Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2008

THẦY MÃN

B3C5 – năm 1965 được thầy Mãn phụ trách (sau thầy không đi Trung Quốc và nay cũng không nghe nói gì về thầy). Thầy dạy môn địa và đội khi cả toán. Thầy có dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo đúng như các bài tập làm văn mẫu vẫn thường mô tả về một thầy giáo.

Nhưng điều tôi không quên được là những truyện thầy kể cho chúng tôi nghe vào nhựng buổi tối sau giờ sinh hoạt trung đội, trước giờ điểm danh hay cuối các giờ học của thầy “nếu các em trật tự, học tốt thì sẽ có 15 phút kể chuyện”.

Và như vậy, Napoleon chinh chiến khắp châu Âu, châu Phi rồi bị Cutudop đánh bại đã được chúng tôi say sưa nghe với minh họa rõ ràng trên bản đồ Thế giới do thầy vẽ (thầy vẽ bản đồ Thế giới lên bảng với trí nhớ của mình mà không hề sai).

Rồi những Giăng van Giăng, Giave, Codet, Marius... cũng đã cùng chúng tôi đi vào giấc ngủ khi quây quần bên thầy trong những buổi tối ở An – Mỹ, Đại – Từ dưới mái nhà tranh hay trên thảm cỏ.

Những tác phẩm vĩ đại của nền văn học Thế giới đã được thầy truyền lại cho chúng tôi bằng lối kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn nhưng đơn giản để mấy cái đầu non nớt của tụi học sinh lớp 5 chúng tôi có thể “tiêu thụ” được mà vẫn không hề sai với nội dung và ý nghĩa của các đại văn hào đã viết ra (điều này đã được tôi kiểm chứng khi sau này trực tiếp đọc các tác phẩm vĩ đại đó).

Không biết các bạn khác nghĩ sao, nhưng đối với tôi đây là những bước khai phá đầu tiên tiến vào thế giới văn học cổ điển, mà người khai phá là thầy MÃN.

7 nhận xét:

  1. -Hồi đó Truyện k đầy đủ như bây giờ mà sao vẫn thấy hay hơn nhỉ ! mà nó đã chui vào đầu là nằm luôn ở đó...suốt đời...
    - Kiểu mẫu THẦY như thầy MÃN chắc giờ kcòn nhiều...hết lòng vì học sinh thân yêu

    Trả lờiXóa
  2. kính anh Hà chí.
    Theo tôi biết, do thành phần xuất thân nên thầy Mãn ko được tiếp tục làm việc trong trường mình nữa.
    Thầy đi Trường Sơn, nhưng bất đắc chí, thành thử có va chạm gì đó....
    Thật đáng tiếc!!!
    Cái gì ko hay và tôi ko bít gỏ gàng thì ko dám phát biểu về ngưới vắng mặt.
    Vài dòng cho anh Hà chí bít.
    Có thể hỏi thêm các NM B2 K7 vì giai đọan cuối cùng ở Đại Từ, thầy có làm GV chủ nhiệm B này.

    Kính anh.

    Hehehe... BEbeb...

    Trả lờiXóa
  3. Kính anh Hà mèo,
    Tôi ở B2C5 thời trại Bưởi, Yên Mỹ, Đại Từ. Lúc đó thầy Mãn là chủ nhiệm B2 kiêm dạy toán cho cả đại đội. Đúng là thày là mẫu người lý tưởng như anh miêu tả, song lúc này thầy không còn kể chuyện như hồi dạy ở K6 nữa. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời lính Trỗi là thầy Mãn, vì hồi đó do hoàn cảnh B2 bị đì ở nơi hẻo lánh (hình như ở đó có ma), cứ khuya đến thầy lại mò vào giường tôi cùng ngủ cho đến sáng thì thầy đã đi mất rồi ! Khi sang Trung quốc không thấy thày đâu, cả B nhao nhao như rắn mất đầu nhưng không làm gì được, cuối cùng phải đặc cách thày Nguyệt làm chủ nhiệm. Nghe nói vì bị về lý lịch thày không được xét đi xuất ngoại. Cái thứ chủ nghĩa lý lịch này cứ theo đuổi tôi suốt từ đó đến giờ. Tôi nghĩ thày và chúng ta không ai có thể tự chọn cửa chui ra. Nếu vì chữ đấu tranh giai cấp mà thui chột biết bao nhiêu nhân tài đất nước thì .....
    Đến giờ này t mới biết thày đi Trường Sơn rồi thật đáng tiếc ... Sau khi giải tán trường cũng có nhiều thày xung phong đi B như thày Trọng, nhưng có ai nhớ thày Mãn như anh và tôi không ?
    "mần" K7

