Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

TÌNH BẠN

Đào Duy

( Thân tặng B )
Ngồi làm việc ở cơ quan thấy tin nhắn trên máy, tên người, số máy và nội dung đều lạ. Chắc có lẽ ai đó lộn số chăng? Vốn tính “cẩn thận” tôi bấm số máy đã nhắn và “a lô”
- Xin lỗi! chị vừa nhắn vào số máy của tôi ?
- Vâng ạ! Xin lỗi anh có phải là Nam? Nguyễn Nam không? Giọng một phụ nữ đã trung tuổi ở đầu máy bên kia.
- Dạ! Đúng rồi. tôi trả lời.
Sau khoảnh khắc im lặng, giọng người phụ nữ ngập ngừng:
- Chắc Nam đã quên! mình là Vân, Khánh Vân học cùng lớp với cậu hồi cấp ba ở trường Hồng Quang cậu còn nhớ không?
Câu hỏi quá đột ngột, “bất động” đến mấy giây tôi mới ấp úng:
- Ờ! … ờ … ờ … mình … mình … à … mình … nhớ rồi! tôi trả lời “đại” sợ làm buồn lòng người bạn cũ!!!
Vội vàng lục lọi trong trí nhớ xem có cái tên Khánh Vân nào trong đám bạn thời phổ thông? Cái tên chỉ cho tôi cảm giác quen quen mà không tài nào nhớ nổi. Bạn học phổ thông ư! thời gian quá vãng đã hơn ba mươi năm, nửa già đời người rồi còn gì, có quên cũng chả ai nỡ trách.
Đang định “tra cứu” thêm thì có chút việc cần giải quyết ở cơ quan nên tôi đành xin lỗi bạn và hẹn sẽ liên lạc lại.
Trừ mấy năm đầu sau hòa bình gia đình tôi sống ở Hải Phòng. Khi chiến tranh phá hoại xảy ra má con tôi rồng rắn theo quân y viện 7 sơ tán khắp nơi rồi viện chuyển về thị xã Hải Dương. Suốt thời phổ thông cho tới năm 1975 đi bộ đội cả tuổi thơ tôi gắn bó với thị xã này.
Ba tôi quê Vĩnh Long. Má tôi nữ sinh Đồng Khánh dân gốc Sài Gòn. Hai ông bà gặp nhau trong bưng và cưới nhau, được ít ngày thì đình chiến. Tập kết ra bắc ba má tôi đi học, tốt nghiệp bác sỹ cả ba má tôi được cục cán bộ điều về quân khu ba nhận công tác. Ba tôi về bệnh xá sư 320, còn má về quân y viện 7.
Được vài năm thì ba tôi đi chiến trường. Đằng đẵng suốt thời chiến tranh một mình má nuôi chúng tôi lớn lên.
Cả thị xã Hải Dương hồi đó chỉ có một trường cấp ba- trường Hồng Quang. Tôi học suốt ba năm với lũ bạn từ lớp 8 cho đến lớp 10. Ba năm học chung nên con trai, con gái trong lớp, chúng tôi thuộc hết tính nết của nhau. Ngoài một vài đứa con em cán bộ quan chức trong tỉnh còn lại đa phần bọn bạn tôi đều xuất thân từ gia đình tiểu thương buôn bán nhỏ và lao động nghèo.
Trong lớp so với bọn con trai “mẫu mã” của tôi cũng không đến nỗi nào, tôi học khá nhưng lười và nghịch, bù lại tính tôi hòa đồng và rất “ga lăng” nhất là đối với cánh chị em. Có việc gì khó khăn bạn bè nhờ vả trong khả năng tôi đều nhiệt tình giúp đỡ. Ba má tôi lại là bác sỹ, sỹ quan quân đội, gia đình “cơ bản” nên tôi cũng được nhiều chị em trong lớp để ý.
Cuối năm lớp chín có một sự việc xảy ra. Lớp tôi có Hương là lớp phó phụ trách học tập, Hương là con gái út trong gia đình buôn bán, nhà kinh tế khá, Hương học đều các môn.
