Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ “ĐÁM CUỚI KHÔNG CÓ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN”

Đầu 1965, sau khi anh Trỗi hy sinh, đúng 30 tết, chị Quyên được tổ chức bí mật đưa ra Y4 (trong Nam quen gọi là “Y tư”) – đại bản doanh của Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn – Gia Định đóng tại Hố Bò (Củ Chi), sau đó ra vùng giải phóng trên Tây Ninh. Khoảng tháng 9,10/1965, đ/c Sáu Dân từ mặt trận Y4 về họp với cơ quan Phụ nữ giải phóng. Biết chị mới từ thành phố ra, qua các chị bên Phụ nữ, chú Sáu thăm hỏi và gửi cho chị 100 “ria” (tiền Miên). Từ đó, mỗi lần về họp, chú đều có quà cho chị.
Ngày 16-5-1969, chị được tổ chức cho ra Bắc theo đường Campuchia cùng chị Nguyễn Thị Châu (vợ anh Lê Hồng Tư – tử tù Côn Đảo). Từ 1970, chị được về học tại trường Phổ thông Lao động Trung ương sơ tán tại Từ Hồ, Bần Yên Nhân, Hưng Yên (ngày đó trưòng có mật danh là HT2). Những năm đó trường có đến cả ngàn học viên và chia làm 2 khối : khối A cho cán bộ miền Bắc, khối B cho cán bộ miền Nam.
Trong số cán bộ miền Nam đi học thì đa số là cán bộ của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đổ ra tới Quảng Trị; còn số anh chị em ở B2 (từ khu 6 đổ vào tới khu 9, Cà Mau) rất ít, quân số không quá 20 người. Chính vì đặc điểm này, anh chị em B2 thương yêu nhau như trong một nhà. Họ thường gặp gỡ, kể nhau nghe chuyện quê hương, gia đình. Đặc biệt, anh em miền Nam có biệt tài bắt cóc làm thịt. Tối thứ bảy, nếu không bận, các anh chị lại rủ nhau ra bờ sông bắt cóc, các anh thì bắt cóc bỏ bao tải, còn các chị thì xách bao tải cóc về nhà. Cả nhóm tối đó tập trung làm thịt cóc, nấu cháo và ăn xì xụp. Chủ nhật, các anh chị thường đi chợ, mua thịt cá, rau sống về “cải thiện”. Trong số này có chị Quyên và anh Thiện, anh nấu ăn rất gỉỏi, có thể chế biến các món ăn Nam bộ. Hai người đã thân thiết nhau, tình cảm yêu thương dần nảy nở.
Cũng năm 1973, nhân dịp tiễn chị Châu và chị Duy Liên về lại miền Nam tại nhà chú Lê Toàn Thư – Phó ban Thống nhất Trung ương (bố của Tất Thắng k4, Toàn Thịnh k7), chị Châu có ghé tai chị nói nhỏ: "Chú Sáu Dân và chú Mười Cúc đang ra ngoài này họp. À, mà chị có kể chuyện của em và anh Thiện cho chú Sáu nghe đấy”. Xa miền Nam đã 4 năm, nhớ nhà, nhớ quê da diết, chị đã xin phép chú Thư cho lại thăm chú Sáu và chú Mười để hỏi thăm tình hình quê hương và cơ quan trong đó.
Lần đó, chú Thư và chú Tô Lâm (nguyên Phó ban Tuyên huấn Trung ương cục) đã đưa chị và anh Thiện tới thăm chú Sáu. Gặp chú, anh Thiện chào :
- Chào anh Sáu !
- Trời, mày đó hả Dũng ? – chú bắt chặt tay anh và quay sang chị Quyên – nghe Châu nói, học ở ngoài này, cháu có quen thân với thằng Thiện, mà Thiện có thời gian làm cơ yếu ở Y4. Chú nghĩ hoài mà không nhớ có ai tên Thiện. Té ra, Thiện chính là Tư Dũng, Lê Tâm Dũng.
… Hồi đầu 1965, anh Tư Dũng được phân công về làm cơ yếu ở Y4, ngày đó chú Sáu cũng ở Y4. Mậu thân 1968, anh được cùng chú Sáu trực tiếp xuống chỉ đạo mặt trận Sài Gòn – Gia Định. Sau khi về lại “R”, anh đuợc tổ chức phân công sang Sứ quán Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Phnôm-pênh và do yêu cầu bảo mật, anh phải đổi tên là Lê Trung Thiện. Năm 1970, sau khi Chính phủ Xi-ha-nuc bị đảo chính, anh được ra Bắc. Sau đó, anh đưọc phân công phụ trách một đoàn dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam sang thăm Tiệp Khắc. Đến đầu 1971, anh được vào học tại HT2.
Nghe kể lại, chú Sáu cười :
- Thôi, Tư Dũng thì cứ xưng hô “anh em “ cho tiện, còn Quyên cứ giữ nguyên cách gọi “chú cháu”. Thế hai đứa làm đám cưới đi !
