Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

Cô Thục và BT Đà Nẵng

Bạn Trỗi Đà nẵng đón cô Thục đang qua ĐN nhân dịp ra HN dự lễ 27/7/2010 sắp về Quãng Ngãi...
Bên biển Thanh Bình Đà Nẵng
Nguyễn Mạnh Trí "tẩu" K8
Bs Nguyễn Phúc Học K7
Nguyễn Thành Điềm K8


Cỏ non Thành Cổ
Sáng tác : Tân Huyền

Gửi con trai năm 20 tuổi

Năm nay con trai tôi 20 tuổi và cháu lớn lên học tập chủ yếu ở nước ngoài. Tháng bảy năm nay cháu đủ lớn để về nước một mình và gia đình tôi đã tổ chức một chuyến đi thăm những địa danh lịch sử như Thành cổ, địa đạo Vịnh mốc, nghĩa trang Trường sơn cho cháu và mấy anh chị em họ cùng tuổi.
Bài thơ này tôi viết cho tôi và mong muốn chia xẻ với các bạn có cùng tâm niệm

Khi chưa tròn 20 tuổi
Các bạn của mẹ  đi vào chiến trường
Các bạn mẹ còn trẻ  hơn con
Khi đổ máu cho Tổ  quốc 
Mẹ của các bạn mẹ
Có lẽ cũng trẻ  hơn mẹ bây giờ
Âm thầm lau nước mắt
Đợi chờ mỏi mòn mái đầu tóc bạc
Rồi mang nỗi đau đi suốt cuộc đời 
Năm nay con 20 rồi,
Con về đứng bên Thành cổ
Tháng bảy, Quảng trị  trời đổ lửa
Thiêu đốt từng vạt cỏ non
Nhưng ngày xưa còn thêm lửa đạn, lửa bom
Và bạn bè mẹ  ở đó
Hãy cẩn thận nghe con
Đừng vô tình dẫm bừa lên cỏ
Ở nơi này không hàng hàng bia mộ
Nhưng lặng chìm dưới cỏ
Là bao nhiêu bạn bè  của mẹ
Ngã xuống
Trẻ như con bây giờ 

Con lớn lên bình yên
Và say mê đi tìm những chân trời mới
Trời trên đầu con luôn xanh
Và cỏ dưới chân mát rượi
Nhưng đừng quên nghe con
Tổ quốc là thế  đấy
Màu xanh của trời
Màu xanh của cỏ
Chính là máu của bao người đã đổ
« Bao người » ấy không phải là Ai đó
Mà là người thân của chính chúng ta 
Đừng quên nghe con
Mang theo màu cỏ xanh Thành cổ
Mỗi lần đi xa…. 
EGK9
27/7/2010
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Lá thư cuối của liệt sĩ YHòa gởi về gia đình.

Ngày 27/7 đã qua. Nhưng nó vẫn còn đọng lại trong mỗi người chúng ta nỗi trăn trở không yên, khi mà vẫn chưa đưa được các bạn về với gia đình! Trong bài viết của Thanh Sơn có nhắc tới lá thư cuối cùng của YHòa viết cho ba, má trước khi đi vào chiến trường. Mặc dù lá thư này đã được đăng trong báo "Tuổi trẻ chủ nhật" đăng ngày 10/8/2003 từ lâu. Tập hai "Sinh ra trong khói lửa"cũng có. Nhân dịp này, tôi nghĩ đăng lại lá thư này sẽ không thừa? Dù sao cũng còn nhiều người chưa biết tới lá thư này? Qua nét chữ nghiêng nghiêng có phần bay bướm của bạn. Chúng ta hiểu thêm tâm tư, tình cảm của những người lính ngoài chiến trường. Riêng những người lính còn được may mắn như chúng tôi thì mỗi lần đọc lá thư này đều khóc!

Ngày 18 tháng 8 năm 1972
Ba má thương nhớ của con!
Hôm nay, từ Quảng Trị con viết thư cho ba má. Sau chặng đường hành quân vượt Trừơng Sơn nóng bỏng, con vừa nghỉ chân.
Ba má ạ! Đến nay, tụi con mỗi đứa một nơi không còn được sống chung với nhau nữa. Vẫn thuộc sư đoàn nhưng thằng Sơn (con chú Chiến) về đơn vị công binh, còn con với thằng Chấn Hưng ở lại tiểu đoàn cũ vưà biên chế thành tiểu đoàn 12 ly 7 pháo phòng không của sư. Buồn quá ba má ạ! Hôm chia tay, thằng Sơn khóc quá. Hiện chưa biết nó ở đâu, Nam hay Bắc?
Còn đơn vị con chỉ là đơn vị phục vụ chiến dịch. Buồn quá vì không đuợc ở bộ binh chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù. Con bây giờ gầy hơn trước vì vừa qua hai tháng gian nan, ác liệt. Vào đây mới thấy ở ngoài Bắc tụi con rèn luyện chẳng ăn thua gì cả. Lúc ở nhà thì sướng như tiên, vào đây thì chẳng có gì ăn, chỉ có cơm với muối thôi. Nhưng vì mệt nên ăn vẫn rất khỏe. Nấu cơm thì chật vật mất mấy tiếng đồng hồ mới chín vì máy bay quần suốt. Ngủ hầm thì ẩm thấp, lầy lội và muỗi nhiều vô kể. Sáng dậy vừa chui ra khỏi màn là muỗi đốt như điên, toàn nhằm vào đầu. Hành quân liên tục suốt ngày suốt đêm. Vác súng đạn nặng nên hai vai sưng đỏ rần cả lên. Có một điều may mắn là con vẫn chưa bị sốt rét lần nào cả. Không biết sẽ thế nào nhưng giờ thì vẫn khỏe. Vì đã xác định trước sẽ khó khăn gian khổ nên con quyết vượt qua. Nhiệm vụ chiến đấu là trên hết mà.
Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị giờ là một nên dân chúng ra vào như đi chợ. Tuy vậy, ở vùng mới giải phóng còn khá phức tạp, chính quyền cách mạng ở đây phải rất vững. Có cửa hàng bách hóa của ta cung cấp nhiều mặt hàng và bán cả bằng hai thứ tiền. Hàng hóa Mỹ thì bãi bỏ triệt để. Dân chúng đã quen với B52, khắp nơi chi chít những vệt bom B52, nhiều khu rừng đã bị chúng thiêu huỷ bằng địa.
Ba má ơi! Hiện giờ chúng con vẫn nằm chờ chiến dịch. Ở Quảng Trị việc giành giữ đất rất gay go, nhất là vùng giáp ranh ngày nào cũng có chiến sự. Bọn con chỉ bắn máy bay thôi, nếu căng lắm mới hạ tầm để đánh bộ binh địch. Vì tiểu đoàn mới nhận súng và mới thành lập, chưa chiến đấu trận nào. Con và thằng Vũ Trung vẫn ở cùng một đại đội với thằng Hưng. Khi hành quân ở Trường Sơn, bọn con gặp nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều. Họ chỉ thích đổi gạo lấy gà chứ không thích đá lửa nên đá lửa con vẫn còn. Thuốc bổ Polyvitamine của má cho con vẫn giữ một gói. Má ạ, bây giờ mới thấy B1 là cần thiết vì không tài nào tìm được một cọng rau. Kiếm được ít lá khoai, lá sắn là mừng lắm. Bây giờ thịt hộp cũng chẳng còn, chỉ có mắm tôm, muối, ít ruốc nên người đứa nào cũng phờ phạc. Mì chính thì nhiều lắm, bọn con cứ pha từng thìa mì chính với nước lã làm canh chan ăn.
Ba má ạ! Bây giờ con mới thấy nhớ nhà, nhớ ba má và anh chị em. Ở giới hạn giữa cái sống và cái chết nhiều lúc ứa cả nước mắt vì nhớ nhà. Biết đâu và vĩnh viễn con chẳng còn được thấy ba má và anh chị em con nữa. Trong chiến đấu điều đó đã trở thành bình thường, cái chết chẳng đe dọa được ai nhưng nó vẫn cứ rình rập đâu đây. Lính tiểu đoàn 56 cùng huấn luyện với tụi con vừa bị B52 rải thảm làm chết ba đứa và bị thương cũng nhiều. Tiểu đoàn con cũng bị máy bay ném bom và bắn rôc- két, may mà không ai bị sao. Con vẫn giữ một cái ảnh của gia đình nhưng thiếu chị Thanh và thằng Trung, thằng Thắng. Nhưng cũng chẳng sao cả vì con vẫn nhớ và hình dung ra chúng nó.
Ba má ơi, không hiểu ở nhà bây giờ ra sao? Ba má có được mạnh khỏe không? Anh Nguyên và chị Thanh học ra sao rồi? Chị Thanh năm nay có khỏe không, có đỗ đại học không? Con Nhung, thằng Trung, thằng Thắng năm nay chắc học ở Chi Nê? Má bảo rằng con vẫn mạnh khỏe và vẫn nhớ chúng nó nhé! Con vẫn hành quân, chưa nghỉ và chắc chẳng bao giờ nghỉ đâu. Còn Thái Hòa không hiểu bây giờ nó ở đâu? Chắc là nó thơm hơn tụi con rồi. Nhưng thôi, sau này về chắc tụi con sẽ lại thơm hơn. Chính trị viên của con nói chỉ còn đánh độ một hay hai chiến dịch nữa thôi.
Cuối thư con chúc ba má và cả nhà mạnh khỏe, chúc cả nhà gặp nhiều may mắn.
Con của ba má.
Quân giải phóng Bắc Quảng Trị – Y Hòa. 
Hòm thư của con: 651091 JA01
TB: Con đã viết về nhà bốn, năm lá thư nhưng vẫn chưa nhận được thư nào.

