Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2008

Chuyện nhắc lại

BẠN VÕ DŨNG CỦA KHÓA 5 CHÚNG TÔI
Anh Thy ghi theo lời kể của Võ Hiếu Dân (em gái liệt sĩ Võ Dũng)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn trường ta có 1 thầy giáo và 22 học sinh là liệt sĩ (số liệu cũ). Họ đã anh dũng hy sinh để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Trong đợt phát động sưu tầm tư liệu và viết về đề tài nhà trường, thông qua gia đình và anh em, chúng tôi đã tìm được nhiều tư liệu quý giá về những liệt sỹ của trường ta. Riêng với liệt sỹ Võ Dũng, gia đình bác Võ Văn Kiệt và em Hiếu Dân đã cung cấp cho chúng tôi nhiều điều mà ta chưa biết.
Võ Dũng tên thật là Phan Chí Dũng, sinh 1951 tại Rạch Giá. Năm 1960, khi vừa 9 tuổi, từ Cămpuchia, Dũng được tổ chức đưa ra Bắc học tập. Do hoàn cảnh công tác bí mật, nên ba má Dũng và các em vẫn ở lại trong Nam, (đây cũng là một thiệt thòi của Dũng so với bạn bè trong lớp). Khi ra Bắc, Dũng được gửi vào học tại Trường Học sinh miền Nam số 19-21 ở Cầu Rào (Hải Phòng) cùng các bạn Phan Nam, Đông Nhân…
Đến 1963, Bộ Giáo dục có chủ trương cho những học sinh miền Nam có ba mẹ hoặc người thân ở miền Bắc về gia đình, tạo điều kiện cho học sinh được sự chăm sóc của người thân. Do đó, Dũng được cô Bảy Huệ (vợ bác Nguyễn Văn Linh) nhận về nuôi dưỡng. Trong gia đình, Dũng luôn là người anh hết mực thương yêu và biết nhường nhịn các em. Tụi nhỏ hay được nghe anh Dũng kể những chuyện trinh thám đầy bí hiểm và hấp dẫn. Dũng thường vừa kể, vừa hóa thân thành các hiệp sĩ oai hùng, luôn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa. Việc này đã trở thành một thói quen sinh hoạt của mấy anh em ở nhà cô Bảy Huệ, mỗi khi Dũng từ trường về chơi. Đến năm lớp 4, Dũng vào học ở trường Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Tháng 8 năm 1965, Dũng nhập Trường Thiếu sinh quân tại Bắc Thái cùng đợt với các bạn con em cơ quan Trung ương. Võ Dũng cùng học với các bạn khoá 5 từ lớp 6 cho đến lớp 8. Trong những năm tháng ở trường, Dũng tỏ ra rất hiếu động và nghịch ngợm, hay cầm đầu các cuộc chơi thú vị của anh em khóa 5.
Cuối năm 1966, Trung ương cục cử dì Tư – liên lạc viên – về Sài Gòn đón má và hai em Dũng lên chiến khu thăm bác Sáu. Để đảm bảo bí mật, dì Tư đã chọn đi chuyến tầu Thuận Phong dành chở vợ con sĩ quan, binh lính ngụy lên thăm chồng ở đồn Dầu Tiếng. Thời gian này đang diễn ra càn lớn, nên đúng ngày 17 tháng 12 địch có lệnh thiết quân luật, cấm mọi tàu bè chạy trên tuyến đường sông này. Thật không may, ông chủ tàu Thuận Phong lại say rượu, không hay tin này nên vẫn cho tàu chạy. Khi tàu rời Sài Gòn được hơn tiếng đồng hồ thì đoàn trực thăng yểm trợ cho trận càn đã bắn xối xả vào tàu cho đến khi chìm hẳn. Toàn bộ hành khách trên tàu không còn ai sống sót, trong đó có dì Tư, má và hai em của Dũng. Các chú, các bác đã dấu không cho Dũng và em Dân biết tin đau thương này. Ba năm sau, anh em Dũng mới hay tin, vì vậy Dũng càng nung nấu quyết tâm trở về Nam chiến đấu trả thù cho má và hai em.
Tháng 3 năm 1968, Dũng lên tầu liên vận rời Quế Lâm về nước và vào học tập tại Trường Quân chính Quân khu Tả ngạn ở Hải Dương.
Cuối năm 1968, Bác Hồ cho đón các cháu học sinh đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ: Hà Nội – Huế - Sài Gòn” về Dinh Chủ tịch chơi. Là con em miền Nam, hai anh em Dũng cũng vinh dự được gặp Bác. Các bạn thiếu nhi phấn khởi quây quần bên Bác. Bác lần lượt chia kẹo cho tất cả. Đến lượt ai Bác cũng đều hỏi thăm xem học tập ra sao, có ngoan ngoãn không.
