Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

Chuyện đời cong, thẳng

Bài này tác giả là một người bạn, thỉnh thoảng có bài viết nào tâm đắc sau khi đã đăng tải trên tạp chí thường hay gửi cho bạn bè tham khảo. Sau khi đọc thấy hay và có nhiều vấn đề được phân tích khá sắc sảo và sâu sắc, do đó post lên đây để AE tham khảo.

BBT

Trong kiệt tác kiếm hiệp kiêm chính trị cổ điển Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung tiên sinh từng ca ngợi cây dâu cổ thụ mọc trong sân nhà anh thợ đóng dép Lưu Bị là linh mộc, là hiện thân của phong thuỷ, đến nỗi bịa ra một ông thầy, đi qua nhìn thấy cái cây ấy bèn phán: “Cây dâu này mọc thẳng tắp, tán xoè như cái ô. Nhà ở dưới gốc cây này ắt sinh quý nhân.” Quý nhân ấy chẳng phải Lưu Huyền Đức thì còn ai vào đây nữa. Cây dâu đó là cái ô Trời, là bản mệnh sự nghiệp của Lưu Bị sau này. Quả là về sau, Lưu Bị nhờ có cái bản mệnh ấy mà gặp được khối người ngay thẳng. Trong số đó, người quan trọng số 1 phải kể đến là vị quân sư Gia Cát Lượng (Khổng Minh). Thế nhưng La Quán Trung tiên sinh đã “lờ” đi không chép việc cái “ô” vĩ đại ấy rồi cũng đến lúc đổ kềnh. Số là một hôm, trời nổi bão giông. Cây dâu cổ thụ bỗng nghiêng ngả, quay cuồng rồi đổ sập xuống, đè nát đúng bàn thờ nhà Lưu Bị. Lúc ấy Lưu Bị đã lên ngôi hoàng đế bên đất Thục. Giá như ông thầy kia lại nhìn thấy, chắc thể nào cũng bảo vị quý nhân nhà này có nhẽ sắp đến lúc… toi. Quả nhiên một thời gian ngắn sau đó, Thục chủ Lưu Bị gặp hạn ở thành Bạch Đế rồi “toi” luôn tại đó. Trước khi chết, ngài không ngại nước Ngụy của Tào Tháo, cũng chẳng thèm ngại nước Ngô của Tôn Quyền. Ngài chỉ ngại mỗi… quân sư Khổng Minh mà thôi. Vì thế ngài đã phải triệu Khổng Minh đến tận giường bệnh mà chơi bài ngửa, tiếng là gửi gắm con côi, song lại “thòng” một câu rùng rợn rằng nếu nó bất tài, thì hay là ông thay nó, làm chủ quách nước Thục đi! Lưu Bị nói thế là có ý muốn “đe” Khổng Minh, rằng ta biết tỏng ông là người như thế nào rồi. Trước khi gặp ta, ông có tiếng là một người ngay thẳng. Ông bắt ta phải ba lần hạ cố mới chịu ra, giả vờ không thèm màng đến danh vọng. Có thật ông không thèm màng danh vọng? Sao ở lều tranh mà ông theo dõi việc thiên hạ kĩ thế? Lại còn lặn lội đi gài sẵn “thạch trận” ở những đâu đâu. Giờ ta mới biết ông rất có tài ảo thuật, dễ dàng mê hoặc được lòng ngưỡng mộ của thiên hạ không chỉ trong một vài đời. Ông mẹo vặt có thừa, song bụng dạ lại hẹp hòi. Trong thiên hạ, bất cứ ai tài hơn, ông cũng tìm cách chiêu nạp về rồi nghĩ kế trừ đi. Đã mượn tay Trương Nhiệm giết ngóm một Bàng Thống ngây thơ cả tin, kẻ “học giỏi gấp mười ông” (ý này do chính ông từng nói ra), lại còn định chém Ngụy Diên ngay trước mắt ta. Ham hố danh tiếng như ông thì sau khi ta chết đi rồi, dẫu có làm chuyện thoán nghịch cũng chẳng có gì lạ… Khổng Minh lúc đó sợ toát mồ hôi, vội vàng sụp xuống dập đầu thề lấy thề để (thề cá trê chui ống). Màn chơi bài ngửa này tuy chỉ có Lưu Bị và Khổng Minh biết, song khó mà che được cặp mắt thế gian. La Quán Trung về sau nhân đó cũng “lờ” đi cho văn vẻ sạch sẽ, sử sách trơn tru. Ấy là cái truyền thống chép sử xưa nay nó thế. Sử sách vốn chỉ ưa chép những chỗ thơm mà giấu nhẹm đi chỗ thối. Và La Quán Trung đã tỏ ra là một người chép sử khéo, song lại là một tay kể chuyện tồi, bởi ông vẫn để lộ những chỗ thối của lịch sử ra. Lưu Huyền Đức quả có con mắt tinh đời. Về sau, chỉ vì ghen tài mà Khổng Minh đã quyết không thực hiện diệu kế của Ngụy Diên, lại còn dùng lời lẽ ngụy biện để chê bai, dè bỉu. Rốt cuộc cả 6 lần đem binh ra Kì sơn đều công cốc, đến nỗi thân phải bỏ ở gò Ngũ Trượng. Thế mà trước khi chết vẫn còn nghĩ kế để giết Ngụy Diên cho bằng được. Vị quân sư ngay thẳng ấy thù dai hay sợ Ngụy Diên sau này được đắc dụng thì sẽ thành công hơn mình? Vì thân mà hy sinh béng cả cơ nghiệp của chúa như thế, chẳng trách nước Thục do Lưu Bị tốn công gây dựng chẳng bao lâu cũng mất toi về tay cha con Tư Mã Ý, không để lại được chút hơi hám gì. Vậy thì cái điềm cây dâu cổ thụ kia bị đổ, làm nát cả bàn thờ nhà Lưu Bị quả là nghiệm lắm. “Mệnh” trời quả không thể xem thường. Tuy thế, song những màn “ảo thuật,” những “mẹo” vặt của Khổng Minh vẫn được người đời thích thú, tôn sùng, đã lưu truyền được danh tiếng lẫy lừng của ông cho đến tận bây giờ. Danh tiếng ấy bao đời nay át cả Lưu Bị, đến mức bất cứ ai nghe thấy cũng phải trợn mắt thán phục. Thế thì có thể nói rằng Khổng Minh mới chính là người đã “vớ” được Lưu Bị, còn Lưu Bị, là người đã “vớ” phải Khổng Minh vậy.

