22 năm sau khi Liên Xô tan rã, một bộ phận người Nga vẫn kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 (7-11-1917) ở một nước Nga đã khác trong một thế giới cũng nhiều đổi khác.
giáo sư Vladimir Kolotov |
TTCT trò chuyện với giáo sư sử học Vladimir Kolotov - chủ nhiệm bộ môn lịch sử Viễn Đông của Đại học Saint Petersburg.
Nói về... “homo - soveticus”
* Nước Nga không còn kỷ niệm Cách mạng Tháng 10. Nhưng với ông, một sử gia, sự kiện lịch sử này có ý nghĩa gì?
- Không, ở Nga vẫn còn rất nhiều người kỷ niệm Cách mạng Tháng 10, vẫn còn Đảng Cộng sản Nga, là một trong những chính đảng mạnh nhất trong nước. Mỗi năm họ vẫn tổ chức biểu tình và lễ hội để kỷ niệm ngày này. Truyền thống mừng Cách mạng Tháng 10 trong nhân dân vẫn còn rất mạnh, nên từ năm 1996 chính quyền đã đổi ngày lễ kỷ niệm thành “Ngày hòa giải và hòa hợp” để những người có quan điểm khác nhau về vai trò của cách mạng có thể chung sống hòa bình trong một xã hội.
Bắt đầu từ cuối năm 2004, Nga có luật mới là ngày 7-11 không còn là ngày nghỉ, mà cả nước Nga sẽ được nghỉ vào một ngày kỷ niệm mới là “Ngày thống nhất dân tộc” 4-11. Ngày này liên quan tới một sự kiện lịch sử xảy ra ngày 4-11-1612, khi quân khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Kuzma Minin và Dmitry Pozharski đã giải phóng Matxcơva khỏi quân xâm lược Ba Lan.
Thời đó trong quân khởi nghĩa có nhiều thành phần khác nhau về dân tộc, tôn giáo. Họ thống nhất lực lượng vì quyền lợi chung để chống ngoại xâm. Tất nhiên, người ta làm điều đó để lôi kéo những người dân vẫn theo truyền thống Cách mạng Tháng 10, vì những sự kiện và nội chiến diễn ra sau Cách mạng Tháng 10 đã gây nên nhiều thiệt hại, tổn thất, mâu thuẫn mà hậu quả vẫn còn đến ngày nay.
* Với những người còn hoài niệm về thời Xô viết, theo ông, họ ca ngợi những giá trị gì?
- Đối với một số người, đó là thành tựu vĩ đại trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, xây dựng hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, bảo đảm mức sống trung bình, giải quyết vấn đề đói nghèo, chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Nhưng đối với một số người khác, thời Xô viết liên quan tới những vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo, là những trại tập trung, gây nội chiến...
Nói chung việc đánh giá quá khứ Xô viết tùy vào quan điểm chính trị của người đánh giá. Chính vì thế mà người ta nhấn mạnh những điểm tiêu cực hoặc tích cực của chế độ trước.
* Trung tâm Levada hồi tháng 9-2013 đã công bố kết quả một nghiên cứu về “homo - soveticus” (1) đăng trên tạp chí Ogonyok. Ông nghĩ gì về khái niệm “homo - soveticus” này?
- Tôi đã đọc bài báo này, có nhan đề “Một đất nước đã khác. Người homo - soveticus có sống sót? Nhà xã hội học Boris Dubin tổng kết một nghiên cứu 20 năm”. Tuy nhiên, cần nói rõ thuật ngữ này bắt nguồn từ một quyển sách của ông Alexander Zinoviev là Homo - soveticus, xuất bản từ năm 1981 tại Munich sau khi ông bị trục xuất khỏi Liên Xô vì hoạt động chống chính quyền.
* Công trình Homo - soveticus của A. Zinoviev (2) mang tới một cảm giác bi hài, mâu thuẫn như chính bản thân tác giả. Suốt cuộc đời của mình, A. Zinoviev chống thói sùng bái cá nhân nhưng cuối đời lại coi Stalin là một trong những cá nhân vĩ đại nhất. A. Zinoviev chỉ trích Liên Xô nhưng quyết định quay về Nga sống từ năm 1999 vì không thể “sống cạnh những người làm đất nước tôi tan rã”. Có phải tâm trạng mâu thuẫn đó cũng là một đặc điểm của “homo - soveticus”?
- Chị nhận xét rất đúng về tính cách mâu thuẫn trong công trình nghiên cứu của ông A. Zinoviev, nhưng ông là nhà nghiên cứu thật sự và có uy tín. Hiện tượng “homo - soveticus” theo tôi có tính trừu tượng. Khi A. Zinoviev sống ở nước ngoài thì người ta coi ông là người bất đồng chính kiến (dù ông thường xuyên nhấn mạnh ông không theo và không ủng hộ những người bất đồng chính kiến chống Liên Xô), ông trở nên nổi tiếng khi viết Homo - soveticus, bàn về “chủng” người Xô viết.
Người ta đề nghị ông viết sách về các nước phương Tây, ông nhận lời và viết Phương Tây. Hiện tượng của chủ nghĩa phương Tây, nhưng trong quyển sách này “chủ nghĩa phương Tây” lại bị phê bình nhiều hơn Liên Xô!
Chính sau khi bị trục xuất đi nước ngoài, sau này A. Zinoviev kể lại người ta hỏi ông làm thế nào để phá hoại Liên Xô, ông trả lời chỉ có một cách là cho người của họ vào vị trí lãnh đạo Liên Xô. Chính đó là điều người ta đã thực hiện khi giúp Gorbachev lên cầm quyền.