Đây là lá thư cuối cùng của Y Hòa gửi về cho gia đình. Hai tháng sau, ngày 16 tháng 10, Y Hòa đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Gặp gỡ ngày 27.

Chiều hôm ấy hẹn nhau gặp mặt, vì bận việc riêng nên nhân vật chính không tới được. Hội thường nhậu K7SG cũng ngồi với nhau. Đến bữa ấy mới hay hai ông bạn Khánh tí và Long jun cũng là hai thương binh thời đánh Mỹ. Ngồi nói dóc với nhau bao nhiêu năm, vậy mà chẳng khi nào thấy các bạn nói chuyện ấy. Chắc nhằm ngay ngày 27 nên mới nói ra.

Có một bài hát tặng cho hai bạn ấy, bài hát đón anh thương binh về làng dạy học, lâu lắm rồi chắc ai còn nhớ:

"Thằng Nhai có cái bánh gai, cái bánh to tướng bằng hai cái đình,
thằng Nhai mang tặng thương binh, ra tới đầu đình lại gặp thằng Nha.
Thằng Nha có cái bánh đa, cái bánh to tướng bằng ba cái đình,
thằng Nha mang tặng thương binh, ra tới đầu đình lại gặp thằng Nhai"...

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

SUY NGHĨ VỀ MỘT CÁI BẮT TAY

Hôm rồi cùng gia đình đi dự một buổi tiệc đứng tôi gặp một số anh em trường mình . Buổi tiệc này ngoài các quan chức ra còn một số là khách mời . Nói điều này không phải để khoe mình được mời đến một bữa tiệc long trọng mà chỉ để nói rằng đây không phải là nơi thấy người sang bắt quàng làm họ . Anh em Trỗi gặp nhau tay bắt mặt mừng . Thật ra tôi cũng không biết hết tên các anh khóa trên duy có một người  thì tôi biết tên và đã từng đọc trên mạng. Tôi đến bắt tay và tự giới thiệu mình là trỗi k7. Anh ta cũng giơ tay bắt tay tôi, cái băt tay ấy làm tôi giật mình. Một cái bắt tay lỏng lẻo  hờ hững vô cảm ... tôi chợt nghĩ không biết bạn tôi khi đến nhờ xin việc có gặp phải cái bắt tay này không?

Anh Nhân k5 thăm gia đình LS Thảo k7

Chiều tối, Nguyễn Trung Quốc k7 báo vào: Anh xem chương trình Thời sự trên VTV1. Mở đài, sau phần các cán bộ Đảng, Nhà nước làm các thủ tục trước Đài tưởng niệm là tin bạn Nhân thăm Học viện Quân y, Viện 103 và trao quà cho các thương, bệnh binh. Cuối cùng đến thăm gia đình 1 LS mà cha mẹ là cán bộ Học viện đã nghỉ hưu. BTV giới thiệu đấy là gia đình LS Nguyễn Đức Thảo. Rồi ống kính quay Nhân thắp hương cho Thảo...
Nhắn ngay tin cho bạn thì được trả lời: Trước khi đến không biết đây là gia đình LS trường ta. Khi đứng trước ban thờ, nhìn lên thấy cuốn SRTKL tập 2. Ngỡ ngàng và xúc động! Không ngờ 1 lính Trỗi lại được thắp hương cho 1 LS trường Trỗi đúng vào ngày này...
Một việc làm ý nghĩa!

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Bài báo viết về bạn của chúng ta.

Gác bút nghiên lên đường chiến đấu
Ls Y Hòa
Báo Quân đội nhân dân online có đăng bài viết về liệt sĩ Y Hòa k7, Nguyễn Lâm k5 và các liệt sĩ HN khác hy sinh tại chảo lửa Quảng trị trong những ngày hè đỏ lửa. Đáng lẽ bài viết này được đăng trên báo giấy nhưng không kịp ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Bài do Sơn, bạn cùng khu TT Hoàng hoa Thám với Y Hòa và cũng là bạn của chúng tôi kể lại. Sơn là người luôn đau đáu đi tìm mộ của các bạn,để đưa các bạn về với gia đình. Chính Sơn và các đồng đội dựng cái am để thờ các liệt sĩ đã hy sinh tại đồi Chè (Cháy) Quảng Trị. Xin giới thiệu bài viết của Phan đức Tuấn do Sơn kể lại.

"QĐND Online- Tổ quốc bị chia cắt, như bao người con khác của cả nước, có một nhóm những người bạn học ở Khu tập thể Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cùng nhau nhập ngũ. Họ xung trận, chiến đấu ở nhiều chiến trường, trong đó có trận chiến ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị. Đất nước nở hoa chiến thắng, không ít trong số họ mãi nằm lại trong lòng đất, gia đình, đồng đội chưa thể đón họ về…Bởi thế, những người còn sống luôn trăn trở, họ làm mọi cách để đi tìm đồng đội của mình…Câu chuyện dưới dây là một ví dụ do Đại tá Phan Đức Tuấn, nhân vật trong bài, đồng thời cũng là “đồng tác giả”, hiện là Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh cung cấp. Báo Quân đội nhân dân Online xin giới thiệu với bạn đọc"…
Đồng đội và người thân xác định nơi các liệt sĩ hy sinh
Chúng tôi sống cùng nhau từ bé do bố mẹ chúng tôi làm cùng cơ quan, cùng là cán bộ miền Nam tập kết, chúng tôi lại cùng ăn, cùng ở, cùng học một lớp với nhau nên chúng tôi thân nhau chẳng khác anh em một nhà. Trước khi về sống với bố mẹ ở Hà Nội, chúng tôi đã sống cùng với nhau trong trường nhi đồng học sinh miền Nam và các trường khác, theo trường đi sơ tán hết nơi này đến nơi khác trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nguyễn Chấn Hưng quê nội ở Quảng Nam, quê ngoại ở Bình Định. Y Hòa là người dân tộc Ê Đê, quê ở Đắc Lắc, cả hai cùng sinh năm 1954, hơn tôi 1 tuổi. Chấn Hưng tính hiền lành, hay hát, Y Hòa hiếu động, chăm chỉ tập võ và vui nhộn, cả trường học sinh dân tộc miền Nam ai cũng biết. Tôi quê ở Quảng Nam, tuy nhỏ hơn một chút nhưng cũng có lúc làm ba mẹ không khỏi lo lắng vì những trò nghịch dại dột, thỉnh thoảng trốn học đá bóng, đi bơi… Sau khi Mỹ tuyên bố ngưng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra, năm 1969 chúng tôi lại trở về Hà Nội sống với gia đình trong khu tập thể 5B Hoàng Hoa Thám-khu Ba Đình, Hà Nội. Đó là khu tập thể của Ủy ban dân tộc Trung ương, nơi bố mẹ chúng tôi công tác. Về Hà Nội chúng tôi cùng học chung với nhau ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi. Nơi đó chúng tôi lại có chung biết bao kỷ niệm đẹp về tình bạn tuổi mới lớn và những rung động đầu đời khi chợt thấy cô bạn gái cùng bàn bỗng trở nên xinh đẹp một cách kỳ lạ trong một chiều Hà Nội cuối đông. Tôi vẫn nghĩ không gì có thể chia cắt được tình bạn keo sơn của chúng tôi cho đến cuối đời…
Đầu năm 1972 học sinh, sinh viên Hà Nội đi bộ đội nhiều lắm. Cả nước đang dồn sức cho trận đánh quyết định ở Quảng Trị. Hưng có giấy gọi nhập ngũ. Tôi và Y Hòa bàn nhau xung phong đi cùng, chúng tôi không muốn xa nhau và cũng chẳng thích ngồi học trong khi bạn bè đã ra chiến trường cả. Chúng tôi kéo nhau đến nhà từng đứa để thuyết phục ba má. Chẳng có bà mẹ nào muốn cho con đi vào nơi hòn tên mũi đạn nhưng dường như việc 3 đứa cùng đi bộ đội một lần làm ba bà mẹ yên tâm hơn. Các ông bố thì tỏ ra rất hài lòng vì chợt thấy lần đầu tiên đứa con trai của mình lại trở nên nghiêm túc đến vậy.
Ngày 6-1-1972, ba chúng tôi từ giã tuổi học sinh, từ biệt gia đình vào bộ đội bắt đầu một cuộc sống mới sẽ gian khổ trong tập luyện và khốc liệt nơi chiến trường. Khu phố Hoàng Hoa Thám và học sinh các trường đại học, các trường phổ thông đi đợt này đông lắm. Chúng tôi gặp cả bạn bè, gặp cả các “đối thủ” trên sân bóng, gặp cả những đứa đã từng nện nhau tím mặt tím mày với chúng tôi trên đường phố. Khoác áo bộ đội, chúng tôi trở thành đồng đội, thành anh em sinh tử có nhau. Cùng nhập ngũ với tôi, Hòa và Hưng đợt ấy còn có Thái Hòa, Lương Hòa (hai Hòa ở lại đơn vị ngoài Bắc) cùng khu tập thể và Quyết, Vinh (cùng trường Nguyễn Trãi) và Đức ở Ngọc Hà… Vũ Trung (con trai bác Vũ Kỳ, thư ký Bác Hồ), Khoa, Hiển, Long… ở Thụy Khuê; Toàn, Hiếu, Long “đen” ở Bưởi… và có cả Lê Văn Nho (nhà ở 46 Hoàng Hoa Thám), Thấn cùng Hải (người dân tộc Khơ-me) bạn học lớp 10E và Đạt, Vỹ, Hai bạn Thắng ở Lý Nam Đế, Phương Bình ở Tràng Thi, Lâm ở Phan Đình Phùng (đang học đại học Thuỷ lợi thì nhập ngũ, sau chuyển sang Trung đoàn 56 và bổ sung vào Sư đoàn 325) vào bộ đội đã thân nhau và nhiều bạn khác mỗi khi nhắc lại đều thân thương.
Chúng tôi được huấn luyện tăng cường ở Đại đội 42, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 59 Bộ tư lệnh Thủ Đô. Đến khoảng tháng 5, 6 năm 1972 thì được về phép thăm nhà 7 ngày để lên đường đi B. Ngày cuối của đợt về phép mẹ tôi chạy vạy khắp nơi để tìm mua 3 cái phao bơi cho ba đứa. Hồi kháng chiến chống Pháp, bà tham gia cách mạng và thường rất sợ mỗi khi phải bơi qua sông. Chúng tôi cũng chẳng biết đêm cuối bên những đứa con trai của mình, ba bà mẹ đã khóc hết bao nhiêu nước mắt, cũng không đứa nào biết được đó là lần cuối cùng Y Hòa, Hưng, Nho… và bao nhiêu chàng trai Hà Nội khác được nhìn thấy mẹ.
Tháng 7-1972 chúng tôi lên tàu hỏa tại ga Thường Tín-Hà Tây, đi ô tô qua các binh trạm hành quân vào đến một làng ven sông Lam ở Thanh Chương, Nghệ An, rồi bổ sung vào Sư đoàn 312. Chúng tôi không được ở cùng đại đội như khi hồi nhập ngũ nữa, tôi về Tiểu đoàn 17 Công binh, Hưng, Y Hòa và Vũ Trung về Đại đội 16, Trung đoàn 209. Thật ra ban đầu Y Hòa được biên chế về thông tin nhưng cán bộ đơn vị thấy trên tay có hình xăm xanh lè nên có ý không thích. Y Hòa cũng không tự ái gì mấy và nguyện vọng tha thiết xin được vào đơn vị cầm súng chiến đấu chứ không muốn ở tuyến sau. Sư đoàn chúng tôi hành quân theo đường binh trạm vào đến khu rừng ở huyện Quảng Ninh-Quảng Bình, trước khi xuống huyện Lệ Thủy để đi vào T70 (Bãi Hà). Chúng tôi gặp nhau lần cuối ở đó. Chiều hôm ấy ở ven một cánh rừng binh trạm, tôi cùng Hưng, Y Hòa và Vũ Trung ngồi bên nhau, chia sẻ cho nhau những gì còn lại sau chặng đường hành quân, dặn dò nhau nhiều điều. Lúc chia tay, hình như linh cảm xấu mách bảo tôi điều gì. Trong khi các bạn chỉ rơm rớm nước mắt thì tôi lại bật khóc như mưa, như gió. Suốt cả cuộc đời, chưa có bao giờ tôi lại khóc nhiều đến vậy. Y Hòa và Hưng dụi cặp mắt đỏ hoe, ôm lấy tôi ra sức an ủi. Chiều sẫm dần, tôi cố nén khóc men theo con đường rừng trở về vị trí dừng chân của trung đội, đi một quãng xa ngoái lại còn thấy hình dáng ba người bạn nhập nhòe trong bóng tối đang lan tỏa từ bìa rừng rồi lẫn vào hoàng hôn tím sẫm.

