Ngày 22/7 BLL cùng một số ace gặp gỡ H, bạn thân của Thảo, một liệt sĩ mà mãi tới hôm nay chúng ta mới biết qua các thông tin trên blog. Qua H chúng tôi có thêm một số thông tin về bạn và gia đình, đồng thời phân công việc thăm viếng các gia đình liệt sĩ trong những ngày tới.
Ngày 23/7. BLL K7 Hà Nội (M.Thắng,Q.Thắng,V.Triều,T.Tráng) cùng ba trợ lý K.Việt, T.Quốc và Minh “V” đã viếng thăm nhà hai bạn liệt sĩ Đặng Đình Kỳ và Trần Hữu Dân.
Ở nhà Đặng Đình Kỳ, bên mẹ già 81 tuổi của bạn, anh em dâu rể đều đã có mặt. Trên bàn thờ là di ảnh của hai người lính, một già, một trẻ. Sau khi thắp hương cho bạn và cha bạn, chúng tôi ngồi cùng gia đình nhắc lại những kỷ niệm cũ về Kỳ thời trường Trỗi và nghe gia đình kể về Kỳ .
Đơn vị của Kỳ là c9, d6, e2, f324 , Kỳ hy sinh trong trận đánh Chùa Mụ Tham, Phú Lộc, Thừa Thiên ngày 14/09/1974. Gia đình cũng đã nhiều lần tìm kiếm phần mộ của bạn, trong đó có nhờ nhà ngoại cảm Bích Hằng giúp đỡ. Theo chị Hằng nói: "Mộ của bạn đã được qui tập về nghĩa trang liệt sĩ Phú Bài , huyện Hương Thủy, TP.Huế. Mộ tại vị trí sau đài tưởng niệm 80m,cạnh cây hoa Ban đỏ.” Ai đó trong chúng ta đến Huế nhớ ghé thăm bạn mình nhé.
Riêng tôi với f324 cũng có nhiều kỷ niệm, e2, f324 của Kỳ cùng cánh Bắc Huế với trung đoàn tôi ở Hòa Mỹ năm 1973. Tôi nhớ chính xác là d6 của Kỳ đóng gần chúng tôi lắm, lính Hà Nội vẫn thường sang thăm nhau. Nếu ai xem bài “ những hình ảnh về Phong Điền” trong uttroi sẽ thấy một cái đập nước rất đẹp xung quanh là núi non xanh mướt. Trước kia là dòng suối Cát, chính là nơi d6 của Kỳ đã từng ở và luyện tập để đánh những trận đánh lớn, còn đơn vị tôi thì căng ra giữ tuyến giáp gianh, vậy mà chúng tôi chẳng biết để mà gặp nhau. Đầu năm 74, e2 của Kỳ chuyển xuống Nam Huế và Kỳ đã hy sinh tại đó. Sau khi hy sinh đơn vị có chuyển về một số di vật của Kỳ cho gia đình, trong đó có một cuốn nhật ký. Hy vọng chúng ta sẽ còn được biết thêm về người lính này.
Đến nhà Hữu Dân, vợ chồng chị Đạt đã đợi đón chúng tôi. Bác cả nhà Dân đi công tác nên chị Đạt sang tiếp. Chúng tôi cùng anh, chị xem lại những bức ảnh hiếm hoi của Dân trước lúc lên đường nhật ngũ. Những câu chuyện về Dân trong trận đánh cuối cùng của mình ở Hải Lăng năm1972. Dân hy sinh cùng ba đồng đội khác nữa trong trận đánh không cân sức với địch. Năm 1973, khi đang còn chiến tranh, Ba của Dân (bác Trần Hữu Duyệt ) đã vào Quảng trị để tìm Dân, ông đã gặp nhiều người kể cả Sư Trưởng Hoàng Đan, mà chưa thấy. Ba Dân mất, các anh chị Dân lại tiếp tục tìm kiếm, đã đến tận ngọn đồi nơi diễn ra trận đánh để tìm hiểu thêm về Dân. Theo thông báo của f304, phần mộ của Dân đã được qui tập về nghĩa trang Hải Lăng nhưng cũng như Đặng Bá Linh, Đặng Đình Kỳ v.v họ đều là những liệt sĩ vô danh. Anh rể Dân hứa sẽ tập hợp các tư liệu về Dân và sẽ gửi cho chúng ta.
