Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Cơm lính Đại học kỹ thuật quân sự .

Tiếng kẻng báo hết tiết học cuối cùng buổi sáng vang lên như loạt pháo bắn mừng đại lễ .
Tất cả các học viên cùng đứng lên chào thầy theo câu lệnh của lớp trưởng và thứ tự rời lớp ra sân ngay ngắn xếp hàng đi về nhà .
- Giải tán ! Lớp trưởng hô .
Câu lệnh vừa vang lên thì mình thấy tái hiện lại cái cảnh " chợ vỡ " . Tiếng gọi nhau í ới nhờ mang hộ sách vở hay bát đũa , thức ăn thêm ... của hàng trăm con người cùng một lúc . Một số tên còn tranh thủ mang cầu ra đá để " giết " thời gian trong khoảng 15 phút .
Sau tiếng còi vang lên là câu lệnh :
- Tập hợp !
Tất cả mọi người nhanh chóng chạy tới đội ngũ của lớp mình . Vài tên lấy đũa gõ vào bát liên hồi như thúc giục mấy kẻ chậm chân .
Chúng chạy như ma đuổi trong ánh mắt sốt ruột của những cái bụng rỗng .
Cuối cùng ( nghĩa là rất nhanh ) hàng ngũ đã chỉnh tề đợi lệnh .
- Bước đều ... bước ! Lớp trưởng hô .
Tất cả cùng đều bước tiến về phía nhà ăn và đồng thanh hát một bài hát quy định ( mình không nhớ tên nhưng bài hát đó có nhịp 2/4 ) . Khi tới nơi mà hát chưa xong thì ... cố gắng mà hát cho hết bài và chân vẫn phải dậm tại chỗ nhé . He he .
Theo quy định thì mỗi mâm cơm là 6 người không phân biệt cao thấp , lớn nhỏ hay yếu mạnh ...
Cứ đủ một hàng 6 tên thì vào mà ăn thôi . Đại khái thế .
Tuy nhiên , có nhập cuộc thì mới thấy . Lắm kẻ ăn rất " hỗn " - theo cách gọi của các cụ . Tiêu chuẩn mỗi mâm có lưng 1 nồi cơm ( có thể nát , khê , sống hay chín ... Sau này còn có độn ngô , khoai , sắn , bo bo ... ) . Nếu đong ra cũng được khoảng mười mấy bát B52 (*) , cái đĩa đựng thức ăn là cái vung nồi cơm có 4 ngăn . 2 ngăn đựng rau , 1 ngăn có 6 miếng đậu hoặc cá , ngăn còn lại đựng nước chấm . Hôm nào sang thì có thịt thay cho đậu , cá ... nhưng đã được thái mỏng tang .
Nói thêm chút : Mà kỳ lạ là bọn " nghệ nhân " này nó thái miếng nào cũng y như miếng nào , hay là bọn nó xếp 1 mâm 6 miếng giống hệt nhau ? Tài !
Anh em lạ nước lạ cái nên ăn uống rất e dè . Gắp rau , nhai cơm nhẹ nhàng và thỉnh thoảng ngắm nhìn miếng thịt xinh xinh của mình . Rồi tưởng tượng ...
Nhưng cái thằng " hỗn hào " thì không như vậy . Ngay từ đầu nó đã " tả " ngay miếng thịt xinh xinh của nó . Anh em nhìn nhau thấy lạ . Người ta nói : Hết nạc vạc đến xương . Thế mà ...
Chưa hết ngơ ngác , chỉ trong nháy mắt 2 miếng thịt xinh xinh của anh em cũng " dính " theo đôi đũa của nó . Ái chà ! Nghiêm trọng rồi đây . 10 con mắt nhìn hắn mang hình 10 " viên gạch " nhưng hắn đâu có quan tâm gì . Bởi vì vừa ăn hắn vẫn còn vừa nhìn 3 miếng thịt xinh xinh kia mà .
Tất nhiên , không có chuyện " bất công " lại xảy ra lâu như thế . 5 tên còn lại chèn hắn ra và tự chia đều cho nhau 3 miếng thịt đó .
Không ổn một tý nào . Đúng thế thật . Không ổn một tý nào . Hắn lại quay sang cơm và rau với tốc độ kinh hoàng . Nhìn hắn ăn thì ... thôi rồi !
Hắn bỏ đi sau khi mâm cơm đã không còn gì để " khai thác " , nhưng cái mặt hắn thì 5 cái óc sẽ nhớ mãi .

