Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

Ngày 30/4 và hoa anh túc

Nhân đọc một loại bài viết cảm động về việc đi tìm mộ liệt sĩ trên blog Bạn Trỗi và cũng nhân dịp 30/4 sắp đến xin góp vào chủ đề này một bài thơ và một bài hát nổi tiếng viết về chiến tranh và những người lính. (Một bạn gái khóa 9)

1. Bài thơ: Trên những cánh đồng xứ Flander - In Flanders Fields
của John McCrae, May 1915

Những ai đã từng sống ở nước Anh hoặc hay xem truyền hình BBC đều có thể nhận ra rằng vào một số ngày lễ, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm kết thúc hai cuộc đại chiến thế giới (ngày 11/11 đối với Chiến tranh thế giới thứ nhất và 9/5 đối với CTTG 2), rất nhiều người ở Anh đeo trên ve áo một bông hoa anh túc đỏ thắm. Và nếu bạn theo dõi chương trình truyền hình Remembrance Day 11/11 bạn sẽ thấy cả nhà hát lớn nơi diễn ra lễ kỷ niệm tràn ngập một màu đỏ của bông hoa anh túc ấy. Cả nữ hoàng lẫn thủ tướng Anh cũng mang một bông anh túc đỏ trên bộ lễ phục sang trọng của họ. Vậy truyền thống này bắt nguồn từ đâu và tại sao lại là hoa anh túc đỏ.

Hoa anh túc đỏ màu máu ấy là một loài hoa dại thường nở vào mùa hè trên những cánh đồng ở châu Âu. Điểm đạc biệt của hạt anh túc là chúng có vỏ khá cứng nên khó nảy mầm trong điều kiện bình thường. Thường để giúp cho hạt nảy mầm nhanh, người ta phải chà xát hạt rất mạnh. Cây anh túc dại này thường phát triển mạnh ở những vùng đất có độ dinh dưỡng cao. Mùa hè năm 1915, khi chiến trận nổ ra ác liệt ở khu vực chiến trường phía tây Vương quốc Bỉ, nơi thường được gọi trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất là Những cánh đồng xứ Flander (The Flanders Fields), một mùa hoa anh túc nở rộ chưa từng thấy. Lý do mà người ta thường dùng để lý giải cho hiện tượng này là vì những gót giày của lính đã chà đi xát lại trên những cánh đồng này làm cho không một loài cây nào có thể mọc được trừ anh túc. Và vì máu của chiến binh đã đổ thành sông ở đây nên hoa anh túc mới nở bùng lên như thế và đỏ rưc lên như thế. John McCrae là bác sĩ quân y người Canada đã tham chiến trên những cánh đồng xứ Flander vào năm 1915 và ông đã viết bài thơ nổi tiếng (được coi là nổi tiếng nhất viết về CTTG 1) Trên những cánh đồng xứ Flander (In Flanders Fields) vào tháng 5/1915 sau khi chôn cất những người đồng đội của ông. Lúc đó sơn ca bay rợp bầu trời chiến địa và anh túc nở rộ chưa từng thấy khắp mặt đất. Biểu tượng của bài thơ, những bông anh túc đỏ màu máu của những chiến binh đã ngã xuống ở chiến trường sau này đã được dùng để đặt tên cho quỹ hỗ trợ các cựu chiến binh và gia đình họ ở nhiều nước: Quỹ hoa Anh túc (The Poppy Fund). Quỹ này được hình thành do việc bán những bông hoa anh tuc làm bằng vải cho mọi người đeo trong lễ Tưởng niệm chiến tranh nhờ sáng kiến của bà Bà Moina Michael một người phụ nữ Mỹ và ngày Tưởng niệm chiến tranh (Armistist Day :11/11) còn được gọi là ngày Hoa anh túc (Poppy Day). Ở Anh việc sản xuất những bông Anh túc bằng vải để tạo quỹ Hoa anh túc được thực hiện bởi những người tàn tật, những nạn nhân chiến tranh và nhà máy Hoa Anh túc đã được thành lập vào năm 1922.

Bác sĩ John McCrae không bao giờ ngờ rằng bài thơ của ông đã có một đóng góp lớn lao như vậy cho nhân loại. Ông cũng đã ngã xuống ở chiến trường vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Và như bài hát Trận cuối cùng đã viết: Trân cuối cùng trận khó khăn nhất. Ông đã không được trở về quê hương mà nằm lại vĩnh viễn ở một nghĩa trang nhìn thẳng ra những cánh đồng xứ Flander ngập tràn hoa Anh túc. Trên mộ ông Hoa Anh túc vẫn đỏ cho đến tận ngày nay.

In Flanders Fields
by John McCrae, May 1915

In Flanders Fields the poppies blow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below

“We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved, and were loved, and now we lie
In Flanders fields.”

“Take up our quarrel with the foe:
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.”

Và bản tạm dịch tiếng Việt của tôi:

Trên những cánh đồng xứ Flander

John McCrae, 5/1915

Trên những cánh đồng xứ Flander nở bùng hoa anh túc
Giữa hàng hàng những cây thập ác
Đánh dấu nấm mồ của chúng tôi;

và trên bầu trời
Những con sơn ca cố tránh xa làn đạn

Kiêu hãnh hót vang và lượn giữa đất trời

Chúng tôi chết. Dù trước đó vài ngày
Vẫn còn sống, nằm ngắm hoàng hôn xuống
Chúng tôi đã yêu, và được yêu say đắm

Để rồi bây giờ nằm lại nơi đây
Trên những cánh đồng xứ Flander này

Hãy chiến đấu, hãy nâng cao ngọn đuốc

Chúng tôi trao khi ngã xuống nơi đây

Trên những cánh đồng xứ Flander hoa anh túc nở đầy

Đáy chính là vì chúng tôi không yên ngủ.

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2008

THÔNG BÁO TIN BUỒN

Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:
Cụ bà NGUYỄN THỊ KIM QUÁN
Đã từ trần, hưởng dương 87 năm.
Cụ là mẹ đẻ anh THUẬN K3 và LƯU K5

Chương trình tang lễ:
0h 30/4 phục tang - bắt đầu viếng
13h30 30/4 tập thể BT miền Trung tới viếng
13h 1/5 Lễ truy điệu
14h di quan đến Nghĩa trang Phan tộc Hòa Khánh Đà nẵng

NHỚ MÃI NGÀY NÀY - 30/4/1975

Nhớ trước ngày 30/4/1975 khoảng 2 tháng , tiểu đoàn tàu chiến đấu 136 chúng tôi lúc đó từ ngoài núi U bò, Thuỷ nguyên (Hải phòng) được điều động vào cảng sông Gianh(Quảng bình) nhận nhiệm vụ sãn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ này chúng tôi đã quá quen, vì lúc nào tiểu đoàn tôi cũng có 2 tàu trực chiến trong cảng Gianh. Nhưng lần này thì cả tiểu đoàn gồm 5 tàu đều vào.

Ngày 26/3 ta giải phóng Huế, 2 tàu của tiểu đoàn tôi nhận lệnh vào cửa biển Thuận an nhằm chặn đường rút chạy của địch bằng đường biển. Vào đến cửa Thuận an thấy quân đội SG và dân di tản tập trung đen kịt cả bãi biển, ngoài biển thì các loại tàu đón dân di tản. Bị pháo địch bắn xối xả. Trong thì pháo của xe tăng, ngoài thì pháo từ tàu chiến, 2 tàu phải rút chạy. May là ngoài tầm đạn, chỉ dính vài viên chắc từ súng cá nhân? Xin nói thêm, tàu của chúng tôi là loại tàu dùng để đánh tàu biệt kích nên tốc độ tàu chỉ thua tàu phóng lôi nhôm. Do chạy với tốc độ nhanh nên lính hải quân gọi đùa tiểu đoàn tàu chúng tôi là tiểu đoàn "trâu điên". Do chạy nhanh nên thoát .
Ngày 29/3 giải phóng Đà nẵng, thì hôm sau tiểu đoàn chúng tôi treo cờ giải phóng tiến vào tiếp quản cảng Tiên sa, nằm trên bán đảo Sơn trà. Sở dĩ phải treo cờ giải phóng là sợ pháo binh ta từ đèo Hải vân bắn lộn, trước đó có một tàu dân bị bắn chìm, xác còn nằm cách cảng Tiên sa có mấy trăm mét. Trong, ngoài cảng lúc đó thật lộn xộn, quần áo,súng đạn, các loại phương tiện chiến tranh vứt đầy đường vào cảng. Quần áo ngập đầu gối. Còn mấy cái xác chết đã thối còn nằm trên cảng. Ngoài vịnh Đà nẵng tàu bè, xe tăng, xe lội nước mắc cạn trông như bầy trâu lội nước nằm lềnh khênh, có cả máy bay trực thăng chắc bay không kịp nằm trên mấy bãi cạn. Trong cảng có 3 chiếc trực thăng còn tốt nhưng bị lính bộ binh bắn hư với lí do rất lính, sợ bọn tàn binh nó núp đâu đó cuớp máy bay chạy. Mà lúc đó tàn binh địch trên bán đảo còn rất nhiều. Sau có đơn vị huấn luyện nằm sát chân núi bị bọn tàn binh lợi dụng ban đêm xuống lấy súng, nhưng bị phát hiện nên đã xảy ra một màn đấu súng, ta bị thương 1 người. Đơn vị tôi lúc đó lại nhận được lệnh chuẩn bị kết hợp với đặc công nước đi giải phóng Trường sa. Lại chuẩn bị súng đạn, lương khô. Nhưng trên tính toán lại với tốc độ nhanh,tiêu thụ nhiều dầu, lượng nước ngọt mang theo không nhiều, tàu chúng tôi chỉ chạy ra đến đảo thì hết dầu, nên nhiệm vụ được giao cho đoàn 125, tàu vận tải. Với ưu điểm là tàu vận tải, chở nhiều lính, sức chứa lớn,đi dài ngày. Thế là đám "cá lóc", "Nhật lệ" (gọi để phân biệt các loại tàu vận tải ) lại cướp cơ hội của chúng tôi.
Ở lại chúng tôi làm công việc dọn dẹp cảng, bốc vác hàng hoá phục vụ chiến dịch. Ngày 30/4 tôi đang bốc vác hàng hoá lên xe, lúc này gần trưa, trời đang nắng. Bỗng nhiên không gian như im hẳn khác thường, ai đó bật đài SG? Tin SG đã được giải phóng làm chúng tôi không tin vào tai mình. Mới cách đây mấy hôm còn giằng co nhau ở Xuân lộc mà? Rõ ràng tiếng phát thanh viên đang giới thiệu Dương văn Minh tổng thống VNCH đọc tuyên bố đầu hàng. Tôi thở đánh phào 1 cái như anh nông dân cày xong thửa ruộng. Nằm dài ra bãi cỏ, nhìn bầu trời thấy như xanh,trong hơn. Tiếng chim rừng như hót vang hơn. Thế là xong! đoạn đường ta đi tưởng không bao giờ tới ? Thế mà hoàn thành nhanh hơn ta tưởng? Về quê, chẳng còn gì ngăn cản tôi được nữa, lúc đó ý nghĩ của tôi chỉ có vậy. Đi bộ đội mục đích giải phóng quê hương, nay quê hương đã được giải phóng, nhiệm vụ mình đã hoàn thành rồi. Tôi muốn vứt hết để trở về, nếu không có kỷ luật quân đội nứu kéo tôi trở về với thực tế.Cám ơn ngày 30/4.