Tiểu đoàn công binh 17 cử 1 trung đội đi lẻ, phối thuộc ở Trung đoàn 165 và bảo đảm cho một bộ phận sư đoàn bộ vào trước chỉ huy tại Quảng Trị. Từ cuối tháng 7-1972 tôi theo trung đội làm nhiệm vụ khắp các vùng phía tây bắc thành Quảng Trị. Hết làm hầm chỉ huy ở khe Trai, khe Cóc, làm công sự tại Phượng Hoàng, Ái Tử, Đá Đứng… và các chốt, lại đi bố trí mìn, tham gia chốt cùng bộ binh trên những điểm chốt vùng bên Tân Lệ, Tân Mỹ, các chốt ven sông… Có một buổi chiều đầu tháng 9-1972 ở Ái Tử, tiểu đội trưởng nói tiểu đội tôi phải ở đây để sẵn sàng sang sông vào Thành đi với thủ trưởng. Khi chúng tôi đã đào xong hầm ven nền đường sắt, tiếng bom đạn cũng đã ngớt, tôi cùng Nguyễn Trọng Hưng, người ở Ninh Hiệp-Gia Lâm rủ nhau ra khỏi hầm đi kiếm mấy ngọn rau dại ăn cho đỡ xót ruột. Chúng tôi thận trọng bò sát mặt đất trườn xuống bãi đất vì tại đấy pháo địch bắn nhiều, OV10 bay suốt ngày trên đầu. Cạnh bờ sông nơi duy nhất, không hiểu sao còn có được chút màu xanh cây cỏ. Tôi đang ra sức ngắt thật nhiều những ngọn rau tàu bay và những nắm rau lá lốt nhét vào cái túi mìn Claymore đeo bên sườn thì chợt nghe Trọng Hưng gọi: “Sơn ơi, lại đây này”, tôi lom khom chạy lại. Trọng Hưng đang nằm phủ phục bên một dãy mộ 5 ngôi đất đắp còn mới nguyên, mỗi chiếc mộ có dựng một tấm bia bằng vỏ thùng lương khô, các tấm bia đều được đục tên các liệt sĩ, quê quán, đơn vị, nét đục bằng đinh tống chốt trong bộ phụ tùng khẩu AK trông thật vội vã, xiên xẹo.

Hưng chỉ cho tôi một tấm bia đề “Nguyễn Trọng Hiệp, Gia Lâm-Hà Nội, đơn vị Pháo binh” và nói giọng nghèn nghẹn: “Sao mà giống tên anh tao quá, cũng ở Gia Lâm, cũng ở Pháo binh mày ạ, lẽ nào…”.

Tôi cố át đi: “Thiên hạ thiếu gì người trùng tên. Chắc không phải đâu” nhưng rồi cả hai đều im lặng. Chúng tôi bốc đất bằng tay đắp điếm thêm cho mấy ngôi mộ, cũng chỉ là nghi thức chứ không đắp được cao hơn vì chỉ có tay không…

Mấy hôm sau trung đội tôi nhận lệnh về bến Đá Đứng, sông Ba Lòng, bờ bên Triệu Phong, bên kia là cuối thôn Như Lệ, Tân Lệ, Tân Mỹ gì đó để làm nhiệm vụ bảo đảm bến, chèo thuyền cao su vận chuyển đạn dược qua sông tiếp cho các đơn vị chốt bên thôn Như Lệ, Tích Tường, La Vang, động Ông Do, cao điểm 52. Đạn chở qua sông chủ yếu là H12, cối 60, 82, đạn 12,7mm, mìn ĐH 7… lúc này bên bờ sông thấy các đơn vị của Sư đoàn 325 về chốt cùng khu vực bên này sông với chúng tôi và tăng cường bên Như Lệ, Tích Tường, vì địch có ý định nống ra, sang bờ bắc sông Ba Lòng…

Tôi cũng chẳng phải là người thạo nghề sông nước gì nhưng đã từng bơi thuyền Peritxoa ở Hồ Tây nên được giao việc này. Việc chèo thuyền qua sông chỉ vào ban đêm dưới đạn pháo thật nguy hiểm, do bến bị lộ. Bên cao điểm 29 nhìn thấy bến, OV10 quần trên đầu từ sáng sớm, cho đến tối phát hiện được gì lại bắn pháo khói, gọi F4 đến ném bom hoặc chỉnh cho pháo dàn bắn, ngày nào cũng bị pháo dàn bắn đôi lần, hình như nằm trong bãi tọa độ, tuần nào cũng bị B52, vì mỗi lần bị B52 thì tại bến và chỗ hầm của trung đội bao giờ cũng bị dính loạt 3, còn loạt 1, 2 bên Như Lệ, các chốt bên Hải Lăng.

Mùa mưa nước sông chảy xiết, sang được đúng bến bờ kia thuyền trôi vài trăm mét là thường và vất vả lắm, trung đội không ai biết chèo thuyền nên tôi đảm nhiệm. Công việc này tuy nguy hiểm do đạn pháo bắn tại bến sông thường xuyên nên chúng tôi hay vớt được cá và có cơ hội kiếm được thuốc lào, thịt hộp để cho anh em trung đội cải thiện. Thỉnh thoảng tôi còn được gặp bạn nhưng chủ yếu là những người bị thương ở chốt, chuyển ra trạm phẫu. Có lần nhận được thư trên chốt, do đội vận tải đưa, thư viết nghuệch ngoạc, các đồng chí ấy trách sao chỉ có đạn mà không có thuốc lào và thịt hộp, mắm tôm… vừa buồn, vừa thương đồng đội, vì mình cũng chả có. Ở chốt còn có thể đi đâu được, làm được gì để cải thiện.

Lần nào chở đạn sang sông tôi cũng tìm cách dò hỏi tin tức của Hưng, Y Hòa, Nho và Vũ Trung những người bạn thân mà chẳng biết được gì. Tôi ở cách đồi Cháy chỉ khoảng 300m đường chim bay thế mà chẳng gặp được các bạn tôi. Cho đến một hôm khi chở thương binh từ phía bên Như Lệ về, tôi gặp một anh bạn cùng nhập ngũ, sau này gặp nhau kể lại mới nhớ tên là Quyết mới được biết Y Hòa và Chấn Hưng, Nho, Long “đen”, Long “cai”, Hiếu… đã hy sinh trong các trận đánh giữ chốt ở đồi Cháy làng Như Lệ và các nơi khác. Tôi đau đớn quá, nhưng không hiểu sao lại không khóc nhiều như lúc chia tay, có lẽ những trận đánh ác liệt, nhìn thấy đồng đội hy sinh nhiều đã làm chúng tôi trở nên cứng rắn hơn, cũng có thể nỗi đau ấy đã lặn vào trong sâu thẳm tâm hồn mà hút cạn khô nước mắt người lính trẻ chúng tôi.

