Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Dòng Ô LÂU

Bao nhiêu con đường, bao nhiêu dòng sông đã đi qua trong mỗi đời người. Với tuổi thơ tôi là dòng Ly Giang xa xôi, khi tuổi đôi mươi là dòng Ô Lâu của miền Trung xứ Huế. Dòng sông nhỏ, thất thường con nước, có cái tên nghe ngồ ngộ nhưng nghe lâu thây thương, với người lính như tôi dòng sông nhỏ này đầy kỷ niệm.
Đó là những trận đánh của đơn vị từ mùa hè năm 1974, dòng sông nhỏ dựng lên những cột nước trắng xoá, hai bên bờ khói lửa trùm kính bến vượt. Ngoái nhìn về phía bờ sông vẫn thấy thấp thoáng những đồng đội tôi chạy, họ lao tới bờ sông, vượt qua những cột nước trắng của pháo địch lên chi viện cho chúng tôi dứt điểm đồi 61. Những ai ngã xuống trên đường chạy hay dưới lòng sông tôi không thể biết tên họ, chỉ biết đó là những người lính đoàn Phong Quảng , máu các đồng đội tôi đã hoà vào dòng nước này, làm sao quên…
Trận đánh đó đúng vào ngày 18/09/1974, ngày tôi vừa tròn tuổi hai mươi, ngày đó tôi đâu nhớ sinh nhật của mình mà tình cờ sau này khi đọc ghi chép của người tiểu đoàn phó, tôi mới hay.
Ghi chép của Trần Đình Hồng, tiểu đoàn phó K15, E4:
…. 9/1974 phong thượng uý. Ngày 18/09/74 chỉ huy đơn vị đánh chiếm cao điểm 61 chỉ trong 10 phút bằng phương pháp vận động tấn công giành thắng lợi diệt 120 tên địch.
Ngày 25/10 đi nhận bàn giao khu vực hoạt động của đơn vị, trời mưa to, phải bơi qua sông Ô Lâu bị nước cuốn trôi đi đã đượcđồng chí Mai Hồng Tình quê ở Nga Sơn, Thanh Hoá vớt lên. Ôi ! tôi rất cảm ơn anh đã cứu tôi, đã dạy cho chúng ta hết lòng vì đồng đội, tình cảm đó không sao quên được..
Mới lại thấy Ô Lâu đâu chỉ riêng mình có kỷ niệm và đâu chỉ là những trận đánh ngày nào. Dòng sông và những cánh rừng bên sông từng gắn bó với người lính chiến trường . Là lũ nguồn dữ dội trong mưa, là cạn khô nổi trắng cát sỏi trong nắng, thất thường lắm nhưng sông ơi ! Là thương nhớ khôn nguôi…
Đã nhiều lần tôi về lại Ô Lâu, đã thăm lại các điểm cao nơi xảy ra trận đánh, nhưng để ngược dòng sông vào sâu những cánh rừng thượng nguồn thì chưa thực hiện được vì rất nhiều lý do. Lần này, có ông bạn ĐN hợp máu lãng du, thích khám phá chẳng ngán gian nan vất vả, tôi mới quyết thực hiện ý định này.
Xa rừng hơn 30 năm rồi sức trẻ đâu còn nữa, chúng tôi phải nhờ cậy người dân bản địa. Thật may mắn là nhờ những người bạn Huế có chuyến về chiến khu Hoà Mỹ chúng tôi đã tìm được một hướng dẫn viên như ý và đặt “ căn cứ” xuất phát cho chuyến “ phượt “ rừng tại chính nhà người dẫn đường cho chúng tôi.
Người đàn ông dẫn đường cho chúng tôi trạc 60 tuổi, từng là lính của chế độ Sài Gòn cũ, ông cùng gia đình sống ở chân đồi 61 đã hơn 30 năm nay. Hôm nay cùng chúng tôi lội sông băng rừng, trên đường ông ấy không chỉ giải thích cho chúng tôi những câu hỏi về rừng, về dòng sông hôm nay mà còn là ký ức thời lính trận, khi hai chúng tôi ở hai chiến tuyến. Cũng là một dịp tôi hiều thêm về người lính đối phương xưa, họ hầu hết là những người nông dân chất phác hiền hậu, càng thấm thêm nỗi đau đất nước
Hơn 30 năm vứt bỏ áo lính, trở về với rừng, nước Ô Lâu, ông và gia đình lấy nghề rừng để sống. Nay tuổi cao không đi rừng nữa, ông bảo chân đã yếu rồi, vậy mà đi với chúng tôi ông cứ băng băng. Khi hỏi, thì ông bảo người dân vào rừng là để kiếm sống, là song mây, lá nón mỗi khi về trên lưng phải cõng 40, 50 kg chứ vào rừng chơi nhởi như chúng tôi thì sức còn dư. Hai vợ chồng sinh được những bốn con, năm thằng ( hai thằng đã mất, tôi không tiện hỏi ), ngần ấy miệng ăn mà chỉ trông vào mấy sào đất vườn với trồng rừng được chia sao đủ để sống, phải gắn với rừng chứ làm sao trụ nổi. Vậy là nghề rừng đôi khi lại là nguồn sống chính của gia đình ông. Tôi không thể hình dùng được những năm trước đó hai vợ chồng ông nuôi nổi từng ấy đứa con chỉ bằng nghề đi rừng. Ông kể ngày đó cực lắm loay hoay với đất trồng gì cũng hỏng, nhưng rồi cũng qua được, giờ lũ con đã lớn đều đi làm xa cả, có đứa làm ăn tận Sài Gòn. Ở lại nhà còn vợ chồng cậu con trai út, ngày ngày cạo mũ cao su khi vãn việc lại ngược sông kiếm cá về bán, thêm ít tiền bồi dưỡng cho cô vợ trẻ đang mang bầu.
Chuyện về cuộc sống hôm nay của người dẫn đường, của người dân vùng thượng Ô Lâu thật dài, dân nơi đây còn nghèo, không thấy bóng cây lúa, đã thử trồng lạc rồi trồng đậu nhưng chưa thấy khả quan gì, nguồn sống trông cả vào rừng và những đồi cây keo tai tượng. Rồi lũ lụt, dòng sông xanh trở màu đỏ đục, nước sông cuồn cuộn hung dữ phá đi bao công sức con người tạo dựng. Nhìn những rác mắc trên ngọn cây sau cơn bão số 9 mới biết lũ nguồn dữ dội hơn xưa nhiều lắm. ( còn tiếp )
Một bản dân tộc sống ở cửa rừng








