Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015
HỒI ỨC LA HIÊN (4)
SOUND #21, 22
- Hồi lớp ba mình học ở đây này. Lớp ba học ở đầu con voi này (chú thích: có một dãy núi hình con voi phía bên kia con đường trước nhà Hùng). Thế còn lớp hai trước đó thì mình học ở gần hang Quân Khu. Thành thử lúc mình đi ra khỏi cái hang đó, nhìn quang cảnh mình biết ngay đấy là quê mình. Đi được khoảng 1-2 cây nữa đến đây thì mình thấy ông nội mình đứng ở đây, mình mới vẫy gọi ông, xe thì cứ chạy. Về sau ông nội luôn luôn bảo “Hôm ấy thằng Hùng nó đi Trung Quốc và nó vẫy tao”. Hồi mà máy bay Mỹ nó thả bom thì mình chui vào cái hang bên này. Bên này có một cái hang. Cái hang này tuy thế nhá, trên đỉnh có một cái mốc đề 293. Tức là năm 1895 người Pháp đã lên đây đo cái mốc này.
- Tức là độ cao trên mực nước biển?
- Đúng độ cao trên mực nước biển mà người Pháp đã đánh giá. Mình rất thuộc cái khu này, quê của mình.
- Hùng ở đây từ khi mới sinh ra?
- Không. Mình sinh ra ở Hà Nội. Năm ’60 mình lên đây. Bởi vì ông già mình hai vợ. Bà mẹ mình ở đây là bà mẹ cả. Mình con bà mẹ hai. Nhưng bà mẹ cả không có con trai nên ba anh em mình lên đây ở. Ông anh cả học K5,ông Lộc. Ông anh hai đi đánh nhau ở trong miền Nam. Đến mình thì tiếp tục đi trường Trỗi. Cường là thứ tư. Băng Ngát Hùng Cường. Còn ba người nữa là Nam Tâm Đức, thì ông thứ năm chết bệnh, ông nằm ngòai kia kìa. Cho nên mỗi khi về gần đến đây thì trong lòng mình đã có một tình cảm rất đặc biệt vì tuổi nhỏ mình gắn bó ở đây. Các cụ và bố mẹ mình nằm bên cạnh nhà. Mộ bố mình đây này. Đây là ông nội. Đây là bà nội. Đây là bố mình. Bố mình nằm ở đây. Bố mình là trưởng phòng kỹ thuật đầu tiên của nhà máy xi măng Hải Phòng. Năm ’39 cụ đã làm trưởng phòng kỹ thuật ở đấy rồi. Năm 39, chưa Cách mạng ý! Sau đó cụ về Thái Nguyên làm giám đốc Nhà máy Sang Tiên là mỏ than, sau là mỏ sắt Trại Cau. Đến năm 47 cụ mới theo Cách mạng, sau cách mạng. Cụ không phải Tiền khởi nghĩa mà. Cụ sinh năm 20. Sau đó cụ đi theo Cách mạng thì đến ’63 cụ vẫn là công nhân. Hồi đó gọi là công nhân quân giới. Chiến tranh mở rộng thì cụ mình mới vào bộ đội nên mình mới thành dân trường Trỗi. Bàn thờ ông già mình ở trong miếu thờ tổ tiên này. Còn thằng Vũ Trung thì ở trên kia, cách đây 12 cây.
Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015
Mời xem :"Bí ẩn hang đá lịch sử ở Võ Nhai!"
Tiêu đề trên là của một chương trình TV sẽ được phát trên VTV1 vào lúc 17h10 tối nay, CN ngày 25 tháng 1 năm 2015. Võ Nhai là nơi có hang Quân khu mà K8 chúng ta tập kết trước khi sang TQ. Bây giờ nghe địa danh này là đã thấy thân quen rồi. Không biết "hang đá lịch sử" sẽ được nói đến là hang nào? Có thể là hang Chu Văn Tấn chăng? Mời các bạn K8 cùng theo dõi chương trình nhé. Biết đâu sẽ có cả hang Quân khu!
Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015
HỒI ỨC LA HIÊN (3)
SOUND #18
- Bạn Cường nhớ là ngày xưa ở đây có suối chảy, mọi người có nhớ thế không?
- Không, không
- Nhớ là có suối từ trong chảy ra.
