Vào đầu những năm 90, trước khi Mỹ bỏ cấm vận không lâu, một số nước, ngoài phe XHCN cũ, bắt đầu cấp học bổng sau đại học cho cán bộ giáo viên Việt nam. Tại thời điểm này, ở Việt nam chưa hề có báo điện tử nên anh chi em nghiên cứu sinh rất “đói” thông tin. Để giải quyết nhu cầu giao lưu trao đổi, một mạng liên kết anh chị em lưư học sinh Việt nam ở nước ngoài được tổ chức gọi là VKS. Mặc dù điều kiện kỹ thuật chưa được tốt như bây giờ, việc đánh máy một bài báo, một câu chuyện rất mất thời gian và với kiểu chữ cũng không lấy gì làm dễ đọc vì phải dùng đủ loại ký hiệu thay cho dấu nhưng forum này hoạt động rất sôi nổi, nhiều người đã bỏ không ít công sức để “đả tự” những câu chuyện dài đọc được trên báo do may mắn đem được từ trong nước qua cho những người khác có cơ hội cùng đọc. Forum này cũng là nơi để mọi người người viết về những kỷ niệm, những buồn vui, nhiều chuyên gia viết về những vấn đề rất thú vị, nhiều những hoạt động nhân các ngày lễ như 27/7, 20/11, 22/12.. và tất nhiên là cũng không thiếu những lời “có men” hóm hỉnh, vui vẻ. Tóm lại là nó cũng khá giống cái blog Trỗi bây giờ , có chăng chỉ thua blog Trỗi cái khoản ảnh. Hôm trước nhân việc sáp nhập Hà tây vào Hà nội thấy mọi người bàn tán sôi nổi tôi chợt nhớ mình còn giữ bài “Hà nội ngày xưa” trên Forum VKS. Bài này do chị Bích Nhi (Viện Công nghệ Sinh học) viết và có phần bổ xung của tôi (tôi với Bích Nhi ở rất gần nhà nhau). Vì đa phần mọi người trường Trỗi là dân “Hà nội ngày xưa” nên gửi lại cho các bạn đọc để cùng nhớ về Hà nội “ngày xưa” của chúng ta.
HÀ NỘI NGÀY XƯA
Chào các bạn!
Tuần sau tôi được về Hà nội rồi. Thấy các bạn bàn về tuổi thơ Hà nội làm tôi lại nhớ lại tuổi thơ của mình. Muốn kể với các bạn đôi điều về những kỷ niệm của chúng tôi mà có lẽ chỉ có những người "cao tuổi" trong làng Hà nội Group này như bác Thu, bác Ca, bác Thành...đồng cảm và lớp trẻ hơn như bác Lân, bác Minh... biết được phần nào.
Xin bắt đầu từ Nhà Hát Lớn. Trên mái của nó có hệ thống còi mà có lẽ nhiều bạn trẻ tuy sinh ra và lớn lên ở Hà nội nhưng có thể chưa được nghe nó rúc lần nào. Ngày xưa, trước thời chiến tranh phá hoại miền Bắc (trước 5 tháng tám năm 1964) nó được sử dụng làm còi tầm. Cứ đến 11 giờ trưa là nó lại rúc lên ù ú u vang cả thành phố. Đó cũng là lúc tôi phải lau xong bát đũa, dọn xong mâm để đón bố mẹ đi làm về là có cơm ăn ngay. Trong thời gian chiến tranh bắn phá miền Bắc nó được sử dụng làm còi báo động mỗi khi nghe loa phóng thanh của thành phố báo máy bay địch cách Hà nội dưới 30 km. Khi đó mọi người phải xuống hầm cá nhân tròn tròn nho nhỏ ở ven đường hoặc tăng sê hay chui xuống gầm cầu thang... Khi nghe loa báo “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch đã bay xa” thì còi Nhà Hát lớn lại rúc lên báo yên.
