Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

KỶ NIỆM “NGHỊCH NGỢM” THỜI SINH VIÊN

Khóa 8 của chúng tôi Không giống các anh khóa trên là vào học các trường Đại học Quân sự , Quân Y và các trường của quân đội.
Sau khi giải tán Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi tháng 7 năm 1970, anh em K8 ra ngoài học nốt cấp III và rồi hè năm 1973 thi vào Đại học. Mỗi người một ngả, mỗi người một Trường ĐH, người học trong nước, người học nước ngoài. Trong khóa 8 có gần 20 anh em vào học tại trường Đại học Giao thông như tôi, Lợi “Ly” B3, Huy “cấy” B3, Vũ “ cháy” B2, Liêm “Mèo” B5, Minh Tuấn B3 . Kiếm “nhị” B2, Phong “ tĩ ” B6, Thành Biên B6, Lê Bình B2….và một số anh em khác ở K7.
Trước khu Kí túc xá trường ĐH Giao thông hồi đó có mấy bà, mấy chị ở Làng Cót như chị "Móm", bà Dụ, hàng sáng hay ra bán hàng phục vụ bọn sinh viên chúng tôi, nào bánh cuốn, bánh rán tẩm đường…(mà chuyện ăn sáng hồi đó là chuyện viễn tưởng đối với cánh sinh viên nội trú), còn hình thức thanh toán thì đủ kiểu : Tiền mặt, tem gạo tem bánh mì, khi không có những thứ đó, thì bằng bất cứ một vật gì có giá trị nào ( hình thức cầm đồ bây giờ còn gọi bằng “cụ” ) mà không cần sổ sách gì cả.
Một buổi sáng khi bọn tôi không còn tiền và không còn một thứ gì có giá trị cả, đang ngồi ngáp vặt chuẩn bị vào tự học thì L “M” mặt tỉnh queo tay cầm một gói bọc giấy rất đẹp vào nói với cả bọn, hôm nay tao chiêu đãi cả bọn một bữa bánh cuốn “bét nhè”, cả bọn sung sướng bật dậy đi theo nó ra gánh bánh cuốn của chị “Móm” trước cổng trường. Hôm đó cả bọn hả hê được một bữa no nê, hết ăn bánh cuốn đến bánh rán, thoải mái ăn, ăn xong nó còn ra vẻ “tinh tướng” thằng nào muốn ăn nữa xin mời cứ tiếp tục, nhưng xem chừng đã đủ cả bọn xin thôi. Lúc đó L“M” nói với chị “Móm” hôm nay em chịu trách nhiệm thanh toán cho cả bọn, nó từ từ lấy ra cái gói lúc nãy ra với vẻ mặt quan trọng nó nói : Đây là 10 thước vải sa tanh Pháp, tối hôm qua em vừa đi nhận hộ “bà già” của họ hàng gửi từ Pháp về, chị cầm hộ mấy hôm nữa có tiền em sẽ ra thanh toán và lấy lại 10 thước vải này, nếu lâu không thanh toán thì chị cứ tự nhiên sử dụng, sau đó cậu mở he hé gói vải đó ra, mọi người thấy đó đúng là Satanh thật, chị “Móm” định thò tay sờ miếng vải, nó liền gạt tay ra và nói tay đầy mỡ sờ vào bẩn vải lấy gì mà đền (thời kỳ bao cấp mấy mét sa tanh đó cực kỳ có giá trị với chị em phụ nữ) cậu ta nói tiếp: cứ sáng đi bán hàng chị phải mang theo, để nếu có tiền em sẽ thanh toán, mất là không có gì để đền được đâu ? với ánh mắt nhìn gói vải một cách thèm thuồng, lúc đó chị “Móm” khấp khởi cầm gói vải nghĩ rằng chắc gì các cậu đã có tiền mà thanh toán, tôi sẽ được hưởng tấm vải này !!!... lập tức đồng ý ngay.
Suốt mấy hôm liền, cứ buổi sáng hàng ngày đi bán hàng, chị “Móm” mang theo cái gói “của nợ” đó, sau một thời gian không thấy L “M” xuất hiện đả động gì, chị ta sốt ruột, hỏi thăm mọi người và chắc mẩm sẽ được “lĩnh trọn” tấm satanh. Đến một hôm không kiên trì được nữa, khi về nhà chị ta liền dở ra giật mình và sực hiểu mọi chuyện. Thì ra để đánh vào lòng tham của chị “Móm”, L“ M” đã lấy một tấm satanh dùng làm lót trong vali được là fẳng fiu trông rất tinh tươm, gói bọc ngoài mấy tấm vải vụn để làm vật thế chấp, làm giải pháp “tình thế” lúc đang đói. Hôm sau đến bán hàng chị ta tay cầm gói vải liền tru tréo cứ trõ vào kí túc xá tặng cho mấy bài chửi và dọa báo cho nhà trường biết, cả bọn chúng tôi không thằng nào dám ló mặt, cứ ôm bụng cười, cười chảy nước mắt trong kí túc xá, cười chán, nghĩ cũng thương chị ta và cử một “chiến sĩ” ra thương lượng nói rằng: mấy hôm nay thằng L “M” bị ốm đi nằm viện khi nào nó về, nó sẽ ra thanh toán cho chị.
Cuối tuần đó, cả bọn sau khi về gia đình lên trường, anh em “lệ quyên” đủ tiền. Hôm sau ra thanh toán cho chị “Móm” tiền bánh cuốn và được tiếp một mẻ cười nữa. Chị “Móm” cười ngượng nghịu nhận lại tiền và nói yếu ớt: Các chú chỉ được cái đùa chị, rai quá !!!.
Nghĩ lại, cuộc sống sinh viên thời đó tuy khổ, nghịch ngợm, tinh quái đúng với nghĩa “Nhất quỷ, Nhì ma, Thứ ba học trò” nhưng chính những lúc khó khăn như vậy con người ta sống với nhau rất chân tình, chân thành; để lại nhiều kỷ niệm vui, buồn và nhiều bài học tốt cho cuộc sống trưởng thành sau này của từng cá nhân, từng con người .

