Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Tháng12 và những dấu ấn (tiếp)

Mình lại viết tiếp những kỷ niệm của tháng 12. Trước hết xin cám ơn Đỗ Nghĩa đã gửi thêm ảnh cho bài viết của mình. Bức ảnh chụp 4 người: Hoàng Thành. Hòa Bình, Tất Thắng, Đỗ Nghĩa đẹp quá, chỉ tiếc rằng Tất Thắng của chúng ta không còn nữa. Mình và Tất Thắng cũng nhiều kỷ niệm lắm, có những kỷ niệm Đạt đã nói rồi, hôm nay mình sẽ nói thêm. Hồi ở Bái Nai, có một tiệm chụp ảnh đen trắng, hầu như tụi lính bọn mình đứa nào cũng có những tấm ảnh kỷ niệm được chụp ở đó, mà tấm ảnh phổ biến nhất là cậu lính khoác AK trước ngực đứng rất hiên ngang. Mình còn giữ nhiều ảnh lắm, nhưng chua có cách nào để đưa lên.
Hối đó, những ngày huấn luyện ở Bái Nai, thực sự là những ngày rèn luyện rất vất vả. Ngoài việc học tập về kỹ chiến thuật thì chuyện báo động ban đêm, hành quân mang ba lô đựng đầy đá leo dốc Cun (gần thị xã Hòa bình), vào rừng lấy củi, thay nhau làm anh nuôi, đứng gác giữa đêm đông giá rét của rừng núi Hòa bình...diễn ra cáp tập để chuẩn bị tư thế, thể lực, bản lĩnh cho việc hành quân đi B sau này. Những ngày nghỉ, bọn mình chủ yếu là vào bản mua sắn (củ mì), mía, kẹo dồi, xôi, chuối để ăn, chứ chẳng có gì hơn. Phụ cấp tân binh hồi đó chỉ có 5 đồng, vậy mà mình tiêu vẫn không hết. Nơi huấn luyện cách Hà nội chỉ có khoảng 40 km, nhưng suốt 5 tháng ở đó mình không hề về nhà lẩn nào. Không biết các chiến hữu khác có trốn về lần nào không? Cho đến ngày chuẩn bị đi B mình mới được về nhà mấy ngày để chia tay gia đình và người thân. Lúc này Hà nội đã đi sơ tán vắng hoe. Từ ngày 16/4/1972 giặc Mỹ quay trở lại bắn phá miền Bắc, bạn bè lớp mình đều đã đi sơ tán về các tỉnh để ôn thi đại học. Đến nhà ai cũng không gặp, tràn ngập một không khí vắng lạnh, bâng khuâng. Cho đến giờ mình vẫn không thể quên được cái cảm giác khi đến nhà cô bạn cùng lớp ở phố Bát sứ, vừa leo lên gác thì nhìn thấy ngay dòng chữ ghi trên cánh cửa : Nhà đi sơ tán! Chao ôi, một nỗi buồn mang mác bỗng ập về. Mấy ngày nữa mình đã vào Nam rồi, liệu biết bao giờ mới gặp lại...đây? Hồi đó khi còn học ở lớp, quả thật mình chưa biết yêu, nhưng khi đi bộ đội rồi, qua thư từ mới xuất hiện những rung động của một thứ tình cảm thân thiết, trìu mến hơn tình bạn, nhưng cũng chưa hẳn là tình yêu. Mình để lại mấy dòng tạm biệt ròi ra đi, vào chiến trường luôn mong ngóng hồi âm, nhưng...chẳng có gì! Sau này mỗi lần họp lớp mình cứ muốn nói với cô bạn rằng: bạn chính là người con gái đầu tiên đã đem đến cho mình cái cảm giác bâng khuâng lạ lùng ấy, và cho đến bây giờ mình vẫn luôn ấp ủ nó, nhưng rồi vẫn cứ ngại ngùng không sao nói được ! Tạm biệt Hà nội và gia đình trở về đơn vị, không khí sôi động chuẩn bị cho những ngày hành quân đi chiến trường lại nhanh chóng xua đi những phút giây xao động, bâng khuâng ấy...