Về cây cối ở Hà nội. Thưở nhỏ tôi cũng hay nhặt quả cơm nguội chín rụng để ăn. Đường Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh... có nhiều cây cơm nguội. Quả cơm nguội chín màu đỏ sậm, nhỏ tí xíu ăn rất ngọt. Đường Ngô Quyền ngoài hoa sữa ra còn có nhiều cây me, nhiều quả lắm. Còn trò thổi búp đa ngoài Bờ Hồ thì bọn con gái rất thích. Cái khó là phải tách được lớp lụa mỏng từ búp đa để thổi cho nó được to. Ở các hàng rào đường Phan Chu Trinh, cả đọan vườn hoa Nhà Hát lớn còn có nhiều hoa Dâm bụt mà chúng tôi thường lấy hoa của nó, xé từng cánh dán lên má, trán, cằm làm con gà trống. Còn nhị hoa thì đem chơi kiểu chọi gà.
Mùa hè có bạn nào hay đi bơi ở Quảng Bá ? Hai bên đường Quảng bá ngày xưa là rặng ổi. Đủ các loại ổi găng, ổi mỡ, ổi đào… tha hồ vặt mà chén.
Trẻ con ngày xưa học cũng nhàn lắm. Chỉ phải học một buổi, còn một buổi ở nhà chơi nghịch. Bài vở về nhà thường chỉ học một lúc là xong. Con gái hay chơi đồ hàng, đánh chuyền (dùng que kem và bóng thì có khi dùng quả thị…), chơi ô ăn quan, rải ranh, lò cò, nhảy dây…Toàn những trò chơi không mất tiền mua. À, mà thời bọn tôi còn có trò chơi “Đả đảo Ngô Đình Diệm”, không biết có bác nào đã chơi chưa? Rất đơn giản chỉ dùng hòn gạch vẽ các ô và chơi oản tù tì, ai thắng thì được một ô. Ai được nhiều ô hơn thì thắng, chỉ thay nói oản tù tì bằng đả đảo Ngô Đình Diệm.
Ngày xưa chưa có tivi, cassette, computer ....Thường chỉ có đài và máy quay đĩa. Thời “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” ấy cuộc sống thật thanh bình. Các bài hát được ưa chuộng hồi đó là Bài ca Hy vọng, Ru con, bài gì của Phan Huỳnh Điểu mà có đoạn “ta xây nhà cao, cao mãi, ôi xinh đẹp tổ quốc của tôi” tôi nhớ ca sĩ hát cái cổ cứ vươn mãi ra theo độ cao của cái nhà! Bài hát trẻ con thì có bài Lượn tròn, lượn khéo, bài gì mà có đoạn “đất nước mình rồi sẽ sáng tươi, trong tương lai XHCN…”, Nhanh bước nhanh nhi đồng…Các bài hát nước ngoài được ưa thích hồi đó là Chiều Mạc tư khoa, Đôi bờ… (Nga), các bài hát Ý do ca sỹ Robertino trình bày (Xantaluxia, trở về Suriento, Mặt trời của tôi...),bài Kìa con ếch xanh… Chương trình của Đài tiếng nói Việt nam thì tối thứ bảy lúc 7h có “Câu chuyện cảnh giác”, 8h có kịch truyền thanh. Sau 10h đêm có tiết mục Đọc truyện đêm khuya hoặc Tiếng thơ.
Chúng tôi thường xem phim ở rạp Kim Đồng, cứ 5h chiều là có phim hoạy hình vé 1 hào. Ngoài ra đứa nào cũng mọt sách, mọt truyện cả…
Các bạn bây giờ không tưởng tượng được ngày xưa được đi gặp Bác Hồ là sung sứơng và hạnh phúc nhường nào đâu nhỉ? Hồi học lớp 1 tôi được may mắn đi gặp Bác. Mẹ tôi phải thức cả đêm để may cho xong cái váy mới cho tôi mặc. Đó là vào mùa hè năm 1963 (tôi vừa học hết lớp 1). Bác cho mỗi bạn một gói bánh kẹo rất to và ngon. Sau đó chúng tôi còn được chiêu đãi phim “Cái chuông con” (phim Trung quốc) ở trong Phủ Chủ tịch nữa. Đến năm 1964 bắt đầu chiến tranh phá hoại. Chúng tôi phải đi sơ tán đến tận 1969 mới được trở lại Hà nội học thì cũng là năm Bác mất.
