Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009
Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009
Đi Tây bắc (Tiếp theo)
Sau khi dùng bữa sáng, đúng 7h45 chúng tôi xuất phát đi thăm khu di tích Điện biên. Điểm thăm đầu tiên là tượng đài kéo pháo cách thành phố Điện biên khoảng 7-8 km phía đi Tuần giáo. Tượng đài kéo pháo này nằm trên một mỏm núi đã được san bằng, ngay cạnh con đường ngày xưa bộ đội ta đã kéo pháo vào công kích cứ điểm Điện biên phủ. Thăm quan xong nơi này, 9h chúng tôi quay trở lại thành phố Điện biên thăm các di tích khác của Điện biên phủ: Hầm của tướng Đờ Cát, cầu Mường thanh, bảo tàng chiến thắng Điện biên, đồi A1 và tượng đài chiến thắng trên đồi D1. Trước khi đi Lai Châu , buổi trưa Ban quản lý dự án di tích ĐBP rất chu đáo chiêu đãi chúng tôi bữa lẩu cá hồi, áy náy quá, nhưng phải "chiều" bạn thôi. Đúng 13h chiều xuất phát đi Lai châu, trên đường đi chúng tôi rẽ vào nghĩa trang liệt sĩ đồi Độc lập viếng các liệt sĩ. Tại đây quang cảnh khu nghĩa trang đẹp rộng rãi, thoáng đãng, trang nghiêm và hoàn toàn là mộ liệt sĩ vô danh. Sau 30 phút thăm viếng chúng tôi tiếp tục hành trình đi Lai châu.
Chuyến đi này cũng đã được nghe giới thiệu, trên quãng đường đến thủ phủ mới của Lai châu là Phong thổ, theo đường 12 sẽ đi qua cầu Hang Tôm nổi tiếng, chiếc cầu treo dây văng bê tông đã có thời được xem là lớn nhất miền Bắc. Cầu Hang Tôm nối Mường Lay (Điện Biên) với huyện Sìn Hồ (Lai Châu), trông đẹp là thế, nhưng chỉ hơn một năm nữa thôi,... Cái cầu đẹp thế này sẽ chìm sâu dưới hơn 20m nước của hồ thuỷ điện Sơn La! trong biển nước rộng hơn 200 km2 cùng với cả thị xã Lai Châu (cũ) và một phần của tỉnh Sơn La và Điện Biên. Công trình thủy điện Sơn La khi hoàn thành sẽ là công trình thủy điện lớn nhất nước. Trong khu vực lòng hồ rộng lớn sẽ nhấn chìm bao thôn xóm, bản làng, tất cả phải di dời đến địa điểm mới, thế mới thấu lòng được với đồng bào nơi đây, họ phải xa rời nơi chôn nhau cắt rốn, xa những mảnh ruộng, dòng sông, lũy tre, những kỷ niệm gắn bó từ bao đời nay, vì việc chung họ cũng đành phải hy sinh, một sự hy sinh quá lớn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Vì ý nghĩa như vậy, chúng tôi khi qua đây cũng tìm cách chụp thật nhiều ảnh của cây cầu sẽ đi vào lịch sử này. Qua cầu Hang Tôm theo đường 12 chúng tôi dọc cùng dòng Nậm na. Thấp thoáng bên kia Nậm na là những khu tái định cư của người dân lòng hồ nơi đây. Dọc đường đi thỉnh thoảng xe của chúng tôi phải dừng lại do phía trên núi công nhân đang san ủi đất làm đường mới, nâng cốt đường lên cao hơn, sợ đất đá rơi xuống nguy hiểm cho xe chạy phía dưới. Đường đi thì bụi mù, đường xấu, đoạn đường này cũng hơn 35 km.
Có nhiều đoạn trên dòng Nậm na thấy nhiều xà lan nhỏ dưới sông của dân đãi vàng. Lúc qua đoạn đường này, do đường xóc và trời cũng đã về chiều nên tối, tôi cũng không ghi lại được hình ảnh nào. Việc đãi vàng như vậy thật tai hại đối với môi trường, khai thác theo kiểu tự phát ngay đầu nguồn nước thế này, khi phân kim người ta dùng nhiều hóa chất, trong đó có thủy ngân, một chất cực độc, như vậy lượng thủy ngân đó có được kiểm soát kỹ hay lại được xả thẳng xuống dòng những con sông đầu nguồn? Nguồn lợi của việc khai thác có thể lớn đối với thiểu số cá nhân nhưng với môi trường, với cộng đồng thì tác hại của nó cực kỳ lớn, không thể khắc phục được.
