Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

CHUYỆN XƯA

Đi lang thang trên cầu cả tiếng đồng hồ, thấy cháu gái chủ quán đậm nét “ tương Bân “ thế này mà không dừng lại mới thật là hâm. Nhưng các bác cũng đừng cho là tôi thế này, thế nọ, tôi ngồi lại là do khoái tán dóc và cái máu thích giao lưu thế hệ nó xui khiến.

Cái áo nâu cô cháu sinh viên mặc thật tình nó gợi cho tôi nhớ về một thời của các cô, các bà nhà ta ngày trước vẫn thường mặc. Cái áo nâu ngày xưa nó thế nào nhỉ ? Theo tôi thì cái áo ấy ngày xưa nó không có cổ, may chiết eo, các bà, các chị mặc vào nó ôm sát lấy người, trông nó khỏe mạnh, chắc lẳn như cái bánh chưng được ép kỹ, căng phồng nhựa sống, đường nét đâu ra đấy. Còn cái áo hôm nay nó được cách tân, cách điệu, nó rồng rộng, lỏng lỏng thế nào ấy. Tà thì sẻ lên đến tận nách thì chiết eo vào đâu được, thay vì phải “chiết” nó lộ nguyên cả cái eo trắng trần nom như cái bánh dày trắng được vắt sơ bằng mảnh lá chuối nhỏ xanh. Ừ nhưng mà trông nó cũng mềm mại, bay bay và thướt tha đấy chứ. Mỗi thời mỗi vẻ, dù sao các cô, các bà xưa và các cháu gái bây giờ vẫn cứ là con gái Hà Nội mà.

Giữ chân tôi lại ngồi uống nước không chỉ chuyện xiêm ý áo mũ, mà còn có cả lời mời đon đả rất xưa, rất quen này nữa :” Vào uống nước xơi quà, chú ơi !” . Lời mời này từ cái bác gái trong ảnh tay cầm tấm bìa làm quạt ấy, lớp người đại diện cho các cô, các bà xưa đây. Nhìn mấy cái bát úp gọn gàng trên cái mẹt tôi cứ nghĩ mình sẽ được uống chè tươi, cũng hay! Thì cái bác gái ấy đã nhanh miệng giới thiệu giùm cô cháu gái :” chú uống nước đi, ủng hộ cho các cháu sinh viên. Chúng nó pha trà ngon lắm, uống mát và thơm chả kém gì trà 0 độ .”. Ra thế ! Chè tươi hiện đại được sánh với trà 0 độ đóng chai, cái bát người xưa vẫn dùng được thay bằng cái cốc nhựa mỏng, dùng một lần rồi vứt. Thôi thì cứ nhâm nhi ly trà tân thời mà liên tưởng, mà so sánh xưa và nay. ..

Đúng là mọi cái đều gợi nhớ cũ xưa nhưng lại khác rất nhiều. Này nhé! Kẹo vừng, kẹo lạc ngày trước người ta đựng trong một cái lọ thủy tinh trắng xanh, nó lỗ trỗ những bọt khí mới phải. Bên trong lọ thế nào cũng có ít vôi bột ở đáy để chống ẩm, ngăn chia giữa kẹo với vôi là một mảnh báo mỏng, chứ không bọc kẹo bằng nilon như bây giờ. Lạc luộc không ai để trong bát mà thường để trên cái đĩa Bát Tràng méo mó nhưng cứng cáp, dầy dặn…Và rất nhiều thứ khác nhìn chỉ gợi nhớ nhưng chẳng giống xưa. Ước lệ hay phiên phiến hình như bây giờ người ta cho nó như nhau về nghĩa thì phải.

Cô cháu sinh viên bán hàng chắc từ hôm qua nghe được nhiều chuyện nhưng thấy cháu nó hỏi tôi chuyện sơ tán, chuyện cây cầu bị bom Mỹ đánh gãy cứ mơ mơ màng màng sao đấy, rồi hỏi chú có kỷ niệm gì với cây cầu này không ?… Đúng là nhiều chuyện, ngày xưa đá bóng dưới sân ngoài bãi kia, đi qua cây cầu lúc bằng tầu, lúc bằng ôtô và cả những lần đi bộ. Hồi chống Mỹ còn thấy pháo ta đặt tít trên chỗ cao nhất của cây cầu để bắn máy bay. Đứa trẻ nào sống ở Hà Nội mà chả có chuyện về cây cầu, dù chỉ toàn những chuyện bình thường vặt vãnh có gì mà kể. Tôi nói với cháu nó :
- Thật khó kể ! Cũng như hôm nay cháu ngồi đây, chuyện thường thường nho nhỏ thế thôi ! Mai sau khi cháu là mẹ, là bà rồi khi ấy mà nhìn lại tấm hình hôm nay ngồi bán nước trên cầu hẳn sẽ thấy nhiều điều. Đấy ! Không ấn tượng và sâu sắc lắm đâu mà nó cứ nhè nhẹ thoảng qua thế thôi