Các hàng quà rong ở Hà nội ngày xưa nhiều lắm. Tôi thích tào phớ. Không biết ông hàng tào phớ trung niên, mặc quần áo nâu, đội nón, gánh đôi thùng gỗ có đến bán ở chỗ nhà bác Thu không? Tào phớ của ông ngon lắm, trắng mịn, được ông hớt từng lớp mỏng bằng mảnh vỏ trai to. Tiếng rao Tào phớ... ớ... ớ của ông làm bọn trẻ con háo hức vô cùng và chỉ thầm mong mẹ nhắn "con ra gọi hàng tào phớ vào đây" là hăm hở chạy ngay ra ngõ.
Còn một loại quà khó quên là Tóc rối đổi kẹo. Kẹo mạch nha để trong một cái nồi bằng đồng. Chị bán hàng người nông thôn lấy một cái que nhỏ lớn hơn que tăm và kéo kẹo từ trong nồi ra quấn quanh cái que đó. Kẹo màu nâu, dẻo quánh, kéo ra rất khó vì dính ghê lắm. Sau đó thì tha hồ mà mút (tương tự kẹo mút của trẻ em bây giờ)...
Rồi còn món bi don don, bi dòn dòn, bi ngọt ngọt nữa chứ, rồi bánh bò, nộm thịt bò khô, kẹo bông, rượu nếp, bánh đa kê.... được trẻ con Hà nội rất ưa chuộng
Bài hát Nga “Thành phố tuổi thơ” (nhạc giống bài Green Field) được chúng tôi rất thích “Ở đâu đó có một thành phố êm đềm như một giấc mơ...”. Trong thành phố của tuổi thơ mọi thứ đều tuyệt diệu “nước trong như thủy tinh...” khi lớn lên muốn mua vé quay về thành phố của tuổi thơ nhưng cô bán vé trả lời “biletov nhet”...
Ai cũng có tuổi thơ gắn liền với một thành phố quê hương mà những kỷ niệm về nó thì không bao giờ quên.
Bích Nhi
HÀ NỘI NGÀY XƯA (bổ xung)
Ngày xưa, trẻ con thích ra Bách hóa tổng hợp chơi vì ở đó rộng và đẹp, lại có đèn sáng choang. Nhiều nhà còn bế cả con nhỏ ra đấy để dỗ cho nó ăn. Có lần tôi để lạc cô em gái út vì mải ngắm hàng hóa, đồ chơi xanh đỏ. Đến 9h Bách hóa đóng cửa chẳng thấy em đâu, đứng khóc nhè được người lớn đưa đến đồn công an Hoàn kiếm đầu Tràng thi , thấy cô em (lúc đó mới hơn một tuổi) nằm ngủ ngon lành trên ghế. Tôi bị các chú công an dọa lần sau còn để lạc em thì sẽ không trả em lại .
Ngày xưa chẳng nhà nào có tủ lạnh. Hà nội có một nhà máy sản xuất nước đá cây ở gần ngòai bờ sông. Ngày ngày các bác xích lô đến đấy chở từng cây nước đá to đùng đem đi mọi nơi. Nước đá được "lao" từ trong một căn phòng ra ngoài theo một cái cửa nhỏ như cửa bán vé. Vì lao mạnh nên khi ra thể nào cây đá cũng đập vào đâu đấy và trẻ đứng "chầu" bên cạnh chỉ mong là nó sẽ vỡ ra một miếng để tranh nhau .
Ngày xưa , người ta không đổ rác như bây giờ. Cứ tối đến , khoảng chín giờ, chín rưỡi là có xe ô tô đi gom rác. Chuông kêu loong coong, trẻ con các nhà bưng rổ rác chạy ra, nhón chân lên đưa cho cô nhân viên công ty vệ sinh đổ vào xe. Chúng tôi luôn nhận chân đổ rác vì khi chờ xe rác tới thì được chơi đùa thỏa thích ngoài phố. Hồi ấy phố xá ít xe qua lại, vỉa hè sạch sẽ không ai đổ rác bẩn ra hè phố, không ai lấn chiếm, tối đến trẻ con chơi ù, sô vê, trốn tìm thỏai mái.
Ngày xưa Hà nội không “lội” khi mưa. Chỉ có khi nào có cơn mưa rào thật to thì nước ngập một lúc ở chỗ trước cửa Nhà hát Nhân dân (bây giờ là chỗ Cung Văn hóa ). Bọn con trai được dịp rủ nhau chạy ra đấy để “bơi”.