Từ cầu Hang Tôm, xe chúng tôi lùi lại đi sau , để 2 xe của VH và bác ĐC đi trước. Với ý định “phượt” bằng ô tô, chỗ nào thấy cảnh đẹp thì dừng lại chụp ảnh (giá mà ĐH ra Bắc đi cùng đợt này thì mình cũng được dịp học mót về món ảnh đang tập tọe), nghĩ rằng chắc gì mình đã có dịp quay trở lại (nhưng vẫn hy vọng sẽ có dịp trở lại sau khi thủy điện Sơn la hoàn thành). Khi trời tối hẳn thì xe chúng tôi cũng kịp với 2 xe trước, vì bị ngăn đường. Địa hình của hành trình này cũng phần lớn là đường đèo. Trên đoạn đường trước khi vào thị xã Tam đường (cũ) có đoạn đường nhấp nhô liên tục rất xóc, theo như VH, bác ĐC kể: đã bỏ tay khỏi vô lăng để " nhảy sex" trên xe, càng gần Phong thổ đường đi cũng tốt hơn. Đi thêm gần 60km nữa, 20h30 chúng tôi đến Lai châu. Kết thúc ngày thứ 3 của hành trình Tây bắc.
Từ trên xuống:
Ảnh 1: Tượng đài kéo pháo nhìn từ xa.
Ảnh 2: Con đường bộ đội kéo pháo trong chiến dịch ĐBP.
Ảnh 3: Cầu Hang Tôm.
Ảnh 4: Hoàng hôn trên dòng Nậm na.
Ảnh 5: Một bản tái định cư của dân lòng hồ.
Ảnh 6: Một chiếc cầu treo dân sinh bắc qua dòng Nậm na.
Vườn nhà hoa chi chít.
Thông thường hoa này bám vào thân cây hoặc người ta treo nó lơ lửng như treo phong lan. Còn mình thì trồng nó dưới gốc cây cau. Không biết có phải vì thế mà hoa chi chít. Những nhánh quấn quanh gốc cau ở phía bên kia còn mấy chùm hoa nữa.
Mấy hôm nữa hoa mới nở rộ, hôm nay mới chỉ là nụ chi chít.
THẾ LÀ TÔI ĐI MỸ.
Tôi được một đối tác mời sang Mỹ chơi. Tưởng rằng mình sẽ không bao giờ được sang Mỹ, nên nhân dịp này thử đi cho biết. Tuy thế tôi cũng không hy vọng nhiều lắm khi đi xin Visa, nghe nhiều người nói vô Mỹ khó lắm?
Trước khi đi phỏng vấn, tôi đã chuẩn bị giấy tờ chứng minh là mình sẽ không ở lại Mỹ(?). Sau khi kê khai vào tờ đơn xin nhập cảnh nộp tại lãnh sự quán Mỹ tọa lạc trên đường Lê Duẩn. Qua nhiều chốt an ninh, bỏ lại túi xách theo yêu cầu, tôi bước vào khu vực phỏng vấn ngồi chờ đến lượt. Hồi hộp không kém gì khi đi thi,nhưng thầm nhủ: "đi cũng được, mà rớt cũng là lẽ đương nhiên". Đến lượt tôi, gặp một bà người Mỹ đứng tuổi và một cậu VN phiên dịch. Bà vẫn lui cui vô đống giấy tờ, miệng thì hỏi tôi sang Mỹ có việc gì? Sau khi nghe tôi trình bày lí do, thế là xong, chờ lấy Visa. Mớ giấy tờ tôi chuẩn bị khá kỹ không cần tới. Đến ngày hẹn tôi lại tới xếp hàng trước cửa LSQ Mỹ chờ đến lượt. Không ngờ Visa của tôi lại được cho ra, vô nhiều lượt, thời hạn đến 1 năm. Trong khi những người đi cùng đoàn chỉ cho có 3 tháng, hoặc rớt luôn. Có lẽ họ trông mặt mà bắt hình dong? Nhân viên di cư Mỹ có quyền thích hay không thích mà không cần nói lí do. Nước Mỹ chảnh thế, nên bị ghét cũng phải!