Hồ Bá Đạt

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

Kỷ niệm 10 năm ngày mất bác Nguyễn Văn Linh

Mời bạn cùng đọc!

Cũng là để đỡ buồn...

Tớ biết cũng có nhiều bạn đang buồn như tớ vì nếu không buồn thì vào blog uttroi này làm gì (?)...
Mà viết một bài dài cho đỡ buồn thì cũng khó thật! Bạn nào mà chả bận rộn lo làm lo ăn...
Hay là thử còm-men ảnh xem sao? Dù sao thì cũng không mất nhiều thời gian lắm.
Tớ xin bắt đầu trước với lời "nhử":
Buồn thì "Về (làm) vườn" có khi lại đỡ buồn chăng?..
Nguồn ảnh: X-cà...

TIN BUỒN

Nhận được tin của Trần Đình Quyết báo bố vợ của Quyết mới mất lúc 10h00 sáng nay 28/4/2008, thọ 76 tuổi. Tang lễ tổ chức tại nhà, số 273/15 Phan Văn Khoẻ, phường 5, quận 6, TP HCM. Xin chia buồn cùng bạn Quyết và gia đình.

Các bạn bố trí thời gian đến chia buồn cùng Quyết, chiều nay liệm lúc 15h00, thời gian chôn sẽ thông báo sau.

HBĐ

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Lại nói về cái sự buồn cho các bạn đỡ… buồn!

Buồn quá! Hôm trước đã buồn rồi. Đến hôm nay còn buồn hơn nữa! Mỗi ngày một buồn thêm. Nỗi buồn hôm nay có vẻ nhiều và “sâu lắng” hơn hôm trước nữa. Lúc nào cũng buồn, cái sự buồn nó có vẻ “thường trực” hơn chứ không như mấy hôm trước – chỉ thỉnh thoảng mới buồn…

Có thằng bạn cùng học hồi trường Trỗi. Mình vẫn nhớ ngày xưa nó học rất giỏi, nhất là các môn xã hội. Học môn nào cũng vậy, ở trong lớp, cô chưa hỏi thì nó đã giơ tay rồi, ngồi vào lớp là nó cứ giơ tay sẵn vì đằng nào thì nó cũng trả lời được. Những bài tập gì mình “bí” cả ngày thì nó cũng đều giải cái vèo chẳng cần nghĩ! Thằng này chả thấy khi nào nó buồn.

Đúng rồi, phải mời nó ra quán thịt chó nào ngon ngon mà “tư vấn” thôi!

Bây giờ thì tính nết nó có vẻ khác nhiều. Lúc nào nó cũng trầm ngâm suy nghĩ, như thể nó cũng đang có sự gì buồn thì phải.

Ngồi lai rai một lúc, (đợi nó uống hết tới 2 ly bia lận!), xem chừng thằng bạn có vẻ cũng đã đỡ buồn.

Tao độ này cứ hay buồn mà…

Chẳng để cho mình kịp giãi bày, với vẻ mặt buồn buồn, nó triết lý:

Buồn bây giờ là bệnh xã hội! Thời buổi này ai không buồn mới là lạ! Là mày lo nghĩ nhiều quá đấy thôi. Lo nghĩ nhiều rồi thì cả nghĩ, cả nghĩ rồi thì sinh buồn là phải rồi! Lo với buồn thì cũng thế...

Rồi nó khuyên:

Mày nên tìm đọc cuốn “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Mà phải đọc cuốn của tác giả người Mỹ cơ, chứ đừng đọc cũng cuốn như thế của tác giả người Việt! Mà cũng đừng nên đọc bản dịch, thằng cha nào dịch dở lắm, không thoát nghĩa! Thế mày đã đọc cuốn đó chưa?

Thú thật với mày, độ này lúc nào cũng buồn, tao chẳng còn thiết gì đến đọc sách nữa…

Thế thì mày phải tìm đọc khẩn trương! Tao thấy mày cứ suốt ngày chúi đầu vào ba cái bờ lốc bờ liếc tào lao chẳng được cái tích sự gì!

Rồi nó hạ giọng vẻ quan trọng:

Nói thật với mày, tao cũng suốt ngày “lang thang” trên mạng. Nhưng mà tao chỉ đọc tài liệu tiếng Ing – lít thôi. Phải nói mấy thằng Tây nó viết chí lý lắm. Cái gì chúng nó cũng biết, cái gì chúng nó cũng nghiên cứu đến nơi đến chốn. Bọn Tây giỏi thật! “Cha tiên nhân thằng Tây”!

Nhưng mà vốn tiếng Anh của tao cũng phọt phẹt lắm. Mày không nhớ ngày xưa chúng mình học tiếng Nga à? Còn tiếng Anh thì sau này tao đi học thêm buổi tối mấy năm trời cũng chỉ quen được có mấy cô bạn…

Thế thì mày đành phải đọc bản dịch vậy! Dù sao cũng còn hơn cuốn của tác giả người Việt!

“Quẳng” gánh lo đi? Quẳng dễ thế ư? Mà có phải ít đâu, những cả “gánh” mà cũng quẳng ngay được ư? Tài thật! Tay nào viết cuốn này chắc phải là bậc thánh nhân, không phải người thường!

Mà sao lại không quẳng được nhỉ? Thiên hạ người ta muốn là có thể “quẳng” ngay được cả gánh. Mà nỗi buồn của mình thì đâu đến cả gánh! Nỗi buồn của mình so với thiên hạ thì ăn thua gì! Hôm nào rỗi nhất định phải tìm cho ra cuốn đó mà đọc thôi!

Dù sao thì mình cũng không tin lắm: làm gì có chuyện đọc sách mà giải quyết được nỗi buồn!

Từ sau cái buổi nhậu hôm ấy về lại có vẻ buồn hơn nữa! Chẳng hiểu vì sao…

Hay là mình có bệnh? Nhiều khả năng lắm. Thì cũng 53 rồi còn gì! Đúng rồi, các cụ bảo: “Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới” mà. Nhất định là mình phải có bệnh gì rồi! Thiếu gì người mới có ba bốn chục tuổi mà còn phát hiện ra cả tỉ bệnh, thậm chí còn giở giở hâm hâm đấy thôi.

Nhưng vừa mới đi kiểm tra sức khỏe hôm nọ, cả một ngày, làm bao nhiêu là xét nghiệm, bệnh viện người ta kết luận là không làm sao cả cơ mà!

Hay là bệnh viện không tìm ra cái bệnh buồn của mình? Hay là người ta “nhầm” kết quả xét nghiệm của mình với một thằng cha nào đó đang không buồn, hoặc vừa mới nhậu thịt chó tưng bừng xong?...

Đúng rồi, có phải trường hợp nào cũng phát hiện được bệnh đâu. Thì thực tế rành rành ra đấy thôi. Báo chí chả viết về bao nhiêu trường hợp là gì: có người bị đau tai phải thì bệnh viện mổ tai trái, đau ruột thừa thì bệnh viện cắt mất quả thận… Toàn là “nhầm” cả đấy thôi!

Mà đấy là những bệnh còn nhìn thấy được, chứ còn cái bệnh buồn của mình thì có nhìn thấy đâu, “nó” có hình thù gì rõ rệt đâu, “nó” có hay “nằm” cố định ở chỗ nào đâu…

Hay là hôm nào đi khám lại? Nhờ bạn bè giới thiệu cho một tay bác sĩ giỏi? Không hiểu trong đám bạn Trỗi ngày xưa có thằng nào học ngành y không nhỉ? Có thằng nào làm nghề bốc thuốc “da chuyền” không nhỉ? Mình cứ lười đi tụ tập với bạn bè tai hại thật! Đến lúc gặp khó khăn chẳng biết nhờ ai... (Hay là tại trông mình lúc nào cũng buồn buồn nên các bạn không muốn mời chăng?)

Nhưng mà vào bệnh viện bây giờ cũng rách việc lắm: thế nào chả phải chụp xi-ti, rồi lại “cắt lớp”! Như thằng bạn Trỗi mình đấy thôi, hôm nọ chỉ có sổ mũi hắt hơi mà vào bệnh viện họ còn bắt phải chụp xi-ti rồi “cắt lớp” là gì, chưa kể lại còn tốn thêm tiền triệu…

Ngộ nhỡ lại tìm thấy vài ba bệnh nan y nữa thì có mà chết thêm à? Ngộ nhỡ lại lây thêm bệnh mới ở bệnh viện? Nghe nói các bệnh viện bây giờ đầy ắp người “tiêu chảy cấp”, chỉ cần hít phải cái con gì phẩy phẩy ấy là…

Thì hôm nọ vào khám, cái cô y tá xinh xinh đo huyết áp chỉ có bóp bóp … tay mình, mà mình chả lên cơn huyết áp là gì…

Thế chả lẽ ngành y bây giờ lại chịu bó tay với cái bệnh buồn hay sao?

May quá, gặp thằng bạn Trỗi ngày xưa, nó lại có con em họ (rất xinh) làm trong ngành y. Mình kéo ngay nó vào quán thịt chó. Có em họ làm trong ngành y thì thế nào chả biết ít nhiều về bệnh tật của xã hội bây giờ!