Mừng quá, nhưng chị lại mách ngay với chú :
- Ở ngoài này cưới phức tạp lắm chú ơi, phải đi đăng ký kết hôn. Khi đăng ký, Uỷ ban lại đưa tên 2 nguời lên bảng để nhân dân xem có đúng là anh chưa vợ, chị chưa chồng hay không; nếú đúng thì một tuần lễ sau mới cho đặng ký… Mà thôi, để cháu học xong rồi về Nam cưới luôn thể.
- Không nên vậy, nếu cháu học đại học phải 4-5 năm sau mới xong, lâu lắm. Năm nay Quyên đã 29, còn Tư Dũng đã 37 rồi. Cưới đi, nhất là dịp này đang có chú ở ngoài này. Thế hiện nay 2 đưá quân số ở đâu ?
- Dạ, quân số trong Nam quản lý ạ. Vì quân số trong Nam, nên khi có bầu cử ngoài này, tụi cháu không được đi bỏ phiếu.
Khi đó, chú Sáu cuời và quay sang chú Thư :
- Nếu là quân số trong Nam thì có thể cươí không phải đăng ký. Trong chiến trường miền Nam, thủ tục rất đơn giản. Khi 2 anh chị yêu thương yêu nhau và quyết định xây dựng gia đình thì chỉ cần báo cáo tổ chức là xong, sau đó sẽ làm đám cưới mời mọi người. Nên ta có thể tổ chức cho Quyên và Tư Dũng cưới “kiểu miền Nam” vậy.
- Ý anh như vậy, thì ta sẽ tổ chức cho 2 đưá cưới “không đăng ký”- chú Thư trả lời.
Thế là vaò đợt nghỉ lễ Lao động quốc tế năm đó, ngày 29-4, đám cưới “không có đăng ký kết hôn” của anh chị đã được tổ chức tại nhà chú Lê Toàn Thư ở 57 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Chú Thư đứng ra làm chủ hôn. Tối đó, các cô chú ở Ban thống nhất Trung ương, cả chú Sáu Dân và các anh chị bên Trung ương Đoàn, các anh chị trong Nam ra đang học chung với chị và anh Tư, cùng bà con họ hàng chị ở thôn văn Giáp (thường Tín, Hà Đông)… đã đến dự đông đủ. Đám cưới ngày ấy tổ chức theo kiểu “đời sống mới” thật đơn giản, chỉ có kẹo bánh, thuốc lá, nước trà, nhưng thât là vui.
Sau gỉai phóng, vì đang học dở dang, nên đến tháng 9-1976 chị mới trở về thành phố. Đến năm học thứ tư, 1979, tuy đang có bầu cháu đầu lòng, chị vẫn không bỏ buổi học nào. Thậm chí, tối chủ nhật vào viện sinh cháu , thì ngày thứ bảy chị vẫn lên lớp nghe giảng. Anh chị đặt tên cháu là Lê Tâm Việt để kỷ niệm, trước khi hy sinh, anh Trỗi đã hô vang: ”Việt Nam muôn năm!”. Nay Việt là cảnh sát hình sự Công an TPHCM. Năm 1987, chị sinh cháu gái đặt tên là Lê Phan Hồng Nga để kỷ niệm tình hữu nghị Việt-Nga khi mẻ dầu thô đầu tiên được Vietsovpetro hút lên. Cháu Nga rất ngoan và học gỉoi.
1980, sau khi ra trường, chị về công tác tại Cty Du lịch TP cho đến khi nghỉ hưu. Còn anh tư Dũng sau về Thành uỷ TPHCM công tác trên cương vị Chánh Văn phòng, sau khi anh Triết (Sáu Phong) ra HN làm Chủ tịch nước thì anh Tư cũng ra giúp việc 1 thời gian. Nay anh về nghỉ ở TPHCM. Anh chị sống thật hạnh phúc!
(Ảnh tư liệu gia đình: Anh Tư Dũng, chị Quyên và chú Sáu Dân trong ngày cưới ở HN).

5 nhận xét:

  1. Chuyện đám cưới của anh Dũng chị Quyên đọc thấy vui. Mẹ Thịnh lố K7 có giữ nhiều hình đám cưới. Hồi đó anh Dũng trông ốm nhách, còn xấu trai hơn cả bây giờ.

    Trả lờiXóa
  2. Ủa, anh Dũng có hồi tên là Thiện. Vậy có phải là anh Thiện có thời gian là bí thư (ko biết thứ mấy) của sứ quán CH miền Nam Vn ở CHDC Đức, sau giải phóng có thời gian làm ở Sở Ngoại vụ ?

    Trả lờiXóa
  3. Có đi Đức nhưng có phải bí thư của Sứ quán CHMNVN thì phải hỏi chị Quyên 0908519667.

    Trả lờiXóa
  4. tấm hình này đâu phải bác 6 Dân???

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết rất hay.
    --------------------------------------------------------------
    Mr Hùng - Chuyên chụp hình cưới tại studio JERRY KHANG.
    Keyword: Dịch vụ chụp hình cưới tại Studio JerryKhang

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!