Đi máy bay của hãng EVA AIR (Taiwan), nên phải ghé sân bay Đài bắc nghỉ khoảng 1-2 tiếng. Do ngồi ghế VIP nên chúng tôi được đưa lên phòng chờ của VIP nằm tít trên lầu, cách cửa ra khá xa. Sân bay Đài bắc lớn nhưng ngoài mỹ phẩm, rượu,vài đồ lưu niệm thì cũng không có gì giải trí cho du khách ghé qua. Nếu được xếp hạng thì sân bay Singapore là nhất về khoản dịch vụ câu tiền của khách, sau đó là Bangkok(?). Ngoài 4 tiếng bay từ VN sang Đài loan, chúng tôi còn phải bay gần 16 tiếng từ Taiwan sang Log Angeles(Mỹ) nên đêm thật là dài. Ngủ suốt trong chuyến bay, tỉnh dậy là được các cô tiếp viên chăm sóc nhiệt tình. Khăn nóng lau mặt, nước súc miệng, hỏi ăn gì? Uống gì? Vì không phải vận động nhiều nên không đói, chẳng biết ăn gì? Tôi gọi đại món cháo trắng ăn với dưa cải, ruốc cá hay thịt gì đó không biết cho dễ ăn. Gọi một ly nước trái cây là xong. Khách VIP trên máy bay thật sướng muốn ăn gì? Uống gì tùy thích, như tôi ngồi ghế VIP có lẽ phí? Nhưng được cái ghế ngồi ngả ra thành giường nằm thoải mái hơn ngồi phía dưới, ghế business, có TV xem, nghe qua tai nghe, không ảnh hưởng đến người bên cạnh . Đi đường dài mới biết nó quan trọng như thế nào! Tới sân bay Log Angeles đã là 15 giờ chiều. Khi bay trên thành phố thấy đa số là nhà gỗ, trung tâm thành phố mới có nhà cao tầng. Sau này hỏi mới biết do California là bang rộng nhất nước Mỹ, hay xảy ra động đất nên hạn chế xây nhà cao tầng! Có nhiều dàn khoan dầu đang hoạt động. Ra khỏi nhà ga có người đứng đón đưa về Little Saigòn ngay. Little Sài gòn cách sân bay LAX khoảng 1 giờ đồng hồ chạy xe. Bên này khi hỏi chỗ đó bao xa? thì sẽ được trả lời là đi khoảng mấy tiếng, chứ không như bên mình tính bằng km. Đến Little Saigon coi như ở VN. Toàn người Việt, dân Mỹ,dân Hàn dần dần lui xa ra các thành phố khác nhường chỗ cho người Việt nam. Dân VN coi đây là thủ phủ của mình nên cứ đến Tết là lại kéo nhau về . Đường xá bên Mỹ chia như ô bàn cờ. Nhà ở không rộng lắm nhưng ngôi nhà nào cũng có 1 lô đất rộng làm sân chơi hay trồng cây, nơi ở riêng tuyệt đối không buôn bán tại nhà, nên không có nạn "Tiến về mặt tiền"như bên ta. Muốn buôn bán ra trung tâm thuê nhà mở cửa hàng. Lúc tôi sang,gần ngày 30/4 nên cờ vàng ba sọc đỏ treo đầy đường, vì Cali là nơi tập trung người Việt đông nhất, nên nơi đây cũng là nơi chống Cộng mạnh mẽ nhất. Báo chí rất nhiều trang, nhưng chủ yếu là quảng cáo, thỉnh thoảng mới chen vào một bài chống Cộng, không bán được vì không có người đọc, chủ yếu cho không, sống bằng tiền quảng cáo. Cứ trong nước xử vụ gì hay có một vụ dân khiếu kiện thì ở đây nó xuyên tạc thành chống chính phủ hay chính phủ lừa phỉnh dân ngay. Ví dụ như vụ gạo cứu trợ cho dân bị mốc , chính phủ yêu cầu điều tra xử lí thì báo chí ở đây la ầm ĩ là chính phủ cung cấp cho dân gạo mốc...Rồi việc nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn cao Kỳ về VN bị chửi thậm tệ, ca ngợi ca sĩ Thu Phương, Bằng Kiều. Nhưng đấy là những thành phần sĩ quan chế độ cũ bị đưa đi