Nhân tiện tôi cũng muốn nói ở Nga hiện đang có phong trào yêu cầu xử tội Gorbachev vì “bán nước và phá hoại Liên Xô”, nhưng tòa án tối cao từ chối xem xét.
Không ai tin ai nữa...
* Trên mạng xã hội Nga, một làn sóng phản đối đang dâng lên sau một phát biểu đòi “Chia nước Nga theo đường xương sống (3)” vì cho rằng với không gian quá rộng lớn, dân tộc quá phức tạp..., nước Nga khó lòng giữ được sự toàn vẹn. Giận dữ với nhận định này, chủ tịch Đảng Cộng sản Nga G. Zyuganov đòi bỏ tù những người có ý kiến chia cắt nước Nga này. Vậy nhận định của ông như thế nào, thưa giáo sư?
- Về vấn đề này, tôi hoàn toàn đồng ý với ông G. Zyuganov. Đây là phát biểu của bà Yevgheni Albats, chủ biên tạp chí The New Times trên Đài Tiếng vọng Matxcơva, người cho rằng “chẳng có vấn đề quan trọng gì nếu chia cắt nước Nga theo dọc dải Ural”, rằng “chuyện này là tất yếu”, thậm chí bà Albats còn nói thẳng vùng Siberia của bên kia dãy Ural có thể trở thành một bộ phận kinh tế của... Trung Quốc.
Theo tôi, những người có tư tưởng chia cắt nước Nga chính là những thành viên của cuộc chiến tranh thông tin chống nước Nga. Họ sống dựa vào tiền chu cấp của các tổ chức nước ngoài và truyền bá tư tưởng bán nước. Nhưng đó cũng chính là khuyết điểm của phía lập pháp Nga (kể cả ông G. Zyuganov), vì trong bộ luật hình sự Nga chưa có điều khoản về việc chịu trách nhiệm vì hoạt động và kêu gọi chia cắt đất nước.
Mới đây RIA Novosti đã đưa tin Đảng Cộng sản Nga đang chuẩn bị dự thảo luật về tội hình sự cho những ai phát biểu đòi chia cắt nước Nga, chậm lắm là cuối năm nay sẽ thông qua.
* Chiến tranh lạnh được xem là đã chấm dứt, nhưng sự nghi kỵ và thiếu tin tưởng nhau khó mà chấm dứt. Mỹ vẫn đang nghe lén ít nhất 35 lãnh đạo các nước, và Nga bị cho là đang chiêu dụ điệp viên chống Mỹ qua các chương trình giao lưu văn hóa, như kênh Russia Today đã đưa. Ông có ý kiến gì về những việc này? Thế giới đang trong giai đoạn lịch sử nào?
- Làm sao mà chấm dứt được. Chiến tranh lạnh không chấm dứt và không thể nào chấm dứt được vì mâu thuẫn cơ bản giữa những đối thủ vẫn còn. Chiến tranh lạnh chỉ là giai đoạn giữa chiến tranh nóng. Hiện nay chỉ là hiệp mới của cái gọi là “cuộc chơi lớn” trên bàn cờ Âu - Á. Như Tổng thống V. Putin từng nói tại hội thảo về an ninh ở Munich năm 2007: “Không ai tin ai nữa”.
Chính vì thế Mỹ đã xây dựng hệ thống nghe lén toàn cầu và các nước cứ đào tạo điệp viên để tìm hiểu chính sách thật sự của các đối thủ ra sao.
* Còn vấn đề người nhập cư đang nóng lên sau vụ giết người bản xứ ở Matxcơva? Xã hội Nga có đang trở nên bài ngoại hơn?
- Tôi khẳng định ở Nga không có tư tưởng bài ngoại. Người ta đòi chính quyền phải lập lại trật tự và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vấn đề là các cộng đồng dân tộc và tôn giáo hoạt động trốn thuế và vi phạm pháp luật (ma túy, buôn bán người lao động, thu tiền bảo kê, khủng bố...), kể cả giết người bản xứ trong các cuộc xung đột khác nhưng lại được chính quyền địa phương bảo kê và làm “ô dù” cho họ.
Nếu cảnh sát bắt những tội phạm thuộc cộng đồng sắc tộc nào đó thì cộng đồng ấy sẽ chuộc về và như vậy tội phạm sẽ được miễn trách nhiệm. Như vậy pháp luật không có hiệu lực. Chính vì vậy dân tình phản đối những tiêu cực đó và tổ chức những cuộc biểu tình lớn để chống lại những phần tử tham nhũng trong chính quyền, đòi chính quyền trung ương can thiệp và lập lại trật tự. Đó không phải là những cuộc biểu tình bài ngoại.
* Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi.
PHAN XUÂN LOAN thực hiện
(1): link:http://www.kommersant.ru/doc/2265510.
(2): A. Zinoviev (1922-2006), giáo sư triết học, nhà xã hội học, nhà văn. Bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1978, sống ở Munich 21 năm trước khi trở về Nga năm 1999, viết nhiều tác phẩm khoa học và văn học. Trong những công trình cuối đời, ông đánh giá tiêu cực sự sụp đổ của Liên Xô.
(3): Nguyên văn: “Россию - по хребту”, ám chỉ dãy Ural chia nước Nga làm hai phần, phía đông dãy Ural là phần châu Á của Nga, trong khi phía tây là phần châu Âu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!