Đại tá: Phan Đức Tuấn

Hành trình đi tìm một địa chỉ.

Nói chuyện với anh Kiến Quốc qua điện thoại, anh đặt vấn đề làm sao liên lạc với gia đình liệt sĩ Ngô Tất Thắng K7. Để chuẩn bị cho ra sách"Sinh ra trong khói lửa " tập 3, ban biên tập cần một số tư liệu, hình ảnh của các bạn đã hy sinh. Anh đề nghị tôi gởi một cho số hình liên quan, nếu tìm được địa chỉ của gia đình liệt sĩ Ngô Tất Thắng thì càng tốt. Hình ảnh thì dễ rồi vì tôi còn lưu được một số. Nhưng đến mục tìm địa chỉ của gia đình Thắng thì căng đây? Gia đình của bạn đã chuyển đi khỏi khu tập thể 16A Lý Nam Đế từ lâu. Khoảng những năm đầu 80 của thế kỷ trước cô Toàn và em Ba có ghé qua nhà thăm ba má tôi. Chả là cô học cùng với má tôi tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Hai người rất thân nhau, lúc này gia đình cô đã chuyển về khu Gỉang Võ. Sau này chắc bận việc và sức khỏe yếu nên không thấy liên lạc nữa?
Tôi bắt đầu bằng cách hỏi Vỹ gỗ. Là người cùng nhau nhập ngũ, sau này lại cùng nhau ở công binh với Thắng. Vỹ cũng chỉ biết lờ mờ như: Gia đình Thắng hình như ở Giảng Võ? Trái với thông tin tôi biết từ lâu là ở Cầu giấy. Vợ Thắng tên là Hòa, không biết họ, tên đệm ? Nhưng cho biết một thông tin quan trọng là vợ Thắng làm ở đài truyền hình t/p HCM, không biết làm ở bộ phận nào? Như thế này chẳng khác nào mò kim đáy biển, vì người tên Hòa là một cái tên phổ biến! Đành phải hỏi lại thông tin qua hội "phố LNĐ". Gọi cho Phương em của Ái "khỉ"có nhà ở gần nhà Ngô Tất Thắng lúc còn ở khu 16A LNĐ. Phương cũng không biết gì? Chỉ biết vợ anh Thắng tên Hà. Phương hứa sẽ hỏi lại những người cùng khu TT xem ai biết địa chỉ hay điện thoại theo hướng tìm Quang em Thắng hy vọng còn liên lạc với nhau, rồi báo lại. Không mong tìm được gia đình Thắng, tôi gọi cho một người bạn làm ở đài truyền hình t/p HCM nhờ tìm một người tên Hà (Vỹ cũng xác nhận lại vợ Thắng tên là Hà), có chồng là liệt sĩ, chạc tuổi trên 50. Bạn hỏi lại làm ở bộ phận nào, ở đài TH có nhiều người tên Hà lắm và hứa bằng mọi cách sẽ cho biết tin sớm. Trong lúc chờ bạn báo tin, thì em Phương gọi điện lại nói em kiếm được rồi và cho số điện thoại nhà cô Toàn. Điện thoại cho cô, xưng tên:"Cháu là Đạt con má Yến". Cô nhớ ra ngay: "Cháu thân với Thắng, hai đứa cùng nhau đi bộ đội". Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe,tình hình gia đình. Tôi xin địa chỉ gia đình, số điện thoại của Quang, số điện thoại của vợ Thắng trong Nam. Hứa với cô sẽ ghé thăm gia đình khi có dịp ra HN. Mừng vì thông tin vượt quá sự mong đợi, từ lâu những tưởng không thể nào liên lạc với gia đình bạn được nữa? Gọi ngay điện thoại cho Hà tôi nói tôi là bạn cùng khu TT, là đồng đội cũ. Hà rất xúc động. Chúng tôi có trao đổi với nhau qua email. Qua email- Xin copy nguyên văn, Hà viết:
"Gửi anh Đạt!
Trước hết, em rất cám ơn anh vì anh đã gửi cho em tấm hình của anh Thắng thời niên thiếu và cho em biết trang blog của các anh . Trưa nay em đã đọc hết những bài viết kỷ niệm của các anh về anh Thắng. Em xúc động vô cùng! Những kỷ niệm xưa lại ùa về trong em. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nghiên, cách đây 2 ngày , bạn em ở Đà lạt có điện cho em biết là cô bạn gái cũ của anh Thắng (người gây ra sóng gió mà các anh đã đề cập đến) hiện là giám đốc Sở Giáo dục Lâm đồng. Cô ấy đã cùng bạn em ôn lại những kỷ niệm về anh Thắng. Em cũng rất mong gặp được anh Đỗ Nghĩa, vì trong những người bạn cùng học trường Trỗi với anh Thắng em chỉ quen với anh Đỗ Nghĩa. Và có một anh Nghĩa nữa em chỉ gặp mặt thôi chứ chưa được làm quen. Nếu anh có hộp thư của anh Đỗ Nghĩa thì cho em biết với nhé."
Hà mời tôi ghé đài TH chơi. Hẹn với Đỗ Nghĩa rồi. Chúng tôi sẽ tới trong một ngày gần nhất.
Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 đến rồi. Chúng ta lại nhớ đến các bạn, các đồng đội của chúng ta đã hy sinh cho đất nước có ngày hôm nay. Chúng ta được hưởng sự may mắn hơn họ! Để làm gì được an ủi phần nào gia đình các bạn, đồng đội vơi đi nỗi buồn tủi, nhớ mong chúng tôi sẽ cố gắng hết mình! Nhân ngày này xin thắp cho hương hồn các liệt sĩ một nén nhang tưởng nhớ.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Con mẹ vẫn chưa về.

Thắp hương tưởng nhớ Ngô Tất Thắng
Với mẹ Toàn của Ngô Tất Thắng mãi tới tuần rồi K7 chúng tôi mới biết được địa chỉ và số điện thoại qua Uttroi và Hồ Bá Đạt. Mấy năm nay chẳng làm sao biết được nên Mạnh Thắng và tôi tính đến nhà mẹ Toàn trước. Gọi điện đến nhà kiểm tra thông tin và cũng để hỏi thêm về địa chỉ và hướng đi . Cô em dâu Ngô Tất Thắng hướng dẫn khá kỹ càng mà vẫn cứ nhầm, phải gọi thêm 2,3 lần nữa vì khu này quá mới, tên phố xá, số nhà chưa rõ ràng được.
Rẽ vào con đường nhỏ, một bên vẫn còn là đất hoang không có nhà. Xa xa cuối con đường, dưới gốc cây bàng thấy có bóng người đứng ngóng...Trời lại bắt đầu đổ mưa, tôi tăng ga về phía cây bàng và hy vọng ...Đến nơi thì đúng là mẹ Toàn.
Chúng tôi sững người khi biết mẹ Toàn đã đứng dưới gốc bàng suốt từ khi hay tin chúng tôi đến thăm nhà.
Thắp hương tưởng nhớ Đặng Đình Kỳ
Tại nhà Đặng Đình Kỳ, mấy năm nay tôi đến luôn trong những dịp lễ tết nên khi vừa đến cửa mẹ Loan đã nói : Việt đến đấy à ?
Mẹ đã quen rồi mỗi dịp như thế, tự ngẫm từ nay mình phải năng đến với mẹ nhiều hơn cho mẹ nguôi ngoai nỗi nhớ Kỳ.
Về nhà tôi vào Uttroi đọc lại bài viết của nhà văn Quang Thiều, đọng lại trong tôi mấy dòng này : Mẹ tôi kể có lần người làng đã nhìn thấy một con tàu đi như trôi trên cánh đồng lúc nửa đêm. Và từ những ô cửa con tàu, những người lính trẻ như vừa rời khỏi tuổi thơ ùa ra gọi "mẹ ơi".

Thăm hỏi mẹ Loan, mẹ của Ls Đặng Đình Kỳ.

Thăm hỏi và nói chuyện với mẹ Toàn,
mẹ của Ls Ngô Tất Thắng.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Bên ô cửa những toa tàu thời chiến.

Tác giả: Nguyễn Quang Thiều

Lại sắp một ngày 27/7 nữa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều vừa có một bài viết hay trên Tuần VietNam.net, về những người lính trong chiến tranh chống Mỹ.