học tập cải tạo hoặc có thâm thù với đất nước ở khoảng 60 tuổi trở lên, còn đám người trẻ tôi hỏi thì họ nói không quan tâm tới chính trị và cũng không hiểu được những người kia làm như thế để làm gì? Theo họ cả một chế độ có đầy đủ vũ khí, được Mỹ ủng hộ còn không làm được gì, thì bây giờ có mấy mống già lại càng không làm được! Nhưng họ hiểu hoàn cảnh những người kia phải lợi dụng chính trị, tổ chức này, tổ chức kia như thế thì mới kiếm tiền được(?). Phần nhiều "quyên góp,vận động" bà con xong, lại cãi nhau chí chóe vì chia không đều. Bây giờ mọi người đều chán, nên ít người cho. Dân Mỹ tuyệt đối tuân thủ luật giao thông cho dù có là nửa đêm, đường phố vắng tanh, nhưng cứ có biển báo dừng là dừng lại mấy giây quan sát hai bên xong mới chạy tiếp(?) Cả ngày không hề thấy bóng cảnh sát, nhưng cứ thử chạy quá tốc độ xem, lập tức không biết từ đâu cảnh sát xuất hiện liền rất nhanh? vi phạm giao thông bên Mỹ luật phạt rất "hà khắc" nên chẳng mấy ai dám vi phạm. Suốt thời gian hơn một tuần ở bên Mỹ, tôi chỉ thấy có hai lần tai nạn giao thông xảy ra, lần nào cũng chết người vì xe bên đây toàn xài phân khối lớn 8.0 nên chạy rất nhanh. Và cũng thật nhanh chóng cảnh sát phong tỏa hiện trường liền,chặn các ngả đường đến chỗ tai nạn, hướng dẫn đi đường khác, nên không có cảnh ùn tắc giao thông. Cuộc sống ở bên đây không sôi động bằng bên VN, nhà nào biết nhà đó, không có cảnh hàng xóm láng giềng nói chuyện, hỏi han nhau hoặc chửi bới nhau, anh ồn ào quá sẽ có cảnh sát giải quyết. Tối ăn nhậu tại nhà ,ca hát ồn ào cỡ anh Quốc, cảnh sát gõ cửa hỏi thăm ngay. Mà ra quán ăn nhậu uống rượu, bia không được lái xe, 20 h là quán đóng cửa, đang nhậu dở cũng phải đi ra cho người ta dọn dẹp, đóng cửa vì quá giờ đó sẽ phải trả tiền thêm ngoài giờ. Bên Mỹ tối rất buồn, nếu anh không đi vào vũ trường? Ngoài đường thì vắng,lèo tèo vài quán bán khuya chủ yếu là phở và ăn lót bụng. Tô phở ở Mỹ to lạ lùng? Cỡ tôi chỉ ăn tô nhỏ mà đã to hơn tô lớn ngoài Hà nội. Còn tô lớn, ở đây gọi là tô XL(ngoại cỡ) hay Xe lửa. To như một cái chậu đựng canh, cỡ 4 người ăn no. Thế mà có người xơi được 2 tô? Phong tục ở đây là ăn gì, uống gì cũng phải bo vài ba đồng, nhậu thì nhiều hơn, khoảng 3% nếu anh quên , họ sẽ rất lịch sự hỏi khéo:"tôi phục vụ anh không được chu đáo à?". Cho nên trong túi lúc nào cũng phải đầy tiền lẻ! Nói chung người Việt ở bên Mỹ đa phần khó khăn vất vả. Làm việc đúng nghĩa là "đầu tắt mặt tối"! Không có chuyện ăn nhậu triền miên như bên ta, thậm chí có người còn làm đến 2 job (công việc). Riêng tiền thuế, tiền này tiền kia đã chiếm hơn 2/3 nên chẳng còn bao nhiêu. Bên Mỹ cũng có ăn xin đeo biển "Jobless", "homeless"(không việc làm, không nhà) cũng có cảnh chợ người nhưng toàn là người Mễ (Mexico), chờ ai đó đến thuê làm như ở HN. Gái Hàn quốc thì nổi tiếng vì làm điếm. Nước Mỹ không dễ kiếm tiền! (Kỳ sau: "Đi Las Vegas "đóng tiền điện")
Từ trên xuống
H2:Thương xá Phúc-Lộc-Thọ nằm ngay trung tâm quận Cam(Orange country).