ĐN ngã, đang kiểm tra lại đồ







Đường rừng len lỏi





Mời nhau điếu thuốc







Cây mây




Đánh dấu lên cây khoang tầu phòng lạc rừng


Cây lá nón







Đi trên đường của lâm nghiêp






Khắc Việt

19 nhận xét:

  1. Bóc tem phát đã, đọc và còm sau, chờ mãi.
    Sang kia coi nốt bài bác QT.

    Trả lờiXóa
  2. Trả lại Họ cho người ta đi không gia tộc người ta kiện đến cùng đó.

    Trả lờiXóa
  3. Truyện hay mà tác giả cứ bắt "còn tiếp". Khác nào vô bàn được mời dĩa đậu phộng rồi bắt chờ hoài sôi bụng wá.

    Trả lờiXóa
  4. Mấy bọ học La Quán Trung viết theo kiểu Tam Quốc Chí "hồi sau sẽ rõ" cho anh em ngỏng cổ chờ...hay!
    "...Rượu vò lại rót khuyên mời ,
    Cùng nhau kể lại chuyện thời xa xưa..."

    Trả lờiXóa
  5. Nhìn KV đi trên đường của Lâm nghiệp mà tui thấy " bị gậy " kiểu này khó à nha .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  6. Hình 1 : Bản dân tộc lần đầu tiên được các "đại gia" mời thuốc lá Thăng Long bao bạc nhưng vẫn cầm điếu thuốc lào.