Tóm lại, việc đời thường tuân theo quy luật quân tử khởi xướng, tiểu nhân a dua, quân tử thiệt thân, tiểu nhân thủ lợi. Cho nên cái triết lý “đầu voi đuôi chuột” dẫu chẳng ra gì, vẫn luôn tỏ ra đúng với mọi thời . Cái “ô Trời” ấy ở nhà Lưu Bị ban đầu dẫu có mang cái “lý” của một “con voi,” thì cuối cùng, “con voi” ấy vẫn phải có lúc đổ kềnh. Và một khi nó đã đổ, thì kết quả bao giờ cũng vô cùng thảm hại. Việc của Trời Đất còn như thế, huống hồ là việc của con người. Một cây cổ thụ còn như vậy, huống chi những loài cỏ lác. Có biết đâu rằng cái tử tế mãi chính là cái đáng nghi nhất trên đời. Cứ xem những sự khởi đầu và kết thúc của mọi cuộc đổi thay trên thế gian này thì biết. Tuy rằng cây dâu kia ở nhà Lưu Bị (có vẻ) chẳng liên quan gì đến Khổng Minh. Song việc mọc thẳng của nó hoá ra lại là một cái “triệu” bất tường. Thật chẳng biết rồi nó sẽ đổ về phía nào để mà đề phòng vậy. Giá như nó đừng đứng thẳng, mà cứ cong hẳn về một phía, để ông cha Lưu Bị cất nhà ở bên phía ngược lại, thì bàn thờ nhà ông đâu đến nỗi bị đập nát, và duyên trời biết đâu đã chẳng run rủi cho ông gặp phải con người cũng có tiếng ngay thẳng là Khổng Minh? Tưởng gặp phúc mà thành ra vô phúc, tưởng kì duyên mà lại hoá vô duyên. Chắc chỉ có giời mới đùa nổi kiểu ấy. Trên đời, có ai lại ngu đến mức không tự nhận mình là người ngay thẳng, nhất là những hạng được coi là kẻ sĩ. Thế nhưng so với cái trò đùa ghê gớm ấy của cơ trời, thì sự dối trá kinh niên của con người xem ra chẳng thấm tháp vào đâu.
LVP

4 nhận xét:

  1. Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng là chuyện đánh bi, đánh đáo thời trẻ con. Nhưng Pie Đại đế từng lấy thước vạch 1 đường từ Mat xuống Saint Petersburg để quy họach đường tầu chạy hơi nước đầu tiên ở Nga. Khốn nỗi ngón tay cái của Pie tì lên mắt thứoc nhưng thòi ra làm đường chì cong 1 đọan. Dựa trên tấm bản đồ đó, đường tầu được thi công và trên đọan đường sắt Mat-Saint có đúng 1 đọan, có lẽ cũng cả trăm km, cong như đã quy họach.
    Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng là thế!!!
    KQ

    Trả lờiXóa
  2. Xem bai này thấy khá thú vị .̣Một góc nhìn khác về tam quốc .Cái gì cũng có hai mặt của nó mặt phơi ra và măt dấu phía sau .Cách nhìn của ban cũng đúng nhưng giọng lưỡi đáo để quá, nhiều ngươi đọc sẽ giật mình đấy
    Viết tiếp đi nhưng đừng ám chỉ cụ thể
    dễ gây rắc rối đấy.
    nc

    Trả lờiXóa
  3. Khổng Minh 6 lần ra Kỳ Sơn đều phải lui binh, không phải vì ổng không hiểu kế sách của Ngụy Diên, mà:
    1/ Thế chân kiềng:
    Chiến lược của Khổng Minh là tạo thế chân kiềng - tam quốc, cân bằng. Vì thế, bất kì phe nào mạnh lên (mất cân bằng) là ổng không chịu (kể cả phe "của ổng"). Một khi Lưu Bị (hoặc Tào Tháo, hoặc Tôn Quyền) lên làm bá chủ thiên hạ thì KMinh là người bị giết đầu tiên. Câu Tiễn vừa chiến tháng là Phạm Lãi treo ấn trốn biệt. Vua thì anh đếc nào cũng mép dài mỏ quạ - chỉ chung sống với ổng vào thời lọan chứ không chung sống thời bình được.
    2/ Tình hình tại thời điểm:
    Lúc này, phe Lưu Bị đã mạnh hơn 2 anh kia, nên Lưu muốn chiếm Ngụy. Ngụy bị thua thì Đông Ngô toi. Không được. Nhưng không đánh Ngụy thì khó lý giải với Lưu. Vậy là cứ đánh, cứ ... thua, 6 lần. Ngụy Diên (không hiểu về chính trị) thấy phương án có vấn đề, bèn tham vấn. Khổng gạt phắt (theo PA của Ngụy Diên là thắng, mà thắng thì Khổng thua).
    Tiêu hao sinh lực mình:
    Vân Trường chết, Lưu kéo 80 vạn hùng binh sang Đông Ngô quyết báo thù. Khổng can, nhưng cách nói lại kích Lưu. Lưu cắm trại sai sách. Thông tin đi-về chậm (Khổng đã tính kĩ rồi) lại thêm ông vua đang khùng, nên không kịp xoay chuyển, bị hỏa công chết sạch 80 vạn. Thế là lại cân bằng.
    3/ Nắm được thông tin là thắng một nửa:
    KhổngMinh (giỏi nhất) về phò phe Lưu (yếu nhất), ông anh GiaCátCẩn về Đông Ngô, ông em GiaCátDiên về Ngụy. 3 ông luôn liên lạc với nhau, vẽ đường cho nhau (sẽ nói vào 1 dịp khác).
    Vài lời để các bạn tham khảo.
    HCQuang K4

    Trả lờiXóa
  4. KQ chỉ được cái "thuỷ tinh", chuyện gì cũng biết, mà lại là chuyện ở tận bên Nga La Tư từ hồi nảo hồi nào. Tôi ở Sant Peterburg 6 năm, công nhận là đường tầu Moscoww - Sant Peterburg có một đoạn cong như vậy thật. Nhưng còn chuyện này không biết KQ có biết không. Chả là sau khi nhận lệnh xây dựng tuyến đường tầu đó, một hôm ông kỹ sư đến hỏi Peter đại đế là làm đường tầu rộng bao nhiêu. Lúc đó Peter đại đế đang bực mình vì một chuyện nào đó bèn đuổi ông kỹ sư nọ đi ra, mà người Nga thường nói là "na khui" (cút mẹ mày đi). Nhưng khốn nỗi từ này lại có nghĩa bóng là cộng thêm một b... Mà Peter đại đế người cao 2m nên b... của ông ta dài 20cm vì vậy mà tuyến đường sắt Moscoww - Sant Peterburg mới có chiều rộng là 1,4m (trước đó là 1,2m).
    GM.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!