Ngồi cạnh Hương là Khánh Vân, nhà Vân nghèo lắm, tôi nghĩ nếu không quá vất vả giúp gia đình mưu sinh Vân sẽ là người nổi trội nhất lớp về học tập.
Tôi còn nhớ có một lần tôi và mấy thằng bạn ở khu gia binh quân y viện 7, lò mò xách cần câu ra phía ga xe lửa ở đó có mấy cái hồ để câu trộm cá. Thị xã Hải Dương ngày ấy mang tiếng là thị xã lớn nhất miền bắc nhưng sao tôi thấy từ trung tâm thị xã mới ra tới ngoài ga nhìn xung quanh đã là làng xóm ngoại ô.
Mấy cái hồ do các cụ phụ lão quản lý được chăm sóc trông coi nên cá rất nhiều. Đang chăm chú câu thế chó nào bọn tôi bị các cụ phát hiện. Thế là chúng tôi tứ tán chạy thục mạng vứt cả cá lẫn cần, mỗi thằng một hướng. Tôi nhảy đại và chui vào đống ve chai của một gia đình mua bán đồng nát nằm sát hồ. Chả biết vướng vào cái quái gì mà chiếc quần đùi tôi mặc rách toạc ra và mất toi đi đâu gần nửa ống. Khi mọi việc êm xuôi lúc chui ra bất ngờ tôi gặp ngay Vân từ trong túp “lều” gần đó đi ra
- Ô kìa! Sao Nam lại ở đây? Vân ngạc nhiên, vừa nói Vân vừa đưa tay lên che miệng và vội vàng quay mặt đi .
Gãi đầu gãi tai mặt thì đỏ lên tôi xoay người đi dùng tay còn lại cố che đi cái khoảng trống lạnh lạnh ở gần mông do cái quần bị “mất ống”, một lúc tôi mới ậm ừ:
- Mình đi câu cá “tưởng” hồ tự nhiên không ai quản lý té ra là của mấy cụ phụ lão nên bị các cụ ấy đuổi, mình chạy đại, trốn ở đây.
- Nhà Vân đây à? vừa hỏi tôi vừa quan sát “túp lều” ọp ẹp thấp lè tè. Tôi đứng nói chuyện trong tâm trạng không được “tự tin” còn Vân cũng chẳng dám mời. Vân mặc cảm trước gia cảnh của mình. Biết “hoàn cảnh” của mình và hoàn cảnh của bạn nên sau vài ba câu, tôi chào Vân rồi “chuồn”. Nhưng trong lòng tôi hình ảnh “ngôi nhà” của gia đình Vân cứ ám ảnh tôi mãi.
Vào một buổi sáng sau giờ chơi chúng tôi vào lớp bỗng dưng tôi thấy Hương đang ngồi gục xuống bàn khóc tức tưởi. Cả lớp chả hiểu chuyện gì? Khi mọi người xúm lại thì mới biết, sự việc quá nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra trong lớp tôi - Hương bị mất chiếc nhẫn vàng để trong cặp.
Chuyện nhanh chóng được báo với cô chủ nhiệm và ngay sau khi buổi học kết thúc lớp tôi phải ở lại. Sau tường trình của Hương cô giáo khuyên giải động viên nếu có ai lỡ cầm của bạn thì tự giác đưa cho cô hoặc có thể gặp riêng bạn để trả, chúng ta chỉ xử lý nội bộ trong lớp. Sau 20 phút không có ai ý kiến gì. Cô giáo nói: “trước mắt cô sẽ thành lập một tổ gồm bốn tổ trưởng và mời tất cả các em ra ngoài để nguyên sách vở “tư trang” trong lớp cho tổ kiểm tra”.
Nhưng cuộc kiểm tra không có kết quả.
Cô chủ nhiệm một mặt vẫn động viên các bạn tự giác một mặt cô nói: “ Hương em hãy nhớ kỹ lại xem có chắc chắn chiếc nhẫn bị mất trong lớp không?”