SOUND #19
- Thắng ơi, Thắng nhớ là ngày xưa ...
- Có hai dãy sạp hai bên này.
SOUND #20
- Ngày xưa mình ngủ ngay trên dọc đường này vào á?
- Ừ. Dọc đường này thôi.
- Hồi đấy thấy nó rất là cao to.
- Đường nước chảy ra sông nhể.
- Có một cái vòm này.
- Đúng rồi, có một cái vòm.
- Hồi ấy mình bé nên thấy cái vòm nó to
- Đây sân khấu đây. Chỗ vừa nãy đi qua là lối vào sau sân khấu.
- Thế thì có lẽ mình hai trăm chú ngủ ở đây này.
- Đúng rồi.
- Đấy, tớ nghĩ là mình ngủ ở đây chứ không phải ngủ trên lối vào đâu.
- Nhớ là nó rộng lắm.
- Ừ, mình nhớ là nó rộng cơ.
- Tất cả hai trăm chú.
- Chắc là ở đây này.
- Chắc là ngày xưa ngủ ở đây. Mình nhớ là nó cao lắm cơ.
- Đúng rồi. Mình nhớ cao.
- Nhưng mà buổi sáng dậy nó hơi mờ sáng, tức là có ánh sáng chiếu quanh quanh đâu đây.
- Đây này, chỗ này hở.
- Rộng lắm. Mình nhớ rộng và trần nó cao.
- Tớ nhớ là nó không tối mờ tối mịt thế này đâu. Cái này kể cả ban ngày nếu không có đèn thì vẫn tối.
- Có nước chảy này.
- Nhưng mà tôi cho giả thiết thế này này. Hai trăm người mà nó rộng mênh mông thế này thì đứa này không biết đứa khácở chỗ nào. Là vì cứ tối mò ấy mà. Không ai biết là trong này có bao nhiêu người.
- Sáng hôm sau là mình ra ngòai cửa hang
Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015
HỒI ỨC LA HIÊN (2)
SOUND #17
... -Về xong lại sang.
- Hồi đấy là mấy anh em nhà, nhà ...
- Bác nguyễn Sơn.
- Tường Vân về phép xong lại đi sang cùng với Việt Hằng.
- Cái thời ấy làm gì có phép. Hồi ấy là Tường Vân ăn xuất đặc biệt chứ làm gì có phép.
- Đúng rồi.
- Mấy anh em con nhà bác Trần Đại Nghĩa đi cùng, nhập cùng mình ở chỗ, chỗ gì nhỉ, chỗ Liễu Giai. Ờ, đấy ...
- Hồi ấy cả anh em nhà Nghĩa phệ, Kiến Quốc, Công ấy, Nghị phệ là cũng đi cùng với nhau hết.
- Kiến Quốc thì là từ hồi nó ở trên Đại Từ rồi.
- Cái đợt ấy chắc là đi sau hay thế nào đấy.
- Hoặc là nó đi về là vì lí do ông già mất.
- Ừ, đúng rồi. Đúng rồi, hồi ấy là ông già ...
- Ông già mất mồng 3 tết.
- Cụ Trần Tử Bình.
- Quốc là nó lên từ hồi ...
- Không. Đều là lên Đại từ hết rồi. Từ hồi trại cờ.
- Đây, xi măng La Hiên đây rồi. ...
Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015
HỒI ỨC LA HIÊN (1)
Trong chuyến đi về La Hiên đầu tháng 11/2014, mình có ghi âm được một số cuộc trò chuyện về cuộc "viễn du" xưa. Xin chép lại một phần để mọi người cùng hồi tưởng lại chuyến đi năm nảo năm nào ấy. Đây là bản chép lại, có thể cắt bớt nhưng không thêm và không có nhân vật, trừ khi người đó tự xưng danh trong chính câu nói của họ và nguyên văn câu nói của các nhân vật, không sửa lỗi chính tả hay ngữ pháp. Do phần mềm có vấn đề nên mọi cố gắng xuống dòng của mình lâu nay đều bị vô hiệu hóa. Mong mọi người thông cảm đọc và hiểu rằng cứ có dấu "-" trước một câu nói thì có nghĩa là đã xuống dòng.
SOUND #16
- Nghỉ mấy ngày ở bờ đê Sông Hồng.
- Tập trung ở mấy chỗ cơ mà.
