NGƯỜI VIẾT ĐƠN BẰNG MÁU XIN ĐI BỘ ĐỘI
KIẾN QUỐC
Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kì chống Mỹ (1965-70) thuộc Tổng cục Chính trị (QĐNDVN) đào tạo hơn 1200 học sinh, với 90% học sinh tốt nghiệp đại học và cung cấp cho quân đội gần 900 sĩ quan. Hiện nay nhiều đồng chí là sĩ quan cao cấp trong quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc có 2 thầy giáo và 27 học sinh đã anh dũng hy sinh, trong đó liệt sĩ Huỳnh Kim Trung được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Nhân ngày Thương binh, liệt sĩ, xin giới thiệu về Bùi Thọ Tuyến - liệt sĩ trẻ nhất của nhà trường!
Hè năm 1970, Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi kết thúc đào tạo, Bùi Thọ Tuyến trở về với gia đình ở thị xã Thái Bình. Khi đó ông Bùi Thọ Tư, bố Tuyến, là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Tháng 5-1971, học xong lớp 8 (hệ 10 năm) cũng là lúc tình hình chiến sự trên chiến trường vào giai đoạn ác liệt. Cả nước sùng sục khí thế của Lệnh tổng động viên. Tuyến tâm sự với mẹ: “Mẹ cho con đi bộ đội đợt này!”. “Con còn bé, mới 16, ai người ta nhận?”. “Được mà, miễn là bố mẹ đồng ý. Bạn con ở Hà Nội đi hết trong đợt này”. Là người bố người mẹ, ai chẳng thương con, nhưng khi đất nước lâm nguy, sao mà giữ chân con được. Mẹ Liên rơm rớm nước mắt.
Rồi Tuyến dùng dao lam rạch ngón tay, lấy máu viết đơn xin nhập ngũ. Khi lá đơn tới Ban chỉ huy quân sự thị xã thì bị từ chối: “Cháu còn bé quá, chưa đủ tiêu chuẩn”. Hai mắt đỏ hoe, Tuyến về nhà giục mẹ: “Bố thì đang bận huy động thanh niên cả tỉnh cho đợt tòng quân, có lẽ nào là con lại không hưởng ứng? Mẹ phải giúp con! Không đi đợt này thì còn có cơ hội nào?”. Suy nghĩ hồi lâu, mẹ Liên gạt nước mắt, đạp xe, mang hồ sơ của con xuống xã Hoàng Diệu (huyện Đông Hưng): “Cũng là chỗ quen biết, cháu nó quyết tâm đi đợt này nên tôi phải nhờ đến các chú. Nguyện vọng của cháu cũng là ý nguyện của chúng tôi”. Sau khi bàn bạc, xã đã chấp nhận. Đợt ấy, Tuyến đi theo đội hình của huyện Đông Hưng.
Vì muốn trực tiếp đối mặt với kẻ thù, Tuyến nhờ bố tác động để được về đơn vị huấn luyện đặc công. Kết thúc huấn luyện, vì thành tích học tập mà đơn vị muốn giữ Tuyến làm trợ giáo. Nhưng anh nằng nặc từ chối với quyết tâm: “Ra đi đợt này, một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực!”. Với ý chí như vậy của một chiến sĩ thì không một thủ trưởng nào có thể từ chối. Tuyến cùng đơn vị lên đường. Vì nguyên tắc bí mật mà gia đình không hề biết Tuyến thuộc đơn vị nào, ngày nào rời miền Bắc đi “B”...
Sau ngày toàn thắng, chờ mãi không thấy Tuyến trở về, mà thư từ cũng chẳng hề có. Bà Liên lo lắng, dò hỏi mọi nơi mà không có tin tức. Cho đến một hôm, một người lính khoác trên mình quân phục còn khét mùi thuốc súng, tìm đến gia đình. Cầm chén nước trên tay mà không sao uống được, anh ấp úng:
- Cháu… con là bạn… cùng đơn vị. Con mới ra…
- Tuyến thế nào, con?
- Tuyến… Tuyến… đã hy sinh. – Rồi hai tay anh ôm lấy mặt.