Sợ ngồi lâu, ông bạn uống nhiều mất tỉnh táo, mình phải giãi bày ngay:

Không hiểu sao mấy hôm nay tao cứ thấy buồn. Buồn dai dẳng, buồn anh ách, lúc đầu thì chỉ một chỗ, sau rồi thì nó “lan tỏa” ra, chỗ nào cũng buồn, bây giờ thì buồn đến cả các ngón chân ngón tay…

Chẳng cần nghe mình trình bày hết, nó phán chắc như đinh đóng cột:

Mày bị phong! Bệnh phong rồi!

Thôi chết tôi rồi! Bệnh phong ư? Là bệnh hủi! Cái bệnh mà cả xã hội đều xa lánh! Cái bệnh mà không ai muốn dây vào…

Thế thì khổ tao rồi! Đã buồn rồi bây giờ lại còn khổ nữa… Sao cái số tao nó hẩm hiu thế?

Chừng như thấy mình có vẻ “tuyệt vọng”, thằng bạn tung ra cái phao:

Nhưng mà không sao, đừng lo! Như mày nói thì bệnh của mày mới xuất hiện vài ba hôm nay thôi chứ gì. Vào viện sớm thì bệnh gì chữa cũng khỏi. Đến ung thư còn chữa được nữa là cái bệnh buồn vớ buồn vẩn của mày! Để rồi tao giới thiệu con em họ tao cho mày. Con em họ tao nó cũng nhiệt tình lắm…

Nghe nó hứa sẽ giới thiệu cho mình con em họ nhiệt tình, thấy… hồi hộp và cũng đỡ lo, đỡ buồn đi thật!

Nhưng mà chia tay nó, vẫn cứ có cảm giác… buồn. Thậm chí là buồn hơn, buồn không làm sao dứt ra được.

Tối về, tâm sự với bà xã:

Mấy hôm nay bố cứ thấy buồn mà…

Bà xã “đốp” luôn:

Đáng đời! Bố cứ không chịu ăn rau! Ở tuổi này là phải ăn nhiều rau vào. Cứ bia bọt với thịt chó rồi thế nào cũng lại “gút” nữa cho mà xem! Buồn mà không “dứt” ra được là phải rồi! Bố phải ăn nhiều rau vào cho nó có chất xơ…

Bà xã mình thì không phải dân ngành y, chỉ làm ở Bộ y tế thôi. Hàng ngày đi làm, tiếp xúc nhiều với các bác sĩ, chắc hắn cũng “nghe hơi nồi chõ” được nhiều. Mấy bố con mình có nhức đầu sổ mũi gì cũng một tay bà ấy “điều trị” tuốt, cũng hiệu quả, chưa thấy có trường hợp nào “tai biến” cả!

Nhưng riêng trường hợp buồn này của mình thì mình vẫn hơi nghi nghi: Đơn giản thế thôi sao? Buồn nhiều mà không… thì ăn rau vào là giải quyết được hết buồn ư?

Mới có 3 “chiên da” mà đã 3 ý kiến khác nhau! Thật chẳng biết đâu mà lần nữa…

Thế nó là cái bệnh gì thế nhỉ?

Thôi, dù sao thì từ mai cũng thử ăn nhiều rau vào xem sao rồi từ từ tính tiếp. Ăn nhiều rau thì cũng chẳng tốn kém gì.

Mà bà xã mình đã nói thì cấm có sai bao giờ!

Gặp nhau tại nhà Thái











Một số hình ảnh buổi gặp mặt

Posted by Picasa

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008

Thành viên mới

Tôi là Nguyễn Việt Liên B6,K8 - C11. Thành viên mới của ÚT TRỖI
Gửi lời chào đến tất cả các bạn trường Trỗi.

Giao lưu: B6,K8 họp mặt tại nhà bạn Thái C11










Chiều nay, các bạn B6, k8 hop mặt tại nhà Nguyễn Thị Thái tại khu đô thị mới Yên Hoà, Yên Trung. Thái mới chuyển về đây trước Tết. Âu cũng là tân gia!
Thầy Phạm Lực có mặt cùng các bạn Bùi Thắng K8... Tôi cũng được mời.
Anh em k8 ở khắp mọi miền vào blog nhé!

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2008

Luyên thuyên về cái sự buồn cho đỡ… buồn...

Mấy hôm nay cứ thấy buồn buồn vì … không hiểu vì sao lại buồn! Chợt nghĩ: hay là ngồi viết ba lăng nhăng về cái sự buồn cho … đỡ buồn?

Chưa viết được gì thì đã thấy buồn vì chẳng biết viết gì!

Mà kể cũng lạ thật, chỉ mỗi cái sự buồn thôi đã có đến ti tỉ cái buồn, ti tỉ kiểu buồn. Này nhé: ăn nhiều quá (hay ít quá) cũng buồn vì hôm trước có ăn được nhiều (hay ít) thế đâu mà sao hôm nay lại ăn thế? Hay là có bệnh gì? ; Đói bụng mở tủ lạnh ra chẳng thấy có gì cũng buồn; Bằng giờ này hôm qua thì bà xã đã về rồi mà hôm nay thì chưa? lạ thật? - cũng buồn,

Mà… ngộ nhỡ mình viết cái sự buồn của mình ra đây rồi thì các bạn lại bảo mình lẩm cẩm, tưng tửng…này nọ thì sao? Chả lẽ mới ngần này tuổi mà mình đã lẩm cẩm thật rồi sao? Biết đâu đấy! Có mấy người lẩm cẩm mà biết (hay là công nhận) là mình lẩm cẩm đâu. Ai cũng cứ nghĩ là mình thông thái lắm! Khối người còn trẻ bằng mấy mà còn lẩm cẩm nữa là. Thế giới khối người hôm trước còn (tự dưng) thông thái, chả cần học hành gì mà cũng có thể hình dung ra thế giới cả trăm năm sau, mỗi lần nói thì ti tỉ người nghe (hay người ta làm ra vẻ nghe?), vậy mà hôm sau, đùng một cái (chẳng hiểu vì sao) đã ra tửng tửng rồi, nói ra cái gì là người ta cười vào mũi cái đó. Sách y khoa viết đầy ra đấy thôi… Buồn cho cái sự “thông thái” ấy!

Mà nếu mình lẩm cẩm thật thì buồn quá nhỉ! Mới nghĩ thôi đã thấy buồn rồi, buồn quá!

Vẫn biết cái sự buồn thì nó đến bất kể lúc nào, chẳng biết đâu mà chừng: nhiều khi mới sáng ra đã buồn, đang ngồi trên cơ quan trang nghiêm, chuẩn bị bắt tay vào việc, chuẩn bị nghĩ về những điều to tát, những nhiệm vụ mà “nhân dân” giao phó hoặc chuẩn bị làm việc với sếp thì… chợt buồn!

Vậy mà nhiều khi cái buồn nó đến mình vẫn bị bất ngờ! Kể cả khi ngồi đợi nó!

Vào cơ quan thấy nhiều người mặt lúc nào cũng tươi hơn hớn nhưng hai cái đầu gối quần không hiểu sao lại sờn đến thế kia tự dưng lại buồn. Tìm được người có thể chia sẻ nỗi buồn này sao khó thế! Mà không tìm được ai để chia sẻ thì lại càng buồn hơn…

Ở đây tớ muốn nói về nỗi buồn chung chung thôi, mà cũng không biết tả thế nào nữa!.

Đấy, nhiều khi mình định nói thế này mà cứ chắc là sẽ có người nghĩ khác đi, không đúng ý mình là lại thấy buồn buồn rồi.

Những sự buồn trên liệu có phải là buồn … vu vơ không nhỉ? Hay là buồn nẫu ruột?

Buổi chiều đưa con gái đi học thêm môn văn (của cô chủ nhiệm). Cuối giờ đón nó, mình hỏi:

- Chiều nay văn cô cho học thêm bài gì đấy?

- Ôi “chời”! Cô cho chép bài văn mẫu mỏi cả tay!

Sao lại cứ phải chép bài văn “mẫu” nhỉ? Sực nhớ đến ngày xưa hình như mình cũng đã không ít lần phải chép bài văn “mẫu”, chẳng hiểu sao lại thấy buồn buồn. Mà quên không xem kỹ bài văn “mẫu” của nó bây giờ. Không biết “mẫu” bây giờ có giống “mẫu” thời mình không nhỉ? Giống thì cũng buồn mà không giống thì chắc cũng lại buồn thôi… Thì ra con người ta cũng chỉ như cái ấm cái chén thôi, chỉ cần áp dụng ISO 9999 (bốn con chín) là có thể có cả trăm ngàn người giống nhau như đúc! Thế thì bảo sao mà không buồn được!...

Lẽ nào vì những cái “mẫu” kiểu này mà bây giờ nói gì mình cũng phải lựa sao cho “giống” với mọi người, giống với cái “mẫu” ngày xưa đã chép mỏi tay (mà bây giờ thì quên tiệt rồi)? Mà làm sao biết người ta nghĩ thực trong bụng thế nào mà lựa? Mà đã chắc gì người ta nói ra như là người ta nghĩ? Cuộc sống này sao nhiều cái sự buồn thế?

Thôi, cố gắng chờ đến tối về bật TV lên xem cho đỡ buồn vậy. Mà lắm trò chơi thế nhỉ. Trò nào cũng có thưởng những hàng chục, hàng trăm triệu đồng (kiếm tiền dễ dàng quá). Nghĩ đến bao người cả tháng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn – lại buồn!

Mà không có trò chơi thì tránh sao được phim Hàn quốc. Đôi trai tài gái sắc đang yêu nhau say đắm thì thế nào chả có anh (hay chị) lăn đùng ra bệnh với bao nhiêu là nước mắt. Định xem phim cho đỡ buồn thì đã biết chắc rồi thể nào xem xong cũng buồn thêm. Buồn vì thương cho cô gái xinh đẹp thế mà bị bệnh hiểm nghèo...

Phim TQ thì không có bệnh hiểm nghèo, chỉ có (duy nhất) Hoàng thượng luôn anh minh sáng suốt. Thế mà vẫn cứ có kẻ độc mồm gọi là Cẩu Hoàng thượng. Lại buồn cho cả tới tận Hoàng thượng!

Mấy người bị “tiêu chảy cấp” thì chắc chắn là lúc nào cũng … buồn… rồi! Không buồn thì tại sao TV ngày nào cũng đưa tin mà vẫn không sợ, vẫn cứ lao vào thịt chó để giải buồn? (mà công nhận thịt chó cũng ngon thật!). Mà sao không nói thẳng ra là “thổ tả” cho người ta thêm sợ mà bớt tụ tập?