"Có những hình ảnh vô cùng giản dị trong cuộc sống này nhưng làm tôi nhớ mãi như một nỗi buồn mơ hồ khôn nguôi, như một sự xúc động không bao giờ biến mất, như một nỗi ám ảnh mãi mãi... Một trong những hình ảnh ấy là ô cửa những con tàu thời chiến tranh....Xem tiếp"

TRIỆU CHỨNG BỆNH TRẦM CẢM Ở TUỔI TRUNG NIÊN

Thường độ tuổi nói chung ở nữ là 45 – 55 tuổi, nam là 55 – 60 tuổi, trong y học gọi là thời kỳ chuẩn bị bước sang tuổi già (trung niên) Trung niên là giai đoạn quan trọng của đời người. Ở giai đoạn này, sinh lí của con người có thay đổi rất lớn, khả năng miễn dịch của cơ thể đã yếu đi, chức năng của hệ thống nội tiết tố của thần kinh dần dần giảm sút, mức độ các hormon giảm, dẫn đến một loại thay đổi về tâm trạng và gây ra các bệnh ở cơ thể. Đồng thời họ còn phải chịu áp lực của xã hội, công việc, học tập, gia đình, hôn nhân …Vì vậy, về tâm lí có những thay đổi rõ rệt. Về giới tính, ở độ tuổi này có sự khác biệt. Điều này có liên quan tới mức độ giảm bớt chức năng nội tiết tố của cơ thể và chức năng tình dục. Nói chung, sự suy yếu của hệ thống nội tiết và giảm chức năng tình dục ở nam giới chậm hơn so với nữ giới. Vì vậy, thời kì chuyển sang tuổi già của nam giới đến muộn hơn so với nữ giới.
Bệnh trầm cảm ở thời kỳ chuyển sang tuổi già là một loại trở ngại về tinh thần thường thấy ở thời kì này. Nguyên nhân gây bệnh thường là các nhân tố ở cơ thể hoặc tinh thần. Người bệnh thường xuyên có thay đổi về tâm sinh lí. Sự thay đổi về phương diện chức năng sinh lí với các triệu chứng lâm sàng ở hệ thống tiêu hóa, bệnh cao huyết áp và thần kinh tự chủ. Với những biểu hiện như : nhu cầu ăn uống giảm, đau thắt lưng trên, khô miệng, táo bón, đi ngoài, tim đập nhanh, huyết áp thay đổi, mạch đập nhanh hoặc chậm, tức ngực, tay chân mỏi, tay lạnh, sốt, nhu cầu tình dục giảm, thay đổi kinh nguyệt, nhức đầu, không có sức lực. Thay đổi về sinh lí thường xuất hiện trước các triệu chứng về tinh thần, luôn phát triển cùng bệnh tình và tăng nhanh. Sau khi qua điều trị các triệu chứng biểu hiện ở cơ thể biến mất sớm hơn các triệu chứng về tinh thần.
Bệnh trầm cảm ở thời kì chuyển sang tuổi già nói chung phát bệnh chậm, phát triển dần dần, quá trình của bệnh kéo dài, bắt đầu có biểu hiện như : mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, tức giận, bất an… Người bệnh thường là suy sụp tinh thần, buồn bã không vui, lo lắng không yên vì xảy ra sự cố ngoài ý muốn, hay có tâm trạng tiêu cực bi quan, khi nhớ về quá khứ, lo lắng cho tương lai, họ cho rằng những năm tháng tuổi trẻ trước đây đang dần biến mất, thay vào đó là những năm tháng tuổi già. Cho nên, trong lòng họ thường nảy sinh tâm trạng chán nản, tư duy trì trệ, phản ứng chậm chạp, tự cảm thấy thiếu tinh lực, làm việc gì cũng thất bại, không có hứng thú đối với chuyện vui hàng ngày, đắc biệt là dễ mệt mỏi. Sau khi nghỉ ngơi cũng chẳng thấy đỡ, thường tự cho mình là một người tàn phế, vô dụng, hồi tưởng lại nhiều lần những chuyện không vui đã qua. Khi nghĩ lại những sai lầm khuyết điểm đã qua họ luôn thấy hối hận, cho rằng mình đã gây ra cho gia đình những tổn thất, những gánh nặng. Bây giờ phải chịu trừng phạt sống đầy đau khổ thà chết còn sướng hơn. Trên cơ sở này, người bệnh không chỉ cho rằng mình vô dụng mà còn có tội. Người xung quanh cũng đều bàn tán về anh ta, thậm chí có người còn cho rằng anh ta bị mưu hại (có sự hoang tưởng liên quan đến các triệu chứng về tinh thần : hoang tưởng bị hại, hoang tưởng có tội)
Rất nhiều người bệnh nghi ngờ mắc bệnh và hoang tưởng, trống rỗng, quá quan tâm tới các mặt của cơ thể. Họ rất mẫn cảm với các cảm giác, cho rằng nội tạng của mình đã bị mắc bệnh , xương cốt gãy rời, máu khô cạn, mắc bệnh không thể chữa được, không có thuốc nào chữa được. Vì vậy họ rất lo lắng và sợ hãi. Có người bệnh cho rằng mình chỉ còn là một cái xác vô hồn, vô dụng, cảm thấy mọi thứ xung quanh đều không có thực, trống rỗng mơ hồ, không có cách nào với tới được. Triệu chứng nổi bật của bệnh này là lo lắng căng thẳng, mặt mày tiều tụy, hai mắt chứa đầy sự hoảng sợ và tuyệt vọng. Khi mắc bệnh nặng,người bệnh ngồi trên giường không yên, không nói không rằng. Có vài người bệnh tự làm bị thương hoặc thậm chí tự sát, nhảy lầu, nhẩy xuống giếng, người bệnh còn luôn dùng cách không nghĩ tới tự làm bị thương, tự sát.
Tóm lại, nếu ở giai đoạn sắp bước sang tuổi già mà cảm thấy không có hứng thú với cuộc sống, suy sụp tinh thần, chán nản, có ngày lo lắng căng thẳng, nghi ngờ mình mắc bệnh hiểm nghèo, có lúc đau khổ, nhưng lại tìm không ra bệnh cụ thể , có thể là mắc bệnh trầm cảm. Trong trường hợp này phải tới bệnh viện chuyên khoa và sớm có phương pháp điều trị có hiệu quả.
Các thành viên trong gia đình phải có nhận thức đối với bệnh này, chú ý tới việc tìm hiểu tâm lý người bệnh thông cảm với họ, ủng hộ họ để họ có thể hồi phục nhanh nhất; có dự đoán đầy đủ về tính nghiêm trọng của bệnh, đối với mọi tình huống xảy ra ngoài ý muốn phải áp dụng các phương pháp dự phòng có hiệu quả.

Xin Yang.
(Việt Liên K8-C11 gửi)

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Thông báo

1. Thông tin tại đây có phải là LS Nguyễn Khắc Bình K7 không?

2. Bạn nào có hình các LS sau đây của trường (hình riêng hoặc chỉ ra người đó trong các hình chung) cho tôi xin - đăng lên blog hoặc gửi về hameok6@hotmail.com :

1. Liệt sĩ Nguyễn Đăng Đạo

Thầy giáo, Cán bộ quản lí

2. Liệt sĩ Cao Quốc Bảo, Học sinh khóa 3

3. Liệt sĩ Nguyễn Văn Ơn Học sinh khóa 4

4. Liệt sĩ Nguyễn Khắc Bình, Học sinh khóa 7

3. Nếu còn các hình thời trường Trỗi và thời đi lính của lính Trỗi thì cũng xin luôn.

Cám ơn nhiều nhiều.

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Thuốc lá - nối lời ĐN

Lần ấy, một người thân trong gia đình của một đồng nghiệp chúng tôi bị tai nạn giao thông. Nạn nhân là một cháu bé nên cả phòng thí nghiệm chúng tôi bị shock nặng. Khi đến chia buồn với gia chủ, đám phụ nữ có thể khóc, còn đám nam giới thì vô cùng bối rối. Thế rồi tôi thấy tất cả họ, cả khổ chủ lẫn khách, mỗi người cầm lấy một điếu thuốc và châm lửa hút trong im lặng. Không một lời an ủi hay động viên, chỉ có khói thuốc trầm tĩnh lan tỏa và bạn có thể cảm nhận được sự đồng cảm sâu xa. Tôi vô cùng kinh ngạc, bởi có những người tôi biết đã ngót chục năm, chưa bao giờ tôi thấy họ hút thuốc và thậm chí họ còn phản đối khói thuốc kịch liệt. Ỏ cái xứ lạnh này, không hiểu sao mùi khói thuốc lá ám rất lâu. Từ cái hồi có luật cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng như công sở, nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng… khứu giác của những người không hút thuốc càng trở nên nhạy bén và càng khó chịu với khói thuốc dù chỉ một chút xíu. Vậy mà lần đó tất cả chúng tôi đều cảm thấy biết ơn cái bao thuốc có in rõ dòng chữ « hút thuốc có hại cho sức khỏe của bạn ». Sau lần đó những người đồng nghiệp của tôi lại tiếp tục « dị ứng » với khói thuốc. Tôi nhận ra rằng, trên thế gian này có cả triệu người hiểu hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng đôi khi họ vẫn hút, hút không phải để thỏa mãn cơn nghiền nicotin mà để chia xẻ. Hình như những điều đàn ông khó diễn đạt bằng lời hay bằng nước mắt, họ gởi qua làn khói thuốc. Ỏ những nghĩa trang liệt sĩ, những người lính cũ cũng thắp một nén nhang, rồi châm một điếu thuốc, hít một hơi thật sâu rồi sau đó cắm vào chân hương trên mộ đồng đội. Tôi vẫn phản đối việc hút thuốc lá, vẫn dị ứng nặng với khói thuốc nhưng vẫn rưng rưng mỗi khi chứng kiến cảnh « chia nhau một hơi thuốc » với những người không trở về.