14 nhận xét:

  1. Mình cũng hay có những suy nghĩ tương tự như thế khi xem phim về ngày xưa. Ví dụ hôm gần đây có bộ phim nói về cô sinh viên ở Leningrat nói năm 1975 suốt ngày xem TV về những cảnh giải phóng miền Nam. Mình cứ thấy nghi ngờ. Năm 1975 mình cũng ở Liên xô, ở hẳn Lomonoxop mà cũng chẳng có TV để xem cả ngày. Rồi lại còn anh tình báo bay từ miền nam ra nữa. Chắc hẳn anh ta phải là Uỷ viên Bộ Chính trị hay Ban Bí thư!

    Trả lờiXóa
  2. "Chuyện xưa" của KV lại cứ nhắc hộ tớ nhiều cái "khắc khoải" về ngày xưa quá! cái ngày xưa ấy cứ như mới hôm qua vậy. "Quay đi quay lại đã gần 40 năm rồi" nói theo kiểu các cụ...lại ngày xưa.
    Chỉ làm mấy ông ở xa lại nhớ HN da diết.

    Trả lờiXóa
  3. DUNG ZAY.CAM ON KV NHIEU NHE.BAN CUNG KHU.

    Trả lờiXóa
  4. Xin phép KV được mang bài này về blog lớp phổ thông của tôi.

    Trả lờiXóa
  5. Đúng ra là phải uống nước vối nóng chứ? thật nóng?

    Trả lờiXóa
  6. sao KV mắt tinh thế? Nhìn ảnh thì không thấy "nó lộ nguyên cả cái eo trắng trần nom như cái bánh giày trắng được vắt sơ bằng mảnh lá chuối nhỏ xanh". Hay còn ảnh mà KVK7 "sợ mất bản quyền tác giả" không đăng lên?

    Trả lờiXóa
  7. Người Hà nội không viết sai chính tả như : Chiều ra bờ xông ( phải là sông mới đúng ) . Hay là cái thời bình dân học vụ lại gặp phải ông thầy Hà nội 3 nên mới có tai nạn này ?
    Già rồi nên khó tính , cứ thấy sâu là nhặt . Cơ khổ ...
    K6LS

    Trả lờiXóa
  8. @Lê Thanh: khi viết bài này ( tay gỗ bàn phím nhưng mắt lại đang ngắm mấy ông bạn khóa 7 đang họp trong Sài Gòn cùng cô ca sĩ Thu Thủy) thành ra viết có sai lệch tý chút.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  9. -Ối giời, nhà văn KV viết về cái áo tứ thân của cô hàng chè xanh lại nhìn cái eo trên chiếc áo "đờ mi áo dài" của cô ca sỹ! He he...
    -Bánh Giầy hay là bánh Dày thì đúng?

    Trả lờiXóa
  10. @Đỗ Nghĩa: bánh dày mới đúng
    @KViệt: văn chương dạo này lên tay ghê
    NKThai hàng xóm HVT đây

    Trả lờiXóa
  11. Tình trạng của KV hiện nay:
    Văn chương thì lên tay
    Tửu lượng lại "xuống" mồm

    Trả lờiXóa
  12. @VinhNq:
    Tình trạng của KV hiện nay:
    Văn chương thì đã lên tay
    Tửu lượng đi "xuống", "mơ màng" đi lên

    Trả lờiXóa
  13. Lê Thanh coi lại ảnh mấy ông khóa 7 SG đi, tả thực chứ "mơ màng" gì. Lúc trên cầu mà cháu sinh viên có cái áo xánh ấy thì chả có cái cảnh " bọ" ngồi uống nước một mình đâu nhé.

    Trả lờiXóa
  14. Quả thật nhìn " em cháu " cũng mát da mát thịt đáo để nên " anh chú " quyết định mua cốc nước trà ( tiền nong không thành vấn đề ) và ngồi ... ăn vạ ngay tại đấy . Suy tư chứ mơ màng gì , phải vậy không ?
    K6LS

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!