P2. Bản Piano Concerto No.25 và GeiBelhiebe Polka – Op.60.
“Tiến quân ca” có đoạn “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt nam ta vững bền!” làm ta liên tưởng tới “Mạc xây e”. Đạo nhạc chăng?
Cần nhắc lại là hồi đó các cụ nhà mình chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp (80 năm chứ ít ỏi gì);
Đồng thời, việc sử dụng văn hóa, ngôn ngữ của nhau e cũng rất bình thường, ví dụ xã hội ta đã Việt hóa nhiều từ ngữ Pháp, chẳng hạn như sơ mi, xăng đan, xe buýt ; hay trong thời đại “thế giới phẳng”, các từ như com-pu-tơ, ti-vi, giá síp đã được xài như những từ ngữ tiếng Việt chính cống.
Ngoài ra, Quốc ca (trừ những Quốc ca theo đơn đặt hàng) phải ra đời trong hoàn cảnh cách mạng sục sôi, phải được toàn dân đón nhận như một lời hiệu triệu vùng lên chống quân xâm lược. Nó là sự bùng nổ. Có vậy mới hay, chứ viết theo đơn đặt hàng thì chỉ xài đỡ thôi. Nhìn lại, những nước có cuộc cách mạng điển hình thường có Quốc ca hay, đứng đầu thế giới là “ngũ hổ” (xếp theo thứ tự thời gian): Pháp, Hoa kỳ, Liên xô (nay Nga vẫn xài), Việt nam, Trung quốc.
Hồi xưa, vào năm 1981 thì phải, có lần Quốc hội ta (thời cụ Năm Thận) tính đổi Quốc ca cho nó Việt hơn, hay hơn, nhưng sau khi duyệt (rất nhiều bài, bài nào cũng rất khí thế) thì các cụ chép miệng mà rằng: Chả đứa mô so được với “Tiến quân ca” cả. Thôi, dẹp (dẹp cuộc thi tuyển).
Kể cũng lạ, cả thế giới không chê trách gì “Tiến quân ca”, chỉ có dân “ta” mới “bới”.
Dân am hiểu âm nhạc nói, La Marseillaise phảng phất âm hưởng của bản “Piano Concerto No.25” của Mozart (ra đời trước La Marsaillaise chừng 5 năm).
Johann Strauss con(*) từng công diễn “La Marseillaise” và đã bị chính quyền Vienna bắt giữ vì hành vi này. Sau này, để đáp trả, ông đã soạn bản “GeiBelhiebe Polka – Op.60” chứa nhiều yếu tố của La Marseillaise (chẳng thấy ai nói ông ấy đạo nhạc của anh binh nhì Lisle).
Lời 1 và 4 của La Marseillaise (có 7 lời) (dịch ý):
Lời 1.
Hãy tiến lên! Hỡi những người con của Tổ quốc,
ngày vinh quang đã đến rồi!
Lũ tham tàn đang giương lên lá cờ vấy máu chống lại chúng ta.
Bạn có nghe chăng,
những tên lính khát máu đang gào thét trên cánh đồng,
chúng đang tiến vào nước ta hòng cắt cổ vợ con chúng ta.
Hãy cầm vũ khí, hỡi các công dân!
Hãy lập nên những đội quân.
Tiến lên! Tiến lên!
Hãy để dòng máu nhơ bẩn (của chúng) tưới đẫm luống cày.
Lời 4.
Hãy run lên! Những tên bạo chúa và những tên phản bội – kẻ chịu sự sỉ nhục từ mọi phía.
Hãy run lên! Những âm mưu (của các ngươi) giết cha mẹ (của chúng ta) sẽ phải nhận lấy giá phải trả.
Tất cả đều trở thành chiến sỹ chống các ngươi.
Nếu những anh hùng của chúng ta ngã xuống, nước Pháp sẽ sinh ra những người con mới,
Và họ tiếp tục chiến đấu chống lại các ngươi.
Hãy cầm vũ khí, hỡi các công dân!
Hãy lập nên những đội quân.
Tiến lên! Tiến lên!
Hãy để dòng máu nhơ bẩn (của chúng) tưới đẫm luống cày.
(*)
Hồi xưa, có thời kỳ Johann Strauss con (Áo) đứng về phe cách mạng khi Vienna bị cuốn theo cuộc Cách mạng Tư sản 24/2/1848, thể hiện qua những tác phẩm: Điệu valse “Freiheitslieder (Bài ca tự do) – Op.52” và “Burschenlieder – Op.55”, hay “Hành khúc Cách mạng – Op.54” và “Studenten Marsch (Hành khúc sinh viên) – Op.56”.
(Hết)