Nguồn: Internet
Có lần tôi làm một cuộc « phỏng vấn » tất cả bọn trong phòng thí nghiệm về lần đầu tiên hút thuốc. Mặc dù hầu hết mọi người đã bỏ thuốc nhưng ai cũng đã « thử » trừ tôi. Không phải là do tôi được giáo dục tốt về tác hại của thuốc lá mà do hoàn cảnh « đưa đẩy ». Mẹ tôi là dân Trị Thiên « xịn », nghiện thuốc, và có thể hút thuốc vấn « sâu kèn ». Tập kết ra Bắc bà gặp vô số chuyện (nhiều chuyện khá hài hước) vì nghiện thuốc mà tiêu chuẩn thuốc lá chỉ phân phối cho nam giới. Tôi cũng không nhớ rõ là bà bỏ thuốc năm nào. Sau này, hồi mới đi làm tôi phải làm đề tài về phân tích chất lượng thuốc lá do phòng thí nghiệm giúp công ty thuốc lá Cao bằng chọn giống. Nếu bạn cứ phải ngồi nghiền lá thuốc thành bột để phân tích, bảo đảm bạn sẽ sợ thuốc lá như tôi. Qua « phỏng vấn » tôi nhận ra là cách « bập » vào thuốc lá cũng thể hiện khá rõ tính cách từng người. Cậu bạn Tiến sĩ người Pháp, tính ưa suy tư, suốt ngày lục tìm thông tin nghiên cứu bảo « Biết là thuốc lá thế nọ thế kia, nhưng để thử nghiệm, năm 13 tuổi, tao mua một bao thuốc lá, ra đồng kiếm một chỗ hẻo lánh hút hết bao thuốc. Sau đó không bao giờ tao hút lại nữa, trừ cái hôm vừa rồi ». Một cậu nghiên cứu sinh người Rumani, nghịch ngợm, vui vẻ, nhanh nhẹn nói « Năm lên 9 tuổi, tao đã rủ một lũ bạn, lấy trộm thuốc lá của phụ huynh, rồi thi xem đứa nào hút giỏi hơn ». Con bé sinh viên người Bỉ gốc Ý, dạo ấy vẫn phì phèo thuốc lá bảo : « Bọn con gái năm tao rủ nhau hút thuốc để giảm cân, nhưng tao chỉ dám hút ở trường thôi. Về nhà mà bố mẹ tao thấy tao hút thuốc, chắc thể nào cũng bị ca vọng cổ ». Cái hồi có lệnh cấm tuyệt đối không được hút thuốc trong khu làm việc, mưa gió bão bùng, tuyết rơi gì hội nghiện thuốc cũng phải ra ngoài, nó dần bỏ được thuốc.

Thuốc lá được sử dụng từ ngàn xưa ở châu Mỹ, nhưng chỉ phát triển mạnh khi người châu Âu chinh phục lục địa này và thuốc lá trở thành thứ hàng hóa siêu lợi nhuận. Có giả thuyết cho rằng tên khoa học của cây thuốc lá bắt nguồn từ tên của ngài Jean Nicot, đại sứ Pháp tại Bồ đào nha, người đã trân trọng kính biếu nữ hoàng Catherine de Medici một ít thuốc lá để làm thuốc vào năm 1559. Dù hiện nay phần lớn các nước đều in dòng chữ « hút thuốc hại sức khỏe » trên mỗi bao thuốc và nhiều nước nghiêm cấm tuyệt đối việc hút thuốc những nơi công cộng cũng như không bán thuốc lá cho trẻ em dưới 16 tuổi, ước tính vẫn có khoảng 1/3 những người trưởng thành trên thế giới hút thuốc. Mới thấy cái mùi khói gây khó chịu cho không ít người vẫn là sự quyến rũ ghê gớm cho muôn ngàn người khác. Tôi từng biết một người đã phải bỏ làm ở một công ty có thu nhập cao chỉ vì thuốc lá. Chả là văn phòng của bác này tọa lạc trên tầng mười mấy của tòa nhà, mỗi lần muốn hút thuốc bác này phải « hạ sơn » rồi ra đứng đường hút thuốc « dù mưa gió tuyết rơi, dù vắng bóng ngôi sao giữa trời ». Bác ấy cố bỏ thuốc mãi mà không được đành bỏ cơ quan vậy. Với khá nhiều người, hút thuốc là cách để tập trung suy nghĩ, nhiều người khác là để thư giãn và lấy lại bình tĩnh. Không ít người trong trường hợp nhất định lại thấy « lời của khói » là cách hợp lý nhất.

Cũng là do ĐN « đốt » hết mấy chục bao Manboro, khói bay tứ tung nên kẻ « dị ứng » khói thuốc là tôi đây mới có vài dòng tản mạn về thuốc lá. Mong cả những người ghét lẫn người yêu thuốc lá lượng thứ.

EGK9

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Minh họa "Hút thuốc"

Nhân Đỗ Nghĩa và Đạt bột có bài liên quan tới thuốc lá, tôi xin gửi vài hình, gọi là minh họa.


Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Thói quen hại cho trí óc và gan


10 thói quen có hại cho trí óc:
1. Không ăn sáng
Những người không có bữa sáng sẽ có một mức độ đường trong máu thấp hơn. Điều này dẫn đến nguồn cung cấp không đầy đủ các chất dinh dưỡng cho não bộ gây thoái hóa não.
2. Ăn quá nhiều
Nó gây ra xơ cứng động mạch não, dẫn đến làm giảm sức mạnh tinh thần.
3. Hút thuốc lá
Nó gây ra co rút não nhiều và có thể dẫn đến bệnh Alzheimer.
4. Ăn nhiều đường
Quá nhiều đường sẽ gây cản trở sự hấp thụ của đạm chất và các chất dinh dưỡng gây suy dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng phát triển trí não.
5. Ô nhiễm không khí
Bộ não tiêu thụ oxy nhiều nhất trong cơ thể. Hít phải không khí ô nhiễm làm giảm cung cấp oxy cho não, làm giảm hiệu quả não.
6. Thiếu ngủ
Ngủ cho phép não bộ nghỉ ngơi. Dài hạn thiếu ngủ sẽ đẩy nhanh cái chết của tế bào não.
7. Đầu được che phủ trong khi ngủ (trùm chăn)
Ngủ với đầu bao phủ làm tăng nồng độ carbon dioxide và giảm nồng độ ôxy có thể dẫn đến não bộ bị ảnh hưởng tai hại.
8. Làm việc trong thời gian bị bệnh
Làm việc chăm chỉ học tập khi bị bệnh tật có thể dẫn đến làm giảm hiệu quả của bộ não cũng như tổn thương não bộ.
9. Thiếu kích thích suy nghĩ
Tư duy là cách tốt nhất để đào tạo não của chúng tôi, thiếu suy nghĩ kích thích não có thể gây ra co rút não.
10. Ít khi nói chuyện
Trí tuệ cuộc hội thoại sẽ phát huy hiệu quả của bộ não.
Nguyên nhân chính của tổn thương gan
Những nguyên nhân chính của tổn thương gan là:
1. Ngủ quá khuya và thức dậy quá muộn là chính gây ra.
2. Không đi tiểu vào buổi sáng.
3. Ăn quá nhiều.
4. Bỏ qua bữa ăn sáng.
5. Uống thuốc quá nhiều.
6. Tiêu thụ quá nhiều chất bảo quản, phụ gia, chất màu thực phẩm, và chất làm ngọt nhân tạo.
7. Tiêu thụ dầu ăn không lành mạnh. Giảm thiểu sử dụng càng nhiều càng tốt dầu ăn khi chiên, bao gồm cả các loại dầu ăn như dầu olive. Không tiêu thụ thực phẩm chiên khi bạn đang mệt mỏi, trừ khi cơ thể rất khỏe mạnh.
8. Tiêu thụ thức ăn nấu chín quá cũng thêm vào gánh nặng cho gan.
Rau cần được ăn sống hoặc nấu chín 3-5 phần. rau xào nên ăn 1 lần thôi, không lưu trữ.
Chúng ta phải ngăn chặn điều này mà không nhất thiết phải chi tiêu nhiều hơn nữa. Chúng ta chỉ cần có để chấp nhận một lối sống hàng ngày và thói quen ăn uống tốt. Duy trì thói quen ăn uống tốt và điều kiện thời gian là rất quan trọng cho cơ thể chúng ta hấp thụ để loại bỏ các hóa chất không cần thiết theo "lịch trình."
Bởi vì:
9pm-11pm : là thời gian để loại bỏ không cần thiết / hoá chất độc hại (cai nghiện) từ hệ thống kháng thể (các hạch bạch huyết). Thời gian này nên được dành thời gian của thư giãn hoặc nghe nhạc. Nếu trong thời gian này một bà nội trợ vẫn còn trong tình trạng mệt mỏi như rửa chén bát hoặc giám sát con cái làm bài tập ở nhà của họ, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến sức khỏe.
11pm - 1 am : là quá trình khử độc trong gan, và lý tưởng nên được thực hiện trong trạng thái ngủ sâu.
Sáng sớm 1-3 am: quá trình giải độc trong túi mật, cũng lý tưởng thực hiện trong một trạng thái ngủ sâu.
Sáng sớm 3-5 am: giải độc trong phổi. Vì vậy có đôi khi sẽ là một chứng ho nặng cho người bị ho trong thời gian này. Kể từ khi quá trình giải độc đã đến đường hô hấp, không có cần phải dùng thuốc ho để không gây trở ngại cho quá trình loại bỏ độc tố .
Sáng 5 - 07:00: giải độc trong ruột già, bạn nên đi cầu .
Sáng 7-9 am: hấp thu các chất dinh dưỡng trong ruột non, bạn nên ăn sáng vào lúc này. Ăn sáng cần được sớm hơn, trước khi 6:30 am, cho những người bị bệnh, Ăn sáng trước 7:30 am là rất có lợi cho những người muốn khoẻ mạnh. Những người luôn bỏ qua bữa ăn sáng, họ nên thay đổi thói quen của họ, và thà là ăn vào lúc 9-10 còn hơn là không ăn gì hết.
Ngủ rất muộn và thức dậy quá trễ sẽ làm gián đoạn quá trình loại bỏ các hóa chất có hại. Ngoài ra, nửa đêm đến 4:00 là thời gian khi tủy xương tạo máu. Do đó, có một giấc ngủ tốt và không ngủ trễ.
Sưu tầm

Rỗi việc

Cũng chẳng quan tâm nhiều đến số lượt truy cập vào ÚT TRỖI. Thấy trong bảng điều khiển mới có thêm tính năng thống kê lượt truy cập. Đưa lên anh em tham khảo chơi. Click vào giữa hình xem để xem rõ hơn.