Cái thời “thổ tả” này sợ thật, buồn thật!

Thế thì còn xem làm gì nữa!

Mà không xem thì đành chịu buồn à? Cứ ngồi thế này mà hết được buồn à?

Thì cứ xem vậy, biết đâu lại hết buồn.

Mà sao độ này bom cứ nổ lung tung khắp nơi thế nhỉ? Chỗ này đánh bom, chỗ kia cũng đánh bom. Sao con người ta cứ phải đánh bom mới chịu được nhỉ? Hay là chỗ đó cũng có nhiều người buồn? Thế thì cũng buồn nhỉ.

Rồi thì bao nhiêu chuyện buồn khác, nhiều khi nghe thì hay mà thực tế lại cứ làm mình buồn buồn…

Vậy thì không xem TV nữa. Xem mà càng buồn thì xem làm gì!

Ngồi ở nhà thì buồn rõ rồi. Có ai thèm “bắt chuyện” với mình đâu mà chẳng buồn!

Nhân đây rẽ ngang một tí. Mình có ông bạn. Ông ấy kể chuyện về đến nhà là ông ấy chui xuống dưới gầm bàn ngồi. Khách đến nhà cứ hỏi ông ấy rằng tại sao lại ngồi dưới gầm bàn? Ông ấy trả lời là nhà tôi, tôi muốn ngồi đâu thì tôi ngồi! Mình để ý thấy ông ấy lúc nào cũng buồn buồn. Chắc ở nhà chẳng có ai hỏi đến nên buồn (?).

Mà xách xe ra đường tìm chỗ nào ngồi cho đỡ buồn thì sợ nhỡ có va chạm gì ngoài đường mà cái tay kia (sai lè lè ra rồi) nhưng nó vẫn cứ thích dùng nắm đấm để phân trần với mình thì mình chắc thua – lại buồn! Rồi trông mấy cái building to đẹp thế kia, bộ mặt thành phố (vài chỗ thôi) khang trang thế kia, vừa mới chưa kịp bớt buồn thì lại nghĩ: hẳn phải có những ông X, bà Y nào đó đã đút túi (kiếm chác) được kha khá qua các công trình ấy thì lại buồn buồn. Nhìn cái cảnh mấy chị buôn thúng bán bưng mà ta vẫn quen gọi là “bán hàng rong” kia chỉ nay mai thôi là hết (được làm) việc, cho bộ mặt thành phố được “đẹp” thêm cũng tự nhiên lại thấy buồn buồn…

Hay là kiếm thằng bạn nào biết san sẻ, chịu đèn, chịu khó lắng nghe mình giãi bày, mời nó ra quán làm mấy vại bia rồi “chia buồn” với nó cho đỡ buồn?

Không được! Thế ngộ nhỡ nó đang không buồn gì cả mà tự dưng lại lây cái buồn của mình vào thì thành ra là mình mang tiếng là làm nó buồn à. Làm bạn buồn thì mình cũng buồn thêm. Đã buồn rồi mà lại buồn thêm thì thành ra là buồn lắm!

Thì biết làm gì bây giờ? Chả lẽ cứ ngồi buồn thế này mà hết được buồn à?

Phải rồi! Vi tính! Bờ - lốc!

Nhưng chả lẽ vào blog rồi cứ đọc ké mãi bài của người ta hay sao? Mình chả góp được gì ư? Thế thì buồn lắm.

Thì có biết viết lách gì đâu mà viết! Mà lại đang buồn thế này thì viết làm sao được…

Hay là cứ “ắp” đại những cái sự “ngược với buồn” lên cho đỡ buồn?

Không được! Những cái sự “ngược với buồn” mà mình cứ cho là “ngược với buồn” ấy biết đâu các bạn khác lại không cho là “ngược với buồn” thì sao? Thì bằng chứng rành rành ra đấy thôi…

Hay là "ắp" những cái sự tẻ nhạt lên vậy – chẳng buồn mà cũng chẳng “ngược với buồn”?

Lại càng không được! Hình như mình đã đọc được ở đâu đó có nhà thông thái (lại thông thái!) nào đó đã khẳng định chắc như đinh đóng cột là “…nhiều khi sự tẻ nhạt còn làm người ta buồn hơn cả nỗi buồn…”.

Hay là thử ắp toàn những sự buồn lên xem sao? Biết đâu lại gặp “tri âm tri kỷ”? … Thì cứ thử một lần xem sao? Nếu có nhiều “phản ứng” thì lần sau “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” vậy?...

Tớ còn buồn nhiều lắm mà không sao viết hết ra được. Nếu viết đủ, viết hết về cái sự buồn thì chắc phải dài bằng từ đây vào đến Sài gòn mất…

Chẳng biết có bạn nào có những nỗi buồn giống mình không nhỉ? Buồn giống mình thì buồn lắm!

Có bạn nào giỏi viết, viết cái gì cho tớ đỡ buồn với? Ví dụ về cái sự không buồn (vu…i) chẳng hạn. Nhưng với điều kiện là mỗi câu phải có một chữ vu...i, trong cả bài đừng có một chữ buồn nào cơ. Nếu không thì chỉ nhìn thấy một chữ buồn thôi là tớ lại buồn thêm mất!...

Chúc các bạn đừng có lúc nào buồn! Hôm nào buồn tớ lại viết tiếp về cái sự buồn, buồn dai dẳng, buồn khó tả, buồn khó viết này… cho đỡ … buồn.

Mong sao đừng có bạn nào buồn vì bài buồn này của tớ. Bạn nào không muốn buồn như tớ thì làm ơn “tua” nhanh cái bài này lên hộ tớ, “cho qua” nó đi nhé. Chẳng biết pót ở đâu cả ngoài cái bờ lốc này, thế mới buồn!

Tô Tuấn B3 - K8

CUỘC ĐỜI HẠNH PHÚC

Nhiều khi ngồi nghĩ lan man, thấy sao đời mình sao bị phụ thuộc vào nhiều thứ thế.

Này nhé, hồi ở Trỗi, sáng ra nghe kẻng là dậy. Rồi tiếp theo là kẻng ăn sáng, kẻng lên lớp, kẻng hết tiết. Trưa, nghe kẻng là vội đi ăn. Rồi kẻng giờ tự tu, kẻng giờ thể thao, kẻng ăn chiều, kẻng ngủ….Kẻng mà gõ trễ thì chưa đói, kẻng mà gõ sớm thấy buồn ngủ díp mắt liền. Mọi thứ đều nghe theo kẻng. Quen tới mức, mấy ngày phép về nhà không thấy đói, quên ngủ vì không có kẻng. Thật chẳng khác chi con chó của Páp-lốp.

Lớn lên 1 chút, vô học Đại học thì suốt ngày phải xem đồng hồ. Sáng mở mắt ra là xem còn mấy phút để lên lớp, không biết có kịp tọng cái bánh mỳ vào bụng không. Đang học môn này đã phải liếc đồng hồ xem sắp hết giờ chưa để còn chuẩn bị “phi” đi học môn sau ở địa điểm cách đấy đúng 10 phút chạy và 5 phút xả hơi. Ra phố đi tàu, đi xe cũng lại nhìn đồng hồ xem còn mấy phút nữa xe mới tới, không thì đi bộ cho chắc ăn. Đồng hồ là vật bất ly thân, đi tắm, đi ị, đi ngủ, đi ăn cũng không tháo ra. Đồng hồ mà chết thì mình cũng như “chết rồi”. Xem đồng hồ ! Xem đồng hồ ! Người mình lúc nào cũng chạy vòng vòng như cái kim đồng hồ vậy.

Rồi đi làm. Là thằng lính mới ra trường thời bao cấp, chuyện gì cũng phải do sếp nói mới được làm. Làm xong cũng phải được sếp có ý kiến mới dám ngừng. Hàng tuần, hàng tháng phải ngồi họp nghe sếp nói. Nghỉ phép cũng phải được sếp đồng ý. Làm tốt cũng nghe sếp nói. Làm dở, nghe còn nhiếu hơn. Về nhà thì nghe vợ (cũng là sếp) nói. Khi có con thì nghe con (là sếp lớn hơn) nói. Suốt ngày phải nghe sếp nói. Bực mình đóng cửa một mình bât đài lên…cũng lại nghe sếp nói nữa ! Thật chẳng khác gì cái máy ghi âm dơ đầu từ.

Lớn chút nữa, làm sếp. Ôi thì, thượng vàng, hạ cám, cái gì cũng phải lên lịch. Cái cuốn lịch bàn “nó” điều khiển mình. Sáng tới cơ quan, việc đầu tiên là nhìn vào lịch làm việc xem hôm nay có gì. Chiều về cũng lại ngó vô lịch để biết ngày mai có phải vô sớm không. Lúc nào cụng phải ngó vô : lịch tiếp khách, lịch họp Chi bộ, lịch gặp sếp lớn, lịch … lịch ….Bạn rủ đi nhậu, bồ hẹn đi chơi cũng phải xem lịch rồi mới trả lời được. Riết rồi chỉ quen có tấm lịch, bởi vậy dễ “bóc lịch” như chơi.

Tại sao cuộc đời lúc nào cũng bị phụ thuộc vào 1 cái gì đó nhỉ. Vứt mẹ nó hết đi ! Khi lấy cam công xã đâu cần có kẻng. Lúc nhẩy disco làm gì phải xem đồng hồ. Uống bia hơi kèm mồi đâu cần sếp nói. Đi tắm hơi – matxa thì chắc chắn không lên lịch rồi. Con người ta thoải mái vô cùng khi không có đồng hồ trên tay, không nghe tiếng kẻng, chẳng có sếp, cũng không xem lịch. Vui vẻ thì đi chơi với bạn bè, sáng ra café “Đôi khi”, chiều về rảnh rỗi thì mở Blog Trỗi lên xem. Ôi, cuộc đời mới hạnh phúc làm sao !!


Hình : đường vào "Đôi khi" thật thỏai mái, chẳng phụ thuộc cái gì !

Danh sách K8 trường Ng Văn Trỗi - Hà Nội cập nhật 30-4-2008

Mời các bạn xem ở đây, và đóng góp, sửa đổi, bổ sung!
Xin cám ơn!
Ban liên lạc K8 Hà Nội

LOẠT CHUYỆN VƯỜN BÁCH THẢO: NGƯỜI DẠI (Tiếp)

Câu chuyện thứ ba:

NGƯỜI DẠI

Học vấn thì cao, học đại học tận trường Lômônôxôp thời oanh liệt của Liên xô, hiện đang làm luận án tiến sỹ và giảng dạy tại trường hàng đầu của Việt Nam, ấy thế mà dại. Đó là anh bạn tôi.