8 nhận xét:

  1. Đọc bài này ,tôi lại nhớ Phan đình Nhân k6 , lúc ở trường VHQĐ trên Lạng sơn năm 1974 .Lúc đó cũng đói lắm,cả đám tụi tôi, toàn học sinh trường Trỗi , sau quá trình công tác ở các đơn vị được cử đi học ôn văn hoá , chuẩn bị cho kế hoạch đào tạo cán bộ lâu dài, gồm :Tuấn enđơ,Trần Thành Công,Hoà Binh ,Tấn cáo ,Phan Đình Nhân k6 ,Triều cái,Thắng Bình ,Long jun k7 , tôi và nhiều người nữa .Buổi chiều thường mò ra bến xe Lạng sơn gần trường ăn phở nợ ,khi số nợ nhiều quá lên đến 80đ thì không còn ai đủ khả năng trả nợ , lương binh nhất, binh nhì 5-6 đ /th thì con số 80 đ thật kinh khủng thời bấy giờ?Mà đói thì triền miên, không thể không ăn nợ , nếu không thanh toán số tiền kia?Sau khi suy tính , Nhân đành gán chiếc đồng hồ kỷ niệm của Phiden Catstro tặng bố Nhân trả nợ.Sau này không có cơ hội lấy lại chiếc đồng hồ kỷ niệm đó nữa , Nhân tiếc mãi.

    Trả lờiXóa
  2. Không ăn chịu, không cắm quán, không phải là sinh viên !
    Không ăn nợ, không ghi sổ, không phải là "lính" !

    Trả lờiXóa
  3. Phụ cấp binh nhì 5đ, binh nhất 6đ, (còn đám lính đàn anh: hạ sĩ - trung sĩ - thượng sĩ thì phụ cấp 8đ - 10đ - 12đ, và mỗi thâm niên thêm 1đ). Như vậy, nợ quán khó tránh khỏi. Tôi học ĐHKTQS, tức vừa là sinh viên, vừa là lính, nhưng không bị ăn chịu, ăn nợ như đã "định nghĩa" ở bài trên. Thực tình tụi tôi tài cán gì đâu, chẳng qua trong lớp có các học viên là lính đơn vị về học. Họ là quân nhân chuyên nghiệp, tuy trung sĩ-thượng sĩ nhưng hưởng lương, tháng bốn mấy, năm chục đồng chưa gộp thâm niên, túi rủng rỉnh. Hồi đầu họ không ưa lính Trỗi, nhưng sau thân, thân tới tận bây giờ. Cánh lính trơn ra quán, rón rén kêu chén trà, điếu thuốc, sang thì thêm 1 cái kẹo dồi. Các ảnh rủ tụi tôi ra quán, gọi trà cả ấm, thuốc Sông cầu cả bao. Còn kẹo lạc, lạc luộc, chuối thì (gần như) vô tư. Trả tiền, mặt không biến sắc. Xài tiền kiểu nhà giàu chứ không cò con như mấy chú lính trơn. Đúng là một đồng khi đói bằng một gói khi no.
    Một kỉ niệm thời sinh viên.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  4. thank a HCQ đã cho biết khá chi tiết về mức phụ cấp và cách chi tiêu của lính + sviên. Nhưng e vẫn thắc mắc : tại sao Chị Em lại được hơn chta 5hào, trong khi họ vốn không được thiên nhiên ưu đãi fát sẵn súng đạn để Chiến Đấu như ae mình ?
    nmtK8(quả này k dám mạo danh HCQ nữa)

