Chương 1: Adagio sostenuto - Nhẹ nhàng , tình cảm
Chương 2: Allegretto - Vui tươi
Chương 3: Presto Agitato - Nồng nhiệt, mạnh mẽ.
Người ta vẫn nói : Hệ thống giao thông là huyết mạch của đất nước. Cái chuyện này chắc để mấy ông bác sĩ nhận xét, chớ tôi thấy nó thực sự gắn liền với nền kinh tế.
Nhớ cái hồi chúng ta mơ tới “đường ta rộng thênh thang” mà chỉ cần có “tám thước” là đủ! Mà đúng vậy, chỉ mấy cái xe đạp, vài ba cái xe “cải tiến” thì rộng làm gì, đường cũng chẳng cần phải trải nhựa, lát bê-tông. Hoàn toàn thể hiện nền kinh tế của thời đó là vậy. Chỉ toàn làm ăn nhỏ lẻ, trồng vài cây chuối, con trâu đi trước cái cầy đi sau, nuôi trồng đủ ăn là thỏa mãn thì chính sách, luật lệ cũng thật đơn giản : thành lập Hợp tác xã, đóng thuế nông nghiệp …. Vận động nhau mà làm.
Chớ đâu có “phức tạp” như các nước Âu Mỹ. Kinh doanh đủ dạng, công ty lớn, công ty nhỏ cứ như xe tải, xe buýt với đủ kiểu cao thấp, dài ngắn chen nhau chạy ào ào với tốc độ cả trăn cây số / giờ. Bởi vậy nó mới phải có đường xá rộng rãi với chín mười làn xe. Đường thì phẳng lỳ phân chia rõ ràng, tuyến nào ra tuyến đó, đường xa lộ, đường làng, đường tỉnh khác hẳn đường trong thành phố. Rồi thì đủ thứ luật lệ, đi bên trái, bên phải, đèn xanh đèn đỏ, bảng chỉ dẫn …. Không thiếu thứ gì giống như luật lệ kinh doanh cho các doanh nghiệp vậy. Mọi thứ đều rõ ràng, công ty lớn phải làm gì, công ty nhỏ phải như thế nào, muốn kinh doanh thì phải chấp hành luật lệ do nhà nước đề ra và cái luật ấy phải có trách nhiệm ra sao với họ. Mọi thứ rành mạch cứ như xe chạy trên đường có chỉ dẫn, có bảo hiểm. Có tắc xe cũng theo hàng, theo lối. Nhìn xe chạy trên đường là thấy ngay nền kinh tế chúng nó có lớp lang, bài bản. Mặc sức mình làm theo khả năng (chạy hết tốc độ) nhưng nhất định phải trong khuôn khổ luật pháp (đi đúng tuyến, đúng đường), nếu sai sẽ bị phạt liền hoặc rước họa vào thân mà thôi.
Còn ở xứ mình thì … Ôi, không biết nói làm sao! Nhất là ở mấy cái thành phố lớn như HN, HCM thì đủ các thứ xe chen lấn nhau, từ xe buýt to đùng tới xe du lịch sang trọng và nhất là xe gắn máy cứ như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang chen lấn với các công ty, tập đoàn trong thương trường vậy. Đường xá mới nhìn thì cũng bài bản lắm, có vạch, có tuyến, có đèn, có bảng … đủ cả, nhưng chẳng có ai chấp hành cứ như luật pháp đề ra để trưng cho đẹp vậy. Mà cũng chính cái người đề ra luật lại nhân danh những mục tiêu của tương lai làm cản trở luật gây ra ách tắc vì “lô cốt” đào đường, vì đắp mô sửa chữa gây ngập úng tràn lan rồi bẻ quẹo hướng đi cho doanh nghiệp “chạy” lòng vòng vào các “ngõ hẻm” tìm hoài không thấy đường ra. Mà các doanh nghiệp thì mặc sức ai nấy đi. Mấy tập đoàn của nhà nước lớn như cái xe buýt chạy trên đường được ưu tiên chen vào đám xe gắn máy của tụi tư nhân nhỏ lẻ mà “lách luật”. Đã thế lại còn bấm kèn inh ỏi, thậm chí chửi rủa khách hàng cứ như đang lớn tiếng ca thán, phê phán mọi người “ngu” không biết sử dụng sản phẩm, dịch vụ độc quyền của tôi! Mấy anh cảnh sát đại diện pháp luật giữ trật tự thì tối ngày “tám” với nhau mà than “ý thức” với “dân trí”. Mà cũng đúng thiệt. Xe gắn máy tràn ngập, chạy bất chấp luật lệ, bên phải bên trái, dưới lòng đường trên vỉa hè, đi ngược chiều … không thiếu kiểu gì cứ như là muốn đóng thuế thì đóng, muốn kinh doanh gì cứ làm chẳng cần xin phép ai, chẳng cần biết luật quy định gì nhưng hễ bị “đụng” tới là la lên : em nghèo, em không có tiền nộp phạt, nhà nước phải thương dân chứ …. Vậy mà công an vừa quay đi là “em” nhẩy lên xe lạng vòng qua mũi ô tô văng tiếng Đan mạch rồ ga vượt đèn đỏ chạy thẳng! Mấy ông ngồi trong xe máy lạnh nhìn đời qua kiếng chép miệng “hết sức thông cảm” với chuyện kẹt xe rồi vội nhấc điện thoại kêu công an lại dẹp đường để mấy ổng đi họp kẻo trễ thì không ai định hướng chiến lược với tầm nhìn tăng thuế, thu phí giao thông sau khi tái lập mặt đường như thông qua luật bổ sung, sửa đổi thì dân còn khổ nữa!
Đúng là chỉ nhìn xe cộ lưu thông trên đường là hiểu được nền kinh tế của xứ mình thấy muốn … “lên máu”! Hèn nào người ta gọi nó là “huyết mạch”.