Nguồn: Wikipedia
Nhà hát Opera Sydney (đôi khi được gọi Nhà hát con sò) là một công trình nhà hát tại thành phố Sydney, Úc. Nhà hát có kiến trúc độc đáo hình con sò hay những cánh buồm no gió ra khơi. Đây là công trình kiến trúc độc đáo của Sydney nói riêng và nước Úc nói chung, thu hút nhiều du khách đến thăm.
Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20 và là một trong các địa điểm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Tọa lạc tại Bennelong Point ở bến cảng Sydney, gần với cây cầu Sydney Harbour cũng nổi tiếng, tòa nhà và khu xung quanh tạo nên một hình ảnh nước Úc đặc trưng. Đây là nhà hát ballet, kịch và trình diễn ca nhạc. Nhà hát này cũng là trụ sở của của Sydney Theatre Company và Sydney Symphony Orchestra. Nhà hát được Quỹ Opera House Trust quản lý (Quỹ này thuộc Sở Nghệ thuật New South Wales).
Sydney Opera House
Đặc điểm
Nhà hát Opera tọa lạc trên diện tích 1,8 ha đất. Nhà hát có kích thước 183 m dài x 120 m rộng (tính ở điểm rộng nhất). Kết cấu có 580 cột bê tông đóng sâu 25 m dưới mực nước biển. Nguồn điện cung cấp cho Nhà hát tương đương công suất cho một thị trấn 25.000 dân. Hệ thống cấp điện có tổng chiều dài dây cáp 645 km.
Mái của nhà hát được lợp bằng 1.056 triệu viên ngói sản xuất tại Thụy Điển. Tuy nhiên, nhìn từ xa, mái ngói chỉ toàn màu trắng. Mái ngói có đặc điểm tự làm sạch bề mặt. Dù có khả năng tự làm sạch, vẫn cần phải bảo dưỡng và thay thế định kỳ. Mái được thiết kế để gió biển có thể luồn vào bên trong.
Nhà hát opera Sydney về đêm
Các khu biểu diễn
Nhà hát opera Sydney có 5 khu nhà hát, 5 studio tập diễn, 2 sảnh chính, 4 nhà hàng, sáu quán bar và một số cửa hàng lưu niệm. Nội thất tòa nhà bao gồm đá granite hồng khai thác ở Tarana, New South Wales, gỗ và gỗ dán được cấp từ New South Wales. Các nhà hát có hình một loạt các con sò được biểu trưng bằng cách cắt ra thành các bán cầu. Sảnh hòa nhạc và nhà hát nhạc kịch được đặt ở 2 nhóm vỏ sò lớn nhất, các nhà hát khác nằm ở các nhóm vỏ sò khác. Một vài nhóm vỏ sò nhỏ hơn được dùng để đặt nhà hàng. 5 nhà hát tạo nên nơi biểu diễn:
- Sảnh hòa nhạc có 2679 chỗ, là nơi có cây đàn đàn organ dạng cơ khí lớn nhất thế giới với hơn (với hơn 10.000 ống sáo).
- Nhà hát opera với 1547 chỗ là nơi biểu diễn chính của Opera Australia. Đây cũng được Công ty Ballet Australia sử dụng.
- Nhà hát kịch có 544 chỗ.
- Rạp hát (playhouse) có 398 chỗ
- Nhà hát studio có 364 chỗ.
Lịch sử
Việc quy hoạch nhà hát opera Sydney bắt đầu cuối thập niên 40 thế kỷ 20 khi Eugene Goossens, giám đốc của Nhạc viện bang New South Wales vận động hành lang cho một địa điểm xây Nhà hát lớn. Tại thời điểm đó, địa điểm cho các chương trình kịch được tổ chức ở Tòa Thị chính Sydney nhưng địa điểm này không đủ rộng. Đến 1954, Goossens đã thành công trong việc nhận được ủng hộ của Thống đốc bang New South Wales Joseph Cahill - người đã kêu gọi thiết kế nhà hát opera tinh tế. Goossens chính là người đã kiên quyết lựa chọn Bennelong Point làm địa điểm xây nhà hát. Cahill muốn địa điểm này gần Nhà ga xe lửa Wynyard ở tây bắc Sydney CBD.
