Không giống những căn bệnh đe dọa sức khỏe của chúng ta một cách thầm lặng như viêm khớp hay mỏi cơ, những triệu chứng của bệnh Gout rất dễ nhận thấy. Đối với nhiều người, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh Gout thường là một cơn đau mãnh liệt đi cùng với sự sưng to của ngón chân cái. Người bệnh bị đau đớn tới mức phải tỉnh giấc khi đang ngủ say và sau đó thậm chí không thể tự đi lại được nếu không được trợ giúp.
Mọi việc sẽ bắt đầu tồi tệ hơn kể từ khi phát hiện ra bệnh: Cơn đau đầu tiên kéo dài vài ngày và chỉ xuất hiện lại sau hàng tháng, thậm chí hàng năm nhưng sau đó chúng tái phát ngày càng thường xuyên hơn, tấn công các khớp xương ở tay và chân của người bệnh. Khi trở thành mãn tính, cơn đau sẽ không bao giờ chấm dứt dẫn đến hậu quả tồi tệ nhất là người bệnh có thể bị tàn tật.
May mắn thay, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này nhưng trước hết, hãy tìm hiểu đôi điều về Gout: Triệu chứng của bệnh Gout
Bệnh Gout là gì?
Gout là hiện tượng tích tụ Axít Uric bị tích tụ lại ở các khớp xương dưới dạng các lớp tinh thể. Đối với những người khỏe mạnh, cơ thể sẽ chuyển hóa Purine, một hợp chất hữu cơ có trong các thức ăn nhiều chất béo, thành Axít Uric và thải ra ngoài qua hệ bài tiết. Tuy nhiên, đối với một số người khác, bất kỳ trục trặc nào trong quá trình chuyển hóa sẽ gây ra sự dư thừa Axít Uric trong cơ thể. Khi lượng Axít Uric thừa này không được hòa tan, nó sẽ tích tụ ở các khớp xương dưới dạng các lớp tinh thể, đây chính là nguồn gốc của bệnh Gout.
Ở những giai đoạn sau của bệnh, các lớp tinh thể này sẽ hình thành các hạt sạn Axít Uric gây ra hiện tượng nổi cục ở các khớp xương. Quá trình này cùng với chứng viêm mãn tính sẽ dẫn đến triệu chứng thoái hóa khớp. Nếu không được điều trị, Axít Uric còn bị tích tụ tại thận dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm khác như cao huyết áp, sỏi thận và ảnh hưởng nặng nề đến các chức năng của thận.
Các loại thức ăn nào có thể gây ra bệnh Gout?
Thức ăn có mối liên hệ chặt chẽ với căn bệnh này. Gout là một căn bệnh xuất hiện từ xa xưa và được biết đến như là một căn bệnh của những gia đình quý tộc và giàu có. Thực tế, chế độ ăn uống với các loại thức ăn nhiều chất bổ quá mức cần thiết là nguyên nhân chính gây ra bệnh.
Những thực phẩm có chứa nhiều hợp chất Purine như gan, thận, thịt đỏ, cá, tôm cua có thể làm tăng lượng Axít Uric trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh Gout. Rượu cũng có thể làm bệnh thêm trầm trọng vì nó ngăn cản quá trình bài tiết Axít Uric khỏi cơ thể. Những người bị bệnh Gout cũng không nên uống bia vì đây là một thức uống giàu Purine và nhất là thịt chó là món khoái khẩu của đàn ông
Phương pháp chữa trị Gout bao gồm việc ngăn chặn những cơn đau cấp tính, sau đó giảm lượng Axít Uric để ngăn chặn những nguy cơ trong tương lai.
Để chữa trị những cơn đau cấp tính, bác sĩ sẽ kê cho người bệnh uống các loại thuốc giảm đau hoặc tiêm thẳng thuốc giảm đau vào chỗ khớp bị sưng. Khi cơn đau đã được kiểm soát, người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hình thành Axít Uric hoặc giúp loại bỏ nó ra khỏi cơ thể.
Phòng tránh bệnh Gout
Bạn có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh Gout nếu tuân thủ một chế độ ăn uống bổ dưỡng và biết cách cân bằng chế độ ăn uống của mình, tránh ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều Purine. Giảm cân cũng là một cách phòng bệnh có ích vì béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh Gout. Ngoài ra, nên uống nhiều nước, uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày sẽ giúp làm loãng lượng Axít Uric và do đó giúp thải nó ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn.
Với điều kiện kinh tế như hiện nay, Gout không còn được coi là “bệnh của nhà giàu” nữa mà ai cũng có thể có nguy cơ mắc căn bệnh này. Ngoài việc tránh những loại thức ăn thuộc nhóm nguy cơ cao ở trên, bạn nên ăn nhiều anh đào, cần tây và nghệ. Những loại thực phẩm này rất có ích trong việc giảm nguy cơ mặc bệnh Gout.
Hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình
Lê Quỳnh
Đọc Út Trỗi thấy nội dung đa năng hơn, hâp dẫn hơn. Xin cảm ơn Admin!
Trả lờiXóa