Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

Tan tác hạc chiều

...Ngày xưa, có chàng nông dân Yohyo nghèo, chất phác, tốt bụng, tình cờ bắt gặp một con hạc bị trúng tên trọng thương. Anh ta mang chim về chăm sóc cho đến khi nó lành lặn thì thả bay đi. Ít lâu sau, có một thiếu nữ xinh đẹp là Tsu không biết từ đâu đến chung sống cùng anh. Tsu dệt cho anh những tấm vải tuyệt đẹp. Cuộc sống của họ yên vui, hạnh phúc cho đến khi có hai tay buôn chuyến đến xúi Yohyo ép Tsu dệt thật nhiều tấm vải đẹp như vậy để mang lên kinh đô bán lấy nhiều tiền. Nàng Tsu đã nhiều lần năn nỉ từ chối nhưng chàng nông dân vẫn cứ ép, bởi lòng tham đã làm anh ta mờ mắt. Hóa ra Tsu chính là con chim hạc được cứu sống trước đây và những tấm vải tuyệt đẹp ấy được dệt từ lông chim hạc và mỗi lần dệt, nó phải trải qua bao đau đớn, lông trụi dần, da tươm máu. Cuối cùng, kiệt sức, Tsu đành vĩnh biệt Yohyo bay trở về trời…

Vở kịch nổi tiếng “Hạc chiều” của kịch tác gia Nhật Bản Kinoshitajunji được xây dựng theo một mô típ rất quen thuộc của truyện cổ dân gian. Hơn hai năm trước, trong một chương trình hợp tác văn hóa Việt - Nhật, đạo diễn Yuutki Ippei đã sang Việt Nam giúp dàn dựng vở kịch với dàn diễn viên rất trẻ của trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TPHCM, sau đó công diễn. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã vài lần phát sóng vở kịch này và lần mới nhất là cách đây mấy hôm.

Xem “Hạc chiều”, có lẽ ấn tượng khó quên là hình ảnh Yohyo cô đơn giữa bốn bề tuyết trắng gào tên “Tsu, Tsu…” trong đau đớn pha lẫn bao hối tiếc ở cuối vở kịch. Chàng nông dân Yohyo bây giờ đã có nhiều tiền, nhưng đổi lại, anh đã phải mất bao nhiêu thứ quý giá: mất người vợ hiền xinh đẹp, mất những chuỗi ngày sống an vui, vô tư lự trước kia… Một sự hối tiếc muộn màng và cuộc sống của anh ta giờ đây hẳn chẳng còn ý nghĩa!

Chim hạc đã về trời. Cái đẹp và vẻ thanh nhã cao quý - như ý nghĩa tượng trưng mà người ta thường gắn với chim hạc - đã trở thành món hàng bị khai thác, thậm chí “bóc lột” đến mức quá đáng, để rồi suy kiệt, tàn tạ. Và bi kịch đã xảy ra do lòng tham lam, ích kỷ đến mức lạnh lùng.

Đạo diễn Kinoshitajunji và các bạn Nhật Bản khi giúp dàn dựng vở kịch này hẳn muốn nhắn gửi như thế. Nước Nhật từ lâu đã là một cường quốc kinh tế với bao công nghệ hiện đại và nhiều sản phẩm cao cấp đã chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nhưng Nhật cũng là nước có tỷ lệ người tự tử vào loại cao nhất thế giới và không ít lần trải qua những cuộc khủng hoảng về văn hóa, tâm linh (mà vụ giáo phái AUM là một minh chứng). Do vậy mà càng ngày họ càng cố sức giữ gìn những giá trị đẹp đẽ của di sản thiên nhiên, giá trị truyền thống để hướng tới phát triển bền vững. Giờ đây, họ vẫn rạo rực với mùa hoa anh đào, với tuyết trắng trên đỉnh Fuji, trân trọng kịch Noh, trân trọng rượu sakê, vẫn sùng kính những ngôi chùa bằng gỗ hàng vài trăm năm tuổi… Họ từng trả học phí cho bài học Yohyo và giờ đây muốn chia sẻ với mọi người.

Tiếc rằng ở nơi mà họ đã gửi đến thông điệp đó, những người có trách nhiệm phải hiểu thì lại không hiểu (hay không muốn hiểu?). Rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá không thương tiếc, kênh rạch bị lấp thẳng tay, những con sông đang bị đầu độc bởi chất thải công nghiệp, nhiều bãi biển đẹp đang bị băm nát, những hòn đảo ngọc như Phú Quốc đang bị vẩn đục… và mới đây nhất là sự kiện vịnh Nha Trang- một trong số 29 vịnh đẹp nhất thế giới - bị xâm hại mặc dù đã có Luật Di sản.

Làm cản trở luồng giao thông vào vịnh, ủi phá hòn Tằm và đòi rút tên vịnh Nha Trang ra khỏi danh sách danh thắng quốc gia… phải chăng là nhằm phát triển kinh tế? Mới đây trên một tờ báo, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã phân tích: “Người ta sợ nhất đi buôn không vốn, rồi đến bán hàng không thương hiệu. Vịnh Nha Trang vừa là vốn khổng lồ, vừa là thương hiệu mạnh, khước từ nó thì hình như hơi “có vấn đề” trong tư duy” (Tuổi Trẻ, ngày 27-5).

Phải chăng những người chủ trương khai thác (theo kiểu “bóc lột”) tài nguyên thiên nhiên đang làm cái việc như anh chàng Yohyo đã ép Tsu phải liên tục rút từ bộ lông đẹp và máu thịt của mình những tấm vải bán được nhiều tiền? Để rồi “xôi hỏng, bỏng không”, tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại mà đồng tiền thu về cho đất nước (chứ không phải chạy vào túi cá nhân) cũng chẳng là bao! Con hạc bị trọng thương trong cổ tích còn có thể chập choạng bay về trời, nhưng “con hạc thiên nhiên bị bóc lột” có lẽ sẽ ngắc ngoải rồi chết cứng!

Công Thắng

1 nhận xét:

  1. Tất cả hãy cùng nhau bảo vệ, giữ gìn môi trường thiên nhiên mà chúng ta đang sống, vì một thế giới ngày mai.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!