Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Tôi học nhạc

Hồi nhỏ (trước khi lên Trỗi), chẳng hiểu sao ông già bắt tôi đi học nhạc. Chẳng có một chút khái niệm nào về nhạc cụ, nên đã được “chỉ định” học violon “cho nó cơ bản”. Vậy là tôi bắt đầu đi học kéo cái đàn cò cưa này ở trường Âm nhạc Quốc gia VN chỗ góc mũi tầu Điện Biên Phủ – Trần Phú.
Vào học lại gặp ngay Phạm Bình vốn là bạn cùng học thuở Vỡ lòng cũng vô học thổi kèn tây. Thầy nó là một chú bộ đội (mà nó gọi bằng “chú” chứ không phải bằng “thầy” như tôi). Biết ông già nó là bộ đội, nên chẳng hiểu sao hồi đó tôi cữ nghĩ nó học để “làm Quân nhạc”!? Sau này hỏi lại thì ra nó cũng bị “chỉ định” chứ chẳng được chọn lựa gì.
Thật ra hồi đó tôi chẳng thích thú gì với cái nhạc nhẽo (“nhạt nhẽo”- nói theo tiếng Nam). Nhưng khi vô đó gặp bạn cũ rồi kết thêm mấy đứa nữa nên cũng tạm ổn. Tôi học tới 2 năm cái “Nhị tây” đó mà cũng chỉ kéo được bài “Cấy lúa đêm trăng” dài khoảng 10 phút. Trong khi đó có thằng bạn (em Nhạc sỹ Tạ Bôn) học cùng thầy sau 2 năm được lên biểu diễn trước toàn trường một bài nhạc cổ điển gì đó dài hơn 1 tiếng đồng hồ - Nghe tới muốn ngủ gật luôn!
Một lần kiểm tra chính tả xướng âm (chính tả ở trường Nhạc là: thầy đánh đàn piano, rồi học sinh nghe mà viết lại vào giấy bài nhạc đó), tôi chẳng nghe được gì bèn “thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi vẽ vượn”. Vậy là tôi vẽ vào tờ giấy kiểm tra một thằng nhóc mặt méo xẹo kẹp cái đàn violon trên cổ. Tới hồi trả bài, tôi thấy thầy khoanh cái hình vẽ lại ghi 10 điểm, còn bài làm thì 2 điểm kèm theo là một bài giảng đạo đức mà tới giờ tôi vẫn chẳng hiếu thầy đã nói gì!
Rồi đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, các trường rời Hà Nội đi sơ tán. Có lẽ ông già tôi không muốn tôi trở thành nhạc sỹ (?) nên không cho đi theo trường Nhạc mà lại gởi lên trường Trỗi hy vọng sẽ trở thành chiến sỹ! Thật là may, nếu không có đế quốc Mỹ, chắc ngày nay cổ tôi vẫn nghèo nghẹo kẹp cái đàn violon thì trông chẳng giống ai! Thề không bao giờ “dính” tới đàn-nhạc!
Lên trường Trỗi, tôi im re, không bao giờ khai ra chuyện đã từng học nhạc. Nhưng không giữ được lâu. Có lẽ trong những lần vui vẻ với Phạm Bình (nó cũng lên Trỗi mà lại ở cùng Trung đội mới chết chứ!), chuyện học nhạc cũng bị lộ ra (hay là nó khai?).
Lúc bấy giờ, thầy Mãn phụ trách Trung tôi đang ra sức tìm kiếm “nhân tài” để thành lập ban nhạc. Một bữa ở trại Đồi, thầy đang hướng dẫn cho Quang chầy tập đàn (nó có một cái đàn violon mang theo từ nhà và cũng đã từng học mấy năm kéo cái đàn này), thấy tôi chạy ngang qua, thầy kêu lại bắt kéo thử một bài. Tất nhiên chỉ là bài “Cấy lúa đêm trăng”. Nhưng lần này thì còn tệ hại hơn vì đã hơn năm trời chẳng sờ mó gì tới cái đàn. Thêm nữa, vì quá hoảng sợ với viễn cảnh ôm đàn, nên tôi cũng có phần cố ý kéo bậy bạ, sai tùm lum. Tội nghiệp Quang chầy đứng nhìn tôi “hành hạ” cái đàn của nó thiếu điều đứt cả dây! Sau khi nghe xong, thầy lắc đầu, bảo tôi đi chơi và từ đó không bao giờ có ai nhắc tới nỗi sợ này nữa. Ơn trời! Sau này, mỗi khi xem giàn nhạc nhà trường biểu diễn với Quang chầy và Thiện Nhân k5 ôm violon kéo ò e, tôi lại thấy rùng mình và nghĩ số mình sao mà may mắn!
Nói vậy, nhưng 2 năm học nhạc cũng không phải là vô ích. Tuy là thằng học sinh dốt nhất trường Nhạc, nhưng tới giờ nhạc của thầy Quý thì tôi trở nên nhân vật “xuất sắc”! Nhất là mỗi khi kiểm tra viết chính tả xướng âm mà thầy đọc từng nốt “đồ, rê, mi …” với cái thước kẻ gõ gõ làm nhịp, thì tôi thường viết ba bốn bài một lúc “bắn” cho bọn ngồi xung quanh mà lúc nào cũng được điểm 5. Hoành tráng!
Vậy là tới nay tôi không phải là nhạc sỹ mà cũng chẳng là chiến sỹ, trình độ nhạc lý thì đạt mức ngồi Karaoke … nghe người khác hát! Chắc cũng tương đương trình độ bắn súng vậy!

