Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

GIẢI MÃ SEN NHẬT

( Sản phẩm “liên doanh” TM-ĐH)

Từ hôm nọ tới giờ tôi vẫn ấm ức về chuyện màu sắc của hoa sen Nhật . Sáng nay, tôi với ĐH ra “hiện trường” để tìm lời đáp. May mắn thay! Trên cả tuyệt vời, chúng tôi đã gặp được “quới nhơn” như cơ duyên tiền định.

Theo lời ông ta – một nghệ sĩ nhiếp ảnh, thì đây là giống sen có gốc Mêhico do nữ hoàng Nhật tặng Thiệu 1972. Sen được trồng ở Thảo cầm viên, rồi người ta nhân giống lên. Năm 75 vừa giải phóng, tôi vào Thảo cầm viên và rất ấn tượng với cây sen này ( hồi ấy không thấy hoa). Đây là loại cây rất khó trồng, chỉ ở xứ nóng mới nở hoa . Cái bông sen to, đẹp thế nhưng tuổi thọ chỉ độc có...một ngày. Bông bắt đầu nở màu trắng vào khoảng 2-3 giờ sáng ( tất nhiên muốn ngắm phải có đèn pin).

Lúc 7h30 bọn tôi đến bông vẫn đang nở, các cánh dày màu trắng như những ngón tay quyền quý nhìn rất sang trọng. Sau khoảng một giờ, các cánh ngoài bắt đầu ưỡn ra, cong xuống một cách đài các và rồi theo thời gian cả bông hoa chuyển sang hơi vàng.

Cho đến đầu giờ chiều thì đổi thành màu phớt tím.

Sắc độ màu cứ đậm dần lên để rồi đến chiều tối hoa trở sang màu tím pha sắc hồng thắm cho đến lúc tàn. Hèn nào tụi tôi đến mỗi lần lại thấy nó có màu một khác.

Chuyện không dừng lại ở đấy. Song song với lúc hoa đang nở và tàn , một nụ bông mới dưới nước cũng từ từ ngoi lên và bắt đầu chu kỳ mới.

Ngay đúng vị trí ấy, lúc nào ta cũng thấy một bông đang nở và một nụ sắp khai nhụy nên ngày hôm sau nhìn thấy rất dễ lầm với bông hoa cũ . Cái lá cũng vậy . Bên cạnh nụ bông bao giờ cũng có một cái lá non cuộn lại, nó từ từ bung ra thành hình trái tim rồi xòe ra thành “nón quai thao quan họ” như ta thấy. Lá vươn ra cùng với nụ bông và tuổi đời cũng ngắn ngủi .Chính vì vậy mà số lượng lá rất ồn định, nếu không nó đã lan kín mặt hồ. Không dùng từ “quang hợp”, người ta nói những lá này tích năng lượng từ nắng, truyền cho hoa nó mới nở được ( ở xứ ít nắng sen không có hoa ). Hoa nở trên mặt nước, khi tàn thì đài hoa chui ngay xuống nước chứ không có gương sen như sen ta . Phần trình diễn dưới nước tiếp theo là gì thì chịu…chắc hôm nào phài “thuê” anh Chí lặn xuống xem sao!

Cũng vẫn sự vật , hiện tượng ấy , mỗi lần mình lại phát hiện , khám phá ra đôi nét mới là lạ, thật thú vị khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Hóa ra không cần phải đi nhiều , đi xa mà vẫn có thể tìm ra những điều mới mẻ. Ăn nhau là ở “ phương pháp tư duy”. Chả trách các thiền sư chỉ ngồi trong cốc động mà ngộ được cả thế gian!?

Hoa đã lạ nhưng “quý nhân” bọn tôi gặp có khi còn lạ hơn. Tất nhiên qua lời ông ta kể vì đây mới chỉ là buổi sơ giao. Tôi nghĩ chắc ông chẳng hơi đâu mà bốc phét với hai thằng tôi làm gì cho nhọc xác.

Lời ông :

-Tôi theo đuổi cây sen này hàng chục năm nay , tôi bị mê hoặc, say đắm vì vẻ đẹp kỳ ảo của nó. Tôi theo dõi , ngắm nghía nó hết ngày này qua ngày khác . Trong mắt tôi nó như một cô gái kiêu sa trong tà áo dài trắng, càng cố giấu mình trong lớp vỏ đoan trang bao nhiêu nét xuân thì lại càng lộ rõ bấy nhiêu. “Nó” hớp hồn tôi, khiến tôi ngất ngây đắm đuối như một kẻ tình si . Tôi đã chụp gần một ngàn bức ảnh về nó, chẳng cái nào giống cái nào, mỗi cái đều có nét đẹp rất riêng tư. Người ta đem ảnh của tôi triễn lãm ở Mỹ , ở Canada….

Ông nói say sưa, mê mải về bông sen của ông , về nghệ thuật nhiếp ảnh , về những mảng màu sáng tối trong cuộc đời trắc ần của mình. Ông nói như những cảm nhận của ông đã được nghiền ngẫm , nung nấu “chín dừ” giờ đem ra mời thực khách. Hai thằng đứng nghe ông nói dưới ánh nắng xiên khoai chiếu vào gáy hơn nửa giờ, mặt thộn ra, miệng há hốc như lũ cá đang hớp nước dưới mặt hồ . Diễn đạt quan niệm mỹ học bằng công cụ máy ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh với những khái niệm ước lệ, trừu tượng , mờ mờ ảo ảo dễ hiểu dược như ông quả chỉ có ở những kẻ quá đam mê.