- Ờ không, đấy là bên của Tổng cục Hậu Cần.
- Bây giờ có một câu hỏi là: Có đúng là hai trăm người, một đại đội, chui vào trong hang hay không?
- Tôi thấy tôi vẫn nhớ ...
- Có đến 200 đứa chui vào trong hang hay không?
- Đến, đến.
- Đến đấy.
- Đến, đến.
- Mình không nhớ là ...
- Đến.
- Hồi đấy là một trăm hai mấy thằng.
- Tiểu đòan mẹ nó rồi.
- Đại đội. Hồi ấy là mình đại đội, chắc là khoảng độ gần hai trăm thôi chứ không đến hai trăm.
Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015
KINH NGHIỆM TRỒNG CÂY CẠNH...ĐỀN
Qua Campuchia tôi thấy họ "trồng" cây cạnh đền cũng hay. Ngày làm cái Ăngco Vát (thế kỷ 8-15) tới giờ, cây vẫn tốt và "nhà" vẫn còn.
Tôi hỏi dân Cam:
- Chắc ngày xưa các bác trồng cây trong vỏ "thùng phi" chứ gì?
- Sao ông biết? Mấy chú Cam giật thót. Chả là vào thế kỷ thứ VIII, nhà vua sai người đi lùng mua "thùng phi" khắp các chợ mà không có, bí quá Ngài đành cho trồng cây trực tiếp trên đá luôn.
- Vậy kinh nghiệm trồng của các bạn là gì?
- Thì 10 năm đầu, sáng sớm phải tưới nước đường thốt nốt pha mắm bồ-hóc cho cây, sau đó, ngày ngày cứ nhang khói đều đặn là ổn. Đấy ông xem, đền và cây vẫn song hành cùng tuế nguyệt, kẻo lại bảo dân Cam chúng tôi bốc phét.
Nói có sách, mách có...ảnh. Xin mời các bạn!
Tôi hỏi dân Cam:
- Chắc ngày xưa các bác trồng cây trong vỏ "thùng phi" chứ gì?
- Sao ông biết? Mấy chú Cam giật thót. Chả là vào thế kỷ thứ VIII, nhà vua sai người đi lùng mua "thùng phi" khắp các chợ mà không có, bí quá Ngài đành cho trồng cây trực tiếp trên đá luôn.
- Vậy kinh nghiệm trồng của các bạn là gì?
- Thì 10 năm đầu, sáng sớm phải tưới nước đường thốt nốt pha mắm bồ-hóc cho cây, sau đó, ngày ngày cứ nhang khói đều đặn là ổn. Đấy ông xem, đền và cây vẫn song hành cùng tuế nguyệt, kẻo lại bảo dân Cam chúng tôi bốc phét.
Nói có sách, mách có...ảnh. Xin mời các bạn!
Thạch Sanh mó mãng xà |
Một du khách |
Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015
Kinh nghiệm trồng cây cạnh nhà!
Thường thì người ta không trồng cây (loại lấy gỗ hay cây cổ thụ) cạnh nhà hay cạnh tường. Nếu có trồng phải cách ít nhất từ 3m đến 5m tùy loại cây. Hôm qua khi đến nhà cô Lan ở 34 CBQ, mình chụp được tấm hình dưới đây, xin chia xẻ vì thấy cách trồng cây này hay hay: trồng trong thùng phi. Nếu không có cái thùng phi này, có thể tường ở cả 3 phía đã bị nứt rồi.
Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015
KÝ ỨC SẮC MÀU FẠM LỰC
Thầy Phạm Lực trân trọng mời các thầy cô và các cựu h/s NVT tới dự lễ khai mạc triển lãm tranh lần thứ 24 của thầy, vào hồi 16h30, thứ Tư ngày 21 tháng 1 năm 2015, tại 16 Ngô Quyền Hà Nội với chủ đề "KÝ ỨC SẮC MÀU FẠM LỰC". Điểm đặc biệt của triển lãm lần này là không có tranh nào được bán. Trái lại, sẽ có những bức tranh thầy đã mua lại của những nhà sưu tập. Dưới đây là nguyên văn phần giới thiệu cho triển lãm lần này: "KÝ ỨC SẮC MÀU FẠM LỰC trưng bày 43 bức tranh (chú thích: năm sinh của thầy '43) - vẽ vào những năm 1960-1980, thời kỳ đất nước chiến tranh ác liệt và rất tự hào. Họa sỹ vừa phục vụ vừa đào tạo nhiều họa sỹ cho quân đội, vừa sáng tác nhiều bức tranh cho riêng mình. Ký ức sắc màu Fạm Lực là những kỷ niệm khó quên trong thời gian đó. Phòng tranh này là những bông hoa đón xuân 2015, cũng là mừng Họa sỹ bước sang tuổi 72." Cho đến hôm nay, các bức tranh sẽ trưng bày đã được đóng khung xong xuôi dù ngày 18 mới được treo. Có vẻ thầy không bị mải vội và mệt mỏi như dịp triển lãm bán tranh quyên góp cho Bộ đội Biển đảo hồi tháng 5 năm ngóai. Vì thế chúng ta có thể đến thong thả ngắm tranh từ ngày 18/1/2015. Thầy chân thành cảm ơn sự có mặt của các thầy cô và các trò.
Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015
Thương lắm miền Bắc ơi!
Vừa rồi, khi ở tp HCM, mình luôn được nghe câu nói: "Tội nghiệp bọn trẻ con ngòai ấy, chắc đang lạnh lắm!", v v ... Nhà mình còn 6 anh em thì chỉ có mình mình "bám trụ" "ngòai này". Mọi người đã chạy rét vào sinh sống "trong ấy" cả. Ngày xưa khi đói và thiếu đồ ấm, cái rét thực sự khủng khiếp. Bây giờ khi đủ ăn, đủ mặc, không phải ra khỏi nhà đúng giờ, cái rét không còn đáng sợ đối với mình. Vì thế việc anh chị em thương mình và muốn mình chuyển vào Nam sống hiện vẫn bị coi là không có cơ sở, rét cũng có cái hay của rét đấy chứ. Tuy nhiên, đúng là "Thương lắm lũ trẻ ngoài này": Trẻ nghèo thì không đủ ăn, đủ mặc nên không chống lại được cái rét. Trẻ con nhà khá hơn có mặc có ăn thì lại có những nối khổ khác do phải đi lâu trên xe máy trong gió lạnh khi cha mẹ chúng chọn trường tốt, kể cả có xa hàng cây số. Đứa học cách nhà có nửa cây cũng bị tống lên xe máy đến trường vì bố mẹ còn vội đi làm. Chúng chẳng sướng như chúng ta ngày xưa được tung tăng đi bộ đến trường. Thế còn ở trường: Lũ ở nhà trẻ thì bị lạnh do đái dầm mà lâu không được thay hoặc do tụt quần ngồi bô nhiều chục phút trong những căn phòng chẳng ấm hơn bên ngoài là mấy. Lũ lớn hơn ở trường PT thì cũng chẳng khá khẩm gì vì ngồi trong những lớp học lạnh như ngoài trời thì chẳng mấy mà bữa sáng tiêu hết vèo, cuối giờ học lại hòan đói và rét. Trừ bọn nhà giàu, nhiều mỡ, còn lại nhìn lũ học trò tan học, môi nhiều đứa tím tái. Sinh viên đại học cũng chẳng hơn gì, con nhà nghèo gày tong teo, run trong cái lạnh vì đói. Vẫn biết chống đói nghèo cho người Việt Nam là điều không phải của tôi và của các bạn tôi, những người chẳng có quyền gì trong tay. Nhưng nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quyền ra một quyết định áp dụng ở tất cả các trường học, tôi sẽ may cho bọn trẻ những trường không có hệ thống sưởi hai loại mũ vừa và ấm, đội liên tục trong lớp khi nhiệt độ phòng xuống dưới 21 độ. Thậm chí chỉ cần ra quyết định bắt buộc học sinh đội mũ trong lớp, còn mũ do cha mẹ lo, trừ những nơi trẻ quá nghèo không có mũ đội. Đầu chúng ta thóat nhiều nhiệt nhất nên hy vọng khi đội mũ, lũ trẻ sẽ mất ít nhiệt hơn, lâu bị đói hơn, đỡ lạnh hơn và sẽ ít bị cảm cúm, sổ mũi, viêm họng hơn, học sẽ tốt hơn. Có thể có người sẽ phản biện là mũ sẽ cản tầm nhìn của em ngồi sau, v v ... Hãy nghĩ khi bị lạnh liên tục, trẻ có thể viêm họng, ảnh hưởng đến thận, rồi đến khớp, tim, gan, v v. Một cái mũ cho trẻ có thể giảm bớt gánh nặng y tế rất, rất nhiều, không chỉ một mùa đông mà còn về lâu dài. Có câu: "Viêm họng, thấp khớp, đớp tim, tìm gan". Đấy là một chuỗi kết quả do lạnh và khuẩn liên cầu gây nên.
Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015
Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015
Lời Thề Quân Nhân
LỜI THỀ QUÂN NHÂN
Gửi các bạn, những người đã, đang và sẽ trong quân ngũ cùng tất cả những ai có nhã ý đọc những dòng tôi viết dưới đây:
Thưa tòan thể các bạn! Theo ý của các em tôi và cũng là học sinh cũ của tôi (chú thích: cựu h/s B6), tôi xin kể “một vài kỷ niệm sâu sắc của bản thân”. Tôi nhận thấy trong 15 năm phục vụ trong quân đội, kỷ niệm thì rất nhiều. Song viết cả ra đây thì có bạn sẽ cho tôi là kể công hay hợm mình. Các bạn! Hãy cho tôi kể một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất. Các bạn hãy vui lòng nhé dù có mất chút ít thời gian đọc.
Ngày ấy, vào mùa hè 1964, tôi cùng đơn vị về đóng quân ở nhà dân để xây dựng một công trình quân sự. Một tân binh mới qua một năm huấn luyện và học tập, nay tôi lại được xếp vào ở một gia đình dân (xin nhớ là một mình tôi). Dân vùng đó còn lạc hậu lắm vì đây là vùng giặc Pháp chiếm đóng trước. Người dân chưa hiểu gì ngòai xã hội, vẫn sống theo tập tục cũ. Trong bối cảnh đó, gia đình tôi đến ở cũng vậy. Hơn nữa, ông chủ nhà vừa làm chết một con trâu của hợp tác xã và đã bị đuổi ra khỏi HTX. Gia đình có 5 thành viên và có 4 cách xưng hô: ông , bác, anh và chú. Xin nói thêm là ông chủ đẹp trai nhất nhà đấy nhé. Năm ấy ông 54 tuổi và gọi tôi đang tuổi 22 là “ông bộ đội”. Con người như vậy, xưng hô như vậy nhưng tiếp đón tôi đặc biệt chân thật và rất chan hòa vui vẻ. Có lúc tôi cứ tưởng mình là một thành viên thực sự trong nhà. Việc to, việc nhỏ trong nhà ông cụ đều xin ý kiến tôi, mặc dù cụ hiểu biết rất nhiều về Nho giáo và còn là chủ của một hiệu thuốc bắc ở thị xã Vĩnh Yên.
Còn tôi, cũng có thể là người khó tính. Tôi xin có một đôi dòng nói riêng về cái khó tính của mình. Chả là thế này: Ngày ấy tôi chỉ là một thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông và qua một đợt huấn luyện quân ngũ, đến trọ nhà người ta, vừa vào nhà sau 20 km đi bộ. Còn ông chủ nhà (chú thích: như vừa kể ở trên) rót một chén nước trắng mời tôi. Thế mà tôi rất lịch sự mời lại, xin chén nước, đứng dậy, ra hè, xúc miệng và nhổ đi, rồi vào. Đấy! Khó tính là ở đấy.
Tôi chỉ ở nhờ gia đình từ 5 giờ chiều, đến 6 giờ sáng lại đi làm, nhưng cũng đủ thời gian để tâm sự với chủ nhà. Tôi xem các sách nho của cụ và đàm đạo với cụ về cách nuôi dạy và hướng đi của các con cụ. Có một lần, qua tâm sự của cụ tôi kết luận: “Cụ muốn các con của cụ đi theo con đường chuyên môn lên cao là tốt, song không khác gì dã tràng se cát biển Đông”. Cụ chủ nhà chấp nhận ngay và có ý là cụ vẫn chấp hành chính sách của Đảng tốt là được chứ sao. Tôi chỉ gợi ý: “Dòng trên trong lý lịch cụ chấp hành, nhưng ngay dòng dưới lại ghi chưa là xã viên HTX thì sao?”. Thế mà cụ nhớ mãi. Đến gần một năm sau, khi tôi đã đi nơi khác đóng quân, cụ viết thư thông báo là đã vào HTX rồi và có gì chỉ bảo thì viết thư về cho cụ.
