Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

Chuỵên về LS Trịnh Thúc Doanh k5 qua những người lính Thành cổ

Bạn bè cùng trang lứa ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kháng Mỹ có đến chục bạn hy sinh ở mặt trận Quảng Trị. Nhưng nằm lại Thành cổ có ba bạn cùng lớp: Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh. Tới hè năm nay, chúng tôi mới có dịp cùng nhau vào thăm các bạn nằm lại Thành cổ. Xin ghi lại chuyện cảm động về LS Trịnh Thúc Doanh như một nén tâm nhang thắp cho các bạn.

Xếp bút nghiên

Tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân, Doanh vào học khóa 15 Cơ khí Bách khoa. Đang học năm thứ nhất thì có lệnh Tổng động viên, Doanh lên phòng Giáo vụ đăng kí. Lẽ ra chưa phải đi đợt này vì bố mẹ đang tại ngũ, nhưng lúc “nước sôi lửa bỏng” thì mẹ nào ngăn con.

Ngày 6/9/1971, Doanh cùng nhiều sinh viên nhập ngũ. Sau đợt huấn luyện, các bạn được tăng cường cho Sư đoàn 325 của Tư lệnh Lê Kích và Chính uỷ Nguyễn Công Trang, chi viện ngay cho Quảng Trị. Cùng Doanh còn có Lê Minh, Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường, Lê Bình… Lính F325 đã kiên gan bám giữ Thành cổ suốt 81 ngày đêm.

Ngày giỗ bạn

Gian nan, ác liệt. Tới ngày 28/7, Cường anh dũng hy sinh trên tay Lê Bình; ngày 5/9 thì Lâm đi. Và, đúng ngày thứ 81 - 16/9/1972, đến lượt Doanh. Vậy là các bạn ra đi đã 37 năm! Ai cũng quá trẻ - mới mười chín, đôi mươi!

Từng đến dự đám giỗ của nhiều LS nhưng ngày 9/8 âm năm ngoái là lần đầu tôi đến thắp hương cho Doanh. Bà Lê Mai, mẹ Doanh, làm sớm một ngày để con cháu về dự đông đủ. Căn hộ trong khu tập thể Viện 108 hôm ấy xanh rờn áo lính. Ngồi cạnh mẹ là anh em cùng lớp: Thế Vinh, Tuấn Kiệt, Công Chính, Việt Dũng… góc kia là bạn cùng sư đoàn: Lê Bình (cựu sinh viên Thủy lợi), Lê Xuân Tường (Xây dựng), Nguyễn Đức Minh (Bách khoa), Lê Minh (Tổng hợp)... Mẹ cứ tiếc: “Hôm nay vắng thằng Dũng (giáo viên Bách khoa) và thằng Toàn (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hưng Yên). Giỗ Doanh năm nào chúng nó cũng về”.

Chúng tôi cùng thắp những nén nhang cho Doanh. Trên ban thờ cạnh bằng “Tổ quốc ghi công” là kỷ niệm chương “Bảo vệ thị xã – Thành cổ Quảng Trị 1972” và “35 năm CCB sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Khói nhang cay sè.

Chuyện qua lại mới biết tình cờ mà Tường tìm được gia đình Doanh. Chả cùng làm việc với Hải rồi anh em tâm sự mới biết Hải là em dâu của bạn cùng sư đoàn. Từ đó, Tường báo tin cho đồng đội ở E95 và năm nào giỗ Doanh anh em lính E95, F325 thời Quảng Trị cũng kéo đến chật nhà. Anh em gọi bà Lê Mai là “mẹ của trung đoàn”.

Râm ran chuyện chiến đấu, chuyện “Mùa hè đỏ lửa”… Trận mạc ác liệt, Lê Bình chỉ gặp Doanh một lần khi đi lấy gạo. Còn Tường thì nhớ lại: “Bố Doanh là bạn chiến đấu với Trung đoàn trưởng Lý Long Quân nên xin phép cho Doanh vào sau một chút. Đầu tháng 7/1972, E95 vào Thành cổ thì tháng sau Doanh mới có mặt. Những ngày cuối, bom đạn càng ác liệt, anh em hy sinh nhiều. Tối tối đổi quân ở bờ sông Thạch Hãn mà cánh rút ra lần nào cũng ít hơn cánh vào Thành. Chiến đấu ác liệt, rồi E95 chỉ giữ được mỏm sông bờ nam cuối cùng. Đêm 16/9, được lệnh rút thì Doanh hy sinh khi vượt sông Thạch Hãn. Chuyện này Toàn nắm khá kĩ…”.

Hàng chục năm trôi qua sau nhiều lần kì công tìm kiếm nhưng chả còn hy vọng tìm được hài cốt Doanh, mẹ Mai lấy về bọc đất đúng ở bờ nam sông Thạch Hãn nơi con hy sinh, coi đó là hài cốt rồi làm thủ tục đưa vào NTLS phường Đình Công, Thanh Trì, Hà Nội. Hôm đón Doanh về, mẹ lấy cái áo bông Doanh mặc hồi thiếu sinh quân hoá cho bạn. Tuấn Kiệt rân rấn nước mắt vừa đốt vừa kể: “Thời ở trường, hai thằng đã mặc chung cái áo này…”.