Từ khi học phổ thông anh đã là người hiền đến mức khó có thể tìm thấy trong đám bạn học có ai hiền hơn.

Đến khi học đại học, anh phát triển bản tính ấy thành rụt rè nhút nhát nên có cô bạn anh thầm yêu trộm nhớ từ ngày xửa ngày xưa cũng không dám tự mình thổ lộ mà phải nhờ lũ bạn tiền hô hậu ủng. Kết quả là cô bạn yêu mê mẩn kẻ đáng yêu nhất trong đám người tháp tùng anh bạn tôi đi bơi thuyền, còn kẻ to mồm nhất trong đó thì lại chiếm đoạt được cô nàng. Anh bạn tôi? Học xong đại học vẫn còn trong trắng.

Rồi thì bạn tôi cũng có gia đình riêng nên bẵng đi một thời gian, chúng tôi ai lo phận nấy. Không bon chen với đời và cũng chẳng đủ sức để bon chen nên khi gia đình đã hòm hòm, chúng tôi lại có thời gian để thỉnh thoảng gặp nhau chuyện trò dăm ba câu hay hỏi thăm nhau qua điện thoại. Một lần bạn tôi than dạo này bận quá vì được phân công soạn giáo trình cho một môn mới tinh tình tình, tài liệu tiếng Việt không có, toàn phải đọc tiếng Anh. Nghe giọng bạn tôi hiểu anh bận mà vui. Sao lại không vui chứ? Được dạy môn mới tức là được xếp tín nhiệm, soạn giáo án mới là sẽ có tiền, cả tiền dạy tăng giờ nữa chứ. Tuy không nhiều nhưng so với đồng lương ít ỏi thì vẫn là một khoản khá.

Nhưng… Sau hơn một năm, bạn tôi buồn đến rộc cả người: “Nó cướp công của mình rồi. Nó cho mình dạy một năm. Năm học này nó không phân công mình dạy nữa mà chính nó dạy. Giáo án của mình nó cũng lấy luôn làm của riêng. Tuần trước, nó còn trơ trẽn đến mức xin mình nốt cả đề thi với lí do ngày hôm sau cho sinh viên thi mà bận quá nó không kịp soạn.” Biết bạn mình hiền lành sẽ để câu chuyện qua đi trong nỗi uất ức, tôi quyết phanh phui chuyện này ra. Nhưng bạn tôi ngậm ngùi: “Việc này cả Bộ môn mình đều biết nhưng không làm gì được nó đâu. Cũng tại mình dại. Bỗng dưng không hẩu cánh với nó, không xin xỏ hay quà cáp gì mà nó cho mình soạn giáo án môn mới nên mình cảm thấy mang ơn và tự viết tên nó vào bìa giáo án cùng tên mình. Tưởng chỉ để cho nó có thêm điểm viết giáo án khi xét phong Giáo sư, ai ngờ nó táng tận lương tâm đến mức đẩy cả mình ra. Thế là mình biếu không nó công sức mấy tháng trời thức đêm thức hôm. Còn mình thì thành thằng “mất dạy””. Không thể sống nổi trong cảnh ngậm bồ hòn làm ngọt, anh bạn tôi làm đơn xin chuyển sang bộ môn khác.

Cú đá của tay Chủ nhiệm Bộ môn ấy thật bài bản và thật đau cho lương tâm nhà giáo. Năm xưa hắn mà ra mặt trận thì dám giết đồng đội để tâng công trước khi quay súng làm lính chiêu hồi lắm lắm!

Ng T T K8

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2008

NHỚ BẠN

Khi đọc xong bài viết của HMK6 "Tôi viết cho Blogs …", thì nhận được điện thoại của bà con Hải Lệ (nơi mà chúng tôi đi tìm hài cốt bạn) hỏi thăm. Những trăn trở lại kéo về, đọc bài của HMK6 thấy cũng có lý. Bài viết dù hay dở thế nào thì cũng là một cách giải tỏa cho chính mình. Trong bài viết này, mọi điều tôi đều tưởng tượng ra cũng là một cách nhớ về những người bạn đã khuất của mình. Và trên hết, bài viết này như là một nén nhang để tưởng nhớ đến những liệt sĩ của chúng ta nhân ngày 30/4 sắp đến.

Dưới cái nắng chói chang của trời Hà nội, không một chút gió, hai hàng cây ủ rũ soi bóng xuống đường. Người và vật hình như ko chịu nổi cái nắng hanh khô của những tháng hè oi ả, rủ nhau biến đâu mất. Chỉ riêng có một chàng trai khoảng 17 tuổi, đang hăm hở đạp xe trên đường với chiếc áo xanh màu lính vải Tô Châu, ướt đẫm sau lưng. Chàng trai với mái tóc xoăn lòa xòa trước trán, cặp mắt sáng với làn da ngăm ngăm, anh mang một vẻ đẹp khỏe mạnh mà chỉ có ở độ tuổi 17 - 18 mới có. Dường như những ngày tháng vất vả, khổ luyện trên thao trường không gột hết được nét phong trần, lãng tử của anh, chàng trai Hà nội! Xe quẹo vào một khu tập thể, đến một căn nhà trệt anh ngập ngừng gõ cửa. Cửa hé mở, một cô gái dáng thanh mảnh, ăn mạc giản dị với chiếc áo cổ lá sen hiện ra. Nét mừng vui hiện rõ lên khuôn mặt của người con gái: Trời! Anh về lúc nào? sao không thư báo cho em biết? Vào nhà đi anh!
Với dáng vẻ ngượng nghịu: Anh cũng mới về, ghé nhà thăm Ba, Má rồi tranh thủ xuống em.
Cô gái trông như một nụ đào hé nở. Dù ăn mặc kiểu của các thiếu nữ thời chiến nhưng ở cô vẫn toát lên một vẻ đẹp xuân thì. Đôi mắt thì thật lạ, lòng đen choán gần hết, sâu thẳm và đôi mắt ấy cứ như muốn nuốt hết những ai muốn soi mình vào đó. Hết cuộn bím tóc vào ngón tay dài rồi lại thả ra, đôi mắt ngước lên hỏi: Anh về có lâu không?
Những câu hỏi và câu trả lời dường như ko ăn nhập gì với nhau làm tăng lên sự lúng túng giữa hai người. Chàng trai quan tâm: Em và gia đình có khỏe không? Mà hình như sắp thi tốt nghiệp rồi phải không? Rồi hình như chợt nhớ đến câu hỏi, thoáng ngập ngừng chàng trai trả lời: Sáng mai anh phải lên đơn vị sớm rồi! sắp tới chắc bọn anh phải đi xa lắm!
- Sao đi sớm thế anh?
- Ừ! Đơn vị chỉ cho có vậy, kỉ luật quân đội nghiêm lắm! mà thôi, giờ anh phải ghé thăm nhà mấy đứa bạn cùng đơn vị, đưa thư dùm chúng nó. Tối anh đợi em ở đầu phố nhé!
- Một lúc lâu, giọng người con gái nghẹn lại, lí nhí: Dạ ! anh đi.
Ánh trăng bàng bạc soi qua những kẽ lá của tán cây cổ thụ, trải đều trên lối đi. Hai con người chậm rãi bước bên nhau. Không gian thinh lặng, họ đi bên nhau không ai nói với nhau một câu nào. Chỉ lâu lâu nghe tiếng thở dài như bị dồn nén lại của người con gái. Chàng trai dường như cảm thấy sức nặng của người con gái càng lúc càng dồn qua mình. Đến một gốc cây sà cừ cổ thụ, họ dừng lại vì sự chia li không làm họ bước thêm được nữa. Giọng cô gái thảng thốt :

Anh! mai đi rồi, anh không nói gì với em sao?
Không khí như bị dồn nén lại, không kìm được lòng mình, hai bóng người đổ sập vào nhau. Những cánh tay riết róng, cuộn chặt bờ vai như không thể có gì chia lìa họ ra được nữa, đôi môi run rẩy, ngập ngừng rồi cuốn xiết lấy nhau trong một cái hôn dài đến nghẹt thở. Trái đất như ngừng quay, thân thể người thiếu nữ áp sát làm chàng trai rạo rực, hai chân tựa hồ không đứng vững. Bàn tay chàng trai run rẩy, lần mở nút áo nơi ngực cô gái. Nỗi e sợ làm bản năng cô gái thức dậy, giữ chặt bàn tay chàng trai. Cô gái thổn thức trong nước mắt: Đừng …đừng anh !
Bàn tay của chàng trai đang hăm hở chợt dừng lại : Anh xin lỗi, hãy tha thứ cho anh !
Lúc này,trong không gian thinh lặng chợt ùa lên bản nhạc giao hưởng của mọi loài côn trùng như ngợi ca một tình yêu bất diệt của đôi trai gái. Đốm lửa đỏ lập lòe nơi điếu thuốc, soi rõ nét cương nghị của chàng trai và đầu cô gái đang ngả hẳn vào ngực chàng trai. Thì thầm, cô gái nói trong tiếng nghẹn ngào:

Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe. Nhất định em sẽ đợi cho tới lúc anh về. Lúc đó, em sẽ là của anh mãi mãi !
Đoàn quân đi hối hả, họ hành quân giữa làng quê, các dốc núi và các dòng sông chảy xiết. Đêm đi, ngày nghỉ, bước thấp bước cao trong rừng. Máu chân tụ lại, da phồng dộp, vừa hành tiến vừa chiến đấu; vừa phải tránh những đợt rải thảm của B52. Những chàng trai Hà nội nghiến răng lại mà hành quân cùng đồng đội. Chiến tranh đã làm họ cứng cáp hẳn lên.

