thời gian học bài. Bây giờ (HKI năm thứ nhất) em vẫn chỉ ngủ 2 tiếng vì so với các bạn Hà Nội, ở phổ thông chúng em được học tiếng Anh ít hơn, nhất là hai kỹ năng nghe và nói. Học kỳ này em chưa đi dạy kèm vì muốn dành thời gian học tiếng Anh, nhưng từ học kỳ sau em sẽ đi dạy thêm để bố mẹ đỡ vất vả." Đó là những lời em tâm sự khi các em cởi mở với tôi hơn sau những buổi tôi phụ đạo nghe nói tiếng Anh cho sinh viên nghèo. Nào ngờ tai họa ập đến gia đình em. Chưa hết HKI, bố mẹ em phải đưa em trai em lên Hà Nội chữa bệnh sau khi không chữa khỏi ở tỉnh nhà. Đã nghèo, nay phải bỏ mọi công việc đưa con đi xa chữa bệnh với bao chi phí tốn kém làm bố mẹ em kiệt quệ. Vậy mà ông trời vẫn không buông tha. Sau 2 tuần bị vắt cạn tiền, kiệt sức ở đất khách quê người, bố mẹ N. đau xé lòng khi phải mang xác con về quê. Chỉ khi giải phẫu tử thi, các bác sỹ mới tìm ra nguyên nhân cái chết của cháu là do bị nấm phổi. Thế rồi, em sinh viên nghèo có vóc dáng chỉ như cậu học sinh cấp II đã bị hòan toàn mất ngủ vì quá đau buồn. Cô giáo và bạn bè an ủi em với tất cả tấm lòng và sự giúp đỡ nhỏ nhoi về vật chất để em yên tâm học. N. vẫn đến lớp. Nhưng tôi hiểu rằng nếu cứ thế thì em sẽ quị hòan tòan và không gì cứu vãn nổi. Tôi khuyên nhủ em và bàn với gia đình để em nghỉ học 1 năm. Mặc dù rất buồn khi phải xa các bạn và sẽ rất xấu hổ khi phải bỏ học trở về nơi cả làng ngưỡng mộ và lấy em làm tấm gương cho con cháu, cuối cùng em cũng đồng ý làm thủ tục bảo lưu 1 năm. Về quê, em dần ngủ được nhưng cả ngày đi lang thang trong làng do căn bệnh tâm thần nhẹ. Em chẳng học hành được và cũng chẳng làm được gì giúp bố mẹ. Bố mẹ em do quá đau lòng vì mất đi đứa con trai nhỏ nên đã quyết định sinh thêm con. Gia đình càng thêm khó khăn về mặt kinh tế nhưng thật may mắn khi thấy sự lớn lên của đứa em trong bụng mẹ, nỗi buồn của N. dần nguôi ngoai và tinh thần em ngày càng khá lên. Em như sống lại cùng với sự ra đời của đứa em trai thứ hai mà em vô cùng yêu quí. Sau 1 năm nghỉ học, em đã quay lại ghế nhà trường. Tuy phải bỏ chương trình học bằng tiếng Anh, nhưng sự lựa chọn đúng đắn này đã đưa em lên nhóm sinh viên giỏi. Có quá nhiều điều cần phải suy nghĩ quanh câu chuyện buồn của N và lợi ích 100 năm của đất nước này. Đó là ... Mong sao ...

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Chuyện buồn của sinh viên nghèo (1).

Có lần em H, một nữ sinh năm thứ nhất hiền lành nhưng gày yếu, kể tôi nghe chuyện mẹ em mất đã mấy năm rồi nhưng không biết nguyên nhân. Nhà nghèo nên những khi nông nhàn, mẹ em thường đi chở hàng thuê bằng xe máy vì bố ốm yếu. Hôm ấy đã quá bữa tối mà không thấy mẹ về. Cả nhà vẫn đợi cơm. Khoảng 9 giờ tối mới có người nhắn tin làm cả nhà rụng rời chân tay là mẹ mất rồi. Khi đến nhà chủ hàng thì bố em được nghe nói lại: mẹ em chở hàng (khá nhiều và nặng) từ chủ hàng đến người nhận thì đã 7 giờ tối. Thông thường sau đó mẹ em về nhà ăn cơm, nhưng lần này người nhận lại thuê mẹ em chở tiếp (ngòai hợp đồng nên sẽ có thêm thù lao) đến một nơi cách đó hơn một giờ đồng hồ. Khi đến nơi, bê vác hàng vào kho xong thì mẹ em ngã quỵ xuống và chết ngay. Nghe chuyện của mẹ em đã buồn thắt lòng, nhưng câu chuyện tiếp theo đó còn buồn hơn vì nó liên quan đến không chỉ 1 người: Khi tôi chia buồn với em và nói rằng, có lẽ mẹ em yếu quá, lại làm gắng sức khi đói nên bị trụy tim mạch, cô nhìn nước da và màu môi em và lo em cũng bị bệnh tim hoặc thiếu máu, liệu em có bị huyết áp thấp không? Em trả lời là không biết vì chưa bao giờ được khám tim, đo mạch hay huyết áp. Tôi thảng thốt hỏi thế khi nhập trường các em không được kiểm tra sức khỏe à? Câu trả lời là người ta chỉ cân cho bọn em rồi hỏi cao bao nhiêu, thế thôi. Thế mà cũng lập thành những bộ hồ sơ nhập trường đầy đủ cho hàng nghìn sinh viên đấy. Tôi nghĩ chúng ta dạy sai rồi. Nhà em tuy nghèo nhưng nếu mẹ em (cũng đã học hết cấp 2) hiểu về sức khỏe của mình, biết dừng ở điểm giao hàng thứ nhất thì có lẽ đã không chết tức tưởi, để lại hai đứa con gái còn chưa trưởng thành. Còn em, sau 12 năm phổ thông với kiến thức đủ để đỗ vào đại học khoa học tự nhiên mà không biết chút gì về những chỉ số sức khỏe tối thiểu của mình như huyết áp, nhịp tim, nhóm máu, v v. thì liệu có tự bảo vệ được mình khỏi cái nghiệt ngã của đời sinh viên nghèo xa nhà không? Chúng ta có khái niệm "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh". Đã đến lúc những người tiêu tiền tỷ đầu tư cho sách giáo khoa phải nghĩ đến một nền "Giáo dục vị nhân sinh".