Ông xài máy phim chứ không phải máy KTS, tức là cái quyền được sữa chữa sai sót ít hơn mình nhiều và vì nó rất tốn kém nên người ta chắc phải cân nhắc kỹ trước khi bấm máy. ĐH hỏi ông đôi điều kiểu lợi dụng “trau dồi nghiệp vụ”. Ông cả cười mà rằng : -Khi mình dám nói ra một cái dốt tức là mình đã khôn ngoan cả cuộc đời rồi đấy!

…Lúc bọn tôi đến “ phim trường”. Trời còn khá sớm đã thấy một ông già tóc trắng với cái giá 3 chân đã lắp sẵn, trên gá cái máy ảnh Leica chụp phim, đã được điều chỉnh phần tử chi tiết. Ông buộc một cáí ly nhựa vào sợi dây để làm “gầu” múc nước. Cứ một lát lại thấy ông té nước vào bông sen và mấy cái lá “để cho sạch nền ảnh và những giọt nước đọng tạo sự tinh khôi , sống động cho hoa” …Ông nhìn mặt trời , ông canh bóng nắng như một nhà thiên văn… sao cho bóng sen được nổi bật trên nền nước . Tức là ông đã “nhìn thấy” tác phẩm của mình trong tương lai. “ Sẽ phải chờ khá lâu đấy Một bức ảnh đẹp là phải trộn cả mồ hôi , tầm lòng, tâm huyết và cả sự hiểu biết của mình vào đó, chữ NHẪN cần lắm”-ông nói.

Tự nhiên tôi so sánh ông với hình ảnh chú chim bói cá đang “thiền” trên cành cây. Nó lim dim như ngủ nhưng thực ra vẫn tập trung cao độ quan sát những diễn biến dưới mặt hồ. Thời cơ đến, nó lao xuống như một mũi tên gắp gọn chú cá con trong mỏ…Ông lão cũng vậy. Khi mọi yếu tố đã hội đủ , ông mở túi “đạo cụ”, lấy cái hộp đựng phim con con , đổ ra mấy viên sỏi nhỏ . Một tay ông ném viên sỏi cạnh bông sen để tạo sóng lăn tăn đồng thời tay kia nhấn vào nút dây bấm máy…rất đồng bộ. Xoạch , xong một pô, lưng áo ông đã ướt đầm và mái đầu bạc thấm đẫm mồ hôi. Lao động nghệ thuật là thế này đây!

Trong ảnh là cảnh ông hướng dẫn cho ĐH cách ném sỏi tạo sóng …tôi chụp lén được. Trong con người ông như toát ra cái “Tôi” của Trịnh Công Sơn, một chút cô độc , một chút cao ngạo vừa như muốn thoát ra lại vừa như vẫn vương vấn với đời . Khẩu khí ông có chút gì bàng bạc, day dứt “ cát bụi” của ẩn sĩ - Tự mình cảm nhận , tìm tòi, thưởng thức để rồi được đắm mình trong cái đẹp vĩnh hằng mênh mông của tạo hóa.

* Theo sự phân công của “tổ chức”. ĐH lo phần ảnh , tôi lo phần chữ bài này. Mô hình “liên doanh” thí điểm xin AE cho ý kiến.

12 nhận xét:

  1. Blog UT tinh vi quá. Tui nhớ cô bạn nhà báo hồi ở London bảo là trên báo nước ngoài, phần chữ với phần hình thường là do các tác giả có chuyên môn riêng biệt thực hiện, có dzậy họ mới tinh vi được.
    Già rồi, nhìn và đọc cũng như ăn, chẳng được nhiều, ít mà tinh là hơn. Ba Chai

    Trả lờiXóa
  2. Được lắm, hai ông Liên doanh. Không những tinh vi mà còn rất nhọc công, nửa đêm mới đăng bài. Muốn cho bài "nở" cùng hoa hả?
    Lạ nhất là cái giống hoa ấy nó có quy tắc và trật tự, như anh TM đã kể.

    Trả lờiXóa
  3. Cả bài và ảnh đều thật là tuyệt.

    Trả lờiXóa
  4. Chơi thế mới gọi là chơi chứ!Chơi mê mải đến khi ngộ ra được mới là hay.Cám ơn hai bác nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nay mới được biết về sen Nhật như thế, còn thiếu ngó sen và củ sen nữa. Cám ơn liên danh "Minh-Hoà"-Hoa nhà mình.

    Trả lờiXóa
  6. Sen Nhật nở lúc 2h-3h sáng thì bác TM và Dachoak7 đi từ lúc nào để xem "hoa nở" ? có "chờ trăng lên" ko? và có tốn R ko? Đúng kiểu của các cụ đồ nho ngày xưa!!!

    Trả lờiXóa
  7. Không phải ai cũng làm được như vầy. Great!
    AMk3

    Trả lờiXóa
  8. Chắc LT không để ý anh TM viết "Lúc 7h30 bọn tôi đến ..."

    Trả lờiXóa
  9. Cam on hai bac da cho toi cam nhan duoc ve dep hop hon cua sen Nhat ma toi chua thay bao gio.

    Trả lờiXóa
  10. Đến giờ này mới được xem blog...Hoa sen Nhật có thơm không? Nó có củ và ngó không? Nếu có thì "măm" được không...quả còn nhiều điều bí ẩn. Sự khám phá toàn diện đi kèm với sự "thưởng thức" toàn diện đang chờ các bạn!
    TM

    Trả lờiXóa
  11. Cảm ơn hai nghệ gia, cả bai và ảnh đều tuyệt!

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!