Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

CHÀO ANH

Những năm đầy khó khăn cuối 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Mỗi năm, tôi theo đoàn công tác của HọcViện Quân Y lặn lội vào Đà Lạt khám sức khỏe và lấy các chỉ số sinh hóa-huyết học cho cán bộ nhân viên của Viện Nghiên cứu Hạt nhân. Đó là một lò phản ứng hạt nhân nhỏ chuyên dùng cho nghiên cứu và giảng dạy được tiếp quản từ chế độ cũ. Với tôi, mỗi chuyến đi đều háo hức như được đền bù những hụt hẫng từ ngày ôm tấm bằng đỏ từ LX trở về, nay được trở lại với môi trường khoa học hàn lâm. Một trong những chuyến đi ấy tôi được gặp anh. Không chỉ trong công việc. Có ngày nghỉ Viện tổ chức đi chơi thác Đatangla, đường về xe bị hư hay sao đó anh cùng chúng tôi đi bộ cả chặng đường dài. Ngay lần gặp đầu tiên anh đã cho tôi ấn tượng về một nhà khoa học lớn và một nhân cách mạnh mẽ, đôi khi đến mức xung đột với môi trường quanh anh. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu hỏi của anh: “Vì sao nhà nước lại phải quản lý đến cả cái thùng bán kem ngoài đường với dòng chữ MDQD?”. Một câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng ngày ấy sau bao nhiêu năm sống trong môi trường của CNXH chúng tôi không dễ mà nhận ra được, huống chi là nói ra thành lời.
Rồi đến 1986 tôi rời Học Viện Quân Y vào đầu quân cho anh. Viện HN ưu ái cho tôi có gia đình ở SG nên dù biên chế ở Đà Lạt, tôi vẫn có thể làm việc ở SG và vài tuần một lần mới phải lên với xứ sở rừng thông. Xã hội lúc này đã khác với hồi tôi mới gặp anh. Theo làn gió đổi mới, nhiều nhà khoa học cũng thấy không thể còn sống được trong tháp ngà của mình mà phải tìm đường ra, nhưng đi theo đường nào thì có nhiều ý khác nhau, tình hình nội bộ Viện không tránh khỏi lủng củng. Anh cũng chẳng thoát khỏi cái sự ấy. Nhưng trong con mắt tôi và nhiều người trẻ khác trong Viện, anh vẫn là một nhân vật cho chúng tôi ngưỡng mộ. Tôi cũng tìm mọi cách để thoát khỏi môi trường tù hãm của một viện nghiên cứu theo cơ chế bao cấp. Thử cả những việc như nhuộm tròng kính mát, pha mầu đá quý, phân kim... chả cần gì phải đi học nước ngoài về mới làm được. Rồi quyết định làm đề tài về mô ghép ngoại khoa. Lãnh đạo Viện phản đối cho rằng không thực tế. Tôi ôm đề tài chạy sang Sở Y tế TPHCM, choáng váng vì ngay sau lần trình bày đầu tiên, chú Tư Trung giám đốc Sở kiêm Hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập ra ĐHYK Phạm Ngọc Thạch bây giờ, đã hỏi luôn vậy cháu cần bao nhiêu kinh phí để xây dựng một ngân hàng mô ghép! Chia tay anh và Viện từ ngày ấy để đi làm ngân hàng mô, rồi số phận đưa tôi ra nước ngoài. Không gặp lại anh, nhưng vẫn âm thầm theo dõi và biết anh là một trong số ít các nhà khoa học Việt Nam làm việc tại Việt Nam mà có được một số lượng công trình khoa học đáng nể ở tầm quốc tế.
Sáng nay lên mạng gặp lại tấm hình anh vừa chụp với lá cờ Tổ Quốc. Kỷ niệm tuổi trẻ ập về. Vẫn là anh. Tóc bạc hết rồi mà vẫn là một người trẻ tuổi!

7 nhận xét:

  1. Bài viết của bác BaChai hay quá. Hoan hô anh giừ tóc bạc.

    Trả lờiXóa
  2. Quá hay . Nhìn bác dừ vẫn đẹp chai trên nền cờ đỏ của Tổ quốc . K6LS

    Trả lờiXóa
  3. Sáng nay khi đoàn biểu tình quay trở lại SQ Trung Quốc thì bị chặn lại ở Ngã tư Trần Phú- Điên Biên. Tôi chạy ra và hỏi một người quen :" Có đông người không ?". Trả lời thay người được hỏi là một người trung tuổi mặc thường phục ngồi trên chiếc xe ga :
    - Có mấy chục thằng thôi, đây là bọn chống Cộng, phản động, có cả từ miền Nam ra tổ chức, chứ yêu nước gì chúng nó".
    Nghe vậy tôi hiểu người đang nói với mình là ai nên cũng chẳng cần phải tranh luận. Ra bọn phản động là mấy ông bạn bác Bắc Hải, là anh Nguyễn Trọng Tạo anh Xuân Nguyên... Chết thật ! Bài hát Sông quê cứ hát hoài mà không biết " lão" Tạo là phản động.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  4. Đọc comment của K.V7 mà tôi thấy tội nghiệp cho chú "cá chìm" đó quá. Đầu óc bị nhồi nhét những gì mà cho đến giờ vẫn còn u mê và xuẩn ngốc như vậy?

    Trả lờiXóa
  5. @KVK7 : Hỏi thế nào mà lại đúng thằng Hán gian . Không ngờ bọn Hán gian bây giờ nhiều phết , hỏi 10 thằng thì trúng đến 9 . K6LS .

    Trả lờiXóa
  6. Anh Phạm Duy Hiển một nhà khoa học trong "trăm hạt giống đỏ" được nói tới năm nào. Giờ anh vẫn là một cây viết báo chí rất có tín nhiệm. Những bài viết của anh cho Tia Sáng trước năm 2006 đã được tập hợp thành sách trong quyển "Bằng chứng và lý giải", Nhà Xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tháng 1.2007. Gần đây anh viết nhiều về những vấn đề xã hội hơn, tất nhiên từ quan điểm khoa học kỹ thuật.

    Trả lờiXóa
  7. Anh Phạm Duy Hiển có dính tới Quế Lâm,vợ anh là chị Diệu Thu , cựu nữ Trường thiếu nhi Việt nam tại QL 1953-1957 ,con gái cụ Hải Triều,Anh là một nhà khoa học hạt nhân lớn của Việt Nam.Tôi đọc một số bài,ý kiến của anh vể dự án xây dựng Nhà nmáy điện hạt nhân tại Ninh Thuận ,tư duy rất sáng xuốt,thẳng thắn .Nhình thấy anh trong ảnh tôi cãm nhận được sức mạnh lòng yêu nước của dân Việt ta.KC

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!