    Trả lờiXóa
  5. Chiến sĩ nữ luôn luôn hơn chiến sĩ nam cùng cấp là 5 hào, vì nữ có khoản được quyền chi "theo định mức" mà chỉ họ biết. Để biết về chi tiết, chú cứ trực tiếp hỏi các quý cô.
    Nhân chú nói "súng đạn", bọ xin nói thêm về yếu lĩnh bắn súng (nghĩa đen):
    Lính ta thường nói với nhau, là bắn súng có 4 yếu lĩnh cơ bản là tỳ vai, áp má, nín thở, bóp cò.
    Nhưng thực ra, bài vở chính tắc (thời đánh Mỹ) nói rằng, có 7 yếu lĩnh cơ bản: tỳ vai, áp má, nheo mắt, lấy đường ngắn cơ bản, đưa (đường ngắm cơ bản) vào đít điểm đen, ngưng thở, miết cò (tức là không nín thở, không bóp cò, và phải đưa vào đít cái điểm màu đen).
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  6. "Bọ" Quang fải nói là rất nhớ và thuộc yếu lĩnh cơ bản (chính tắc)của bắn súng bộ binh. Chắc khi "bọ" thực hành cũng rất chuẩn có khi điểm đạt được fải là > 30đ/3fát. Còn yếu lĩnh vừa nhảy....dù vừa bắn... "Bọ" cũng nên phổ biến cho anh em biết với...
    Vinhnq

    Trả lờiXóa
  7. a CQ,
    -Đã Quán Triệt 4-7 yếu lĩnh, "nín thở " khác ngung thở. Nhớ khí xưa đi bắn Sâm Cầm với cụ Hà "nhớn" nhà anh ở Đồng Giao, Ninh Bình, cụ thích dùng khẩu 32 có thêm nòng "thể thao". Chúng e thì máu côn đồ, cứ khẩu nào hỏa lực mạnh nhất thì chơi, chim bay chưa tới tầm súng cụ thì e đã "đoàng", Ba e thấy Chướng quá, đuổi mấy đứa ra 2 đầu Đầm bắn chim cho bay qua chỗ các cụ. Kết quả là các cụ tạo đkiện cho tụi e Tiêu Cực, xách về cả Chim+Ngô+Khoai...cũng nhớ là "không lấy cái kim sợi chỉ của dân", nhưng điều lệnh knói gì đến Con Gái và Nông Sản. Biên chế bọn Tiểu Yêu: Tiến bồ K3, Phan Nhân K6, mThanh K7, e K8, Đức K13
    - đã hỏi chị em về mục đích sử dụng 5hào, họ nói "để mua kẹo dồi"...

    Trả lờiXóa
  8. À quên:
    Sau này gia đình tôi chuyển về khu Thành công, thỉnh thoảng ở đơn vị về nhà ngày chủ nhật vẫn gặp chị "Móm" đi bán bánh cuốn, cứ đến chủ nhật chị lại đến gọi vợ tôi ra mua bánh cuốn cho chú Vinh ăn, chị nói rằng hồi sinh viên các chú rất thích ăn bánh cuốn chị làm, chị gặp tôi hồ hởi hỏi thăm các chú Kiếm, chú Đạo, chú Dũng loe...và các chú khác ở trường Giao Thông, chị kể với vợ tôi, rằng các chú ngày đi học rất nghịch nhưng vẫn tử tế. Cho đến bẵng đi vài năm, một lần ở đơn vị về, vợ tôi nói chị "Móm" mất rồi, con gái chị thay mẹ đi bán bánh cuốn và thỉnh thoảng đi qua nhà tôi cũng vẫn nhớ thay mẹ vào bán bánh cho cô chú !
    Vnq

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!