***
Thế nhưng ở đời đâu phải cái gì cũng tồn tại mãi mãi . Nhất là trong quân đội thì cái tâm lý " mưa đến đâu , mát mặt đến đó " nó đã ngấm sâu vào máu những tên lính già . Bọn lính trẻ cũng nhìn gương và làm theo .
Đến bữa chiều thì 6 tên ăn buổi trưa đã không cùng một mâm nữa . Sự cùng mâm chỉ là ngẫu nhiên và xác suất gặp lại không mấy cao .
Tuy nhiên bọn mình luôn tìm cách tránh thằng " hỗn hào " đó và theo dõi hắn chặt chẽ .
Không lâu sau . Bọn mình phát hiện ra là cứ mâm nào có mặt hắn là mâm đó ăn , gắp nhiệt tình hẳn lên .
Bắt đầu có chiến thuật : Đầy - Vơi - Đầy . Nghĩa là bát đầu xới đầy , chan nước rau rồi gắp và ăn thật nhanh . Bát thứ hai xới vơi vơi . Bạn sẽ hỏi : Chan nước rau rồi gắp và ăn thật nhanh chứ ?
-Tất nhiên rồi ! Lúc này đang rảnh thì tôi có thể trả lời bạn thế chứ lúc đó thì ... làm gì có thời gian .Và bát thứ ba thì cầm chắc cái muôi và múc cơm và nhấn thật mạnh ( đoạn này làm khéo nhé . Nếu không cũng dễ mất cảm tình lắm đấy . ) . Sau đó gắp số thức ăn lên trên và từ từ , và chậm rãi ... cho đến hết . ( Quay phim , chụp ảnh đoạn này để cổ động là chuẩn nhất ) .

***
Lạ thật ! Học hành vất vả , rèn luyện gian khổ ... nhưng không thể căng thẳng như khi ở bên mâm cơm .
Mọi người có thể cười và cho là mình nói xạo . Vậy thì mình cũng sẽ kể cho các bạn một câu chuyện :
Ở một nhà nọ , có trẻ rất lười ăn . Mỗi bữa nó chỉ ăn có một bát nhỏ . Dỗ thế nào nó cũng không chịu ăn thêm . Đã thế nó còn hay nghịch . Cả nhà ra " nghị quyết " là nếu vi phạm thì nó sẽ phải ăn thêm một bát nữa . Ngoan được mấy hôm thì nó lại mắc lỗi . Nó ăn hai bát nho nhỏ mà vừa ăn vừa khóc .
Một hôm cả nhà bận việc để mặc nó xem truyền hình một mình .
Bỗng nó òa khóc làm cả nhà hốt hoảng , vội chạy lại dỗ dành và hỏi sao nó khóc .
Nó chỉ lên màn hình mà nước mắt vẫn tuôn ra : Con thương chú bộ đội quá . Chú bộ đội bị phạt phải ăn đến bốn bát cơm ...
Ừ nhỉ . Cái gì quá cũng khổ .
Quay lại câu chuyện .
Thấy tên " hỗn hào " hoành hành trong đại đội mình lúc thì như Triệu tử Long vùng vẫy trong mâm , có lúc như Trương Phi trên cầu Tràng Bản và nhiều lúc như Quan Công dùng thế đà đao ( giả vờ quay đi nhưng tay vòng lại gắp thêm một phát ) ...
Bữa đó , do đã bàn với nhau từ trước . Bọn mình quyết ra tay cho hắn một " bài học " .
Trái với mọi lần , khi xếp hàng không một tên nào dám xếp hàng cùng với hắn . Đến nỗi hắn phải chờ đến hàng cuối cùng mới được vào . Vì hàng nào tiến lên cũng đủ số người rồi . Lần này thì không . Hắn có 5 tên ngay từ " lượt gửi xe " với dáng vẻ thư sinh . Sau khi được chỉ huy cho phép vào , chúng tôi chiếm lĩnh ngay " trận địa " . Vòng 1 : Đầu tiên là cái muôi . Tên số 1 xới đầy thật nhanh rồi gạt tay hắn ra đưa cho tên số 2 . Tên số 2 cũng làm động tác đó nhưng chậm hơn một chút . Tên số 3 , 4 ,5 hoàn thành nhiệm vụ . Hắn cầm trên tay cái muôi thì trên đĩa chỉ còn lại chút rau . Vòng 2 : như vòng 1 . Vòng 3 thì hắn cầm cái muôi vét nốt nửa bát cơm còn lại với một chút nước chấm ...

