Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Quà tặng thầy Trọng: THÀY TRÒ GẶP NHAU GIỮA CHIẾN TRƯỜNG

Đoàn Nhật Cao
Học sinh khóa 7
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ném bom ra Miền Bắc XHCN ngày càng ác liệt, hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn…
Chúng tôi những học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi, được Đảng-Nhà nước cho sơ tán theo trường sang Quế Lâm (Trung Quốc) tiếp tục học tập. Thôi thì khỏi phải nói đến những trò nghịch ngợm, tai quái của đám quỷ sứ – mà các cụ xưa thường nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”- của chúng tôi thời đó. Cũng thời gian này, thầy Phạm Đình Trọng vừa dạy Văn vừa phụ trách đại đội 5 chúng tôi.
Theo thời gian, được sự dạy dỗ, giáo dục của các thầy cô, chúng tôi cũng dần lớn lên và trưởng thành. Hòa chung với khí thế của cả dân tộc lúc bấy giờ, tôi cùng nhiều anh, chị khác của trường Nguyễn Văn Trỗi tiếp bước cha anh, tình nguyện khoác ba lô lên đường đi đánh giặc. Làm quen với sương gió, gian khổ, bom đạn và kinh nghiệm sống chết nơi chiến trường khắc nhiệt.
Tôi trở thành chiến sỹ trinh sát khá nhanh nhẹn và thông thuộc địa hình Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (nước bạn Lào). Trong một lần được chọn cùng một số anh em khác làm nhiệm vụ dẫn đường, bảo vệ đoàn cán bộ trung cao cấp của mặt trận đi nghiên cứu địa hình Sa Phan, lên kế hoạch tác chiến cho chiến dịch mùa khô năm 1972-1973.
Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi bảo vệ đoàn cán bộ về đến hang Phu Nhu – nơi Bộ tư lệnh và cơ quan mặt trận đóng quân. Đường từ chân dốc lên cửa hang, có những đoạn cheo leo, gần như dốc đứng, hai bên đầy đá tai mèo và chỉ vừa một người đi lọt. Tôi hăm hở đi gần như chạy với mong muốn được gặp mặt người cha thân yêu của mình – lúc bấy giờ ông là Phó tư lệnh mặt trận.
Vừa nhô ra khỏi góc khuất, tôi thấy phía trước là một người lính, dáng thấp đậm, trên vai vác một bó củi. Anh ta chậm rãi bước từng bước chắc chắn, lách qua các khe đá. Sốt ruột, tôi lên tiếng:
- Đồng chí ơi, nhường đường cho tôi lên trước cái, tôi đang vội.
Người lính vác bó củi ngoái đầu nhìn xuống, khuôn mặt anh in đậm trên khoảng sáng của nền trời chiều nơi đỉnh núi. Tôi mơ hồ nhận ra những nét thân quen. Bỗng chốc ký ức ùa về, tôi ngẹn ngào gọi:
- Thầy! Thầy Trọng phải không?
Anh sững người trong giây lát rồi cẩn thận đặt bó củi xuống những ngọn đá tai mèo, xoay người trở lại. Thầy ngắm nhìn tôi một cách kỹ càng và nói:
- Tôi nhìn em quen lắm, biết là học sinh trường Trỗi nhưng không nhớ tên.
Tôi líu ríu giới thiệu về mình…Ôm tôi kéo sát vào ngực mình, giọng trầm lắng, thầy nói:
- Em khá lắm, thực sự em đã trưởng thành rồi!
Thầy buông tay, đẩy tôi ra xa và nói:
- Nào cho thầy ngắm kỹ người lính của thầy cái nào!
Thầy mừng rỡ hỏi tôi:
- Mà bây giờ em ở đơn vị nào? Lên Mặt trận có việc gì? Đã xong việc chưa?
Rồi như chợt tỉnh, thầy nói: “Việc đó để sau. Đi, đi lên chỗ thầy. Bây giờ thầy là Chủ nhiệm báo Miền Tây (một tờ báo của Mặt trận lúc bấy giờ – NV). Thầy có thứ để chúng ta vừa lai rai vừa nói chuyện.
Tôi đưa khẩu AK báng gấp của mình cho thầy và dành phần vác bó củi, chậm rãi theo chân thầy lên hang.
Hang nơi Bộ chỉ huy mặt trận đóng quân, ngày cũng như đêm, tối đen như mực. “Tòa Báo” của thầy nằm trong một ngách hang khá kín đáo, sau khi thắp lên ba ngọn đèn được làm từ vỏ bom bi quả dứa, thầy gọi: “Nam ơi! Ta có khách quý này. Cậu xem mình còn ít thịt hộp, bột trứng đấy làm cả đi. Hôm nay chúng ta liên hoan một bữa ra trò vào!”.
Loáng một cái, tôi đã thấy người lính tên Nam bê vào một khay đồ ăn thơm phức. Thò tay vào một hốc hang lôi ra chiếc bi đông Trung Quốc, giơ về phía ánh sáng, thầy nói: “Loại “quốc lủi” thứ thiệt đó. Tháng trước có người ra Bắc, vợ thầy gửi vào. Để dành mãi, hôm nay dùng là đúng dịp rồi”.
Thầy trò tôi chưa kịp nâng ly thì từ phía ngách hang có ánh đèn pin và bóng người đi vào. Tôi chưa kịp nhìn rõ thì thầy đã đứng dậy và nói: “Chào thủ trưởng!”. Còn tôi thì ngớ người ra và lắp bắp: “Con chào bố!”.
Thầy hết nhìn tôi lại nhìn thủ trưởng của mình. Bố tôi cười hiền từ và nói: “Tôi biết rồi, hồi nãy Nam nó sang xin mỳ chính. Nó báo cho tôi biết rồi. Thầy trò nhà anh láu cá thật, định “ăn mảnh” phải không?”. Nói rồi, ông vẫy tay mời mọi người ngồi xuống mâm và rút từ túi vải mang theo ra hai hộp thịt xay. Ông đùa: “Phần của tôi góp vui đây, tôi không ăn không của thầy trò nhà anh đâu nhé”.
Bất chợt tôi nhìn lên vách hang, bóng ba người: Cha - Con, Thầy - Trò nhảy nhót, ngả ngớn.
Chúng tôi vui suốt đêm để sáng hôm sau, mỗi người một ngả tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc theo phận sự của mình..

