Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Tham khảo: Blog có phải là báo chí ?

Blogger ngày càng có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá thông tin, kết nối độc giả. Nhiều trang blog cá nhân thu hút lượng người đọc nhiều hơn cả báo chính thống. Liệu blog có phải là một hình thức mới của báo chí? Câu hỏi này đã trở thành một chủ đề tranh cãi sôi nổi trên các diễn đàn và web-blog, trong đó có sự tham gia của cả các nhà báo. Dưới đây là một số góc nhìn của những người trong cuộc



Blog không phải là báo chí
           Khi việc viết blog bắt đầu trở nên phổ biến thì ý kiến này dường như được nhiều người ủng hộ nhất.
          David S. Broder, nhà báo người Mỹ từng được trao giải thưởng Pulitzer, đã quả quyết: “Bạn không thể trở thành một nhà báo khi mà cả ngày chỉ ngồi bên máy tính để tìm tư liệu viết tin bài. Bạn phải ra ngoài, sục sạo các nguồn tin, phỏng vấn, điều tra…”
          Trong sự chỉ trích của David có nhiều phần đúng cho cả đến ngày nay, bởi lẽ thay vì tự sáng tạo ra câu chuyện của chính mình, hầu hết các blogger đều sao chép hoặc tổng hợp lại thông tin từ báo chính thống dưới góc nhìn cá nhân của họ, kèm các link dẫn để minh họa. Họ không có nhiều nguồn khai thác tin và cũng không có sự bảo trợ của các hãng truyền thông lớn để đi điều tra như các nhà báo, chưa kể đến việc phần lớn trong số họ không được đào tạo về chuyên ngành báo chí và trải qua quá trình dài làm việc trong môi trường này. Trách nhiệm của họ trước những sai sót về thông tin hoặc trước hậu quả lên nhận thức xã hội không lớn như của các nhà báo chính thống.
          Đơn cử như vào năm 2005, Apple đã kiện một blogger 19 tuổi vì đưa thông tin sản phẩm mới của hãng này lên blog cá nhân nhiều tuần trước khi Apple chính thức công bố, gây ảnh hưởng tới kế hoạch ra mắt của họ. Thế nhưng, blogger đó vô sự. Cũng với Apple, vào năm 2010, cộng đồng blog bỗng rộ lên thông tin Tivi Apple sẽ ra mắt vào năm 2012, rất nhiều người đổ xô đăng tải thông tin này lên blog của mình mà không biết rằng một năm trước, trên các tờ báo chính thống không chỉ có tin mà còn có các bài phân tích về sản phẩm đó.
          Tuy vậy, David không nhìn nhận vấn đề này theo chiều hướng tiêu cực, hoặc chí ít là ông không thấy đây là một điều không tốt đối với các nhà báo. “Trung bình mỗi tuần, mục tin tức của Washington Post nhận được 2.000 bức thư phản hồi từ độc giả nhưng chỉ 100 trong số đó được công bố trên trang tin. Điều này khiến 100 người thấy hài lòng, đồng nghĩa rằng sẽ có 1.900 người bất mãn. Họ sẽ làm gì tiếp theo? – Viết blog, đương nhiên là thế!”
          David khẳng định một cách rõ ràng rằng ý kiến cá nhân không phải là báo chí và blog – công cụ cho phép tất cả mọi người lên tiếng – ấy không được coi là báo chí. Ngay cả những trang blog đầy quyền lực và có nhiều nhà báo lớn tham gia như Huffington Post, The Daily Beast, Politico, FiteThirtyEight, Gizmodo, và TheNextWeb… cũng vậy.
          Alex Wilhelm – chủ sở hữu của The Next Web – cũng lên tiếng đồng tình với David, nhưng với lý do hoàn toàn khác. “Báo chí muốn khẳng định họ là phương tiện thông tin đáng tin cậy nhất. Đúng là mọi người cần thông tin đáng tin cậy với những số liệu đầy đủ, nhưng họ cũng cần biết sự việc đó, số liệu ấy có ý nghĩa gì. Đây là lý do blog xuất hiện, chúng tôi cung cấp cho họ những góc nhìn nhiều chiều về sự việc đó”.
          Ngày nay, không chỉ các hãng báo cạnh tranh với nhau mà cuộc chiến giữa các web-blogger để khẳng định danh tiếng cũng rất khốc liệt. Họ phải liên tục cải thiện chất lượng thông tin trên trang của mình. Nhiều người bắt đầu nhấc điện thoại, gửi email, thậm chí là ra ngoài điều tra để đảm bảo tính xác thực của thông tin thay vì chỉ ngồi trước màn hình vi tính.
          “Thông tin thô vào, qua một cỗ máy biên tập, thông tin tinh ra, định kỳ – đó là những gì nhà báo làm. Chúng tôi – những bloggers – cũng có thể làm như vậy. Cỗ máy biên tập của chúng tôi chính là người đọc và những web-blogger khác, họ thậm chí còn khắt khe hơn và có thể là các chuyên gia đến từ mọi lĩnh vực. Nếu một thông tin nào đó bị sai lệch, họ được tự do comment (bình luận) và những comment đó hiện lên tức thì trên trang blog như sự đính chính. Báo chí cũng không tránh khỏi việc mắc lỗi nhưng thử hỏi trong trường hợp ấy, mấy khi báo chí đăng tin đính chính? Blog không phải là báo chí, mà công thức của nó là: Blogging = Báo chí + ý kiến. Tôn chỉ của báo chí là tính khách quan, còn tôn chỉ của blog là cá tính. Hai cái này khó có thể đi cùng nhau. Một tờ báo không thể là báo khi mang tính chủ quan còn blog sẽ không thể lôi kéo được người khác nếu không có quan điểm cá nhân trong đó”.