Hương khẳng định trước giờ thể dục vẫn còn đeo ở tay, sau đó tháo ra cho vào cặp vì sợ chạy nhảy rơi mất.
Tuy không nói ra nhưng Hương và các bạn trong lớp đều dồn hết sự nghi ngờ về phía Vân vì theo trực nhật lớp Vân là người cuối cùng rời khỏi lớp xuống khu thể thao và là người ngồi bên cạnh biết Hương tháo chiếc nhẫn cất đi.
Tôi thấy Vân im lặng, mặt “bình thản” chả bàn tán góp ý kiến gì trong câu chuyện xảy ra.
Hai ngày sau, sự việc không “tiến triển”. cô chủ nhiệm đành phải báo cáo với ban giám hiệu nhà trường. Sự kiện làm xôn xao trong khóa và theo tự nhiên tất cả những ai liên quan đều được thầy hiệu phó phụ trách kỷ luật của trường mời lên trong đó có Vân.
Suốt mấy ngày không khí nặng nề bao trùm trong lớp, mọi người nhất là bọn con gái đều nhìn Vân với ánh mắt ghẻ lạnh và tìm cách xa lánh tẩy chay thậm chí có những câu nói xa xôi xúc phạm đến gia đình Vân.
Lủi thủi lặng lẽ ngày ngày cắp sách đến trường Vân chẳng thanh minh và cũng chẳng nói với ai chỉ lầm lũi cô độc như chiếc bóng trên con đường chiều hai buổi đi về căn nhà nhỏ ọp ẹp nơi ngoại ô. Vân vốn đã gầy và xanh xao giờ đây sau mấy ngày của sự việc tôi thấy hình như Vân gầy hơn, xanh hơn.
Từ bữa gặp Vân hôm đi câu cá trộm, cộng với sự việc xảy ra vừa rồi tôi càng thông cảm với hoàn cảnh của bạn . Mọi người trong lớp thậm chí cả cô chủ nhiệm chỉ biết nhà Vân nghèo còn cụ thể ra sao thì chắc gì ai đã biết.
Riêng tôi, tôi đứng về phía Vân. Tôi không tin sự giáo dục của những gia đình nghèo khó tá túc trong những căn nhà tồi tàn kia lại dung túng cho lòng tham? Tôi không tin trong trái tim người bạn gái với thân hình xanh xao gầy yếu kia lại trú ngụ đức tính xấu xa nhất của con người!
Từ khi sự việc xảy ra tôi thay đổi lộ trình trên đường trở về nhà sau khi tan lớp. Tôi đi xa hơn nhưng bù lại tôi cùng đường về với Vân.
Mấy ngày đầu Vân có ý tránh tôi nhưng thấy thiện chí của tôi mấy ngày sauVân đi chậm có ý chờ, không còn “trốn chạy” nữa.
Tôi an ủi động viên bạn và cho Vân biết tôi không bao giờ tin chuyện mọi người nghi ngờ Vân. Suốt mấy ngày Vân không hề nói một câu ngoại trừ lời chào khi chia tay và lời cảm ơn.
Cho đến mấy ngày sau, hôm ấy trên đường về, bỗng dưng Vân nói:
- Mình muốn nói với Nam một điều, chỉ một mình Nam biết thôi.
Giọng Vân buồn bã.
- Đã có bao giờ Nam nghĩ tới cái chết chưa?
- Đã có bao giờ Nam nghĩ tới chuyện bỏ học? Im lặng một lúc:
- Thế mà đã có lúc Vân đã nghĩ tới điều đó.
Nói rồi Vân ngồi sụp xuống đường nức nở, mấy cuốn vở che mặt chữ nhòe đi vì nước mắt.
Quá bất ngờ, tôi ngơ ngác chả biết an ủi khuyên giải Vân ra sao? Rồi tiếng Vân nghèn nghẹn.
- Nam ơi! chính Vân là người đã lấy chiếc nhẫn của Hương.