* Ghi chú: Nhân vật tên Nam không phải là tên thật (vì chuyện đã quá lâu nên tôi không nhớ tên. Thành thật xin lỗi!).

13 nhận xét:

  1. Giữa chiến trường mà được gặp Cha, gặp Thầy thật may mắn và hiếm có.

    Trả lờiXóa
  2. "Chúng tôi vui suốt đêm..."??? Chắc cụ Thế Hùng vui nửa đêm thôi, còn 2 thầy trò thì... suốt???

    Trả lờiXóa
  3. Cao "lùn", học trò hư K7, chuyên tẩy học bạ bằng thuốc tím, thế mà tiến bộ nhanh nhẩy ! tk7

    Trả lờiXóa
  4. Cuộc hội ngộ tình cờ, thật hiếm có trong chiến tranh, và ý nghĩa nữa. Câu chuyện hay thế.
    ĐN.

    Trả lờiXóa
  5. Cao "lùn",người lính từ chiến trường Lào trở về học văn hóa Lạng sơn.Lúc đầu định thi vào ĐHQS,nhưng sau lại vô trường sỹ quan thông tin.Chơi với bạn rất nhiệt tình.Liên lạc với tôi nhé,nếu đọc bài này.

    Trả lờiXóa
  6. Nhà Cao ở 38 Trần Phú. Anh em vô tình gặp nhau khi uống bia ở Cường "hói" 19C Hoàng Diệu, Cao kể lại chuyện này. Thấy quá hay liền chập máy nói chuyện với thầy Trọng. Rồi nảy ra ý tưởng bài viết.
    Tay này viết cứng ra phết. Nhưng hình như chưa sinh hoạt đều trên Uttroi??? Dzô đi!!!

    Trả lờiXóa
  7. Vậy bài này ai viết?Pác KQ hay Cao lùn?Ý tứ thì xúc động lắm vì như KV nói:"Hiếm có trường hợp nào như thế...".Ôg Đắc Hòa cũng gặp 1 thầy như vậy ở giữa SG khi giải phóng.
    _Dọn vườn nha:Nghẹn ngào chứ ko phải "ngẹn ngào".
    -Thứ 2 nữa là thường theo kinh nghiệm đường lên cửa hang của BTL rất dễ đi và đc làm rất cẩn thận.Pác viết có tố thêm ko đấy?

    Trả lờiXóa
  8. Cao đấy, tối qua xin email của mình và gửi. Viết ách phết!!!
    Cao lùn nhớ trả lời Ủ zin nhé!

    Trả lờiXóa
  9. Vậy là anh nào hồi bé nghịch ngợm lại hóa hay, sau mới là trinh sát giỏi được, chứ cái ngữ ... trò ngoan như ... tui thì có mà ... khướt.

    Trả lờiXóa
  10. Cao còn lùn viết hay phết viết nhiều vào để tao coi cơp cám ơn nhé

    Trả lờiXóa
  11. Cao "lùn" ngày xưa là "hoc sinh ngoan" của K7, là một trong những đại diện của K7 đi " Thạch Thất -Đồi Dền". Ngày nay bạn mình là công dân "hư" của khu TT 38A Trần Phú; hiện nay đang là Trưởng ban quản trị của khu TT, là Chi hội trưởng Cựu chiến binh của Tổ dân phố, mọi việc chổi cùn rế rách trong khu cũng đều gọi đến bạn mình. Thề có " ngọn đèn dầu ", bài viết là của bạn mình và gửi cho anh KQ. Những câu chuyện cảm động như trên hoặc khác nữa nếu phát động được thì nhiều bạn còn viết và cung cấp cho BBT.

    Trả lờiXóa
  12. Nhớ trong bài "Hoa tóc tiên" của KV.K7, P.H. cũng gặp phụ huynh ở mặt trận. Vậy có bao nhiêu Trỗi gặp phụ huynh ở chiến trường?

    Trả lờiXóa
  13. EGK9: Trương hợp của PH là phụ huyng ở bộ vật tư đi kiểm tra và phối hợp với QĐ làm đường ống xăng dầu trên đường Trương Sơn. Khi đó đơn vị PH bảo vệ BTL Quân Khu nằm ở A Lưới trên đường 14 nên gặp được phụ huynh. Cũng là rất hiếm và may mắn đấy.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!