Xe bò Hà Nội.
Hà Nội xưa và này có nhiều cái để nói, là phố nhỏ mùa đông quay quắt, là hoa sữa đêm về cuối trời thu , là leng keng tiếng tàu điện hôm sớm...
|
Ảnh minh họa |
Nói về Hà Nội, người ta hay nhắc đến: Xích lô, xe điện nhưng cũng cái Hà Nội lại thấy ít người nhắc đến là cái xe bò. Không biết xe bò xuất hiện ở Hà Nội từ khi nào, còn trong ký của tôi, xe bò Hà Nội nó là một thời của nghèo khó nhưng thanh bình. Có thể khi ấy tôi còn quá nhỏ, không nhận biết được những cay cực về vật chất và tinh thần của những người lớn tuổi, nên mới nói " thanh bình " vậy.
Ngày ấy ( 1959_1960 ), Hà Nội yên ả lắm, lác đác một vài cái xe đạp trên phố. Người thưa hơn cả cây cối ven đường, lũ trẻ tự do lang thang trên những con phố rộng, làm gì cũng được. Đổ dế, bắt ve, chơi sôve và đá bóng ngay giữa lòng đường...Dù đang làm gì, nhưng khi thấy xuất hiện đầu phố những chiếc xe bò là lũ trẻ chúng tôi ngừng chơi, chờ đợi xe bò đến để bám đu theo nghịch ngợm.
Trò bám nhảy xe bò cuốn hút, hấp dẫn lũ trẻ lắm. Ai trèo được hẳn lên xe, đi được càng xa càng hãnh diện. Đoạn đường bám theo dài ngắn còn tùy thuộc người đánh xe, người dễ tính thì: kệ !, muốn đi bao nhiêu tùy thích nhất là lúc không có hàng, có khi còn cho ngồi bên cạch ngay sau đít bò. Gặp phải người đánh xe khó tính thì liệu chừng. Họ la hét, có ông còn nhảy xuống, tay roi vung lên đuổi lũ trẻ dọa dẫm. Đối lại, lũ trẻ chạy tóe ra, cười toe toét và trêu chọc, có khi còn chọi đá theo (tất nhiên chỉ là những viên sỏi nhỏ). Âu cũng là một trò chơi của trẻ con chúng tôi thời đó.
Nói về cái xe bò Hà Nội ngày ấy, nó to, cao hơn cái xe bò trong ảnh nhiều lắm. Để chở được nhiều hàng, người ta quây thêm một tấm liếp dài, đan bằng tre, cuộn trên thành xe. Xe bò thường chở cát, gạch đến công trường, chở than, củi cho các của hàng chất đốt trong phố. Xe bò hay đi theo đoàn, mỗi lần dăm ba cái, nó đi khắp phố phường Hà Nội, chẳng ai cấm đoán gì, ngay như đường Hoàng Diệu, Điện Biên, Hoàng Văn Thụ hôm nay trầm lặng uy phong là thế những với xe bò nó là con đường thân quen thời đó.
Trên mỗi xe bò đều có biển số, sau hàng chữ HTX là vài con số, nay ngẫm lại mới hiểu xe bò Hà Nội xưa cũng được quản lý theo tổ, đội chứ không phải là những cá thể tự do được. Nghĩa là người đánh xe bò xưa cũng là thanh viên của một dạng sở hữu tập thể: Hợp tác xã vận tải gì gì đó, không biết có thuộc biên chế của sở GTVT không nhỉ (?).
Trong một bữa nhậu, nghe một ông anh người Hà Nội gốc kể :
|
Ảnh minh họa |
Ngày bé, xe bò đi qua dốc Bà Triệu gần nhà tao. Thấy đoàn xe lạc lè lên dốc, bọn tao thường xúm lại đẩy đỡ. Qua hết dốc, bên lề đường có cái quán nước nhỏ của bà Năm, mấy bác đánh xe đến đây thường bỏ cho xe tự đi, rồi tụ lại uống nước và hút thuốc lào. Xe bò không người điều khiển cứ đi, chẳng bao giờ sợ lạc, Hì : “bò không lạc ngõ, chó không lạc đường“ mà, nên nghe người ta kể chuyện “bò lạc” anh mày cóc tin... mà chú em biết không, thu nhập của cánh đánh xe bò cũng khá đấy, mỗi lần đấy phụ xe bò lên đầu dốc, anh đều được thưởng công trong quán bà Năm, lúc thanh kẹo lạc, lúc quả chuối tiêu hậu hĩnh lắm...
Lại nhớ, năm 72 tôi đi bộ đội, trong đơn vị có thằng An nhà ở An Dương, có nghề đánh xe bò, anh em hay gọi nó là “An xe bò", tức là năm 72 vẫn còn xe bò kéo, có lẽ lúc bấy giờ xe bò không chạy trong phố nữa mà chỉ chạy trên đê và các vùng ven đô. Không biết xe bò đến và đi khỏi Hà Nội bao lâu nhỉ ???
Nhớ Hà Nội xưa, tản mạn, miên man chút xíu.