H3:Cờ 3 sọc kỉ niệm ngày 30/4,ngày quốc hận.
H4:Trung tâm băng nhạc Thúy Nga Paris.
H5:Big foot một loại xe tự chế chạy trên đường.
H6:Một góc nghĩa trang của người Việt.Người nhà đến viếng mộ có thể ngồi ăn uống.Nhạc sĩ Hoàng thi Thơ và nhiều văn nghệ sĩ cũng chôn ở đây.
Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009
Anh Cao và 2 người bạn CCB "kháng Mỹ viện Việt"
GIẢI MÃ SEN NHẬT
Từ hôm nọ tới giờ tôi vẫn ấm ức về chuyện màu sắc của hoa sen Nhật . Sáng nay, tôi với ĐH ra “hiện trường” để tìm lời đáp. May mắn thay! Trên cả tuyệt vời, chúng tôi đã gặp được “quới nhơn” như cơ duyên tiền định.
Theo lời ông ta – một nghệ sĩ nhiếp ảnh, thì đây là giống sen có gốc Mêhico do nữ hoàng Nhật tặng Thiệu 1972. Sen được trồng ở Thảo cầm viên, rồi người ta nhân giống lên. Năm 75 vừa giải phóng, tôi vào Thảo cầm viên và rất ấn tượng với cây sen này ( hồi ấy không thấy hoa). Đây là loại cây rất khó trồng, chỉ ở xứ nóng mới nở hoa . Cái bông sen to, đẹp thế nhưng tuổi thọ chỉ độc có...một ngày. Bông bắt đầu nở màu trắng vào khoảng 2-3 giờ sáng ( tất nhiên muốn ngắm phải có đèn pin).
Lúc 7h30 bọn tôi đến bông vẫn đang nở, các cánh dày màu trắng như những ngón tay quyền quý nhìn rất sang trọng. Sau khoảng một giờ, các cánh ngoài bắt đầu ưỡn ra, cong xuống một cách đài các và rồi theo thời gian cả bông hoa chuyển sang hơi vàng.
Cho đến đầu giờ chiều thì đổi thành màu phớt tím.
Sắc độ màu cứ đậm dần lên để rồi đến chiều tối hoa trở sang màu tím pha sắc hồng thắm cho đến lúc tàn. Hèn nào tụi tôi đến mỗi lần lại thấy nó có màu một khác.
Chuyện không dừng lại ở đấy. Song song với lúc hoa đang nở và tàn , một nụ bông mới dưới nước cũng từ từ ngoi lên và bắt đầu chu kỳ mới.
Ngay đúng vị trí ấy, lúc nào ta cũng thấy một bông đang nở và một nụ sắp khai nhụy nên ngày hôm sau nhìn thấy rất dễ lầm với bông hoa cũ . Cái lá cũng vậy . Bên cạnh nụ bông bao giờ cũng có một cái lá non cuộn lại, nó từ từ bung ra thành hình trái tim rồi xòe ra thành “nón quai thao quan họ” như ta thấy. Lá vươn ra cùng với nụ bông và tuổi đời cũng ngắn ngủi .Chính vì vậy mà số lượng lá rất ồn định, nếu không nó đã lan kín mặt hồ. Không dùng từ “quang hợp”, người ta nói những lá này tích năng lượng từ nắng, truyền cho hoa nó mới nở được ( ở xứ ít nắng sen không có hoa ). Hoa nở trên mặt nước, khi tàn thì đài hoa chui ngay xuống nước chứ không có gương sen như sen ta . Phần trình diễn dưới nước tiếp theo là gì thì chịu…chắc hôm nào phài “thuê” anh Chí lặn xuống xem sao!
Cũng vẫn sự vật , hiện tượng ấy , mỗi lần mình lại phát hiện , khám phá ra đôi nét mới là lạ, thật thú vị khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Hóa ra không cần phải đi nhiều , đi xa mà vẫn có thể tìm ra những điều mới mẻ. Ăn nhau là ở “ phương pháp tư duy”. Chả trách các thiền sư chỉ ngồi trong cốc động mà ngộ được cả thế gian!?
