Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

KÝ ỨC CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH (Phần tiếp)

Thấy "Quế lâm" thắc mắc và sốt ruột quá, phải đăng tiếp.

Có một câu chuyện vui ngoài lề lấp chỗ trống để linhmoi đọc cho đã ( cũng là chuyện thật 100%)

Ra đến Thanh Hà ,Gio Linh thì mới biết mình học pháo mặt đất 57 ly nòng dài. Tôi buồn quá, các bạn có biết ở mỗi đại đội bộ binh lúc bấy giờ bao giờ cũng có 2 khẩu cối 60 ly, Pháo mới nòng so với lính bộ bình còn thua thì pháo phót gì, đúng là pháo “tét”. Tôi nhìn khẩu pháo , người “bạn” cùng những trận đánh sắp tới của tôi mà chẳng biết nói sao. Nòng bé tẹo,chỉ được cái dài ( 4m),hai bánh xe như hai bánh xe bò. Tôi nhớ ra là đã từng gặp nó trong các bộ phim xô viết thời chiến tranh vệ quốc. Quả đúng, nó là hung thần của các xe tăng Đức ngày đó. Càng buồn hơn khi mấy hôm sau, tôi nhận các tân binh về tiểu đội thì bên nhà bên cũng có một trung đội nữ du kích cùng tham gia lớp học với chúng tôi. Cứ nghĩ mấy thằng cùng nhập ngũ nó sang quân đoàn 2 mà thèm, vẫn tự an ủi , thôi mình cỡ lính quân khu, lính tỉnh cũng oách chán. Lo nhất học xong lại xuống lính huyện, lính xã thì chán chết. Tạm cất cái chuyện này đi đã, tôi vào ngay cái chuyện “săn bắn” ngay đây không anh em lại cho thằng này lan man.
Cái trung đội nữ du kích Do Linh cùng khóa chúng tôi,hàng ngày cùng ngồi một “ giảng đường” nên không khí học cũng say sưa hơn. Chiều chiều sau giờ cơm, lính nhà ta cùng vài o bên nớ cũng thơ thẩn chuyện mây gió…Tiểu đội tôi có thằng Huấn tiểu đội phó, hắn nhập ngũ cùng tháng, quê Hải Dương. Tôi quí hắn vì trông hắn thư sinh, da trắng, tóc quăn, đẹp trai và có duyên lắm. Hắn cũng quí tôi vì cũng cao ráo, mác trai Hà Nội lại thoáng. Phải cái nó rất “máu” gái, suốt ngày sang chuyện trò với du kích. Mỗi lần hội ý tiểu đội tôi cứ phải sang gọi, lâu dần tôi mắc chứng nghiện sang “gọi” nó. Thế có chết không, ông trưởng, ông phó đồng tình...
Khi khóa học kết thúc thì hắn thân thiết lắm với một o tên B, còn tôi thân với o T. Ngày chia tay , lính hai bên lưu luyến lắm. Sau bữa liên hoan bế giảng, hai bên tràn sang nhau ghi lưu bút, tặng này tặng nọ.v.v. Với ai không biết nhưng tôi với T dù đã khá thân nhau nhưng vẫn có khoảng cách. Đến hôm nay khi chia tay , chúng tôi hình như cùng thấy mối tiếc lắm lắm. Ngày mai chúng tôi xa nhau có thể là mãi mãi. Tôi hẹn T, mai sẽ đến nhà thăm gia đình cô ấy, T đồng ý…
Về gường đêm ấy Huấn thủ thỉ: "tao hẹn B tối mai gặp nhau ở cầu xi măng " Hắn còn bảo :”về nhà làm gì mất thời gian thưa mạ, thưa cha lắm, mai hẹn ra cầu cùng tao không hơn à.”. Sáng hôm khi các o du kích trở về địa phương, tôi qua hẹn lại với T và thông báo cả chuyện Huấn và B, chúng tôi có thể cùng đến cầu xi măng .
Chiều tối hôm sau, tôi và Huấn mò ra cầu xi măng. Hai thằng ngồi trên thành cầu hồi hộp chờ đợi. Trời tối hẳn, sắp tới giờ “G”, chúng tôi càng nóng ruột, cứ đốt thuốc liên tục. Mắt hai đứa nhìn xa thẳm theo con đường dẫn ra biển. Xa xa thoáng thắp ánh đèn, ngày một rõ. Tim tôi rộn lên, tôi tự nhủ lần này trước lúc chia tay phải mạnh dạn lên …Ánh đèn chập trờn trong gió, sáng dần. Chúng tôi bắt đầu nghe tiếng chân bước, hơi lạ vì tiếng bước chân nằng nặng. Không chịu nổi chúng tôi rời chỗ ngồi tiến về phía ánh đèn. Khi nhận ra được điều gì … thì bà mẹ đã kêu lên : ” May quá! ..Các chú giải phóng ơi!.. Giúp mạ con tui với!..” Trước mắt tôi là một bà mẹ và một cậu bé chừng 14 tuổi. Trên vai hai người là một cáng võng. Cả hai người run run kiệt sức. Chúng tôi điếng người nhưng theo phản xạ hai thằng ghé vai đỡ cho họ. Tôi hỏi :” Bây giờ đi đâu hả mạ”
Nhà hộ sanh huyện! Bà mẹ đáp
Cách bao xa? Huấn hỏi
Chừng sáu, bảy cây số. Cậu bé trả lời
Chết chúng tôi rồi, sáu bảy cây, chúng tôi có bay cũng không kịp quay về được. B và T đến sẽ không thấy chúng tôi rồi. Thằng Huấn đi sau tôi nói như than : ” mạ ơi! khổ thế…”
Bà mẹ cứ nghĩ nói về mình lại bảo:” Khổ chi nữa, chừ gặp được giải phóng là sướng hung rồi.”
Tiếng rên của phụ sản trên võng làm chúng tôi quên hết mệt nhọc, cứ lao về phía trước theo ánh đèn của bà mẹ. Trong đầu thì nghĩ đến B và T.
Nhà hộ sinh huyện tối om, nhưng vẫn có người trực . Bên ánh đèn dầu chúng tôi cùng gia đình làm thủ tục cho phụ sản. Xong xuôi hai đứa ra cái giếng trước cửa, gột rửa bùn bắn vào quần áo. Chúng tôi buồn bã nghĩ đến chuyện hẹn hò . Giờ này còn ai trên cầu nữa, hai đứa cứ ngồi bên thành giếng chẳng biết làm gì.
Trong căn phòng sáng mờ mờ bỗng nghe tiếng oa oa. Cửa phòng bật mở, o y tá cầm xô nước chạy ra giếng, nói với chúng tôi :” Con trai, các eng ơi!”. Gương mặt rạng ngời lấm tấm mồ hôi, cô xách xô nước chạy vào, bóng cô bay bay, nước trong xô sóng sánh văng trên đường chạy.
Chúng tôi đứng dậy ra về, chào chú bé, công dân mới của Quảng Trị đau thương. Nghĩ đến hai o du kích, chẳng biết nói sao nữa, không kịp rồi! Ngày mai chúng tôi phải lên đường vào trận, để lại Quảng Trị biết bao vui buồn lưu luyến.