Tôi quá choáng váng trước lời tự thú của bạn.
Trong trái tim tôi những gì tốt đẹp nhất mà tôi luôn nghĩ và dành cho bạn bè, dành cho Vân bỗng chốc tan thành mây khói. Giống như chiếc ly pha lê trong suốt bị ai đó nhẫn tâm ném mạnh xuống sàn đá hoa cương, người tôi rũ ra chẳng khác nào hình hài của Vân đang ủ dột ngồi kia.
Rồi Vân nói tiếp:
-Mẹ mình ốm nặng cả tháng nay nhà túng quẫn quá, thương mẹ mình không kiềm chế nổi và trong giây phút xao lòng mình đã hành động như một kẻ táng tận lương tâm. Lúc đó mình chỉ nghĩ tới mỗi một điều “phải có tiền để cứu mẹ”. Sau sự việc mình ân hận và nhục nhã quá giờ chả biết giải quyết ra sao? Rồi Vân lại khóc…
Hoàn cảnh của Vân như xát muối vào trái tim vốn hay xúc động của tôi. Tôi bỗng nghĩ tới người mẹ thân yêu của mình.
Trong lòng tôi, tôi vẫn không tin người bạn gái nhỏ bé, mềm yếu kia là con người như vậy. Ngược lại tôi thấy thương và thông cảm với bạn hơn.
Trên đoạn đường còn lại trở về nhà hai chúng tôi im lặng. Chả biết Vân nghĩ gì? Có thể Vân vơi đi một chút khổ đau trong lòng sau khi giãi bày với tôi chăng? Còn tôi, trong đầu tôi từ lúc đó chỉ canh cánh có mỗi một điều “ phải làm gì đây để giúp bạn? ”
Khi chia tay tôi hỏi Vân.
- Thế chiếc nhẫn bây giờ Vân để đâu?
- Mình vẫn cất kỹ ở nhà
Sau một hồi suy nghĩ tôi nói:
- Mình đã có cách, Vân có thể đưa cho mình chiếc nhẫn được không?
Trong đôi mắt vẫn còn sóng sánh nước của Vân tôi thấy dường như lóe lên tia hy vọng và lòng tin cậy ở người bạn trai.
- Đợi Vân một chút!
Nói rồi Vân chạy như bay về nhà, ít phút sau đứng trước mặt tôi Vân chìa tay ra, trong lòng bàn tay trắng xanh gầy guộc vẫn không dấu nổi những vết chai sần là một cái gói giấy nhỏ, tôi cầm lấy và mở ra. Lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn và được sờ vào chiếc nhẫn vàng, chiếc nhẫn bé tí teo này vì nó mà bạn tôi đã suýt tìm tới “cái chết”, vì nó mà bạn tôi suýt phải bỏ học, vì nó mà lớp tôi nháo nhào cả lên, vì nó …?
Cầm chiếc nhẫn tôi quả quyết.
- Vân yên tâm mình đã có cách.
Rồi chúng tôi chia tay nhau. Khi quay đi tôi vẫn có cảm giác ánh mắt tin tưởng của Vân dõi theo cho tới khi bóng tôi khuất dần phía cuối con đường.
Sáng hôm sau tôi tới trường sớm hơn thường lệ một phần vì tuần này tổ của tôi làm trực nhật. Trường vắng hoe, tôi về lớp của mình, cẩn thận ngoái lại xem có ai không, nhanh nhẹn tiến về phía bàn học chỗ Hương ngồi. Tôi nhấc chiếc ghế băng thò tay vào túi quần lấy chiếc nhẫn đặt nơi chân ghế rồi để lại y như cũ, rồi lao ra cổng trường tự thưởng cho mình gói xôi ngồi ăn chờ bọn bạn.