Lượt truy cập UT trong 1 ngày tại VN và một số nước trên thế giới bằng các trình duyệt và các hệ điều hành khác nhau.

Lượt truy cập UT trong 1 tuần tại VN và một số nước trên thế giới bằng các trình duyệt và các hệ điều hành khác nhau.

Lượt truy cập UT trong 1 tháng tại VN và một số nước trên thế giới bằng các trình duyệt và các hệ điều hành khác nhau.

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

MÙA NÀO THỨC ẤY

Năm ngoái tôi đã trình làng dây dưa hấu nhà mình với các bạn. Năm nay lại xin “khoe tiếp” dây dưa gang ( vẫn ngay tại chỗ ấy ).

Giữ “bí mật công nghệ” lâu sợ mang tiếng ich kỷ, vậy tôi xin cống hiến “Đề tài khoa học” này, hy vọng mọi người có thể áp dụng vào cả các lĩnh vực nông nhiệp khác. Đó là phải biết …cúng Tổ ae ạ! Linh lắm!

Số là khi thu hoạch “vụ dưa” năm ngoái, tôi lựa trái dưa hấu to, đẹp nhất, lau chùi cẩn thận và đặt lên bàn thờ, thắp nhang cám ơn Tổ Mai An Tiêm. Ngài cảm động lắm, bởi giờ sao có lắm kẻ ăn cháo đá bát, chẳng biết uống nước nhớ nguồn?! …Nhưng điều làm tôi kinh ngạc nhất là “sàn phẩm” năm nay lại biến thành dưa gang( chứ không phải dưa hấu)! Có lẽ nào Tổ Mai An Tiêm cũng có lúc …lẫn như ta?

SG 17/7/2010

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Thư giãn: Em đi bơi thuyền

Nguồn: VnExpress

Tướng lĩnh Trỗi thứ 17

Bạn Trần Quốc Việt k5 (cận) thuộc Tổng cục An ninh, Bộ CA, vừa được tấn phong hàm Thiếu tướng. Xin chúc mừng bạn! Chúc bạn hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó.
BLL nhà trường

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

THÔNG BÁO: TỒ CHỨC KỶ NIỆM 45 NĂM TRƯỜNG TSQ NGUYỄN VĂN TRỖI

Chiều nay, 13/7/2010, tại địa chỉ 40 ngõ 30 Lý Nam Đế, HN, đã diễn ra cuộc họp BLL nhà truờng cùng BLL các khoá. Chúng tôi thấy sự hiện diện của thầy Nguyễn Phong, thầy Chi Phan cùng các anh k1 (Nguyễn Chiến, Kinh Tuyến), k2 (Chu Kì Minh, Lương Sơn) cùng đại diện từ k3-k8. C11 có bạn Hạ Thanh Xuyên. Đặc biệt, phút cuối cùng xuất hiện Dương Minh, Trưởng BLL phía Nam: “Tôi nhận được tin nhắn và bay ra ngay (có kết hợp công tác)!”.

Truởng ban Bùi Vinh cảm ơn sự có mặt của các thầy cùng BLL các khóa và ghi nhận những đóng góp của toàn trường sau “Thông báo số 1”. Vui mừng hơn, trong họp mặt, các khóa đều thể hiện quyết tâm tổ chức “Hội trường 45 năm” khi còn khá đầy đủ thầy và trò.

Hội nghị xác định, tổ chức Hội trường với phương châm “trọng thị, đầy đủ, tiết kiệm”. Mọi chi tiết của ngày hội được bàn bạc rất cẩn thận, từ khâu tổ chức đến nội dung chi tiết. Tất cả sẽ được triển khai theo các tiểu ban.

- Thầy Chi Phan thay mặt BBT báo cáo việc xuất bản Tập 3 “Sinh ra trong khói lửa” – phần hồn của Hội trường. Lần này, mọi chi phí in ấn, xuất bản do BLL lo. Ngoài số sách tặng thầy cô và khách thì ban tổ chức sẽ bán ngay tại hội trường (cùng số Tập 2 cho những ai chưa có).

- Dự kiến: TPHCM tổ chức Hội trường vào ngày 3/10, miền Trung: 9 (hoặc 10)/10/2010. Kinh phí từng miền tự lo. BLL trường sẽ cử đại diện vào dự.

- Tại HN: tổ chức Hội trường chính vào sáng 16/10/2010. Địa điểm: Cung VHHN Việt-Xô. Sau phần “lễ” sẽ liên hoan giao lưu toàn trường (đây là điểm mới!).

Mong được các thầy cô cùng cựu TSQ Nguyễn Văn Trỗi ủng hộ “quyết liệt”.

BLL trân trọng thông báo!

TIN TRONG TUẦN


Hôm qua, ngày 12-7-2010 gia đình Tập Thanh làm 49 ngày cho bạn mình. Tới dự có Thầy Trọng và những người bạn của Tập Thanh. Nhân dịp này BLL K7 được sự ủy nhiệm của các bạn K7, k8, k6 NVT, học sinh miền Nam NVB...đã trao nốt phần quà mà các bạn đã quyên góp nhằm giúp đỡ con bạn Tập Thanh trong sinh hoạt và học tập. Một lần nữa gia đình và các con Tập Thanh nhờ BLL K7 gửi lời cảm ơn đến tất cả các chú, các cô, các bác về nghĩa cử này.

HÀ NỘI ĐÃ CÓ MƯA.

Mấy tuần nay nóng nắng, cúp điện, người Hà Nội mong có được cơn mua. Hôm nay mưa thật, như mơ ấy, thế chứ ! Hà Nội đáng yêu quá !
Ngồi nghe tiếng lộp bộp, rào rào của mưa, mở tivi xem các bác nghị cấp thành phố họp ( Hội đông nhân dân TP Hà Nội đang họp ), nhiều nội dung lắm, sao thấy lạc quan hy vọng ...
Bà thị xã nhắc :" Ông lại quên đổ rác rồi ."
Thôi thì chạy nhoằng cái ra cổng là xong, giật mình thấy nước mênh mông. Dải phân cách đường bằng nhựa trôi lênh bềnh như phao cứu sinh. Đã thấy vài người dắt xe ..
Đường TP nhà tôi cao lắm, nơi nào ngập chứ ở đấy chả mấy khi. Thế mà mới cơn mưa buổi sáng đã như sông như suối. Lại cầu trời đừng mưa nữa, người Hà Nội đang bận làm Cổng, chưa kịp thông Cống sắm thuyền, trời ạ ! Cơn mưa mới vừa đủ mát mà đã thế, liệu sắp tới lễ lớn mà mưa thì các bác SG có ra nữa không ?
Bây giờ trăm sự nhờ trời thôi các bác !
Theo VnExpress:
Hà Nội ngập nặng trong cơn mưa lớn nhất năm
Ảnh Hà nội chìm trong nước sáng nay ... và ĐÂY NỮA

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Nhà báo Ngô Tất Thắng (K7) đã chiến đấu như thế.

Lâu nay mới chỉ biết bạn mình hy sinh ở chiến trường K nhưng bạn chiến đấu và hy sinh như thế nào ít ai biết được. Vô tình tôi thấy Ngô Tất Thắng qua một cuốn sách, xin giới thiệu với anh em.
Trích trong lịch sử sư đoàn đồng bằng ( f320 quân đoàn 3 )
"....Nguyễn Bá Kiên, Phạm Hùng Chiến đưa xe K63 bám sát lề đường. Địch đã vào tầm súng. Bắn! Hai chiếc ôtô bốc cháy lập tức. Bị đánh phủ đầu, địch khựng lại. Cậy vỏ thép dày chiếc xe tăng T.58 lách sang, lồng lộn chống trả. Khẩu ĐKZ gắn trên xe chỉ huy bị hỏng. Xạ thủ B40 Luận Công Tiến trúng đạn hy sinh. Hướng xách súng của bạn bám theo vạt cỏ, bò lên, quả B40 nổ lóe trên tháp pháo. Chiếc T.58 lùi lại. Quả thứ hai, Hướng bắn cháy chiếc M.113. Bọn lính từ chiếc T.58 hoảng sợ lao ra, bị Ngô Tất Thắng(1) cản lại. Hướng nhảy lên chiếc xe tăng của địch. Quay nòng pháo, hối hả gọi: “Thắng ơi, tiếp đạn”. Địch vón lại. Chiếc xe số 206 của Phạm Hùng Chiến nhằm chiếc xe giải phóng mở hết tốc lực. Sau pha đụng đầu, chiếc ô tô bị hất xuống lòng mương. Lựu đạn, B40 nổ chồng lên nhau. Đại đội 7 bật dậy, lia đạn tới tấp vào quân địch. Xác địch vắt lên thành xe, cắm xuống ruộng. Lửa sáng rực một vùng. Địch. tan. Số sống sót tháo chạy về phía sau.
Suốt đêm ngày 31 tháng 12 năm 1978, đại đội 7 liên tục chặn đánh hàng chục đợt phản kích của địch giữ vững trận địa, đường số 7 đoạn từ Suông đến Chúp, trở thành đoạn đường máu của quân khu 203.
....."
(1).Phóng viên báo Quân đội nhân dân, đã hy sinh trong trận chiến đấu này.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Thông báo họp BLL

BLL trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi kính mời các thành viên trong BLL trường và đại diện BLL các khóa tại HN đến dự họp mặt triển khai công việc tổ chức Hội trường vào tháng 10/2010.
Đia điểm: nhà 40, ngõ 34 Trần Phú, gần Canteen bia Quân đội 30 Lý Nam Đế.
Thời gian: 18g, ngày thứ ba 13/7/2010.
Trân trọng!