Hoa đã lạ nhưng “quý nhân” bọn tôi gặp có khi còn lạ hơn. Tất nhiên qua lời ông ta kể vì đây mới chỉ là buổi sơ giao. Tôi nghĩ chắc ông chẳng hơi đâu mà bốc phét với hai thằng tôi làm gì cho nhọc xác.
-Tôi theo đuổi cây sen này hàng chục năm nay , tôi bị mê hoặc, say đắm vì vẻ đẹp kỳ ảo của nó. Tôi theo dõi , ngắm nghía nó hết ngày này qua ngày khác . Trong mắt tôi nó như một cô gái kiêu sa trong tà áo dài trắng, càng cố giấu mình trong lớp vỏ đoan trang bao nhiêu nét xuân thì lại càng lộ rõ bấy nhiêu. “Nó” hớp hồn tôi, khiến tôi ngất ngây đắm đuối như một kẻ tình si . Tôi đã chụp gần một ngàn bức ảnh về nó, chẳng cái nào giống cái nào, mỗi cái đều có nét đẹp rất riêng tư. Người ta đem ảnh của tôi triễn lãm ở Mỹ , ở Canada….
Ông nói say sưa, mê mải về bông sen của ông , về nghệ thuật nhiếp ảnh , về những mảng màu sáng tối trong cuộc đời trắc ần của mình. Ông nói như những cảm nhận của ông đã được nghiền ngẫm , nung nấu “chín dừ” giờ đem ra mời thực khách. Hai thằng đứng nghe ông nói dưới ánh nắng xiên khoai chiếu vào gáy hơn nửa giờ, mặt thộn ra, miệng há hốc như lũ cá đang hớp nước dưới mặt hồ . Diễn đạt quan niệm mỹ học bằng công cụ máy ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh với những khái niệm ước lệ, trừu tượng , mờ mờ ảo ảo dễ hiểu dược như ông quả chỉ có ở những kẻ quá đam mê.
Ông xài máy phim chứ không phải máy KTS, tức là cái quyền được sữa chữa sai sót ít hơn mình nhiều và vì nó rất tốn kém nên người ta chắc phải cân nhắc kỹ trước khi bấm máy. ĐH hỏi ông đôi điều kiểu lợi dụng “trau dồi nghiệp vụ”. Ông cả cười mà rằng : -Khi mình dám nói ra một cái dốt tức là mình đã khôn ngoan cả cuộc đời rồi đấy!
…Lúc bọn tôi đến “ phim trường”. Trời còn khá sớm đã thấy một ông già tóc trắng với cái giá 3 chân đã lắp sẵn, trên gá cái máy ảnh Leica chụp phim, đã được điều chỉnh phần tử chi tiết. Ông buộc một cáí ly nhựa vào sợi dây để làm “gầu” múc nước. Cứ một lát lại thấy ông té nước vào bông sen và mấy cái lá “để cho sạch nền ảnh và những giọt nước đọng tạo sự tinh khôi , sống động cho hoa” …Ông nhìn mặt trời , ông canh bóng nắng như một nhà thiên văn… sao cho bóng sen được nổi bật trên nền nước . Tức là ông đã “nhìn thấy” tác phẩm của mình trong tương lai. “ Sẽ phải chờ khá lâu đấy Một bức ảnh đẹp là phải trộn cả mồ hôi , tầm lòng, tâm huyết và cả sự hiểu biết của mình vào đó, chữ NHẪN cần lắm”-ông nói.
Tự nhiên tôi so sánh ông với hình ảnh chú chim bói cá đang “thiền” trên cành cây. Nó lim dim như ngủ nhưng thực ra vẫn tập trung cao độ quan sát những diễn biến dưới mặt hồ. Thời cơ đến, nó lao xuống như một mũi tên gắp gọn chú cá con trong mỏ…Ông lão cũng vậy. Khi mọi yếu tố đã hội đủ , ông mở túi “đạo cụ”, lấy cái hộp đựng phim con con , đổ ra mấy viên sỏi nhỏ . Một tay ông ném viên sỏi cạnh bông sen để tạo sóng lăn tăn đồng thời tay kia nhấn vào nút dây bấm máy…rất đồng bộ. Xoạch , xong một pô, lưng áo ông đã ướt đầm và mái đầu bạc thấm đẫm mồ hôi. Lao động nghệ thuật là thế này đây!