Nhà tôi ở đầu phố Bà Triệu, gần Hồ gươm, sân sau nhìn sang sân nhà bác Xuân Thủy, xa hơn chút nữa là rặng xà cừ của truờng Trưng vương. Hai đầu phố là hai cây hoa sữa, bên sân nhà bên cạnh là một cây Hoàng lan cổ thụ, còn trong sân nhà tôi là một giàn hoa Tigôn lớn leo lên tận sân thượng. Chạy vòng qua góc phố Lý Thường Kiệt là trường Hà nội A , còn ở góc ngã tư Bà Triệu – Lý thường Kiệt năm này qua năm khác sáng nào cũng có một bà bán xôi, áo cánh trắng, răng đen, mặt phúc hậu đến ngồi bán. Có lẽ chỉ có học sinh Hà nội A học buổi sáng mới biết bà. Còn bà thì biết tuốt tuột lũ trẻ con sống quanh khu đấy, từ khi chúng tôi còn bé tí đến khi bản thân chúng tôi thành các bậc phụ huynh.
Tôi yêu bài thơ Hà nội phố của Phan Vũ hơn cả bài hát phỏng theo bài thơ này đã trở nên nổi tiếng
Em ơi ! Hà nội phố !
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa
Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ…
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ
Quay về…
…Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ
Một ngả nào lưu dấu gót tài hoa
Còn em mãi mãi dáng kiêu sa
Lặng lẽ theo em về phố...
(Hà nội phố - Phan Vũ -1972)
Bài thơ có tất cả những gì tôi có về Hà nội ngày xưa của tôi: tiếng guốc của tôi trên từng bậc cầu thang gỗ cũ kỹ, mùi hoa sữa ùa vào phòng tôi mỗi độ thu về, tiếng nhạc của những người hàng xóm, người là nhạc công của giàn nhạc giao hưởng quốc gia, ngừơi là NSUT giảng viên nhạc dân tộc nhạc viện Hà nội, mùi phở bốc lên hàng ngày từ hàng phở một thời bán ngay tại cổng nhà tôi, những quà bàng rụng vàng ươm bọn trẻ con hì hục đập để ăn nhân và hàng bàng “mùa đông áo đỏ” rợp lá trên đường Tràng thi. Tôi yêu những cánh bằng lăng rụng tím đường Bông Nhuộm sau mỗi cơn mưa, mùa hoa sấu thơm dịu nhẹ dọc đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình phùng, và những hàng xà cừ thay lá làm thành một mùa thu lá vàng rụng vào tháng tư trên đường Hoàng Diệu.
Các bác cứ hay phải nghe những người "ngày xưa" như chúng tôi nhớ về mùi hoa sấu sau cơn mưa hay mùi hoàng lan góc phố... chắc nghĩ là chúng được sinh ra từ “hoài niệm" hay từ bài hát Hà nội phố của Phú Quang. Không phải đâu, ngày xưa (lại ngày xưa) chúng có thật đấy vì Hà nội sạch, không sặc sụa mùi xăng, mùi rác như bây giờ. Vả lại với tiếng xe cộ ồn ào suốt ngày đêm như "ngày nay” làm sao còn ai nghe được "tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ” nào đó nữa nhỉ....
EGK9
Khi đọc những dòng chữ của Bích Nhi & EGK9, cả một Hà nội (ngày xưa) với rất nhiều kỷ niệm tương tự lại hiện về trong tôi, như mới gần đây thôi....