Viếng mẹ Liên

Sáng nay, đúng 9g, anh em hẹn nhau ở ngã ba Hồ Tùng Mậu vào khu Văn công TCCT và nhà Cầm (em Tuyến). BLL trường có anh Bùi Vinh, k2 có anh Đỗ Quang Việt, k5 - Kiến Quốc. K8 đông hơn cả, có Bùi Thắng, Bùi Chuẩn, Chí Cường, Hà HK, Nam Hùng, Dũng "bò", Thái C11. Rất tiện vì cạnh nhà có sân rộng nên có bãi gửi xe và dựng rạp tiếp khách.


















Vòng hoa của ta mang dòng chữ "BLL TSQ Nguyễn Văn Trỗi kính viếng Mẹ". Anh Vinh dẫn đầu vào thắp hương, mặc niệm rồi đi vòng quanh linh cữu mẹ. Mẹ trông mãn nguyện, nhắm mắt ngủ say, trên đầu con cháu đội cho vành khăn xếp đỏ. Khách các cơ quan của con, cháu đến viếng rất đông. Anh cả Mạnh trong SG bay ra hôm qua.
Chúng tôi ra uống nước, trò chuyện với bố cháu Hùng. (Mẹ Hùng là chị trên Tuyến, đã mất mấy năm nay). Năm 1971, Tuyến huấn luyện ở F305 đặc công trên Xuân Mai. Có 1 đêm, Tuyến đi bộ suốt từ đơn vị về Hà Đông. Ngày đó, chị Tân đang học Kiến trúc ở đây. Đang ngủ, chị giật mình tỉnh dậy thấy Tuyến đứng ngay bên. Cũng chỉ thăm hỏi qua loa rồi Tuyến lại đi bộ về Xuân Mai.
Có anh Bùi Vinh ở đấy mới biết nguồn gốc F305 chính là Lữ đoàn dù. Đơn vị đặc biệt này toàn lính tập kết, đóng doanh trại trên Thậm Thình, Phú Thọ. (Vậy là ngày ấy "các cụ" đã chuẩn bị sẵn sàng cả lực lượng nhảy dù, để khi cần...). Lữ trưởng là ba anh Nghiêm Sĩ Chúng, bố dượng của LS Nguyễn Văn Ngọc k4-k5.
Nối máy với Đỗ Tấn Mỹ thì biết, tên chú là Nguyễn Sĩ Điềm. Năm 1967, Lữ dù chuyển sang BTL Đặc công và chú là Tư lệnh đầu tiên. Nay F305 đã giải thể. Đây chính là thông tin để anh em ta có thể lần hồi ra đơn vị này.
Anh Việt có kể chuyện "người âm làm thơ" được nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng "phiên dịch". Cháu Hùng cũng kể, đã nhờ ngoại cảm nhưng chưa có kết quả. Có lẽ vì cô Hằng chưa lại nhà. Anh Việt hứa sẽ giúp. Còn Bùi Chuẩn nhận giấy báo tử từ gia đình và hứa cùng anh Quang Bắc k5 sưu tra bên Cục Chính sách và BTL Đặc công.
Kể lại chuyện Tuyến hy sinh, sau 1975 có đồng đội của Tuyến, nhà ở Thái Bình đã về báo tin Tuyến hy sinh cho mẹ. Anh em có mặt nhất trí cử người viết bài, gửi cho đài Phát thanh-Truyền hình cả Nam Định và Thái Bình, may ra tìm được anh bạn này. Từ đó có thể... biết nơi Tuyến hy sinh.
Hôm nay, chúng ta những lính Trỗi lại làm được 1 việc có ý nghĩa. Vậy là mẹ Liên sẽ yên tâm hơn khi ra đi. Sớm mai, 6g, gia đình đưa mẹ về Đông Hưng, Thái Bình.
Mong mẹ yên giấc ngàn thu cùng bố Bùi Thọ Tư!

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Hè 2010 ở Đà Nẵng

K6 & K7 gặp nhau vui Hè 2010 ở Đà nẵng

TIN VÔ CÙNG BUỒN!!!

12g30 trưa nay, Hùng - cháu con bà chị của LS Bùi Thọ Tuyến - gọi điện báo tin: MẸ NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN - MẸ LIỆT SĨ BÙI THỌ TUYẾN K8 - ĐÃ TỪ TRẦN
hồi 4g sáng nay, thứ sáu 9/7/2010, thọ 89 tuổi.
Lễ tang bắt đầu từ 9g sáng mai, 10/7/2010, tại số nhà 15, ngõ 132, phố Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội (nhà riêng em Cầm).
Lễ truy điệu: 6g sáng chủ nhật, 11/7/2010. An táng tại quê: Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình.
Anh em k8 liên lạc với Bùi Thắng. Mời các bạn có điều kiện đến viếng mẹ.
BLL trường kính báo!
(Liên lạc với cháu Hùng - 0902198880).
----------------
Khóa 8 với tôi có nhiều quan hệ thân thiết. Việc lần hồi cố tìm xem Bùi Thọ Tuyến hy sinh ở đâu, tôi và các bạn đã cùng làm. Mong rằng trước khi mẹ đi thì Tuyến về.
Đã hỏi BTL Đặc công thì lứa lãnh đạo trẻ không biết; hỏi BCHQS tỉnh Thái Bình cũng không có kết quả; hỏi Sở LĐTBXH Đồng Nai, Đắc Lắc thì được báo "không có LS tên Tuyến nằm ở bất cứ NTLS nào của tỉnh". Vậy chả lẽ là bất lực?
Khi cháu Hùng báo cho tôi, rồi tôi báo cho Bùi Thắng, báo cho Chí Dũng mà không thể kìm được xúc động. Như mẹ chính chúng ta vừa mất. Tôi có cảm giác như chính mình đã không làm trọn được 1 việc với mẹ. Buồn quá! Cháu Hùng cũng cho biết, gia đình đã nhờ 1 vài nhà ngoại cảm mà chưa ra.
Ngày mai, anh em ta cùng nhau đến viếng mẹ, mong mẹ tha lỗi cho chúng con. Việc còn dở dang, chúng con hứa cố gắng làm tiếp.
Xin kính viếng hương hồn mẹ Liên, bố Tư và em Bùi Thọ Tuyến!

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

Tin vui với gia đình Lý Tấn Huệ

Chiều nay, Bộ Công thương đã thông báo: Chủ tịch nước đã kí quyết định số 865, ngày 18/6/2010, truy tặng lão đồng chí Lý Ban Huân chương Hồ Chí Minh.
Xin chúc mừng Lý Tấn Huệ và đại gia đình!

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Thư giãn một chút ­

Nếu click vào đường link dưới đây :
http://www.collegehumor.com/video:1938062



Bạn sẽ thấy cuộc so tài của hai chú mèo . Và tôi nghĩ rằng võ thuật không phải chỉ có con người nghĩ ra . Đó là bản năng chiến đấu để sinh tồn của mỗi loài .
Trong trang Web này http://www.collegehumor.com  có rất nhiều đoạn phim hay .

Quà cho các bạn yêu nhạc

Đây là liên kết của đoạn video http://www.collegehumor.com/video:1938141

Mô tả một bé gái Bắc Triều Tiên biểu diễn một bản nhạc vui bằng guitar . Cô bé chỉ nhỉnh hơn cây đàn chút xíu nhưng đã làm chủ cây đàn với tài nghệ đáng kinh ngạc . Xin mời các bạn thưởng thức .

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2010

Sơn Tây 6.2010

(Nhiều vui - dù ảnh không đăng lời ?)

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Khóa 7 xem bạn này là ai nhé!


Hình này chụp bên Quế Lâm. Bên một con hồ nằm ngay trung tâm thành phố, không nhớ tên gì? Các cột lan can đều có một con sư tử hay kì lân bằng đá nhưng đã bị hồng vệ binh phá hết. Cái nhà bát giác giữa hồ cũng bị đốt. Hình không rõ lắm,mọi người "xem hình đoán chữ"tạm vậy.

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Gặp may

Hôm nay có việc phải rời khỏi Hà nội từ sáng sớm. Chiều về thấy "quản giáo" hồ hởi khoe: "Đã mua được hồ sơ xin vào lớp mẫu giáo của trường mầm non phường cho 'thằng bê ảnh' của ông rồi đó ". Đọc tin này mới biết bà ấy gặp "phước" lớn vì không phải thức đêm xếp hàng chờ đợi....Còn được học hay không? hồi sau mới biết.

Vẫn chưa hết “cuộc chiến” chen chỗ học cho con

Quy hoạch HN tại SG

Tự nhiên thấy triển lãm Quy hoạch Hà Nội ở dinh Thống Nhất cho những người nhớ HN xem. Thế là vào xem. Quy hoạch thì đã có nhà nước lo, mà từ giờ tới mấy chục năm nữa đã chắc gì lại không có Quy hoạch mới? Xem những cái mình muốn xem.
H1. Đường ngầm Trần Hưng Đạo khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy không biết có phải cuối đường THĐ. Hèn nào hôm rồi thấy Thái bò đi với đoàn sở GTVT HN vô xem dìm đoạn cuối hầm ngầm Thủ Thiêm. Chắc Thái bò lại "trúng" rồi!





H2. Cầu Trung Hà. Trung Hà thuộc Hà Nội? Như vậy là trường Trỗi đã từng đóng tại HN.







H3. Chụp tại "biên giới" Hà lội, năm 2007. Cột cây số 0 đã có đây rồi, việc gì phải làm cái nữa nhỉ?





H4. 1 công dân đang chuẩn bị góp ý cho HN tương lai?