Trong ảnh là cảnh ông hướng dẫn cho ĐH cách ném sỏi tạo sóng …tôi chụp lén được. Trong con người ông như toát ra cái “Tôi” của Trịnh Công Sơn, một chút cô độc , một chút cao ngạo vừa như muốn thoát ra lại vừa như vẫn vương vấn với đời . Khẩu khí ông có chút gì bàng bạc, day dứt “ cát bụi” của ẩn sĩ - Tự mình cảm nhận , tìm tòi, thưởng thức để rồi được đắm mình trong cái đẹp vĩnh hằng mênh mông của tạo hóa.
* Theo sự phân công của “tổ chức”. ĐH lo phần ảnh , tôi lo phần chữ bài này. Mô hình “liên doanh” thí điểm xin AE cho ý kiến.
Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009
SwineFlu - hết gà lại lòi ra cúm lợn !
26 tháng tư 2009 - WHO Thông tin nguy cơ Toàn cầu về cúm lợn gia cầm A (H1N1) ... mời xem bài tổng hợp về cúm ở đây.
Đi Tây bắc (tiép theo)
Chúng tôi dậy sớm để chuẩn bị xuất phát, 6h30 đồng nghiệp của bác TN ở Sơn la nhất định mời cả đoàn ăn sáng. Cả đoàn đành chiều lòng bạn nên 7h30 mới xuất phát.
Đi hết Thuận châu chúng tôi lên một con đèo. Trên con đèo này, một bên vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu (nếu ai có "hội chứng" sợ độ cao nên lưu ý đề phòng) có đường mới làm đẹp và rất dễ đi, khi lên đến đỉnh đèo dừng lại nghỉ và ngắm cảnh mới biết đây là đèo Pha đin. 30 phút nghỉ tại đây, mọi người tản ra ngắm cảnh, tha hồ chụp ảnh phong cảnh xung quanh nơi đây. Nghĩ rằng, trước kia nghe nói vượt đèo Pha đin khó khăn khăn lắm, chẳng nhẽ lại dễ thế này. Sau khi nghỉ, tiếp tục hành trình và đổ đèo. Đi được một đoạn hết đường mới, thấy xuất hiện con đường cũ, mới biết đường lên Pha đin đã làm xong đường mới từ chân đèo lên đỉnh đèo (phía Sơn la ) còn từ đỉnh đèo xuống phía Lai châu vẫn là con đường cũ, nhưng trên đường đi thấy có rất nhiều đoạn: nhìn lên phía trên núi hoặc nhìn xuống phía dưới, thấy xe ủi và công nhân đang làm con đường mới thay con đường đèo cũ này. Hy vọng vài năm nữa các bạn có qua đây, lúc đó con đường mới đã hoàn thành, vượt đèo sẽ dễ dàng hơn. Khi đổ đèo Pha đin mới thấy thế nào là hiểm trở và hiểu được trước khi xuống đèo tại sao bên đường có biển nhắc nhở các lái xe kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật của xe (ai thần kinh hơi yếu tốt nhất nên "ngủ"). Đi trên đèo, ngồi trên xe ngắm cảnh rất "đã". Khi xuống hết đèo Pha đin, chúng tôi kiểm đồng hồ km thấy đoạn đèo này dài hơn 30km. Từ đây đến Tuần giáo (Lai châu) còn hơn 10 km, chúng tôi tiếp tục hành trình. Khoảng 11h 30 đến bản Nà tấu nghỉ ăn trưa. Xong bữa trưa, đúng 13h theo hướng Mường Phăng chúng tôi xuất phát đến thăm khu sở chỉ huy của chiến dịch Điện bên. Trước khi vào khu vực sở chỉ huy, chúng tôi vào thăm khu vực duyệt binh làm lễ mừng chiến thắng chiến dịch ĐBP trước kia và chụp ảnh kỷ niệm. Khu vực Sở chỉ huy nằm trong một khu rừng mà người dân nơi đây vẫn gọi là "rừng đại tướng", lần lượt thăm hết các di tích trong khu rừng này. So sánh những gì đã thấy trong bộ phim chiến dịch ĐBP trước kia đã được xem, hầu như toàn bộ khu di tích này được giữ gìn rất tốt. Tại đây, chúng tôi gặp một đoàn cựu chiến binh chống Pháp và chống Mỹ cũng đang thăm quan , không biết tại sao? họ lại biết trong đoàn chúng tôi có con gái của Đại tướng đi cùng , nên mọi người xúm vào hỏi thăm tình hình sức khỏe của Đại tướng VNG và gửi lời kính chúc sức khỏe Đại tướng. Thế mới biết tình cảm của các Cựu chiến binh giành cho Đại tướng như thế nào và họ xin một kiểu ảnh kỷ niệm với con gái Đại tướng.
