Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

KÝ ỨC CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH *

Đọc trên diễn đàn Quân sử Việt nam, được biết có một lính Trỗi tham gia dưới bút danh Phong Quảng. Đọc những dòng ghi chép về những kỷ niệm, những ký ức, những mẩu chuyện mà Phong Quảng đã trải qua trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam giai đoạn 1974-1975 tại chiến trường Trị Thiên, mới thấy được nhiều về sự gian khổ, hy sinh mất mát của người lính. Những ghi chép giản dị của Phong Quảng đã thể hiện được tính chất khốc liệt của chiến tranh, thể hiện được tình cảm trong mỗi người lính về quê hương đất nước, tình cảm gia đình và tình đồng đội. Dù cuộc chiến khốc liệt, giữa cái sống cái chết, tình yêu đôi lứa vẫn nảy nở …Những tình cảm ấy chỉ làm đẹp thêm cho hình ảnh người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc….
Được sự đồng ý của tác giả, ÚT TRỖI sẽ lần lượt đăng lại những ghi chép mà Phong Quảng đã ghi lại trên Quân sử Việt nam.
Chân thành cảm ơn tác giả.

Còn đúng một tháng nữa là kỷ niệm 34 năm giải phóng Quảng Trị _19/3, tiếp sau đó một tuần là đến giải phóng Huế_ 25/3. Là anh lính Trị Thiên, mỗi năm cứ đến ngày này là ký ức lại tràn đầy trong tôi. Tôi xin chia sẻ với các bạn trong Quân Sử Việt nam về những ngày ấy, những trận đánh cuối cùng trong đời binh nghiệp của tôi…Tất nhiên tôi sẽ kể cho các bạn nghe những gì tôi thấy và cảm nhận của một người lính khi đó.
Không biết phải bắt đầu từ đâu khi kể về một sự kiện, một chiến dịch và một trận đánh. Với tầm hạn chế của anh lính cấp phân đội có lẽ tôi nên bắt đầu bằng những phần việc của người lính và học tập lối viết của bác "baleo" là lật dở từng ngày một cho đến khi lá cờ xanh đỏ phất phới trên Phú Văn Lâu.

CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NGÀY_ CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NĂM.
Đây là cái tít của chương III trong ký sự “ Bắc Hải Vân xuân 1975” của nhà văn Xuân Thiều. Nhà văn Xuân Thiều viết với tư cách cán bộ trợ lý tác chiến quân khu Trị Thiên. Ông viết ở tầm bao quát rộng và theo tôi là rất xác thực, điều này tôi cảm nhận được từ những gì ông mô tả các trận đánh của e4 chúng tôi ở Phong Điền, Quảng Điền. Chương này ông nói về không khí chuận bị chiến trường của toàn mặt trận Trị Thiên, còn tôi chỉ viết những gì xảy ra quanh tôi bởi ngay những chuyện trong cùng trung đoàn nhiều khi tôi cũng không biết.
Lùi lại nửa cuối năm 1974, e4 chúng tôi bắt đầu chuỗi những trận đánh ở tả ngạn Ô Lâu. Trung đoàn 2 sư 324 tập tành mấy tháng nay ở tuyến 2 nghĩ là để cùng vào trận với chúng tôi lại đột ngột biến mất, để lại một khoảng trống sau lưng chúng tôi. Tâm lý sợ lạnh lưng, hở sườn ông lính nào chả có, cả dải phòng tuyến hơn 20km chỉ còn có e4 , k10 (tỉnh đội) và lính địa phương huyện. Phía tây bắc là bọn Trâu Điên ( lữ 258) phía đông nam là tụi 147, chúng tôi phải rút bỏ một số vị trí ( gài mìn để lại ) dồn về thượng Ô Lâu đánh các điểm cao 61, Không tên và bình độ 50. Những trận đánh này có nhiều câu chuyện đáng nhớ lắm như có gói thuốc Điện Biên qua tay địch lại về tay ta vẫn còn 18 điếu, vì sao vậy? Những người biết nó vì sao đều đã chết trận ( ở cả hai phía ) đêm ấy. Việc sử lý tù binh bị thương ra sao.v.v . Nhưng xin để dịp khác vì tôi đang muốn nói những cái liên quan tới 1975.