Học xong, quân ở đâu lại về đấy, Triệu, Tuẫn và Huấn( ba ông này đều là người Hải Hưng, cùng tuổi quân, từ 9/1975 đến nay tôi vẫn chưa gặp) ở lại nhận pháo, tôi và Lang Khùn dẫn anh em tân binh về Trung đoàn trước. Đến Đông Hà, sẵn tính “thoáng” tôi cho anh em ở chơi một ngày, để ai còn tiền miền Bắc thì tiêu cho hết vì bắt đầu hôm sau là rừng xanh núi đỏ, có tiền cũng chẳng để làm gì. Tôi tranh thủ đến đại đôi trinh sát tỉnh đội Quảng Trị thăm anh bạn thân, cùng nhập ngũ hiện đang làm quản lý đại đội. Ở đây tôi được ăn một bữa ngon đến giờ vẫn chưa quên, tôi nói đùa với ông bạn mình:” Đi B thế này tao đi cả đời, mà nghe như bên Trung Quốc ai làm quản lý đủ 3 năm là người ta bắn, ông làm 2 năm thôi rồi ra mà đi đánh nhau, nhỡ chết còn được làm Liệt Sĩ”. Nói vậy thôi, bữa ăn đó chỉ thêm có hộp thịt và ít bột trứng nhưng với lính thì như tiệc rồi. Bạn tôi giờ vẫn khỏe, chuyên sản xuất, buôn bán đệm mút ở phố Hà Trung phát đạt lắm. Chia tay bạn, tôi về điểm quân số vẫn đủ, may không có ông nào “tút” cả, đa số anh em thuần và nóng lòng được vào mặt trận. Tiếp đến là mưa rừng lũ suối ba ngày liền chúng tôi mới đến đoạn đường 15N gặp sông Ô Lâu, còn nửa ngày đường đi xuôi theo con sông là đến đơn vị. Nhìn dòng sông chảy cuồn cuộn, máu lười và hay “sáng kiến” của tôi lại nổi lên, tôi nghĩ : Kết mấy cái bè chuối, để ba lô lên thả trôi chắc chỉ 2 tiếng là đến đơn vị đỡ phải hành quân bộ. Gọi hai ông tân binh tên Quán, Thảo dân Quảng Nham - Quảng Xương chuyên đi biển, tôi hỏi qua chuyện sông nước và nói ý định của mình. Anh em biết chuyện ai cũng sướng (lính mới hành quân ba ngày rồi, ngán đi bộ rồi) chỉ mình Lang Khùn bảo không nên vì có phải ai cũng biết bơi đâu, nể Lang Khùn tôi bỏ ý định đi bè mạo hiểm ấy.
Về Trung đoàn mới biết được bổ xung cho c15 hỏa lực bắn thẳng. Thế là từ nay tôi phải xa C7, xa K15 nơi tôi đã gắn bó hai năm trời, ở đấy ngoài tình đồng đội tôi còn có rất nhiều tình cảm bạn bè và đông hương Hà Nội. Đơn vị mới (C15) có nhúm người mà lắm súng thật, nào DKB, DKZ_75, H12, lính đa số là người các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, C trưởng là anh Tầm người dân tôc. Chỉ mới nhìn người C trưởng tôi đã cảm tình ngay, đôi mắt to và sáng, mồm lúc nào cũng bặm lại nhưng rất hay cười, cười to nữa, tôi nghĩ anh ấy là người quyết đoán. Bây giờ có thêm 4 canong 57 cùng gần ba chục lính mới Thanh Hóa và các tỉnh đồng bằng bắc bộ nên khá đông vui, riêng Hà Nội chỉ có mỗi mình tôi. Hậu cứ của đơn vị ở ngay suối nước nóng ( bây giờ là khu du lịch nước khoáng Thanh Tân, khá nổi tiếng ở Thừa Thiên).
Tôi cùng anh em mới về được tổ chức huấn luyện các loại súng đã có của đơn vị, thời gian còn lại dốc sức làm đường kéo pháo.
(Còn tiếp)
Phong Quảng