Trả lờiXóaVới "tâm hồn" ăn uống, trích trong một bài của tôi trên blog lớp phổ thông cấp 3, khi nhớ về những chiếc xe đẩy bán phở rong của Hà nội (ngày xưa):
"... … còn nhớ hồi 1961-1962, lúc đó mẹ gửi tôi ở nhà bác tại phố Nguyễn Quyền HN, cứ các buổi tối khoảng 8 rưỡi - 9 giờ (nhất là vào mùa đông) có một xe phở được đẩy đi qua cửa. Đến đầu tháng lĩnh lương bác tôi lại gọi xe phở dừng trước cửa, mua cho các con các cháu mỗi đứa một bát. Trên chiếc xe đẩy là mấy tảng thịt bò chín treo lủng lẳng trên giá bằng khung gỗ, cạnh mấy tảng thịt là những bó hành đã được rửa sạch, cọng hành trắng phau, trên mặt bàn xe đẩy mấy chồng bát được xếp ngay ngắn, cạnh đó cái thớt thái thịt, phía dưới là nồi nước phở to đặt trên một bếp lò đun bằng những khúc củi gộc, trong nồi nước phở có một gàu nước sôi dùng để nhúng bánh phở …....Sau này chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, đi sơ tán, cả một thời kỳ dài cuộc sống khó khăn ít khi được ăn một bát phở như vậy. Rồi những chiếc xe bán phở không còn thấy xuất hiện ở Hà nội nữa. Chiếc xe bán phở hồi đó bây giờ chỉ còn trong kỷ niệm tuổi thơ của tôi…"
Tks! EGK9 & BN
Bài viết của hai bạn thật hay ,thật xúc động. Tôi vốn không phải người HN,"quốc tịch :HP" nguyên quán B Đ,bây giờ là công dân TPHCM,nhưng tôi cũng có tuổi thơ ở HN. Vốn không phải là kẻ yêu thơ,song tôi rất bất ngờ bài thơ :Em ơi Hà Nội phố .Nó hay quá sức tưởng tượng của tôi.Nó cho ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy những gì thật là tinh tế chắt lọc và sống động. Đó là hơi thở, nhịp sống của HN xưa.
Trả lờiXóaCám ơn hai bạn:EGK9 và BN
DS
Tại sao "mùa thu Hà Nội"?
Trả lờiXóaCó lẽ vì sau mùa hè oi ả, nóng nực đầm đìa; trước mùa đông lạnh buốt với mưa dầm thấm sâu trong từng lớp áo.
Mùa thu trời xanh, mây trắng, nắng vàng, không khí mát rượi nhẹ như hơi thở, gió rắc lá trên phố, ...
Tóm lại "mùa thu" có đặc trưng vệ sinh môi trường tốt. Bởi thế các bác được "ướp" trong phòng lạnh, đi xe lạnh, ngủ phòng lạnh, nằm ... tủ lạnh, thì ít cảm nhận mùa thu.
Nói quá nhiều về mùa Thu mà các bạn có hay hôm nay, 15/10, gió mùa đã tràn về. Đợt đầu tiên trong năm đấy. Mưa phùn lất phất. Tiết trời lạnh. Bụi bặm có vẻ đỡ hơn.
Trả lờiXóaĐã hết thu rồi chăng?
Lập đông
Trả lờiXóaBạn lại reo vào lòng chúng tôi_Những người có 1 tuổi thơ cùng HN.Nỗi nhớ HN rồi.Nhiều lúc nhớ đến quay quoắt!Nhớ nhiều lắm.Cám ơn bạn nhiều.
Trả lờiXóaHay!
Trả lờiXóaMỗi lần EGK9 bốt bài là một sự kiện.
Tôi đoán sẽ rất nhiều còm men.
Thanks.
Đúng là càng xa HN lại càng nhớ HN và nghĩ về HN càng hay (Xa nhau là nhớ, gần nhau là cười).
Trả lờiXóaTôi cũng vậy, mỗi lần ra HN đều cố gắng phải "thưởng thức" món xôi lúa buổi sáng của mấy bà bưng thúng - ko hiểu bà bán xôi chỗ công xe lửa Cửa Nam, gần Cấm Chỉ còn ko nhỉ ? và nếu là mùa đông thì dứt khoát phải có bữa ra lề đường ngồi ăn ngô nướng, nêu có gió mùa đông bắc thì lại càng ngon ! Tất nhiên là phở HN thì ko thể thiếu được rồi.
Còn nữa, mùa này mà đi dạo buổi tối dọc đường Nguyễn Du khúc hồ Hale thì chẳng còn gì bằng, rồi ngồi nhâm nhi chén trà với mấy khúc kẹo dồi thì... ôi, quên chết (nhưng kẹo dồi hết rồi thì phải ?)
Còn nhiều, nhiều lắm. Nào ném me trước cửa Ngân hàng NN, ăn kẹo kéo, bốc nhót trước cổng trường, thèm thuồng nhìn ông bán tào phớ và bánh bò... rồi kem QD 5 xu 1 cây...sen dừa...