Thăm khu vực sở chỉ huy xong, chúng tôi tiếp tục lên đường hướng về phía Điện biên. Từ đây đi vẫn là những con đường quanh co trên đèo, một bên là vực một bên là núi rừng nhưng đã dễ hơn nhiều, thỉnh thoảng mới gặp những người dân đi xe máy ngược lại. Thấy còn sớm nên vừa đi vừa dừng lại ngắm cảnh thiên nhiên. Đúng 16h30 chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện biên , nằm tại trung tâm thành phố. Cả đoàn nghỉ ngơi một chút rồi vào thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Điện biên. Khu nghĩa trang này tương đối rộng, tôi chỉ thấy 4 ngôi mộ của các anh hùng như Phan Đình Giót, Trần Can, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện là có danh, còn lại hầu như toàn bộ là vô danh. Có một số ngôi mộ do gia đình nhờ các nhà ngoại cảm tìm, được gắn tên ở đằng sau tấm bia nhưng phía trước vẫn đề là vô danh. Rời khu nghĩa trang thấy nao nao trong lòng!
Buổi tối, Ban quản lý di tích Điện biên mời đoàn chúng tôi ăn cơm và vẫn là những món đặc sản của dân tộc Thái giống như ở Sơn la (vì sự nhiệt tình của họ mà cố gắng, chỉ "sướng" bác ĐC và 2 cậu thanh niên Mỹ đi cùng đoàn, được uống rượu "khát vọng" với mấy cô gái Thái).
Kết thúc bữa ăn cũng là kết thúc hành trình của ngày thứ hai.
THUẬN CHÂU & đèo PHA ĐIN
Những hình ảnh thăm Mường Phăng.
(Còn tiếp)
Đội ông Mạnh Thắng lại... hòa
CLB "Những người bạn" của Thắng "hói" có tăng cường thêm Hùng B, Thuận, Hoàng Trung Phong (đồng hương với Vinh). Sân do Dũng "sẹo" từ SG ra đầu tư làm lại đang thời kì lu lèn nên rất tồi. Vậy mà ngay từ hiệp 1, đội ta "đa-xa-ép" đối phương. Nhận cú chuyền dài của Phong, chú Hùng B lao vào gẩy bóng điệu nghệ qua đầu thủ môn ghi 1-0. Chục phút sau, Thuận lại chọc sâu xuống góc phải cho bác Thắng "tụt". Bác Thắng theo bóng băng sát đường biên ngang, khi đó Thái "hói" cũng đã ập vào. Chả hiểu có phải quả tạt hay không mà bóng bay từ góc phải chọc thẳng vào cột trái rồi bật vào lưới, nâng tỷ số lên 2-0. Anh em tấm tắc "Đã 61 tuổi rồi mà vẫn ghê!".
Hiệp 2 thay đội hình già nhưng vẫn ép đội bạn. Tuy vậy, bạn cũng cố gắng ghi 2 bàn. (Theo anh em nói lại là "ta đá theo chỉ đạo"?). Tỷ số cuối: 2-2.
Anh em kéo nhau ra đường Trường Chinh uống bia tới 21g. Anh em tán: "Hôm nay đề về 22"!
Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009
Đi Tây bắc - Ngày thứ nhất
Hoa ban trắng ở Sơn la.
(Còn tiếp)
Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009
Doly
Vậy mà bọn hại chó đã chạy vào ngõ nhỏ ném bả vào cửa sau thuốc chết bằng được ! Con tôi chết sững, khóc đứng khi bạn nhỏ bị thuốc độc, đem chó đi chôn, làm mộ đàng hoàng, vẫn sợ bọn thuốc chó tìm để đào lêm đem bán cho các quán, hèn nào nhiều khi RTC về thấy mệt mệt, tưởng do rượu, nay nghi chó đánh bả chúng mua cho vào nồi nấu chung, thuốc độc phải vào tuần hoàn, vào tim phổi rồi mới chết, lý gì bỏ ruột đi là hết độc.