Khoảng mười năm phút sau bọn bạn trong tổ đến đông đủ chúng tôi trở về lớp phân công nhau, đứa thì lau bảng, đứa quét lớp bụi bay mù mịt, các cửa sổ được mở ra cho thoáng, đèn được bật lên. Khi đã xong xuôi tôi nói “bàn ghế xộc xệch quá xếp lại cho thẳng hàng đi”.
Làm như vô tình tôi tiến về phía bàn của Hương nhấc ghế lên kê lại rồi tôi la toáng lên:
- Chiếc nhẫn! chiếc nhẫn vàng các cậu ơi!
Bọn bạn xúm hết cả lại, chiếc nhẫn nằm gí dưới chân ghế.
Buổi học hôm ấy lại xôn xao chả khác gì như hôm Hương mất chiếc nhẫn.
Mọi người bán tín bán nghi đứa thì ra chiều hối hận khi đã có những ý nghĩ xấu về bạn, đứa thì lại nghĩ hay lần trước Hương dấu xuống chân ghế rồi quên … Nhưng điều cơ bản là chiếc nhẫn đã được tìm thấy và đã trở về với chủ của nó. Tôi kín đáo đưa ánh mắt về phía Vân. Vân vẫn ngồi kia nơi đầu bàn, ánh mắt vẫn “bình thản”, vẫn dáng hình gầy yếu xanh xao như hôm nào.
Sau khi sự việc kết thúc tôi và Vân còn đi lại trên con đường trở về nhà Vân một lần nữa. Vân cảm ơn tôi, khi chia tay chúng tôi nắm chặt lấy bàn tay nhau.
Chỉ duy nhất một điều thay đổi đối với tôi sau sự việc trên, đó là tôi lại quay trở lại con đường cũ vẫn thường đi học của mình và thỉnh thoảng trong ngăn bàn tôi có một vài điếu thuốc được gói trong tờ giấy học trò của ai đó “để quên”.
Mọi việc trở thành quá khứ lớp tôi lại vui vẻ đoàn kết như xưa và tôi vẫn tếu táo nghịch ngợm như cũ. Với Vân tôi cũng coi bạn như những người bạn khác trong lớp vô tư hồn nhiên và coi sự việc vừa qua như một nghĩa cử bình thường trong tình bạn. Ngoài tôi và Vân trong lớp chẳng có ai biết.
Năm 1975 tôi đặc cách tốt nghiệp lớp mười rồi đi bộ đôi. Sau 1975 gia đình tôi chuyển hẳn về Nam và cũng từ đó cho tới nay tôi chưa một lần quay trở lại Hải Dương thăm lại chốn cũ nơi dấu những kỷ niệm tuổi thơ êm đẹp của mình.
Người nhắn tin mà tôi kể với các bạn lúc đầu là Vân trong câu chuyện vừa rồi. Vân nói hàng năm lớp cũ của tôi ngày xưa vẫn thường xuyên họp mặt chỉ duy nhất một người không bao giờ có mặt đó là Tôi. Vân kể sau khi tốt nghiệp phổ thông Vân học đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Ra trường được mấy năm thì lấy chồng gia đình Vân hiện ở Hà Nội. Cuộc sống ổn định kinh tế gia đình khá. Vân có hai đứa con một đứa đã tốt nhiệp đại học một đứa đang làm thạc sỹ tại Anh.
Hành động vô tư xuất phát từ tình bạn hết sức bình thường tuổi học trò của tôi không ngờ nó lại có ý nghĩa lớn lao đến thế. Vân nói “Hành động của Nam ngày ấy đã cứu vớt Vân, cứu rỗi một tâm hồn bế tắc và cho Vân hiểu ý nghĩa lớn lao của tình bạn. Hình ảnh của Nam cách ứng xử của bạn bao nhiêu năm qua luôn nằm trân trọng trong trái tim Vân”.
Không biết Vân có nói quá không? Nhưng thực sự tôi rất cảm động và rất mừng khi thấy Vân, bạn bè của mình, người thân và mọi người xung quanh hạnh phúc và thành đạt.