Ko thể quên được Hà nội (ko phải Hà lội)
HMK6
Còn nhớ một câu rao bán hàng vào buổi trưa mà lũ trẻ con chúng tôi hay bịa:
Trả lờiXóa-Ai lấy tôi lấy ngay (bánh trôi bánh chay)
- Nào tớ ( tào phớ )
Rồi đổi lon sữa bò lấy kẹo Mạch nha hoặc "nhón" vài quả nhót của chị bán hàng rong để cho mấy đứa e gái cùng khu...Cứ thế tuổi thơ trôi đi lúc nào kg hay...!
A.HT & A.KQ nhắc mùa Đông sắp đến, cảm giác lành lạnh lại nhớ cái bánh Gối thường bán trước cổng trường. Cái bánh chiên vàng, rỗng ruột để đổ vào đó một vài thìa tương ớt, sau đó là "ngoạm" 1 cái, không khéo tương ớt xì ra đầy tay. Rồi xuýt xoa, hít hà vì cay làm người ấm hẳn lên. Không biết bây giờ trẻ con có còn được ăn món này nữa nhỉ ?
Trả lờiXóaKhông phải là ngoạm một cái tương ót xì ra.
Trả lờiXóaCái bánh gối có ít su hào làm nhân, rán phồng nóng hổi. Cắn một đầu cho thủng, đổ tương dấm ớt vào. Ngậm cái bánh nóng, mút tương dấm ớt đã hơi nóng lên, ngửi mùi hấp dẫn, cắn một ít bánh. Đổ thêm rồi lại mút, cắn, ...
Tôi học với BNhi ở trường Âm nhạc VN (Trỗi mình có: Anh Từ Linh, Nghiêm Xuân Bạch, Nghiêm Xuân Minh k5, Trịnh Hồng Hà k7, Trịnh Hồng Anh k8) trước khi đi QLâm. BNhi nhà ở HBTrưng, gần Bách hóa tổng hợp, nên nghe còi Nhà hát lớn rõ lắm. BNhi này nhớ nhiều chuyện hồi nhỏ lắm. Hôm nọ hội trường Nhạc gặp nhau, cũng vui như Trỗi vậy, ngày xưa cũng đi sơ tán, ở nội trú. Mà bên đấy "bình đẳng", không phân biệt "giới".
Trả lờiXóaHà Nội xưa nhỏ thật, loanh quanh quen biết nhau hết.
@EGK9 nhà gần trung tâm Bờ hồ, ngày xưa có học cấp 3 ở Trường PT Công nghiệp không?:
Bích Nhi và EGK9 viết về Hà Nội và về Mùa Thu Hà Nội rất hay bởi một lẽ đơn giản là nó thật quá. Thật đến nỗi người đọc có cảm giác như Mùa Thu tuổi thơ vẫn quanh quẩn đâu đây cho dù Mùa Thu ở Hà Nội bây giờ không còn được như Mùa Thu của chúng mình thủa ấy.
Trả lờiXóaCuối năm ngoái tôi cũng có viết về tuổi thơ của mình. Cái tuổi đã gắn tôi và nhiều bạn bè Trỗi khác với Hà Nội. Đẹp lắm và thơ mộng lắm bởi vì dù nó nghèo nhưng lại rất giầu về tình.
Hữu Thành hơi " tham " khi định " chiếm đọat " Mùa Thu cho bản thân mình rồi " nhường " cái Lập Đông cho người khác.
Mùa Thu ở xứ nhiệt đới không được thể hiện rõ nét như ở các nước Âu được. Mùa Thu ở Châu Âu đẹp hơn nhiều, nhất là khi những chiếc lá bắt đầu úa vàng. Năm nào cũng vậy, cứ đến Mùa Thu, nhất là chiều Thu, sau giờ làm việc tôi thường thích đi dạo một mình trong công viên để ngắm những chiếc lá vàng bơi trong ánh nắng chiều rồi để thấy lòng mình thanh thản hơn, yên tĩnh hơn.
Có lẽ vậy nên các nhạc sĩ và họa sĩ thường nhờ Mùa Thu để ghi lại những cảm xúc của mình.
_Tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm.