Thăm nhà hai bạn tôi thấm thía, các bạn không về đã để lại nỗi đau không thể bù đắp cho các mẹ, các chị và gia đình. Họ đã ngày đêm trông chờ, dồn nén đau thương để tiếp tục sống đến hôm nay. Tôi vẫn nhớ ngày tôi từ chiến trường ra, khi ấy chiến tranh đã kết thúc vậy mà khi vừa thấy tôi, cha tôi đã ôm chặt lấy tôi và nói: "Bố đã nghĩ con không về…”. Một người lính già như ông mà còn thế vậy các mẹ, các chị xót xa biết chừng nào khi con em mình không trở về...Nhìn ảnh hai người cha của các bạn, tôi lại nhớ đến cha mình, ông có may mắn hơn họ là được gặp con sau ngày chiến thắng. Còn hôm nay khi ngồi trong nhà các ban, tôi như thấy Kỳ và Dân vẫn đang sống cùng gia đình và lâu lắm rồi mới có bạn cũ đến nhà. Gia đình thêm ấm và vui, như các bạn không hề đi xa…
25/7 Mưa từng cơn suốt buổi sang, Tráng “mèo” đội mưa chạy đến nhà tôi. Hai thằng tranh thủ gặm mấy miếng bánh mỳ trong lúc chờ xe. Về trưa trời bớt mưa, Dũng, Hạnh cũng vừa đến đón chúng tôi.
Dũng em rể Thảo (Trưởng khoa phẫu thuật bụng HVQY) và Hạnh, Cô bạn gái từ thủa cắp sách với Thảo và rất nhiều anh em Trỗi trong khu TT QY trong Hà Đông. Ban đầu thấy Dũng phóng nhanh, sử lý già tôi hơi lo nhưng chỉ đến cầu Thăng Long thì tôi bắt đầu yên tâm. Qua Dũng, chúng tôi được biết về trường hợp hy sinh của Thảo, về việc đưa hài cốt Thảo về quê ra sao. Tôi nghĩ đó là những câu chuyện cảm động về tình người, tình đồng đội. Nhưng bài viết này thật khó mà kể hết cho anh em được.
Hạnh, chính là H trong bài viết trước, hiện Hạnh đang công tác tại đoàn 871, ngày trước cánh Trỗi ta không ít ông đã phải qua trung tâm này. Trên đường Hạnh kể cho chúng tôi nhiều về Thảo. Từ thủa còn chơi “ô ăn quan”, rồi Thảo lên trường Trỗi, rồi khi ở Trỗi về lại cùng trong một lớp. Những chuyện Thảo chốn học đi chơi với bạn bè “bắt “ Hạnh chép bài hộ làm Hạnh” ấm ức”. Vốn là cô giáo (ngoại ngữ), nên Hạnh ý tứ không thổ lộ nhiều. Tôi hiểu giữa họ đã là một tình bạn đẹp và sâu nặng. Giá như không có chiến tranh….
Nghĩa trang Thảo năm trong một khuôn viên đẹp của xã, nằm bên con đường đi quanh hồ Núi Cốc. Mộ thảo nằm ngay hàng đầu tiên, gần đài tưởng niệm. Khi chúng tôi đến thì địa phương cũng đang tổ chức cho thanh niên, cựu chiến binh ra sửa sang lại nghĩa trang nhân ngày 27/7. Trên đường về, Quyết Thắng từ Nam Định báo đang ở nghĩa trang thắp hương cho Lợi.
Về Hà Đông gặp mẹ Thảo, bà đã 87 tuổi nhưng còn minh mẫn lắm, chẳng quên chuyện gì. Lưng bà còng lại vì trông chờ Thảo đã ba mươi năm. Hôm nay chúng tôi đến dù có muộn, Hạnh đang ngồi bên bà như muốn xoa dịu nỗi đau của Mẹ…Trên bàn thờ, vẫn lại di ảnh hai người lính, một già, một trẻ. . .