T/p Hồ Chí Minh
Những chiều mưa không dứt- 8/2008

10 nhận xét:

  1. @a.KQ: anh viết:
    "Suốt thời phổ thông cho tới năm 1975 đi bộ đội cả tuổi thơ tôi gắn bó với thị xã này."
    Vậy thì anh không phải là "dân" Trỗi à? (Học Trỗi thời gian nào?).
    - Hồi lớp 9 chắc anh "lớn" lắm rồi?
    Vì anh "...rất “ga lăng” nhất là đối với cánh chị em...nên tôi cũng được nhiều chị em trong lớp để ý."
    - Và lại còn hút thuốc lá rất sớm nữa: "...thỉnh thoảng trong ngăn bàn tôi có một vài điếu thuốc được gói trong tờ giấy học trò..." - chắc của chị V. "dúi" cho?
    Câu chuyện của anh đậm tính nhân văn!
    Kính Anh.

    Trả lờiXóa
  2. @tt_ngayxua: Nhầm rồi! tác giả là Đào Duy K6, hiện ở tp HCM. a KQ chỉ là người đăng hộ. Nhân vật thì đâu cứ fải là "lính" Trỗi.

    Trả lờiXóa
  3. @vinhnq: Vì trong chuyện thì nhân vật xưng "tôi", thế nên tác giả ĐD cũng không thể là Trỗi K6 được!
    Vậy thì đây là một chuyện hư cấu, không có thật!
    Mà chuyện hư cấu thì cũng phần nào giảm bớt cảm tình của người đọc.

    Trả lờiXóa
  4. Trong một tác phẩm, nhân vật "tôi" không nhất thiết là tác giả, ngược lại, nhân vật có tên khác có khi lại là tác giả.
    Ở đây, sau khi nghe người bạn tâm sự, tác giả đã dùng nội dung tâm sự chuyển thành bài viết. Chắc là vậy.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  5. Nếu là một truyên ngắn thì nên đưa vào phần Văn học của blog SRTKL. Còn ở đây chỉ nên việc về kỷ niệm (quá khứ), chuyện hôm nay, các ý định, dự tưởng cần ACE Trổi tham gia (tương lai)như hổ trợ đồng bào An Mỹ....
    Thắc mắc ban đầu của tôi cũng giống như các pác đã nêu.

    4 SG

    Trả lờiXóa
  6. Mấy bạn xem lịch sử riết rồi mất mẹ nó cảm hứng văn học rồi ! Các blog để AE mình cùng nhau chia sẻ những tâm tư với các bạn của mình dưới mọi hình thức : văn, thơ, nói dóc...kể cả chửi thề (xin lỗi, chửi đổng) đâu nhất thiết cứ phải là : tôi là Trỗi, tôi đã thế này, thế kia....
    Truyện của d.đ rất nhân văn. Mà ở Trỗi cũng có thể đã từng xảy ra, chỉ khác ở chi tiết và tên nhân vật thôi.
    @ d.đ : Lần sau bạn đừng xưng "tôi" mà hãy đặt cho nhân vật 1 cái tên, ví dụ như : Nguyễn văn Tao chẳng hạn để mấy bạn mình nghe quen tai hơn (?)
    @ 4SG : Nếu phải phân chia loại bài nào ở blog nào thì có lẽ phải nhờ mấy TQ dựng thêm vài blog nữa về các lãnh vực như : Y học, Kinh tế, QS, LS, Tiếu lâm, Nói bậy....

    HMK6

    Trả lờiXóa
  7. Đừng có nóng! Đừng có nóng!!!
    Viết truyện ngắn mà kỷ niệm đó ít hoặc ko dính tới nhà Trỗi thì mình nhờ các TQ đưa vào phần VH đã có sẳn như các truyện trước của Duy Đảo.

    Dzậy đó!

    4 SG

    Trả lờiXóa
  8. Ha ha, lính Trỗi vui thật, y như hồi chín năm (ý tôi nói là hồi tụi mình ở trường Trỗi).
    Sau chuyến đi Quế lâm, bà xã tôi nói, giao lưu với các anh Trỗi thật thú vị, vì các anh sống lại cái "thời Trỗi".
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  9. Đây là câu chuyện tôi được nghe người bạn cùng cơ quan kể lại, không liên quan gì tới bạn Trỗi ta. Ông già anh là đại tá giám đốc bv 115 sau giải phóng. Dù ít tuổi hơn , anh sinh năm 1957, nhưng tôi rất quý bởi tính hào hiệp, phóng khoáng đậm chất Nam Bộ của anh.
    Cốt chuyện cơ bản như lời anh kể, tôi chỉ thêm thắt "dấm ớt" tí chút mà thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Tôi biết.
    Lần đầu tiên, khi DĐ lên blog với bài ngày đầu về hưu, anh em hỏi tới hỏi lui thằng chả về hưu rồi à, vì nhân vật trong bài là cái thằng "tôi".
    HCQuang

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!