Tới nơi tập kết, có lệnh nghỉ. Khi đào hầm xong, ai cũng rã rời, miệng đắng ngắt. Chiến dịch lớn đã bắt đầu mở màn, cuốn tất cả vào một cơn lốc xoáy chưa từng thấy. Pháo binh khai hỏa, pháo hạm đáp trả, hai làn hỏa lực đủ các cỡ súng cùng một lúc rền vang, không gian như vỡ òa ra và mặt đất thì rùng rùng chuyển động. Trong chớp lửa loang loáng và ngùn ngụt khói,chàng trai với nét mặt rắn rỏi, cằm bạnh ra, hàm răng nghiến chặt anh rê khẩu AK47 bắn từng nhịp, từng nhịp ngăn không cho địch nống ra chiếm chốt. Cách đấy không xa, người bạn anh trong tiểu đội hỏa lực dùng 12ly7 gim không cho địch ngóc đầu lên được. Ngày nối ngày, quả đồi các anh chốt thành ra nham nhở, không còn một ngọn cỏ một cái cây. Nó như một vùng đất chết, ở đâu đó tử thần cầm lưỡi hái lượn quanh. Mỗi ngày con số thương vong và hy sinh tăng đến chóng mặt. Hầu hết các cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội đều đã hy sinh. Các chàng trai Hà nội cũng vậy, lần lượt ra đi không một lời trăn trối. “Xoẹt…viu…oành ! oành…oành…oành…” tiếng pháo hạm, tiếng đại bác 155ly vang lên muốn thủng lỗ nhĩ. Tiếng mảnh đạn rít lên đến lạnh gáy. Anh ra đi trong một lần bị dính miểng vào đầu như thế. Người bạn còn lại ôm anh trên tay như muốn ru anh ngủ. Máu chan hòa trên mặt, tràn cả xuống ngực, thều thào anh trăng trối: “ Nếu còn sống…khi về Hà nội …mày đưa dùm …” Tất cả còn lại là một chứng minh quân nhân và tấm hình người con gái tóc dài thắt bím đuôi sam…
Một cuộc chiến dù có lâu dài đến đâu cũng phải có ngày kết thúc. Nhưng chiến tranh dù có qua đi, nó vẫn kịp để lại biết bao những hệ lụy đến từng mỗi con người, mỗi số phận. Biết bao ông bố, bà mẹ trước khi nhắm mắt vẫn mòn mỏi đợi con về, dù vẫn biết hình hài con mình chỉ là bộ hài cốt nhỏ. Biết bao cô gái tuổi thanh xuân đẹp thì con gái, những người vợ hừng hực ngọn lửa sống. Đến bây giờ làn da đã xạm màu thời gian, đôi bầu vú đã héo khô, đôi mắt đã dần tắt đi ngọn lửa của hy vọng, vẫn ngóng trông người yêu về. Còn những người đã may mắn đi qua cuộc chiến, những ác mộng vẫn còn đó mỗi khi hồi ức kéo về…!
Mảnh đất trước đây là trận địa, là nơi anh nằm xuống, giờ là mảnh đất của sự bình yên. Cỏ cây, hoa lá đã trỗi dậy, mang theo mầm xanh của tình yêu và sự sống mãnh liệt. Bầu trời trong xanh nắng vàng tỏa khắp. Con chim Chiền chiện bay vút lên trời xanh, đến khi chỉ là một đốm nhỏ nó mới thả mình rơi xuống và giọng hót trong trẻo cất lên vang khắp cả một vùng không gian. Phải chăng đó chính là tiếng hát của hàng ngàn, hàng vạn những linh hồn đã mất mà cho tới nay chúng ta vẫn chưa đem về được.

Thành phố HCM 4-2008

Chuyện ít biết về chiến sĩ quốc tế Đào Chính Nam

Đại tá Đào Chính Nam (1908-1987) - một trong 20 học viên Hoàng Phố (1926-27). Như Nguyễn Sơn, Lý Ban, Phùng Chí Kiên… ông là 1 chiến sĩ quốc tế. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, xin có bài viết như một nén tâm nhang tưởng nhớ!

Đào Chính Nam người chiến sĩ quốc tế

Từ lâu lắm, dòng họ Đào ra lập nghiệp ở vùng địa đầu Móng Cái. Đầu tiên là cụ Đào Đình Yết, hậu duệ của cụ Đào Duy Từ. Gắn liền với lịch sử giữ nước, dòng họ Đào có nhiều người được triều đình phong làm quan, tướng trấn ải nơi địa đầu. Gần nhất là cụ Đào Quang Thể (Cai Thể) từng tham gia Quang Phục Hội của Phan Bội Châu. Khi biết Cai Thể là hậu dụê cụ Đào Duy Từ, một dòng họ giàu lòng yêu nước, cụ Phan đã viết tặng cặp đối liễn cho bàn thờ họ tộc “Thánh thừa ngọc thị ứng thỉnh trung/ Phật ngự kim liên phù gia nội”, (ý: Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc qúy giữa đời thường/ Phật ngồi trên tòa sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc). Tháng 1/1918, Cai Thể lãnh đạo anh em binh lính yêu nước làm binh biến ở đồn Móng Cái. Binh biến bất thành, ông bị xử bắn cùng 11 đồng đội tại sân vận động Đông Trì. Trước khi hy sinh, ông dõng dạc hô: “Việt Nam đời đời độc lập!”. Dân Móng Cái đã lập miếu thờ “Thập nhị Anh linh” để tôn vinh.

Năm 1925-26, cả nước sục sôi phong trào yêu nước ủng hộ hai cụ Phan. Trong dòng họ chịu ảnh hưởng của ông chú Đào Quang Thể mà đầu 1927, Đào Chính Nam vận động một số thanh niên tâm huyết sang Trung Quốc tìm đường cứu nước. Qua giới thiệu của các bậc tiền bối, ông Nam được về học ở Quân sĩ Giáo đạo Đoàn, sau 5 tháng thì được tuyển về trường Quân sự Hoàng Phố. Trường do cụ Tôn Trung Sơn sáng lập, có cả cố vấn Liên Xô và nhiều giáo viên là đảng viên cộng sản Trung Quốc. Đồng chí Chu Ân Lai từng là Chính ủy. Tại đây, Đào Chính Nam được gặp cụ Hồ Tùng Mậu, rồi tham gia “Quảng Châu Công xã” cùng các thành viên trong “Đảng Thanh niên” như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Trương Văn Lĩnh… Có một lần, cụ Mậu bị chính quyền Tưởng bắt giam ở Quảng Đông Pháp viện. Ông Nam cùng ông Mạc Trường Vạn không sợ nguy hiểm, lấy danh nghĩa đồng hương, vào thăm nuôi.

Hết 3 năm học, vì muốn mở rộng kiến thức, ông Nam cùng ông Trần Văn Phát, Hoàng Nam Thịnh nhờ bậc tiền bối Đặng Tư Mạc (một nhà Nho, bạn cụ Phan) giới thiệu với Kỳ Ngọai hầu Cường Để cho qua Nhật học tiếp. Chuyện không thành, ông Nam lại nhờ cụ Đặng giới thiệu với cụ Hồ Học Lãm cho đi học Nam Kinh. Tới Thượng Hải được vài ngày, gặp lúc quân Nhật nổ súng, ông liền tham gia đánh Nhật trong “Cảm tử Đội” của các truờng đại học. Sau đó gia nhập Quân đoàn thứ 19 của Sái Đình Nhai và được giao làm đội trưởng với cái tên Đào Bá Long. Tháng 2/1932, Hiệp định đình chiến Trung-Nhật được kí kết, ông lưu lại nhà một người bạn cùng học ở Hoàng Phố, chờ thời cơ đi Nam Kinh. Không may bị lộ, cả hai bị mật thám bắt tại tô giới Anh-Pháp. Biết ông là người Việt, sau 4 tháng tạm giam, chúng tống xuống tàu đưa về Sài Gòn rồi đưa ra Hải Phòng, cuối cùng giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Mật thám Pháp cố tra hỏi xem ông đã làm gì, quan hệ với ai ở Trung Quốc, ai giới thiệu đi học Hoàng Phố… nhưng không được. Chúng đưa ông về giam ở Hải Phòng, Kiến An và cuối cùng là Hải Ninh với án tù 3 năm. Đến tháng 2/1934 mới được tha và bị quản thúc ở Hải Phòng.

Không chịu khuất phục, tháng 4/1934, Đào Chính Nam bí mật xuống tàu đi Hương Cảng rồi vòng về Quảng Đông. Ông đã viết thư cho Cường Để nhờ giúp đỡ. Rồi qua hai người bạn từng học Hoàng Phố đang là cán bộ Quân Giải phóng, ông được giới thiệu đi dự lớp huấn luyện cán bộ chỉ huy rồi về đơn vị kháng Nhật ở tỉnh Sán Đầu. Đầu năm 1939, ông gặp lại đồng chí Phùng Chí Kiên và được giới thiệu vào tổ chức “Thanh niên kháng Nhật Hội” cùng các ông Nguyễn Sơn, Lý Ban... Phùng Chí Kiên giao cho ông việc giảng dạy quân sự. Tháng 6 năm đó, các hội viên tham gia đơn vị do ông chỉ huy khi quân Nhật tấn công vào Sán Đầu.

Ở Triều An, trong một trận đánh không cân sức, quân Nhật bao vây đơn vị tới nửa tháng, ông đã bị thương do mảnh pháo găm vào đầu. Chúng bắt ông. Sau 8 tháng giam và cho đi điều trị, chúng cho đi học sĩ quan rồi giao ông chỉ huy một đơn vị liên quân. Để giấu tung tích, ông khai tên mình là Đào Nhất Dân. Viên sĩ quan họ Đào chấp hành mệnh lệnh nhưng trong lòng nung nấu cơ hội chạy về căn cứ Hồng quân Công nông. Nhờ anh em hội viên kháng Nhật mà ông liên lạc được với đồng chí Phùng Chí Kiên. Đồng chí Kiên chỉ thị: tiếp tục họat động nội gián! Ông nhiều lần cung cấp thông tin của địch hay bí mật chuyển vũ khí cho phía cách mạng. Có lần lực lượng cách mạng phá kho vũ khí của Nhật bị phát hiện, bao vây, anh em chạy vào đơn vị. Ông cho thay quần áo, cải trang thành lính đơn vị rồi tạo điều kiện trốn thóat. Lần khác, quân Nhật tổ chức vây ráp quy mô lớn vào chiến khu nhưng thất bại, chúng đã nghi ngờ ông. Vì thế tháng 2/1943, ông bí mật đưa đơn vị chạy về chiến khu. Thời gian này, Đảng Cộng sản vẫn hợp tác với Quốc dân Đảng chống Nhật, đơn vị ông nằm trong địa bàn của quân Tưởng nên ông được điều lên tỉnh Hưng Ninh, biên chế vào Ban Tác chiến Bộ Tham mưu Khu. Cuối năm 1944, một bạn học Hoàng Phố nhận nhiệm vụ thành lập quân khu mới có mời ông cùng về; nhưng nhận thấy thời kì “Quốc-Cộng hợp tác” sắp kết thúc, chuẩn bị nội chiến, nên ông kiên quyết giải ngũ, tìm đường hồi quốc. Vì giao thông ách tắc mà chưa về được, ông nằm chờ thời cơ…