Tôi thấy tôi đã được dân tin, dân quí, một phần cũng do tôi đã làm tốt một trong các lời thề quân nhân. Các bạn thân mến! Viết cũng đã dài, tôi chỉ xin đưa ra câu kết luận của cụ chủ nhà khi chúng tôi chia tay gia đình: “Ông ở đây với gia đình, vợ chồng con cái tôi rất quí ông vì ông sống như người lớn trong nhà.” Sau này, mãi đến năm 1972 tôi mới biết là con gái cụ đã giữ chức Phó Chủ tịch xã còn hai con nữa đều vào các trường Trung cấp và Đại học.
Tháng 5 năm 2014.
Nhớ lại và Suy ngẫm
Phạm Đình Nghĩa
Người gửi: Nguyễn Việt Liên, B6K8
Tháng 5 năm 2014.
Nhớ lại và Suy ngẫm
Phạm Đình Nghĩa
Người gửi: Nguyễn Việt Liên, B6K8
Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015
THÔNG BÁO thay GIẤY MỜI đám cưới con
Phạm Ngọc Thiết K8 B2 mời các bạn đến dự đám cưới con trai
vào hồi 11 giờ, ngày 9-1-2015, thứ Sáu,
tại Khách sạn Thắng Lợi, Hà Nội!
Rất hân hạnh được đón tiếp!
Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015
Thầy Btrưởng B1!
Trong dịp gặp gỡ các thầy cô sống tại Thái Nguyên nhân ngày của các thầy cô năm 2014, mình gặp thầy B trưởng một B của K8, mình đã kết nối điện thoại để Thiết trò chuyện với thầy Btrưởng của mình. Tuy nhiên trong đám cưới con Nam Hùng, bạn Dũng B1 khẳng định thầy là B trưởng của Dũng, tức là B trưởng của B1. Mình đã gửi Dũng số điện thoại của thầy:02803722294 để Dũng liên hệ. Thầy là Trần Mai Đạp (tức Trần Mai Đạt). Hiện thầy ở Cao Ngạn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Các bạn B1 nếu đọc được tin này xin hãy liên lạc với thầy nhé.
Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015
Thăm "Viện Bảo Tàng" nhân ngày đầu năm 2015
Có thể có ai đó thấy nhà Đạt Hồ Bá như một cung điện nho nhỏ. Mình thì thấy nhà bạn ấy như một viện bảo tàng với rất nhiều kỷ vật Đạt mang về sau mỗi chuyến đi xa.
Đạt đang giơ tay chào, mời các bạn đến thăm và cùng nghe những bản nhạc tuyệt vời trong phòng nhạc của mình.
Trong số những kỷ vật trưng bày trong "Viện Bảo Tàng" của Đạt, mình thấy ấn tượng nhất là tủ đựng đầy băng, đĩa gốc các bài hát, nhạc và phim. Vì đa số Ut ở miền Bắc nên thỉnh thoảng Đạt tải lên Uttroi một bài cho bọn tớ cùng thưởng thức với nhé.
Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015
Ký kết đầu năm!
Bạn bè gặp nhau sáng ngày đầu tiên của năm 2015. Thật vui vì khi thay mặt các bạn ngoài Hà Nội đến thăm, thấy bạn mình khỏe hơn trước, đang ngồi máy tính xem trang Uttroi.
Đây nhé: Bạn Phong đang cam kết sẽ chịu khó tập dưỡng sinh để có thể bay ra Hà Nội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường vào ngày 15-10-2015. Phong nói: "Bây giờ có điều kiện (ý nói về kinh tế và thời gian) thì lại không đi được. Thấy tụi nó tụ tập cũng khó chịu lắm." Phong ơi, cố lên! Mong bạn khỏe để vui vẻ gặp gỡ bạn bè. Nhìn mắt bạn đỏ hoe nhưng vẫn cố kìm nén để tránh rơi lệ trước mặt "cấy", mình thương bạn lắm. Rất mong và tin bạn sẽ lạc quan, chiến đấu và chiến thắng bệnh tật. Ra thăm Hà Nội và các bạn Trỗi vào một ngày không xa, Phong nhé.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)