Chuyện của nhân chứng sống

Có số máy của CCB Toàn, tôi nhấn số: “Xin phép nói chuyện với anh Toàn, Sư 325!”. “Vâng, tôi Toàn đây!”, rồi anh bắt đầu…

Trịnh Thúc Doanh vào sau trong đợt đổi quân và được phân về cùng hầm với tôi và Phú. Doanh hiền lành, trẻ măng; tôi còn nhớ, mặt có ít tàn nhang. Doanh kể gia cảnh có bố đang làm việc tại Viện quân y 108... Ngày ấy ác liệt, đạn pháo, đạn đại liên từ máy bay L19 bắn rát 24/24 không ngóc đầu khỏi hầm. Thậm chí mót tiểu cứ đái ra tay rồi hất ra ngoài. Mưa nhiều, hầm ngập toàn bùn trộn lẫn máu nên hôi hám.

Lúc vào Thành cổ, Doanh mang theo hộp sữa đặc (chắc mẹ nhét vào ba lô trước khi đi). Đói quá, mấy tên lấy thông nòng AK khui hộp rồi thay nhau tu. Sữa quá đặc nên khát nước, cứ thế vục nước sông mà uống. Vậy là cả bọn đau bụng đi ngoài. (Có đứa khó chịu đánh rắm ra cả quần!).

Anh em E95 kiên cường giữ được mỏm cuối cùng phía bờ sông, ba phía còn lại quân địch dần thít chặt vòng vây. Đêm 16/9 được lệnh rút, anh em từng tốp lao ra phía bờ sông. Lúc đó đã muộn. Trời tối đen. Trong nhóm, Doanh chạy trước, tôi và Phú chạy sau. Tới sát bờ thấy Doanh đã nhảy tòm xuống sông. Thật bất ngờ lúc ấy có quả đạn pháo bắn đúng vào chỗ Doanh vừa xuống. Nghe nổ, theo bản năng chúng tôi lăn mấy vòng, khi thấy yên mới nhảy xuống tìm Doanh. Hai đứa chỉ dám gọi khe khẽ “Doanh ơi!” vì địch ngay sát. Quờ quạng bơi quanh bờ mà chả thấy.

Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần nhau gang tấc, không còn thời gian, hai thằng phải bơi vội sang sông. Thật may khi qua sông không bị quả đạn pháo nào. Sang đến nơi mới thấy pháo sáng rực trời. Cả ngày hôm sau tôi nằm trong hầm ngập nước ở Nhan Biều ngủ li bì. Có lẽ Doanh trúng đạn rồi bị cuốn trôi theo dòng. Khi ấy đang là mùa nước…

Trong tôi chợt văng vẳng câu thơ:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…

Tháng 6/2009 – trước ngày đi

9 nhận xét:

  1. Bài này thấy quen quen

    Trả lờiXóa
  2. Đã viết (chưa sửa) 1 lần trên Bantroik5. Nhưng nay phục vụ Đắc Hoà nên post lại.

    Trả lờiXóa
  3. Tháng 6/2009 – trước ngày đi

    Trả lờiXóa
  4. @anh KQ: Cảm ơn anh đã cho em biết thêm thông tin đầy đủ về LS TTD.
    DacHoaK7

    Trả lờiXóa
  5. THAT DANG NHO VA CAM DONG.MONG CAC ANH,CAC BAN LS LUON BIET RANG LINH TROI VAN LUON NHO VA CAM PHUC CAC ANH.CAC BAN NHIEU NHIEU.

    Trả lờiXóa
  6. Một tuổi trẻ trong sáng và vẻ vang. Bình yên của đất nước được đổi bao xương máu của lứa trẻ này. Làm sao dạy cho lớp người sau đừng quên điều đó. Chuyện về người lính trẻ nghe sao mà thành kính và thương cảm đến xót xa...

    Trả lờiXóa
  7. Chuyện này không bao giờ cũ!Nó nhắc nhở chúng ta,vẫn còn những người mẹ,những gia đình đang ngày ,đêm mòn mỏi chờ con mình trở về dù với hình hài như thế nào!Lâu lâu vẫn phải nhắc lại anh Quốc ạ.

    Trả lờiXóa
  8. Anh hiểu Đạt nói gì! Chí ít đấy cũng là niềm tự hào của anh em ta và nhắc nhở ta phải biết sống cho tốt.

    Trả lờiXóa
  9. Doc lai bai cang nho TTD nhieu!Hoi o Troi cung trung doi,nhung sao vao DHBK lai ko gap nhau lan nao.K5 la mot trong nhung khoa co nhieu LS nhat ma Quang Tri la noi chung ta hy sinh nhieu nhat.Doanh "Man" oi tao nho thuong may! NT

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!