***
Cũng như vạn vật . Sau những biến động lớn rồi mọi trật tự cũng sẽ được sắp xếp lại . Chúng tôi ( những kẻ ăn chậm ) đã tìm được nhau . Bây giờ chúng tôi ăn , gắp thoái mái ... thậm chí còn gắp cho nhau ăn . Có hôm nào , một tên đi về muộn nhưng cả bọn vẫn cố gắng chờ .
Các thành viên trong mâm 6 đó bây giờ đã mỗi người mỗi phương . Khi gặp lại nhau ( chưa bao giờ đủ cả 6 người ) vẫn khề khà như những ngày xưa .


(*) Bát B52 là bát sắt của quân đội . Mỗi bát có thể chứa được 1/2 lít nước .

7 nhận xét:

  1. Mới đọc mấy câu đầu đã biết là bài của K6LS. Và biết ngay không thể không có "đầy-vơi-đầy", kinh nghiệm của lính rồi (có thể còn của SV nữa?). Nhưng với bọn Trỗi, thì kinh nghiệm ấy đã có từ thời "trước lính" cơ :-)

    Trả lờiXóa
  2. Lính ĐHQS theo điều lệnh nội vụ thì phải xếp hàng nên vậy. Bọn tôi sinh viên trường ngoài không phải xếp hàng đi xuống nhà ăn. Cứ tự tìm cạ cho mình đủ 6 thằng 1 mâm, nhưng khi ăn không chơi bát với đũa, một nồi cơm (6 xuất) để nguyên vậy, đĩa thức ăn cơm sinh viên nội trú không được nhiều và "ngăn nắp" như sinh viên quân sự, cứ thế ụp luôn cả đĩa vào rồi trộn đều lên, mỗi thằng 1 cái thìa rồi cứ thế xúc, khi nồi cơm còn khảng 1/2 thì đổ xuất canh 6 ng và tiếp tục "chiến đấu" cho đến hết thì thôi. Thằng nào "ăn hỗn" một lần, bữa sau bị loại ngay. Hồi đó thỉnh thoảng Tấn "cáo" K6 dạt từ trường Kiến trúc về cũng tham gia "cơm nồi" với bọn tôi như vậy, đương nhiên mâm 6 thành mâm 7.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi sẽ kể chuyện mâm 7 tiếp theo đây và đảm bảo không đụng hàng nha . K6LS .

    Trả lờiXóa
  4. May mà hồi Trỗi đã có kinh nghiệm, khi nhập mâm cũng phải có chiến thuật như trong bóng đá có đôi hình: 4.2.4, 4.3.3, 5.3.2 … Vậy khi vào mâm không có “đội hình” quen thuộc, sẽ tùy vào rau, thịt sẽ ra chiến thuật:
    Rau thịt tương đương thì đầy vơi đầy
    Rau ít thịt nhiều thì vơi vơi đầy
    Rau thịt đều ít thì đầy đầy vơi
    Nhưng quan trọng nhất vẫn là tốc độ “lùa” sao cho bát B52 cũng chỉ được phép ba “và” phải hết. Khi có tốc độ như vậy thì sẽ như “ cơn lốc mầu da cam “ …rồi “thong thả” tiếp tục quan hệ với chị nuôi thêm món “ cháy “ tráng miệng !! Thực ra khi về nhà thì đa phần lính đều làm cho gia đình ngỡ ngàng vì tốc độ “ lùa “ !!! AB

    Trả lờiXóa
  5. Ăn chung thì lính thành phố không địch lại lại rồi.Một bát B52 đầy cơm độn ngô họ có thể lùa vài ba phát là vô hết,phải nói là uống chứ không phải ăn.Lính TP muốn địch lại chỉ còn cách dùng chiến thuật.Nếu vẫn không được chỉ còn cách đoàn kết lại lập thành một khối là hội đồng hương.Năm 1972 khi còn huấn luyện chiến sĩ mới chúng tôi đã phải đề xuất chia mâm theo nội thành và ngoại thành.Nhưng dĩ nhiên đi lao động thì không dám phân biệt.

    Trả lờiXóa
  6. @Đạt : ĐHKTQS không thế đâu . Ai cũng như ai hết . Quậy phá hay học dốt thì vẫn cứ bị kỷ luật và tăng K . Mà tăng K cũng chỉ được 1 lần thôi . Lần 2 là về đơn vị hoặc ra quân . K6LS .

    Trả lờiXóa
  7. Trong đơn vị,kinh nghiệm của tôi là cứ chơi thân với mấy chị,em nuôi quân và quản lí hay tiếp phẩm là số 1.Đi ăn
    sau thế nào cũng đc mấy chị,em nuôi quân cho ăn mâm đặc biệt,cái mâm mà để dành cho quân y tiểu đoàn kiểm tra chất lượng.Khỏi phải cạch tranh với lính nông thôn hay thành thị.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!