12 nhận xét:

  1. "Nhạt nhẽo" gì mặc "nhạt nhẽo". HMK6 lại còn giữ được cả ảnh "sơn ca" BH của trường Trỗi nữa chứ!

    Trả lờiXóa
  2. Với trình độ kéo violin đó, Hameok6 sẽ được bầu là trưởng ban "nhạc hiếu". Kiếm lắm!!!

    Trả lờiXóa
  3. Wa Tự thú của HM ta kết luận:
    1.Mặc dù được đào tạo từ 1 trường danh tiếng, nhưng Trình Kéo Nhị của HM chẳng ra cái đek gì.
    2. HM gian dối tổ chức để khỏi vô ban nhạc - HM chỉ thích HƯỞNG THỤ, k thích CỐNG HIẾN.
    3. HM dùng thủ đoạn TRÁT BÀI cho bạn để qua mắt Thầy Cô.

    Trả lờiXóa
  4. Hình 2. Bích Hà hát - Minh Nghĩa đệm đàn

    MK6

    Trả lờiXóa
  5. HMK6 chơi ẩu quá.Hồi đó mình cũng sợ môn này lắm vì ko hiểu gì.Sau này lại là cây guitar của đơn vị,biểu diễn tùm lum ... He he.K6LS.

    Trả lờiXóa
  6. Hehe!Tôi cũng bị chỉ định học kéo "Nhị" ở đóa.Sợ nhất là ngồi chép nhạc một móc đơn = hai móc... gì đó mà cứ thắc mắc cũng là một nốt sao cứ phải = 2.Chuyên môn làm đổ mực ra tập nhạc và thế là bị thước kẻ của ôg thầy đập.Ghét bỏ luôn nên giờ nghe nhạc cứ như là nghe gõ mõ.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi là dân trường nhạc, 4 năm trước khi lên Trỗi, cùng học với anh em Trịnh Hồng Anh k8, Hồng Hà k7. Mới tìm ra một số hồ sơ, tư liệu gốc về Trường Nhạc, trường Trỗi. Khi nào ra HN, nếu quan tâm thì HM điện thoại, trao đổi.

    Trả lờiXóa
  8. Thì ra cũng có nhiều bạn đã từng suýt là nhạc sĩ nhỉ!!!

    HMK6

    Trả lờiXóa
  9. ...từng suýt là nhạc công, ko dàn nhạc thì đám hiếu :)

    Trả lờiXóa
  10. Hồi tôi học, đi sơ tán theo trường nhạc (66-67) còn có các anh Khóa trên trường mình: A. Từ Linh k3 học 5 năm Violon; anh em NghX.Bạch, Ngh.X.Minh k5.

    Trả lờiXóa
  11. Các bố lính trỗi bây chừ hầu hết là nghệ sỹ nhân dân karaoke, hát hay ra phết (máy chấm điểm toàn thấy 90-100 điểm).

    Trả lờiXóa
  12. Hồi bé nhà tôi ở cạnh nhà cố nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên và được cụ xóa nạn "mù nhạc", nhưng chỉ ở trình độ xướng âm 7 nốt nhạc cơ bản. Thường vào cuối giờ học cụ Liên bất tôi xướng âm 7 nốt, sau khi cụ Liên dạy và kiểm tra anh em nhà anh Đinh Thắng Lợi (NVT3). Hóa ra tôi bị ông bà già trói vào môi trường âm nhạc và chắc cụ Liên cũng thấy tôi là dạng khó đào tạo! Đến bây giờ vào CADAO & OKE cũng chỉ hét để lấy điểm !!
    AB

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!