Tham gia đưa 2000 Việt kiều về nước

Ngày 15/8/1945, Trung Quốc và Nhật kí hiệp định đình chiến. Qua báo chí biết tin Pháp đang tạo sức ép buộc 2000 Việt kiều ở Thượng Hải trả cho chính phủ bù nhìn Lê Văn Họach ở miền Nam Việt Nam, trong khi bà con kiên quyết đấu tranh để được hồi hương về miền Bắc. Ông vội viết thư ủng hộ và vạch trần âm mưu của thực dân Pháp bắt đồng bào về Nam làm bia đỡ đạn. Bà con có thư trả lời và mời ông lên Thượng Hải. Lúc này Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thắng lợi nên việc đấu tranh để bà con Việt kiều về miền Bắc cũng là ủng hộ tích cực cho công cuộc cách mạng. Tổ chức của bà con Việt kiều được củng cố thành một khối, kẻ địch phải nhượng bộ, không thực hiện đuợc âm mưu đã vạch. Bà con thêm tin tưởng vào cách mạng. Tháng 6/1946, Chính phủ cử đại diện Bộ Ngọai giao (ông Nguyễn Sĩ Túc và ông Thế) sang cùng ông Nam làm việc với Chính phủ Thượng Hải. Tháng 7/1946, họ phải cho tàu đưa 2000 bà con về Đồ Sơn. Tại đây, giặc Pháp cho tàu chiến ra uy hiếp, ngăn cản không cho cập bến. Ông cùng đại diện của ta hội ý rồi cho tàu vào sát chân núi thả neo; mặt khác điện cho Chính phủ. Sau cuộc điều đình suốt từ sáng cho tới 4g chiều, chúng mới cho tàu vào cảng Hải Phòng. Số Việt kiều lên tàu hỏa về Hà Nội và được đón về trường Trưng Vương. Ông Võ Nguyên Giáp cử đặc phái viên Phan Tử Lăng ra đón gần 1000 lính khố xanh, khố đỏ, cảnh sát trong số hồi hương bổ sung ngay cho các đơn vị chiến đấu.

Góp sức cho công cuộc cách mạng

Tại Hà Nội, ông Nam gặp lại người cháu ruột là Đào Phúc Lộc (Trưởng phòng Tình báo Quân ủy Hội) và Hồ Ngọc Lan (con gái nhân sĩ cách mạng Hồ Học Lãm). Ông Nguyễn Sơn Khu trưởng Khu V ra họp, được chị Lan báo tin, đã lại thăm và mời bạn cũ về Khu V làm việc. Đã nhận lời nhưng khi đến Bộ Tư lệnh Tiếp phòng Quân thì gặp cụ Hồ Tùng Mậu (Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ) và Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Cụ Mậu giữ lại, giao nhiệm vụ mở lớp Sơ cấp quân sự ở Quần Ngựa cùng Chính ủy Trần Văn Quang.

Tới tháng 11/1946, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại giao nhiệm vụ vào Khu IV làm Chủ nhiệm Tham mưu cùng Khu trưởng Lê Thiết Hùng và Chính ủy Trần Văn Quang. Khi đi thị sát chiến trường phát hiện trình độ tác chiến của bộ đội còn thấp, ông đề nghị mở gấp lớp Bổ túc quân sự Đoàn Kỳ và thành lập Trung đoàn chủ lực. Trung đoàn do ông chỉ huy đã phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp ở Hồi Xuân, La Hán và Bắc Mọt. Năm 1948, ông nhận nhiệm vụ Khu trưởng Phân khu Bình-Trị-Thiên kiêm Phó tư lệnh Khu IV (khi Nguyễn Sơn về làm Khu trưởng). Năm 1949, ông được điều ra Bắc làm Phó giám đốc trường Trung, cao quân sự Soi Mít, Thái Nguyên với quân hàm đại tá. Từ 1950-60, ông là Hiệu phó trường Lục quân Việt Nam tại Vân Nam, Quế Lâm (Trung Quốc) rồi Quần Ngựa, Sơn Tây, kiêm Cục phó Cục Quân huấn cùng Thiếu tướng Giám đốc Lê Thiết Hùng (từ 1954 là Lê Trọng Tấn) và Thiếu tướng Chính ủy Trần Tử Bình.

Sau đó, ông về Tổng cục Chính trị công tác, đến 1969 thì nghỉ hưu tại Sơn Tây.

Suốt 80 năm cuộc đời với gần 20 năm là chiến sĩ cộng sản quốc tế và hơn 20 năm là cán bộ cao cấp trong quân đội, tên tuổi ông đã làm rạng danh cho lớp người tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người cùng nhiều huân, huy chương cao qúy. Năm 2002, Đào Chính Nam được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng II. Ông là thân phụ của bạn Đào Bá Thanh k7 chúng ta.

Còn ít ngày nữa là tới 15/5/2008 - kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông. Tiếc rằng đến hôm nay, chính quyền Hà Tây vẫn chưa thực hiện bất kì đãi ngộ nào với gia đình!

Tin vui!

Mời click vào đây!

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008

ANH "MÕ" THỜI @

Vào khoảng những ngày cuối năm, tiết trời lúc ấy cũng mát, mưa nhiều. Đang ngóng trời tạnh để đi đón con thì bỗng dưng nhận tin nhắn của anh trưởng “Mõ”. Tin nhận: Vào đúng giờ…ngày…tháng…năm…tại…Xin mời ae tới dự buổi họp lớp. Cuối tin,có hàng chữ in rõ to như thể mắt ai cũng lên hàng “Lão”: Khi đi nhớ mang theo tiền “góp”. Đọc tin xong, thầm nghĩ: Mẹ…lại bị “nã” nữa rồi! Lại lẩm nhẫm tính, tuần này phải đi dững năm cái đám cưới không thể trốn, thêm vụ nầy là sáu…Khốn thật, không “piết” phải ăn nói sao với bà “lão” nhà đây. Dọc đường đi đón con mà lòng thẫn thờ cứ như ngày mới nhận sổ hưu!
Chiều về, hò hét sắp nhỏ tắm rửa sạch sẽ rồi hùng hục zô bếp làm vài món vợ, con thích. Nấu xong, rung đùi xem TV chờ “Ma ma tổng quản” về. Lát sau,nghe con reo vang “A! Mẹ về”, vội lao ra (vẫy đuôi từ xa): Có nặng không? để a xách! Con gái nhỏ khoe mẹ: Bữa nay Ba nấu cơm, con ngửi thấy mùi thơm lắm! e dè nhìn trộm, thấy một thoáng ngạc nhiên xen lẫn một nụ cười vui từ bà xã, lòng mừng thầm hớn hở. Đến bữa, vợ ngạc nhiên: Uả! anh nấu gì mà nhiều thế này, ăn sao hết! Con lớn phát biểu: Sao ba nấu toàn đồ để nhậu ko hà! Nhìn lại, thấy đúng vậy, không biết đầu óc để đâu mà lại thế, hay là cái máu ăn nhậu nó thấm sâu vào người rồi! May mà bữa ăn diễn ra trong vui vẻ của vợ lẫn sự khâm phục của lũ nhỏ. Đêm về thì khỏi nói, bà xã cứ như được trẻ lại thủa đôi mươi.
Rồi ngày họp mặt cũng tới, áo quần tề chỉnh, ra đi không quên xin phép vợ: Bữa nay tụi anh có buổi gặp mặt thường niên của lớp. Đừng chờ cơm nghe!
Hứ! Biết ngay mà, thảo nào hôm trước sao mà ngoan thế !Rồi gọi gật lại: Thế anh còn tiền không?
Ừ! thì cũng còn chút chút…!
Vợ vội vàng dúi cho mấy tờ, dặn: Cầm một ít dằn túi, cho bằng anh, bằng em. Đừng vui quá mà nhậu say, nhậu xỉn là không được đâu đấy. Ra khỏi cửa còn nghe kịp tiếng vợ: Rõ khổ…!
Tới nơi, lác đác cũng thấy chục “lão đinh”. Tay bắt,mặt mừng, hỏi thăm nhau rối rít, cứ như là đã lâu rồi không gặp. Đang ngồi vui, chợt ông “trưởng mõ” với nét mặt nghiêm nghị, lừ lừ tiến lại, vỗ vai nói: Khỏe chứ? Cậu ra đây, ta bàn chút việc. Chột dạ vì không hiểu chuyện gì? Vội kiểm điểm nhanh trong trí nhớ: Cái thằng ni trước giờ không ân, không oán gì! Lại còn đòi thông gia với mình mà sao hôm nay trông mặt lại “khủng long” thế không biết? Thôi được, ra thì ra, bàn thì bàn để xem nó có trò gì cho biết.
Với nét mặt quan trọng, nó ậm à một lát rồi mở miệng: Hôm nay họp lớp, tụi tao (BLL) định “cơ cấu” cậu vào thay tụi này. Cậu thấy thế nào? Nếu OK thì chút họp, tụi tớ sẽ đề cử…
Trời đất, tụi này điên thật rồi! Cơ với chẳng cấu, chúng nó cứ làm như là hội đồng nhà nước không bằng. Vụ này nghe có vẻ “Châu Phi kì lạ” à nha! Nhớ lại,hồi bé đi học được đeo khăn quàng đỏ đúng 3 ngày vì can tội chọc ghẹo cháu gái một ông nhớn (hình như chỉ đứng sau Cụ Minh thì phải). Nhớn chút nữa đi Trỗi, thì bị thầy hành lên, hành xuống đủ hình thức (biệt giam, đứng đèn…thậm chí tẩn…). Đi lính, làm tổ trưởng tổ “tam tam” còn không xứng (cán bộ nói vậy). Làm nhà nước thì chẳng nên cơm cháo gì (bà xã bảo thế). Nghĩ nhanh xong, vội chối đây đẩy: Ê!Đừng giỡn mặt à nghen! Kiếm thằng khác đi. Đây không có vụ đó đâu. Với nụ cười của nàng “Mona Lisa”, thằng bạn nói: Thôi thì tùy cậu!


Cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí vui vẻ, bia được khui ra nổ như pháo tết. Thoáng đâu đó, đã có những khuôn mặt bắt đầu lên “men”. Rồi thì chuyện cũng xảy ra theo chiều của mấy tay trong “hội đồng”. “Tưởng gì quan trọng, được đấy,cho qua…”, rồi những cái gật đầu, phẩy tay thay cho những “lời muốn nói”. Thế là dính “chấu”, vừa tức, vừa lo…không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Ngó sang, thấy nét mặt hể hả của mấy thằng “mõ” cũ, thấy mà ghét. Thôi thì cũng đành, hội ý nhanh với thằng cũng bị “dính” như mình, nó ok liền. Hà…bi giờ thì đến lượt tao hành chúng mày, với nét mặt như muốn “gây sự”, đến từng thằng: Ê! đóng tiền - Ơ! tiền gì? -Thì quĩ lớp theo qui định mới…chứ gì nữa, có đóng không thì “bẩu”? - Cậu là đại gia đóng hơn đi, bù cho những thằng “hoàn cảnh”. Nhìn các ‘lão đinh” móc hầu bao nộp suất thuế, cũng thấy hả dạ…! Cuối buổi, người thầy khả kính bồi thêm: Được đấy! thầy hy vọng em làm được! Cố gắng nhé! Chỉ tiếc là không có cái gương nào để xem mũi mình có to bằng mũi con hà mã không?
Những ngày tiếp theo, công việc của anh “mõ” bắt đầu được thể hiện. Đang đi ngoài đường dế kêu: Mày cho tao số của thằng…Ô hay, mày có danh sách rồi mà. Hì…tao thích mày trả lời hơn. Một lát sau: Sao tao không thấy nó bắt máy? Tức thì tức, lại phải truy tìm “già lạc” dùm nó. Hoặc cậu đến chỗ này, kia tớ đưa tiền quĩ cho. Thôi thì đủ cả, toàn những việc không tên tuổi. “Mẹ…”ăn nhậu thì quên, cứ đến việc thì lại réo…!
Bạn bè thông cảm thì khen (biết thừa chúng nó không muốn làm nên nịnh khéo), chứ bà xã thì lâu lại móc: Em thấy ba nó dạo này chăm chỉ tệ! Tưởng khen, hóa ra bồi tiếp: Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì….Rồi thở dài đánh sượt: Rõ là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Thế đấy, lại phải đả thông tư tưởng: Thì…mà…là…! Thôi cũng đành vậy, chỉ biết rằng mình cố gắng làm đúng cái tâm với mọi người thì ai cũng hiểu. “Chiềng làng, chiềng …Xuân, Hạ, Thu, Đông…”

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008

Tin mới!!!

Mời click vào "Trường VHQĐ NVT"!!!

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

Mané Garrincha – Quái kiệt bóng đá Thế giới

Khoảng giữa năm 1953, vào cuối 1 buổi tập giữa 2 đội hình chính và phụ của CLB Botafogo (Braxin), HLV sực nhớ và tung vào sân 1 cầu thủ trẻ mới được đưa đến thử việc.
- Mane (lúc đầu người ta gọi Garrincha như vậy), anh chơi quen ở vị trí nào ?

- Tất cả mọi vị trí, trừ thủ môn. Nhưng tôi thích ở cánh phải nhất.

- Được, vậy anh chơi ở cánh phải !

Trên khán đài nổ ra 1 trận cười, ngay HLV cũng phải quay đi. Chàng trai trẻ tiến vào sân với cái chân trái hình chữ O, chân phải chữ X và ngắn hơn chân kia 6 cm. Nilton Santos, hậu vệ số 1 của Braxin lúc bấy giờ kể lại : Tôi nhìn thấy họ chuyền bóng cho anh ta, và tôi bình thản tiến đến cướp bóng. Khi tôi đến gần, bất ngờ anh ta đẩy bóng qua giữa 2 chân tôi và biến mất…Tôi cố đuổi theo, nhưng mất thăng bằng và ngã chúi xuống đất, 2 chân chổng lên trời. Tất cả mọi người trên sân đều bò ra cười. Còn anh ta tiếp tục làm gì với những hậu vệ khác thì có quỷ mới biết được…

Đó là lần đầu tiên Garrincha – quái kiệt của bóng đá thế giới – xuất hiện trên sân cỏ. Tên thật của Danh thủ này là Manoel Francisco dos Santos, nhưng mọi người gọi anh là Mane Garrincha. Mane là tên tắt của tên Manoel. Garrincha là tên 1 loại chim nhỏ ở Braxin có bộ lông màu vàng sẫm điểm những sọc đen, riêng mào và đuôi có màu đỏ, hót cực hay. Và mãi mãi anh đã nổi tiếng với cái tên này. Ngoài ra các cổ động viên còn gọi anh là "Alegria do Povo" có nghĩa là „Niềm vui của quần chúng“.

Garrincha sinh ngày 28 tháng năm 1933 tại Rio De Janeiro và mất ngày 20 tháng 1 năm 1983 tại Sao Paulo khi chưa tới 50 tuổi.

Garrincha là tuyển thủ xuất sắc của đội tuyển Braxin từ năm 1955 tới 1966. Suốt 10 năm này anh đã ghi 15 bàn thắng cho đội tuyển QG trong 57 trận và đặc biệt (không biết có do trùng hợp), đội Braxin chỉ bị thua duy nhất 1 trận trong 57 lần có anh tham gia. Đó là trận cuối cùng của anh dưới màu áo đội tuyển – trận với Hungari ở VCK TG 1966 (Braxin thua 1 : 3). Garrincha đã tham gia 15 trận trong 3 VCK TG năm 1958, 1962, 1966 và trong đó có 2 lần đoạt cúp Vô địch.

Garrincha đã chơi lâu nhất cho FC Botafogo (Braxin) từ 1953 tới 1965, tại đây anh đã ghi được 232 bàn thắng trong 581 trận. Với CLB này anh đã Vô địch bang Rio-São Paulo năm 1964 và đoạt Cúp Liên hiệp các bang của Braxin năm 1957, 1961 và 1962 (hồi này ở Braxin chưa có giải Vô địch toàn Liên bang). Sau đó từ 1966 tới 1972, anh đá cho các CLB FC Corinthians (Braxin), Atlentico Junior (Colombia), FC Flamengo (Braxin) và Olaria AC (Braxin).

Gần đây, Garrincha được các chuyên gia của FIFA bầu chọn là 1 trong 10 cầu thủ xuất sắc nhất TG ở mọi thời đại. Anh cùng với 6 cầu thủ khác là Vua phá lưới VCK TG năm 1962 tại Chile. Và cũng trong VCK này anh được đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất đội Vô địch TG (chứ không phải là Pele – người sau này được gọi là „Vua“)

Các giai thoại về Garrincha luôn luôn mang màu sắc nghệ sĩ sân cỏ. Đó là trong trận giữa FC Botafogo với FC Costa Rica (Braxin). Ở phút cuối trận đấu, tỷ số vẫn là 1 : 1. Garrincha được bóng, anh lừa qua toàn bộ hàng hậu vệ Costa Rica, đối mặt với thủ môn...thì Garrincha lại dẫn bóng quay trở lại. Một lần nữa lừa qua hàng hậu vệ...nhưng vẫn không sút mà lặp lại như vậy lần thứ 3 và lúc này anh mới đẩy bóng qua háng thủ môn ghi bàn cho đội mình. Đồng dội la ó, anh bình thản trả lời : vì tôi muốn đưa bóng qua háng mà tay thủ môn lại không chịu dạng chân ra !

Garrincha là cầu thủ đầu tiên trên thế giới đã đưa bóng ra khỏi sân khi thấy cầu thủ của đối phương bị té ngã và chấn thương, mặc dù cơ hội làm bàn đã tới chân. Đó là trong trận gặp Liên Xô tại VCK TG năm 1958 tại Thụy Điển. Các cầu thủ LX, sau đó đã ném trả bóng cho Braxin trong tiếng vỗ tay của toàn cầu trường. Hành động đẹp này cho tới nay đã trở thành truyền thống trong mọi trận đấu.

Còn có huyền thoại khác. Trong 1 trận đấu, khi Garrincha đã lừa bóng qua 1 hậu vệ và anh này té ngã. Garrincha dừng lại, chân vẫn đặt trên bóng, không quay người, vòng tay ra sau đỡ đối phương, rồi sau đó tiếp tục dẫn bóng đi. Huyển thoại nối tiếp huyền thoại....

Garrincha đã từng có 2 đời vợ với 8 người con gái chính thức. Ngoài ra anh còn nhiều mối quan hệ mà kết quả là có thêm ít nhất 6 người con ngoài giá thú. „Tai tiếng“ này làm giới lãnh đạo bóng đá Braxin và FIFA lúc bấy giờ không muốn vinh danh anh. Không biết có phải vì vậy mà năm 1972, FIFA đã „quên“ mời Garrincha tham dự trận đấu giữa đội tuyển Braxin và Tuyển TG nhân kỷ niệm 10 Braxin vĩnh viễn đoạt Cúp Nữ thần vàng.

Danh thủ TG này đã từ giã sân cỏ trong nghèo đói vì đã trút hết tiền vào hy vọng chữa chạy đôi chân dị tật mà không thành. Anh đã hoàn toàn thất vọng trong cuộc sống. Thất nghiệp và nghiện rượu đã kéo cuộc đời anh xuống vực thẳm. Không có tiền, anh đã lang thang tới các tiệm bình dân tìm kiếm ly rượu bằng danh tiếng của quá khứ. Và kết cục anh đã chết sau 3 tuần cứu chữa trong 1 bệnh viện từ thiện vì bị tai nạn xe hơi do ngộ độc rượu. Khi anh chết, người ta thấy trong túi anh không có 1 xu.

Sau khi anh chết, Pele và các danh thủ cùng thời mới vội vã lên tiếng ca ngợi anh và tổ chức 1 lễ đưa tang hoành tráng. Quan tài Garrincha đã được các danh thủ TG thay nhau khiêng đi 1 vòng xung quanh sân vận động Quốc gia Braxin dưới sự chứng kiến của hàng chục ngàn cổ động viên bóng đá trước khi ra nghĩa địa ! Trên bia mộ của anh đã được ghi dòng chữ : „Nơi đây yên nghỉ người đã từng là các niềm vui của quần chúng – Mane Garrincha - Picasso trong bóng đá“.