Cuộc thi thiết kế do Cahill tổ chức nhận được 233 đề án. Thiết kế được chấp thuận năm 1955 là của Jørn Utzon, một kiến trúc sư người Đan Mạch. Utzon đã đến Sydney năm 1957 để giúp giám sát công trình. Khu The Fort Macquarie Tram Depot tọa lạc tại vị trí được chọn xây nhà hát đã được đập bỏ năm 1958 và lễ khởi công xây dựng nhà hát bắt đầu tháng 3/1959. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I (1959–1963) bao gồm việc xây dựng dãy ghế vòng bên trên. Giai đoạn II (1963–1967) xây dựng các vỏ sò bên ngoài. Giai đoạn III xây dựng và thiết kế nội thất (1967–73).
Nhà hát opera Sydney và cầu Sydney Harbour
Thành phố Sydney nhìn từ trên cao với Nhà hát Opera nổi bật
Sydney Opera House
Đọc thêm:
Ký ức buồn của người thiết kế Nhà hát Opera Sydney.
Hàng loạt tính từ mang ý nghĩa ca ngợi được nhắc đến khi nói về công trình kiến trúc biểu trưng của nước Úc, Nhà hát Opera Sydney. Với thiết kế hiện đại và không lẫn vào đâu nhờ hàng loạt những tấm bê tông hình vỏ sò rất lớn tạo thành hệ mái, nhìn từ xa, nhà hát trông như những cánh buồm khổng lồ màu trắng. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn lung linh, khung cảnh nơi đây càng thêm tráng lệ, nổi bật một góc bến cảng Sydney, nơi có cây cầu Sydney Harbour cũng nổi tiếng không kém.
Khi người Úc tự hào nhắc đến cái tên Opera Sydney, những người hiểu rõ về “sự tích” xây dựng nhà hát không khỏi chạnh lòng cho kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon (1918 – 2008), “cha đẻ” của công trình này.
Năm 1957, vượt mặt đối thủ đến từ 32 quốc gia với 233 mẫu thiết kế, bản vẽ phác thảo sơ bộ của Jorn Utzon bất ngờ đoạt giải trong cuộc thi thiết kế Nhà hát Opera Sydney quy mô toàn cầu, mặc dù đã bị loại trước đó. Người có công đưa ông ra “ánh sáng” chính là kiến trúc sư người Phần Lan Eero Saarinen, người sớm nhận thấy “tương lai” bản thiết kế sẽ là một công trình kỳ vĩ và truyền cảm bậc nhất thế giới.
Tháng 3/1959, người ta bắt đầu khởi công xây dựng nhà hát và Utzon được giao nhiệm vụ giám sát công trình. Tuy nhiên, càng về những giai đoạn sau, chi phí thi công ngày càng dội lên so với dự toán ban đầu do kết cấu phức tạp và nội thất xa hoa của công trình. Vào giữa năm 1965, chính phủ đảng Tự do của Robert Askin được bầu lên. Trong một nỗ lực nhằm hạn chế việc leo thang giá cả của công trình, tân bộ trưởng Bộ Lao động là Davis Hughes bắt đầu chất vấn Utzon về thiết kế, thời gian hoàn thành cũng như ước tính giá cả công trình. Giữa hai bên xảy ra xung đột dẫn đến việc Utzon từ chức và Hughes đã không thanh toán bất kỳ khoản phí nào cho ông. Utzon rời khỏi nước Úc và thề với lòng sẽ không bao giờ trở lại nơi đây.
Sau nhiều căng thẳng, áp lực về tiến độ thi công, chất lượng công trình cùng chi phí xây dựng, công trình Nhà hát Opera Sydney đã hoàn thành vào năm 1973 và được nữ hoàng Elizabeth II của Anh cắt băng khánh thành.
Theo thời gian, nỗi giận trong lòng Utzon cũng nguôi ngoai. Năm 2000, nhận được lời mời từ chính phủ Úc, ông đã tham gia vào việc thiết kế, cải tạo lại khu vực phòng đón tiếp lớn của công trình.
Với những đóng góp lớn lao cho công trình Nhà hát Opera Sydney, Utzon đã được trao tặng huân chương của Australia (the Order of Australia), danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Đại học Sydney và đặc biệt là giải thưởng kiến trúc danh giá Pritzker. Tuy nhiên, vì tuổi cao sức yếu, ông chưa một lần trở lại nước Úc để tận mắt chiêm ngưỡng “đứa con” được cả thế giới ngưỡng mộ của mình.
Trọng Bảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!