Trả lờiXóaTiếng rao bây giờ đã ít đi và có tiếng rao không còn nữa.
Về chiều tối còn có tiếng rao " Chết cả đi" của các chú bé tỉnh lẻ lên phố mưu sinh. Tiếng rao ấy làm không ít người dân Hà Nội xốn xang mong ngóng và hồi hộp nữa.
Mùa Thu sao không thấy nhắc đến Cốm nhỉ ? Cốm làng Vòng ở HN bây giờ không còn là đặc sản nữa rồi! Cốm "MỠ HÀNH" mới là "Đặc sản"- Kh.Việt giới thiệu với tôi như thế.
Trả lờiXóaChuối tiêu "trứng cuốc" + Cốm "Vòng" = Tuyệt! Hà nội đang mùa cốm Vòng.
Trả lờiXóaCái gì bây giờ cũng chỉ là hoài niệm thôi.
Trả lờiXóaĐào Nhật Tân trồng ở Bắc Ninh, cốm Vòng đưa lên từ Thái Bình, ... Chứ ruộng làng Vòng bây giờ thành trung tâm hội nghị quốc gia với sân vận động Mỹ Đình với khu đô thị mới, lấy đâu ra?
@Buithang: Tôi học Hà nội A. Nếu nói chính xác thì lớp 8 ở Hà nội A2 (sơ tán Bình đà), lớp 9 ở Hà nội A. Lớp 10 khu Hoàn Kiếm (lúc ấy gọi là khu) thành lập trường Trần Phú. Để có khối 10 và khối 9 cho trường mới, tất cả các trường trong khu Hoàn kiếm đều phải "đóng góp". lớp tôi là một trong những lớp của Hà nội A chuyển qua Trần Phú. Lớp tôi có Trung "sái" (Trần Việt Trung) là dân Trỗi K7. Tôi rất quen thân với anh Nghiêm Xuân Minh K5 nhưng không biết là anh ấy từng học trường Nhạc đấy.BN làm cùng cơ quan với tôi. Tôi có khá nhiều bạn hồi bé học trường nhạc sau đó thôi không theo tiếp. Các bạn đến chơi nhà tôi hay bị chị Xuân Dung (NSUT- tam thập lục) ở cùng nhà tôi trêu là "mấy đứa phản bội nghề". Tóm lại là Hà nội của chúng ta "bé tí tẹo"
Trả lờiXóaEGK9
@EGK9: Cho mọi người "Khúc hồi tưởng" thật thú vị. Ai cũng đều có nhiều kỷ niệm với HN.
Trả lờiXóaNói về HN bây giờ thì hơi bị chán vì :
Trả lờiXóaEm ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em một Hàng Đào,
Không bán đào.
Một Hàng Bạc,
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi,
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Còn HN xưa thì trong chúng ta mấy ai lại không mang theo mình những kỷ niệm thời thơ ấu ? Thời đó HN thanh bình hơn nhiều ( dù đang thời chiến tranh ) , đứng đầu phố gọi nhau í ới mà cuối phố cũng nghe thấy . Đêm đêm vẫn nghe văng vẳng tiếng rao bán bánh khúc ...
Bây giờ cũng có nhưng không dám ăn vì VSATTT .
Xin cảm ơn người viết bài đã dành phút hoài niệm về HN xưa . Nhớ lắm .
@EGK9: Trường T.Phú ở Hàng Bông Nhuộm phải không ? HN B cũng có 1 số "phản bội", năm lớp 10 chuyển sang học ở đấy. HN B tụi tôi nhiều "lính" Trỗi hơn HN A.
Trả lờiXóaNhắc đến trường HN A-B lại nhớ cái "Washington City" (WC) sơn màu vàng đối diện cổng trường, Có lẽ nó là cái WC công cộng "cổ" xưa nhất HN. Không biết còn không ? Hì..hì..Nói chuyện ăn uống đã đời rồi cũng phải nhắc đến "cái" này, vì cũng là 1 kỷ niệm về HN.