Bác Xuân Thiều nói cuộc chuẩn bị ba mười ngày, rồi ba mười năm thì cũng kệ bác ấy. Tôi xin bắt đầu sự chuẩn bị của chúng tôi từ sau những trận đánh mùa mưa 1974 ấy.
Tôi được đề bạt “ A bậc phó” lần thứ hai, các bạn chớ nghĩ tôi bị kỷ luật nghe. Cái lần đầu tiên ấy là do có mấy bà văn công quân khu về tiểu đoàn , lính tráng mừng rơn. Tôi vừa ở chốt về nghe tin cũng mừng khấp khởi, từ ngày vào chiến trường đã bao giờ được xem văn công đâu. Đùng một cái, hôm sau có lệnh quay lại chốt thay cho một cậu vừa lên thay mình, thật vô lý!. Bức xúc quá tôi lên gặp chỉ huy thắc mắc, đại đội hỏi trung đội, trung đội trả lời tôi là A phó.. Lần phong “miệng” đó kết quả là tôi lại phải lên chốt và mất một dịp được xem văn công. Mấy bà văn công diễn xong đi, tôi lại là anh xạ thủ số 1_ 12ly “vác” và vẫn binh nhất.
Lần phong này khác hẳn, có quyết định Hạ sĩ đàng hoàng và lệnh đi học pháo ở Quân Khu. Các bạn ạ thế là sau 2 năm 2 tháng (8/1972_10/1974) tôi mới được lên một cấp đấy.
Cùng đi học với tôi có hạ sĩ A bậc trưởng Lang Khùn ( một đồng đội người dân tộc Thái_Nghệ An, nhập ngũ 1971, đã tốt nghiệp lớp 10 PT). Chúng tôi lên gặp chính trị viên Sen trước khi rời đơn vị. Anh Sen dăn dò :” Các cậu đều có văn hóa, gắng học nắm vững kỹ thuật , về còn hướng dẫn anh em nữa.”
Chết thật! học pháo xong lại về biên chế của tiểu đoàn bộ binh nghe lạ quá. Mới nghe “Pháo” là tôi đã mừng hú, chào cánh bộ binh thôi, từ nay “em” đi trận bằng xe xích, xe hơi rồi. Nghe chính trị viên nói tôi chả hiểu là thế nào nữa(?), lên đến trung đoàn, trưởng ban pháo bảo :” Các cậu cứ lo học đi, đừng thắc mắc.”
Phụ mấy lính vệ binh trung đoàn rong tám thằng thủy quân lục chiến bị bắt ở điểm cao 61 ra quân khu, đến Đông Hà thì chia tay . Chúng tôi đi nhận tân binh , nhận lớp sau đó học hơn một tháng thì xong. Cái loại pháo chúng tôi học là “ canong 57” , các bạn nào đã xem những bộ phim thời “chiến tranh vệ quốc vĩ đại” của Liên Xô cũ thế nào cũng thấy nó. Hình như cái anh CCCP này moi từ bảo tàng ra thì phải, lính tráng đùa nhau bảo còn mấy trăm viên đạn bắn rồi quăng pháo đi. Chẳng biết có mặt trận nào được trang bị như thế không còn Trị Thiên thì có e4, e271, d3 Quảng Trị, du kích Do Linh mỗi đơn vị 4 khẩu. Huấn luyện chúng tôi là đại úy Vạn người của phòng Pháo quân khu.
(Còn tiếp)
* Tiêu đề do UT tự đặt.

7 nhận xét:

  1. Hai năm anh nuôi phấn đấu cật lực được đeo hạ sỹ đi học pháo. Hoan hô.
    Đùa bạn cho vui, tôi cũng đọc thường trang quân sử và hiểu biết được rất nhiều về những người lính trong chiến tranh. Nhiều bài viết hay và cảm động. Luôn luôn cảm phục và cám ơn các bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Anh trai mình - Nguyễn Thế Thiệp (kề trên anh Thịnh) - cũng là lính pháo, anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Ngãi. Nếu tình cờ có ai từng cùng chiến đấu hoặc biết về anh mà kể lại cho mình được biết thì thật may mắn.

    Trả lờiXóa
  3. Thái vô quansuvn kể lại đơn vị nào?Chiến đấu và hy sinh ở đâu?Có thể sẽ có người biết?Chúc bạn may mắn.

    Trả lờiXóa
  4. Sao chờ cái " CÒN TIẾP " lâu thế không biết ?????

    Trả lờiXóa
  5. Muốn đọc QUÂN SỬ VN thì làm thế nào hả các anh chị ?

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn Đạt đã giới thiệu địa chỉ.

    Trả lờiXóa
  7. @Quế lâm:
    Trang Quân sử Việt nam có địa chỉ như sau: http://www.quansuvn.net/ hoặc VÀO ĐÂY LUÔN

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!