Máy của mình không hiểu sao rất hay trục trặc, đôi khi vào các trang web khác thì được nhưng vào Ut Trỗi thì lại không được, nên nhiều khi định viết lại đành thôi.
Tháng 5/1972 bọn mình chính thức nhận lệnh đi B. Cho đến bây giờ mình vẫn không cắt nghĩa được vì sao hồi đó bọn mình lại say việc đi bộ đội, đi chiến trường đến thế. Mà Tất Thắng là người say nhất. Hồi đó cũng không hẳn là có một động cơ thật rõ ràng, đi là đi thôi, không nghĩ gì đến gian khổ, chẳng nghĩ đến chuyện sống chết ra sao, cũng không hình dung ra mặt trận rồi sẽ như thế nào. Không buồn, không lo lắng, chỉ có háo hức đi. Trong 4 đứa cùng khu tập thể đi lính cùng đợt, nhưng chỉ có mình và 2 Thắng cùng đi B một lần, Đạt hình như chuyển đơn vị khác, cả Ngô Thái Hòa cũng vậy (NTHòa nhà ở cùng Khu 5b HHT với Y Hòa). Đường hành quân từ Hòa bình vào đến Vĩnh linh khoảng 600 km, có chặng đi tàu hỏa, có chặng đi ô tô, nhưng chủ yếu là đi bộ. Những ngày hành quân từ Bắc vào Nam qua rất nhiều binh trạm, nhiều làng xóm, tỉnh thành, nếm trải biết bao cực nhọc, ghi nhận biết bao ký ức, kỷ niệm. Ngày đó mình gầy yếu lắm, chỉ có 42kg, nhưng hành quân không biết mệt, chẳng bao giờ rớt lại phía sau. Là tiểu đội trưởng nên lúc nào mình cũng phải mang thêm phần gạo, xoong chảo cho tiểu đội. Hành quân cứ ngày nghi, đêm đi. Mỗi chặng hành quân là qua một binh trạm. Hòa bình - Thường tín - Ninh bình - Thanh hóa - Nam đàn (Nghệ an) - Đức thọ (Hà tĩnh) - Quảng ninh, Hương hóa (Quảng bình). Chặng cuối cùng trên đất Bắc dừng chân ở Bãi Hà- Vĩnh linh để chuẩn bị vượt sông Bến hải ở thượng nguồn để vào Quảng trị.
Mình nhớ mãi lần vượt sông năm ấy. Tháng 7 đang là mùa mưa lũ ở miền Trung, nước ở thượng nguồn sông Bến hải chảy rất xiết. Toàn đơn vị phải tự bơi qua sông, không có thuyền đò. Hồi đó mình hầu như chưa biết bơi. Lúc còn đi học ở Hà nội, thỉnh thoảng đạp xe ra Quảng bá tắm, nhưng cũng chẳng tập bơi được là bao. Vậy mà đứng trước dòng sông chảy xiết mình cũng phải liều bơi qua. Quần áo, dày dép, gạo, súng đạn gói cả vào một túi ni lông cột thặt thành chiếc phao, nắm chặt lấy, lao ra dòng nước xiết, đạp chân tung tóe vừa trôi theo dòng nước, vừa sang ngang và cũng đến bờ bên kia một cách an toàn. Thật là hú vía! Giờ đây bọn mình đã thật sự ở trên mảnh đất của chiến trường Quảng trị rồi. Ai cũng đã từng nghe nói đến sự khốc liệt của chiến trường Quảng trị mùa hè 1972. Ở mặt trận B5, cả mình và 2 Thắng đều ở cùng sư đoàn 312 và cùng tiểu đoàn 17 Công binh, nhưng mỗi đứa ở một bộ phận khác nhau. Tất Thắng ở đơn vị chiến đấu, Hùng Thắng đảm bảo bến vượt sông, còn mình ở tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn Công binh, hầu như chẳng gặp nhau. Tiểu đoàn Công binh chuyên làm đường, chở phà, làm hầm cho sở chỉ huy Sư đoàn. Mình là lính trinh sát nên mỗi lần đến một địa điểm mới là phải đi tìm vị trí sở chỉ huy, sau đó là tham gia làm hầm SCH, một công việc vô cùng nặng nhọc và vất vả. Mùa mưa ở Quảng trị tầm tã, bọn mình đi từ cánh rừng này sang cánh rừng khác để chặt cây làm hầm, cây phải to, thẳng, dài mới làm hầm SCH được, vừa vác gỗ, vừa trơn trượt, ngã lên ngã xuống. Làm hết ngày này sang ngày khác, không biết mệt là gì. Có khi giữa trời mưa tầm tã, chỉ mặc chiếc quần đùi, khoác trên mình chiếc vỏ bao gạo Trung quốc thay cho áo mưa, lạnh run người, nhưng vẫn vác những cây gỗ to nặng trĩu lên xuống dốc băng băng, may mà cũng chẳng ốm ngày nào. Cơm ăn thì không đói nhưng thức ăn thì rất kham khổ, chủ yếu là thịt hộp Trung quốc, lương khô Trung quốc. Những lần đi chặt cây làm hầm bọn mình thường tranh thủ hái măng rừng về ngâm chua rồi nấu với thịt hộp hoặc hái rau môn thục ven suối, bắt cua, cá nấu ăn. Giờ nghĩ lại, sao thấy mình hồi đó rất gầy yếu mà sao lại khỏe đến vậy. Nhiệm vụ cứ cuốn hút người lính, quên cả bom đạn , quên cả gian khổ. Sư đoàn 312 hoạt động chủ yếu ở quanh khu vực núi Chua nga, động Ông gio, khe Ba lang. Tuy cường độ bom đạn không cấp tập như ở thành cổ, nhưng hầu như ngày nào cũng có bom rơi, đạn nổ, dần nó đã thành quen, chẳng biết sợ là gì. Những ngày tháng 12 ở Quảng trị rét lắm, mưa tầm mưa tã, có khi ở trong hầm chữ A, có khi nằm trên võng căng tăng (nhưtấm ni lông) che mưa, đêm lạnh thấu xương, không ngủ được, lại nôn nao nhớ về Hà nội, nhớ gia đình, bạn bè. Cũng chẳng nghĩ là bao giờ được ra Bắc. Khi nghe tin Mỹ mở chiến dịch đưa B52 ồ ạt ném bom hủy diệt Hà nội (chiến dịch 12 ngày đêm từ 18/12 đến 30/12/1972), nằm trên võng nghe đài mà nhớ Hà nội đến nôn nao. Cái cảm giác ấy đến giờ vẫn không quên. Mình không ở Hà nội nhiều, nhưng lúc ấy nỗi nhớ Hà nội, nhớ gia đình, nhớ bạn bè trường Trỗi, bạn bè lớp 10A Ba đình sao mà gia diết đến thế! Ở chiến trường, bọn mình cũng không thể hình dung hết Hà nội bị tàn phá ra sao nữa. Một thời gian sau đó, thì hiệp định Pari được ký kết. Mọi người òa lên vui sướng, reo hò. Vài tháng sau, ba đứa bọn mình được tin chuẩn bị ra Bắc đi học. (còn tiếp)