5 nhận xét:

  1. Chuyện lỡ hẹn quá thường tình với người lính!Hẹn tối,chiều báo động di chuyển đơn vị.Không kịp nhắn gởi.Hẹn chủ nhật đến nhà chơi,đúng hôm đại đội,trung đội phân công đi công tác.Gặp phải ca khó như KV và anh bạn thì phải chịu rồi.Quân với dân như cá với nước.Nước không có cá thì nước buồn...

    Trả lờiXóa
  2. "Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta,
    Đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo,
    Đêm trăng sáng bên cầu anh...xin xà phòng"...

    Trả lờiXóa
  3. Đọc đến đoạn 2 ông chờ đến giờ G ở cầu xi măng thấy...tim mình cũng..."rộn ràng"

    Trả lờiXóa
  4. Hai eng có giờ về lại cây cầu, kiếm lại mấy o nớ và công dân năm 72 kể lại chuyện xưa kiếm chầu rượu đế Gio linh nhậu chơi, nghe có lý.

    Trả lờiXóa
  5. Thơ tặng của anh em QS:
    Địch xa thì bắn súng to
    Địch gần thì tặng cho bò mà xơi
    Hẹn o du kích đi chơi
    Thấy bà bầu chửa, bỏ rơi vác liền
    KV.K7

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!