    Trả lờiXóa
  4. ...và các Thày Cô Giáo khác như Cô Thục, Thày Trọng, Hồng Tuyến, Chi Phan...vẫn quan tâm nhiều đến TRỖI, mặc dù sau TRỖI họ còn dạy nhiều lứa khác. Hồi đó óc chta là con Chip trắng, nhét vào cái gì là nó lưu lại Vĩnh Viễn, và rất may mắn, các thày cô đã "nhét" vào toàn thứ quý giá...có lẽ Thày Cô cũng cảm động thấy các Trò cũ Biết Ơn mình. Riêng tôi thì rất Sung Sướng được Cô Thục, Thày Trọng rất quan tâm
    ...năm 199x, bác BKQuỳnh lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng vào SG. BLL trường giao cho K8 chăm sóc bác, tôi lái xe chở bác Q và 1 số ae ăn uống, thăm 1 số người và GĐ LS HKTRUNG...
    Trưởng BLL NVT SG lúc đó là a XMiên hay DThanh...k nhớ rõ lắm...

    Trả lờiXóa
  5. 1/ Bài này tôi viết đã lâu (khoảng 2 năm rồi), song lưỡng lự mãi, nay mới đăng. Tôi cứ nghĩ, ngoài đám B3-K6 tụi tôi, ko biết còn ai nhớ thầy Mãn ko. Mà K6 hình như ít lên mạng, mà có lên thì cũng "im re". Nhưng thật mừng, lính Trỗi chúng mình ko bao giờ quên các thầy. Các thầy trường của chúng ta thật là tuyệt vời.
    2 / Thầy ko kể chuyện cho K7 ? ko biết có phải vì bị phê do kể mấy chuyện ko cách mạng (theo quan điểm hồi đó) cho tụi "hạt giống đỏ" này ko?

    HMK6

    Trả lờiXóa
  6. Ngày xưa trường của chúng ta các thày cô giáo đều như vậy cả. Tất cả các giáo viên đều thương yêu học trò và mang hết tâm huyết, kiến thức ra để truyền đạt học sinh. Khóa 8 có thày Hậu dạy địa lý cũng là một thư viện về lịch sử, văn học và cũng cách dạy tương đối giống thày Mãn như a HC Thành kể, ngày ấy các thày giáo của chúng ta ngoài chuyên môn, còn là những người chơi thể thao cũng rất cừ. Thày Hậu là một thủ môn của đội bóng giáo viên, thày Đạm là một hậu vệ rất rắn, Thày Hà, thày Chử là những tiền đạo, tiền vệ khéo léo và dẻo... và còn nhiều thày cô giáo khác nữa. Những h/s trường Trỗi Chúng ta đã được hưởng một nền giáo dục tương đối toàn diện.

    Trả lờiXóa
  7. Mới lên Trại Cau,thày Mãn dạy chúng tôi làm sáo trúc từ những cây trúc rừng,rồi thày dạy thổi sáo.Tôi và Dương Quang Thanh B3 cũng trả bài được với thày bằng song tấu"Anh vẫn hành quân"tại hội diễn văn nghệ ở Quế lâm,nhưng thày chẳng đươc nghe.
    Tôi vẫn nhớ mãi người thày"không mặc quân phục"ấy.

    Đỗ Nghĩa K7.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!