Khi đến lượt Võ Dũng, Bác hỏi:
- Cháu có ngoan không ?
Dũng khoanh tay lễ phép: “Dạ, cháu còn nghịch, chưa ngoan ạ !”
Bác xoa đầu Dũng:
- Giỏi, cháu thật thà như vậy là tốt, nhưng cháu phải cố gắng lên để bằng các bạn nhé!
Nói rồi , Bác vẫn chia phần kẹo cho Dũng.
Tháng 8 năm 1969, ở Hoà Bình, khi Dũng chia tay để đi “B”, cô Bảy Huệ, cô Tư Duy Liên và em Hiếu Dân cứ lo: không hiểu Dũng sẽ ra sao khi vào Nam, vì hồi đi học Dũng nghịch ngợm quá. Võ Dũng đã hứa với 2 cô và em: “Các cô và em Dân yên tâm đi, con quyết sẽ trả thù cho má và hai em con. Lần này con đi "một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực" mà!”. Phải chăng đây chính là tư tưởng mà anh em ta đã có được khi học tập, rèn luyện trong Trường Trỗi?
Dũng nhập đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn” về Nam chiến đấu, trong đoàn còn có anh Long, chị Phương. Sau này, nghe anh Long kể lại, dọc đường hành quân, tuy rất gian lao vất vả, nhưng Dũng rất vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tới Đặc khu Sài Gòn – Gia Định, Dũng được biên chế vào đơn vị bộ đội thông tin. Do căm thù giặc cộng thêm bản tính hiếu động, không muốn ngồi một chỗ, Dũng một mực xin về đơn vị chiến đấu. Đến tháng 6 năm 1971, Dũng được điều về Mặt trận T3 thuộc Khu 9 và tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba và xin bằng được để các chú cho về trung đội 2 trinh sát (thuộc tiểu đoàn 3).
Ngày 21 tháng 4 năm 1972, trong một chuyến trinh sát cùng hai đồng đội, không may cả nhóm đã rơi vào ổ phục kích của địch và Võ Dũng đã hy sinh anh dũng trên kênh Tây Ký, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Vân, tỉnh Rạch Giá.
Sau giải phóng, tháng 11 năm 1975, Dũng được gia đình và đơn vị cải táng đưa về nghĩa trang An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Thật cảm động, khi lấy thi hài Dũng lên, trong túi quần vẫn còn bịch ni-lông đựng thuốc rê. Nhớ lại những ngày còn học ở trường, Dũng là một trong những số ít “tay nghiện” thuốc lá của lớp chúng tôi.
Nay Dũng đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố yên nghỉ. Tại một điểm cách cánh trái bức phù điêu lớn ở trung tâm nghĩa trang không xa là nơi yên nghỉ của Dũng cùng bia mộ tượng trưng của má Trần Kim Anh và hai em nhỏ. Các nấm mộ của các liệt sĩ được bố trí chụm lại như những cánh của một bông hoa, mà mỗi bông hoa là đội hình của một tiểu đội trong chiến đấu.
Những lần lên thăm Nghĩa trang, chúng tôi không quên đến thắp hương cho Võ Dũng, má và hai em. Xin cầu chúc cho cô Kim Anh, Võ Dũng và hai em mãi mãi yên nghỉ nơi vĩnh hằng và luôn phù hộ cho gia đình cùng anh em bạn bè thân yêu ngày ấu thơ.
Sau Tết Tân Tỵ 2001

7 nhận xét:

  1. Sinh khí của BạnTrỗik3 đã có sắc thái mới. Mời các bạn theo dõi!

    Trả lờiXóa
  2. Theo dõi truyền hình trực tiếp sáng qua, chắc có bạn thắc mắc? Chuyện tế nhị không tiện phổ biến lên blog.
    KQ

    Trả lờiXóa
  3. Chẳng có chuyện gì tế nhị và phải thắc mắc. Xin AE xem tin tại trang web này :
    http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?
    newsid=35813&fld=HTMG/2008/0615/35813

    HMK6

    Trả lờiXóa
  4. Còn TV in chữ Phan Thanh Nam là "trưởng nam" là sai!

    Trả lờiXóa
  5. Trưởng nam đương nhiệm !!!

    HMK6

    Trả lờiXóa
  6. @HMK6: Đúng là cái đồ biến báo, lưỡi ko xương.
    Nhưng đúng là như vậy. Hết chanh lấy khế làm chua.

    Tư SG.

    Trả lờiXóa
  7. Ê, Tư SG chửi tao hả ?
    Lưỡi mày có xương chắc ?
    Hì, hì....

    HMK6

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!