          Ở đây, cả David và Alex đều đồng ý với nhau rằng: Blog và báo chí là hai thực thể khác nhau.
clip_image002 
Blog và báo chí có mối quan hệ khăng khít
          Không giống như quan điểm trên, nhiều người khác cho rằng blog và báo chí không hề tách rời, trái lại ở thời đại xã hội hóa thông tin, blog và báo chí có tác dụng tương hỗ và ảnh hưởng tới nhau vô cùng lớn.
          Trước hết, nó là sân tập cho những người muốn trở thành nhà báo. Bằng cách viết những thứ mà họ quan tâm lên trang cá nhân, blogger có thể tạo ra một trang tin của riêng mình. Nếu họ có thể cung cấp thông tin giá trị và được nhiều độc giả tin cậy, rất có thể họ sẽ trở thành đối tác cung cấp tin của một hãng tin chính thống. Đơn cử, web-blog FiveThirtyEight.com đề cập ở trên đã được New York Times mua lại.
          Thế nhưng không chỉ là sân sau của báo chí, blog còn gây ảnh hưởng ngược tới các phương tiện truyền thông chính thống. Theo thống kê mới đây của Brodeur và MarketWire, có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn. 21% trong số họ bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng để đọc blog. Và 16% trong số họ có trang blog riêng.
          Dù blog chưa cung cấp được cho họ những thông tin hoàn hảo và tin cậy 100%, nhưng không thể phủ nhận rằng trên blog có những bài viết chuyên ngành tuyệt vời – điều mà báo chí đang khao khát. Đây cũng là một nguồn thông tin vừa rẻ và vừa dễ thu thập cho các nhà báo.
          Đối với những sự kiện mang tính cục bộ xảy ra trong thời gian thực như thiên tai, thảm họa, tấn công khủng bố… thì blog thường là nơi đưa tin sớm nhất. Trong nhiều trường hợp, các phương tiện truyền thông chính thống phải lấy lại thông tin từ blog. Hoặc trong các sự kiện có tính tranh luận cao như tranh cử tổng thống…, blog cũng là nơi tập hợp được nhiều ý kiến nhất và tức thì nhất.
          Khi đọc blog, độc giả có thể hình dung ra được bức tranh toàn cảnh sống động về những gì mà mọi người đang suy nghĩ về một vấn đề nhất định. Điều này cũng có nghĩa là họ có thể dự đoán được vấn đề gì sắp xảy ra trong xã hội và có cách phản ứng trước khi nó thực sự diễn ra. Nếu là nhà báo thì sẽ không thể bỏ qua được điều này và khi họ viết lên mặt báo thì vấn đề trên blog sẽ được chính thức hóa và sức lan truyền của nó đối với công chúng sẽ rộng lớn hơn nữa.
          Với những yếu tố trên, blog không chỉ có vai trò to lớn trong việc bổ sung và hỗ trợ thông tin cho báo chí, mà còn gây ảnh hưởng ngược lại tới báo chí trong việc định hướng đề tài cũng như triển khai bài viết.
          Ranh giới giữa Blog và Báo chí là mờ nhạt
          Cuối cùng là nhóm ủng hộ cho chất lượng thông tin thay vì phân định giữa blog hay báo chí.
          John Berman, nhà báo kỳ cựu của hãng tin ABC, cho rằng có những bài “phóng sự” trên blog rất tuyệt vời dù rằng không nhất thiết tất cả các blog đều phải viết những bài như thế. Nếu người ta muốn tìm kiếm một bài viết mang tính chuyên môn thì họ nên tìm đến blog của các chuyên gia thay vì đọc một bài tổng hợp của phóng viên trên báo.
          Bên cạnh công việc theo dõi hoạt động của Nhà Trắng cho hãng tin ABC, Jake Tapper là một blogger. Anh thường xuyên đẩy tin nóng lên blog của mình trước cả TV đồng thời cũng đưa blog những thông tin không bao giờ có trên TV. Muốn biết điều gì đang diễn ra tại Nhà Trắng thì người ta sẽ thật khờ nếu không đọc blog của anh nhưng người ta còn khờ hơn nữa nếu không xem tin tức của anh trên truyền hình.
          Shane Evans, phó tổng biên tập của Goal.com, từng tuyên bố: “Đã qua rồi cái thời bạn cần một cái bằng báo chí để có thể làm việc trong lĩnh vực này. Ngày nay, nếu những bài viết trên blog của bạn thu hút hàng ngàn, hàng triệu lượt truy cập thì rõ ràng bạn là một cây bút có tầm ảnh hưởng lớn.”
          Đối với những người như John, Shane và Jake, vấn đề nằm ở chất lượng thông tin hơn là việc nó được đăng trên phương tiện nào. Và khi chất lượng là yếu tố được đặt lên hàng đầu thì ranh giới giữa báo chí và blog là rất mờ nhạt.
Hồng Đào
- Nguồn Blog Trương Duy Nhất  

- Ảnh: Hts (Nguồn: Tạp chí VTC)

2 nhận xét:

  1. Blog là "báo cá nhân". Một người viết xuất bản về sự việc dưới quan điểm riêng cho nhiều người đọc.
    Báo chí truyền thống là xuất bản về sự việc dưới quan điểm của Ban Biên tập ra đại chúng.
    Tất nhiên một người chỉ là một phóng viên, một quan điểm kiên định hoặc là không.
    Báo chí nhiều phóng viên, quan điểm tập thể hoặc đa quan điểm, phức tạp hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Báo chính thống lề phải nhiều người, nhiều phương tiện, nhỏn mỗi quan điểm : Đảng ta giỏi nhất, biết hết!

    4 SG

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!