    Trả lờiXóa
  7. Phượt kiểu này cũng khoái nhưng không biết còn vắt không mà không thấy ĐN VÀ KV quấn xà cạp,hay rừng Quảng trị không có vắt nhỉ,đi qua những địa danh gắn liền với một thời chinh chiến cũng nhiều nỗi niềm lắm, nhất là khi nghĩ về những người bạn cùng đơn vị đã hy sinh.
    Đã nhận được xê ri ảnh của ĐN, cám ơn nhé, nếu có dịp mình sẽ sử dụng.

    Trả lờiXóa
  8. Hôm đi trời khô mà chỉ có 3 người, vắt đánh hơi được thì mọi người đã đi khỏi. Tuy vậy cũng có vướng một hai chú.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  9. Ngày ấy tròn tuổi 20, những chiến sỹ đổ mồ hôi và máu cho đất nước, bi giờ tròn tuổi 20 mấy cu cậu móc túi mẹ tiền đi sinh nhật quán cà-phê!

    Trả lờiXóa
  10. Thời thế, thế thời phải thế mà. Không phải lo lắng chi nhiều, tiêu nhiều sẽ biết cách làm ra đồng tiền.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  11. KVK7 : Theo ông thì các "phá gia chi tử" biết cách làm ra tiền ư ? Chúng chỉ biết đốt tiền và sau đó là ... cánh cửa nhà tù . Nếu kẻ nào thoát ra mà biết tu tỉnh và hội nhập tốt thì may ra , cong không thì ... buồn ơi chào mi nha .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  12. Quế Lâm ơi!Ngày ấy đám thanh niên chưa đến tuổi 18 đã lên đường rồi!Còn bây giờ 20 tuổi còn chưa biết định hướng cho mình?KV còn tin tưởng bọn trẻ thế kia à?Bọn nghiện nó tiêu cả núi tiền mà có biết kiếm tiền đâu?Nếu bây giờ quăng nó lên rừng là không biết kiếm đường ra đâu,chưa nói kiếm cái gì để ăn nữa.

    Trả lờiXóa
  13. Không lẽ nhìn KVK7 khăn áo bị gậy lại có thể là tấm gương cho thế hệ trẻ . Một lời với KV : Bọn trẻ nó không hiểu bạn đâu nếu với hình ảnh như vậy . Cũng như quảng cáo , chúng thích hình ảnh đẹp hơn . Còn chúng mình thì ... hình của bạn hơi bị sang ( ý nói hoành tráng ) . Ngày xưa mà béo khỏe , ăn mặc lành lặn như dzậy là lính cậu đó nha .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  14. Quế thực sự lo lắng cho thế hệ trẻ, chúng có 2 xu hướng: "Tích cực": học, cắm đầu học, không cần biết gì xung quanh, ông bà cha mẹ ra sao, kiếm suất học bổng đi học nước ngoài, học giỏi, nhưng tốt nghiệp xong tìm cách ở lại luôn, chê nước Việt không về! (Quế không có ý trách những người vì mưu sinh phải sống xa xứ sở)
    Tiêu cực: chơi tràn, không thích học, học chi cho mệt mỏi, ngày ngày ngồi quán cà phê, quán chát, không tiền đã có cha mẹ lo, cha mẹ không lo thì đi bụi cho bít mặt rùi hãi quá phải lo...

    Trả lờiXóa
  15. Hình như những người dân tộc ở vùng này là người Ba Hay thì phải.

    Trả lờiXóa
  16. Tôi lại nghe như là Pa Hy. Mấy ông xứ lạ đến nghe câu được câu chăng nên dễ tam sao thất bản lắm.

    Trả lờiXóa
  17. Dạ Pa Hy là đúng! Quế nghe một số người quen ở bản Pa Hy nói rằng dân tộc này thực ra là một nhánh mới của người Tà Ôih lai với người Kinh. Thực hư thế nào phải có các nhà dân tộc học làm rõ.
    Quế MF

    Trả lờiXóa
  18. KV đi không rủ bạn nha . Tui mà đi là tui nói tiếng Malaysia thì biết nhau ngay . Ông bạn hơi xấu lẻn đi một mình rồi chưa hòa nhập với " quần chúng " nên viết hơi bị rối . Xin lỗi đi rồi sẽ được tha bổng .
    K6LS

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!