9 nhận xét:

  1. Vỹ lên Bãi Nai chưa đầy tháng đã là tiểu đội phó.Cậu viết những kỷ niệm đời lính cho mọi người đọc đi.

    Trả lờiXóa
  2. Vỹ nhắc đến Hùng Thắng trong bài có phải Thắng em Thế đùn không?

    Trả lờiXóa
  3. Hùng Thắng ở 16 Lý Nam Đế không phải em Thế mà em anh Dũng K3, anh Bình K8. Năm 1975 cùng ôn văn hóa Lạng Sơn với KV.K7 và K6LS
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  4. Hà hùng Thắng k6.Bây giờ chạy xe ôm trước cửa khu 16a LNĐ.Chú Hồng bố Hùng Thắng làm chính ủy trường VHQĐ ở Lạng sơn,thời KV và K6LS chắc vẫn còn?

    Trả lờiXóa
  5. Đạt nhớ chính xác đấy . Bọn tôi gọi là Thắng còm ( cho nó gọn ) . Em Thế đùn là Dũng ( học cùng với em tôi ở bên Bungari ) . Trong bài viết vượt rào ở LS bị cảnh vệ đuổi bắn của tôi thì hôm đó có Hà Thắng . Hắn không chạy ( vì sức yếu ) mà núp sau cây gạo . Bọn cảnh vệ chỉ đuổi theo bọn tôi . Thế mới biết : Khỏe dùng sức , yếu dùng mưu .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  6. Lẩm cẩm hay là hâm hâm mất rồi, trong đầu tôi cứ nghĩ Dũng là Thắng, cũng sinh 55, Thắng còn nhỏ hơn.

    Trả lờiXóa
  7. Hành trình của đại ca đi qua sao mà quen thuộc với Quế: HN, Ninh bình, Nghệ An, Đức Thọ, Hương Hóa, Bãi Hà...Đặc biệt là Đôộng ông Gio, núi Chua nga (theo muội nhớ thì là đôộng chứ không phải động, người Quảng Trị gọi những ngọn đồi nhỏ là đôộng! Còn đại ca có bít vì sao núi có tên là Chua nga hem?)...nghe quen bởi vì từ 1964 - 1966 Quế cũng có một hành trình như thế, nhưng mà...đi ngược với đại ca, nghĩa là đi từ trong ra ngoài. Đại ca thì đi làm anh bộ đội, còn muội thì đi làm Quế đó! Khi muội lên đến Ba lòng thì một cơn lũ lớn tràn về, bộ đội và cán bộ đói lắm vì không về xuôi tải lương được, các chú bộ đội lúc ấy toàn ăn bắp bung, không có hạt gạo nào! Còn nghe đại ca nói môn thục mà muội còn chảy nước miếng, vì lúc ấy đói quá, đến bữa thấy món môn thục hoặc môn voóc nấu với ruốc (không có thịt hộp như đại ca đâu) muội thèm rỏ dãi!thỉnh thoảng muội được các chú bồi dưỡng (vì nhỏ) cá suối nấu lá me!
    Quế MF

    Trả lờiXóa
  8. To Quế MF:Cám ơn em đã cho biết chính xác tên gọi Độông Ông Gio.Nhưng bộ đội miền Bắc gọi thế quen rồi.Giống như dân HN thường có tiếng nói nhẹ,không hay uốn lưỡi khi phát âm.Ví dụ như"r"với"d" hay "tr"với"ch".

    Trả lờiXóa
  9. @dathb136: dạ, đó là tiếng địa phương, nhưng nếu gọi là động người đọc lại tưởng là như "động" Phong Nha!

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!