Bà Liên òa khóc… Và người lính trẻ đã kể lại toàn bộ câu chuyện. Trong một trận đánh ác liệt, ngay trong giây phút mở cửa đột phá, chiến sĩ trinh sát đặc công Bùi Thọ Tuyến bị trúng đạn. Ngày ấy là 23-3-1974. Chỉ còn một năm nữa là cả nước có hoà bình!
Chiến tranh qua đi đã 30 năm nhưng anh yên nghỉ ở đâu, gia đình không hề biết. Những thông tin về người đồng đội của Tuyến cũng thất lạc theo thời gian. Mọi sự tìm kiếm đều vô vọng. Khi chúng tôi, những đồng đội của Tuyến, sưu tập tư liệu để biên soạn cuốn “Sinh ra trong khói lửa” thì được gia đình chuyển cho bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 17-11-1976; Giấy báo tử của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình kí ngày 1-5-1977(?) và Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký ngày 2-7-1986. Cảm động hơn khi chúng tôi có trong tay bức thư cuối cùng trước giờ ra trận. Đây cũng là bức thư duy nhất của anh mà gia đình còn giữ.
Hà Tĩnh, ngày 14 tháng giêng năm 1972
Anh Chúc kính mến!
Hôm nay, sau khi hành quân từ Vinh về đây, bọn em nghỉ để chờ ôtô vào Quảng Bình. Em vội viết mấy dòng về cho anh.
Anh Chúc ạ, vào đến đây, em được trang bị đầy đủ như cho một người lính chiến. Sơ sơ quân trang cũng tới 36kg, vì đi xa nên phải mang nhiều thứ. Bọn em còn hành quân vào tận B2, đường hành quân dài đến 2000km và sẽ sống, chiến đấu ở ngoại ô Sài Gòn. Hôm nay còn trên đất Hà Tĩnh thì mai, chỉ sáng mai thôi, là chân chúng em đạp “trên triền núi cao Trường Sơn” rồi.
Anh Chúc yêu quý! Em cũng đã nhiều lần đi xa, nhiều lần xa nhà, nhưng phải nói thật rằng, lần này khi tầu chuyển bánh, lòng em xao xuyến vô cùng. Cũng không hiểu vì sao?! Nhìn cột cây số cứ vun vút lùi lại phía sau: Hà Nội - 20km, rồi 30, 100, 150, 200, ngày càng xa dần, xa dần, rồi không nhìn thấy gì nữa. Nước mắt em muốn trào ra, điều mà cách đây 10 năm về trước em tưởng rằng sẽ không bao giờ có.
Anh Chúc ạ! Nếu như có một nhà văn đi cùng trên chuyến tầu này thì sẽ tả chuyến đi của bọn em như thế nào? Chỉ tiếc rằng em chỉ là một anh lính, bình thường như mọi anh lính khác, cũng chỉ có những lời nói chân thành, mộc mạc. Chẳng biết nói sao khi các mẹ, các anh, các chị, các em giơ tay vẫy chào những người lính trẻ chuẩn bị bước vào cuộc thử lửa. Còn trên tầu của lính thì như một rừng tay vẫy mãi, vẫy mãi. Em cũng thế, con người em tưởng như gỗ đá thế mà nước mắt cứ ứa ra, tay cứ vẫy vẫy dù trước mắt không phải người thân thuộc của mình! Em biết nói gì bây giờ? Chỉ biết rằng, ngày mai là cuộc chiến đấu mới!
Thôi, anh cho em tạm dừng bút vì thời gian còn rất ít. Ôtô đến rồi. Ngày mai đây trong cuộc chiến đấu máu lửa ấy, có thể em sẽ ngã xuống thì mỗi gịot máu của em phải đổi lấy một giá cao nhất. Và nếu đó là sự thật thì cho em gửi lời chào vĩnh biệt!
Chúc anh khỏe, trẻ, công tác, học tập tốt!
Em của anh. Bùi Thọ Tuyến
Vậy là Bùi Thọ Tuyến vẫn trẻ mãi ở tuổi 19. Và cũng mới đây thôi, Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai thông báo “không có tên liệt sĩ Bùi Thọ Tuyến trong các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Đồng Nai”! Vậy đã 31 năm, mẹ Liên tuổi đã ngoài 80 vẫn mong mỏi ngóng tin con!
Tp.HCM, 19-7-2005