@Dachoak7: Trường Trần Phú ngày xưa (lại ngày xưa!!!) ở 80 Bông Nhuộm, bây giờ chuyển về phố HBT rồi (chỗ Trường PT CN ấy). Cái "Washington City" vẫn còn nhưng được xây dựng lại "to đẹp hơn". Phía đường bên ấy vốn chỉ có một số nhà đầu ngã tư Bà Triệu- LTK, còn lại là tường của khu tập thể 5 Quang Trung (thuộc Bộ Y tế) nay đồng loạt mở cửa bán sách vở, sách giáo khoa. Có lần tôi tẩn mẩn đếm xem có bao nhiêu nhà thấy họ dùng hết bảng chữ cái từ A đến Z
Trả lờiXóaEGK9 .
@ k6 ls : Ngày xưa Hàng Đào đâu có bán hoa đào mà là bày "Đào" cho các "kép" chọn. Thứ ấy bây giờ vẫn còn đấy chứ ! Ở đâu nhỉ, đường Thanh Niên hay Quảng Bá ?
Trả lờiXóaHMK6
@EGK9: Phố Bông nhuộm có lẽ đã được "rút gọn" ? Tên "xưa" là : Hàng Bông-Thợ nhuộm - Đúng không ?
Trả lờiXóaChào dathoak7.
Trả lờiXóaTôi không rõ ông nhà nước đặt tên phố theo quy luật nào, nhưng xưa kia người ta GỌI tên phố theo phường hội, ví dụ:
Phố Hàng Thiếc là phường chuyên doanh (sau đây gọi là bán) đồ thiếc, tôn.
Phố Hàng Lược là phường bán lược và các sản phẩm chuyên dụng của các bà các cô.
Phố Hàng Đào là phường bán lụa vải.
Phố hàng Than là phường bán than họat tính.
Phố Hàng Hàng Bông là phường bán bông, sợi.
Phố Hàng Bông-Thợ nhuộm là phường bán bông, sợi, có nhận nhuộm vải sợi theo đặt hàng tại chỗ.
Phố Hàng Bông Lờ là phường bán ... bông, sợi, lờ.
HCQuang
Nghe các bác kể về Hà nội xưa mà cứ thấy xốn xang trong lòng. Một Hà nội xưa với đầy đủ âm thanh, mùi vị gắn với tuổi thơ nghịch ngợm cùng bạn bè mà sao giờ nghe xa lắc xa lơ. Thực sự chỉ có những người cùng thời đã sống qua một tuổi thơ êm đềm mới có thể cảm nhận và chia sẻ được những năm tháng đó. Em còn nhớ hồi đó, cứ nghe thấy tiếng rao :tẩm....quất đê..ê... đi từ Lý Nam Đế sang Phùng Hưng lần mò theo các phố, là em sợ chết khiếp, chạy vào nhà túm chặt lấy chân mẹ, mắt ngó ra ngòai đường, len lét nhìn ông tẩm quất đeo kính đen, tay cắp chiếu, vừa dò dẫm đi, tay khua gậy lộc cộc ngòai đường.
Trả lờiXóaBây giờ chỉ còn các cửa hiệu mat xa đèn mờ, kính tối mọc san sát, chẳng con đâu thày bói và thày tẩm quất như ngày xưa nữa.
BK89
To Hà mèo :
Trả lờiXóaHà mèo lâu không ra Bắc chơi đấy nha , gặp nhau thì ra đâu mà nhậu nhỉ ? Chẳng lẽ ra phố Cấm chỉ ... mà ở đấy có quán rượu của Thanh Trung đấy . Năm ngoái Tấn cáo về , Thái bò có hú ae tụ ra đấy , gọi mãi cũng chỉ có mấy bạn k6 ra : Bằng ruồi , Thắng híp ... . Xem ảnh chụp cùng Hồng lồi khi viếng đám tang mẹ vợ Nghị keo thấy Hà mèo ... vẫn thế :D .
Hẹn gặp lại ở HN nha .
Tôi tên là Hà và được các cụ cho chào đời vào mùa Thu. Các bạn cứ ca ngợi Hà nội mùa thu mãi mà chẳng nghĩ gì đến tôi cả. Tủi thân quá! Đành vậy! Tuy vậy, vẫn phải cố đấm ăn xôi! Tôi rất thích bài "Ngày xưa ơi" (của nhóm Con Gái hát thì phải). Có ai đưa bài ấy lên Blog được không? Tôi cám ơn rất nhiều!
Trả lờiXóa