Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

TƯỞNG NHỚ 64 ANH HÙNG ĐÃ HY SINH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM !

Cách đây 25 năm, ngày 14/3/1988, xảy ra sự kiện tội ác quân Trung Quốc xâm lược bất ngờ xả súng dã man, sát hại 64 người lính hải quân Việt Nam đang xây dựng cơ sở đồn trú bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, chúng đã chiếm giữ trái phép đảo Gạc Ma đến nay. Không ai trong chúng ta - những người dân Việt - được phép lãng quên ngày 14.3 và cái tên “Gạc Ma”!
Sáng ngày 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần.
Tổ 3 người gồm Thiếu uý Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đảo, bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi.

Thiếu úy Trần Văn Phương Phía Trung Quốc cử 2 xuồng chở 8 lính có vũ khí lao thẳng về phía đảo. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu HQ-604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên. 6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết Thiếu úy Phương đã hô: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân". Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đảo, lúc 7h30, Trung Quốc dùng 2 chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu HQ-604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu HQ-604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Tại đảo Cô Lin, lúc 6h, tàu HQ-505 của Hải quân Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đảo. Khi thấy tàu HQ-604 của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi.
Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ-505. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy. 8h15, thủy thủ tàu HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó (Cô Lin cách Gạc Ma khoảng 3.5 hải lý). Thượng uý Nguyễn Văn Chương và Trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên bãi Cô Lin). Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến bãi Cô Lin. Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8h20 ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc dùng tất cả các loại súng pháo, điên cuồng tấn công vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6h ngày 15/3/1988, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn. Trong trận chiến ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu (cháy và chìm), 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này. Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày 16/3/1988 và vẫn chiếm giữ cho đến nay.
Nguồn: You Tube
Xem thêm : TRẬN GẠC MA và danh sách 64 liệt sĩ
VĂN TẾ CHIẾN SĨ GẠC MA (TRƯỜNG SA)
Than ôi!
Biển bốn hướng sóng dậy hờn căm,
Trời tám phương mây giăng u uất.
Chẳng sao ngăn niềm đau đớn tột cùng,
Khó xóa hết nỗi hờn căm chất ngất!

Nhớ linh xưa,
Lớn lên bằng củ sắn củ khoai;
Trưởng thành trong lời ca lời hát.
Thấm nhuần đạo đức, ươm ước mơ cố gắng tôi rèn,
Chẳng ngại gian truân, nuôi hoài bảo chuyên cần học tập.
Giữ gìn đất nước, biết quê hương từ tiếng mẹ ru,
Yêu mến non sông, thương tổ quốc từ câu cha hát.
Bóng trăng đáy nước, quan họ ơi tình nặng mạn thuyền,
Lưng ngựa câu then, khăn piêu vẫy rừng vang tiếng nhạc.
Đờn ca tài tử bồi hồi,
Câu hát xẩm xoang ngây ngất.
Rộn rã tiếng cồng chiêng tây nguyên,
Réo rắc điệu khèn môi tây bắc.
Ngẩn ngơ điệu múa chiếu chèo,
Bằng hoàng câu hò phường vải.
Thế mà,
Rung rinh đá đảo, tự dưng bị trận cuồng phong
Bình lặng dòng sâu, bỗng nhiên nổi cơn bão táp!
Quân bành trướng, ỷ binh nhiều tướng mạnh, ngang nhiên cướp đất bắt người,
Lũ ma vương, cậy súng lớn đạn to, vô cớ hiếp tàu cắt cáp.
Cậy quân đông lấy thịt đè người,
Ỷ thế mạnh xua quân chiếm đất. Uốn miệng lưỡi, cứ ngỡ bạn hiền,
Nhe nanh vuốt dè đâu quỷ dữ!
Thò tay quỷ mà vẽ lưỡi bò,
Lòi mặt nạ té ra kẻ cướp!
Tàu cá khoang không tấc sắt, để chúng tự tiện cầm tù,
Ngư dân phơi tấm lưng trần, mặc chúng thẳng tay đánh đập.
Làm vợ khóc chồng ruột héo gan bầm, Để con nhớ cha lòng đau dạ thắt.

Nhưng chúng đã lầm! bởi nhân dân ta:
Thừa dũng cảm, nữ nhi là Bà Triệu, bà Trưng,
Đủ trí mưu, trai tráng là Quang Trung, Thường Kiệt.
Yêu hòa bình, nhưng gươm Lê Lợi lưỡi vẫn sáng ngời,
Chuộng tự do, nhưng cọc Bạch Đằng đầu luôn nhọn hoắt!
Bừng khí thế, trăm thiếu niên trương cờ sáu chữ: “… báo hoàng ân” *
Sục hờn căm, ngàn dũng sĩ thích tay một lời thề sát thát!
Gươm so gươm, gươm lóe ngợp trời,
Súng đọ súng, súng vang dậy đất!
Bạch Đằng xác địch nổi lênh bênh,
Đống Đa thây thù cao chất ngất!

Nay Chiến sĩ Gạc Ma,
Ăn chung mâm, ngủ chung chiếu, chuyện riêng tư cũng cùng kể nhau nghe,
Trùm chung chăn, mơ chung giấc, thư thầm kín đều chuyền tay nhau đọc!
Khác cha mẹ mà giống hệt ruột rà,
Không họ hàng mà y như máu thịt!
Khen thay!
Vì nhân dân, quản chi gối đất màn sương,
Vì đất nước nào sá gì mưa nam gió bắc.
Giống kiên cường, lại tiếp kiên cường,
Máu bất khuất, vẫn luôn bất khuất!
Hẹn với lòng một nhục một vinh,
Thề với giặc một còn một mất!

Thương ôi!
Cũng vì nước mạnh dân no,
Nào kể xương tan thịt nát!
Nguyễn Văn Lanh, bụng trúng lê tay vẫn giương thẳng tay cờ,
Trần Văn Phương, tay ôm ngực còn thét : “ Không cho mất đảo!” **
Máu ai loang cả mạn tàu!
Máu ai hòa theo nước biển!
Bởi dòng máu Đại Việt đỏ mãi ngàn năm,
Nên non nước Lạc Hồng nối liền một dải.
Dù giọt nước Biển Đông, con cháu cũng phải giữ gìn,
Dù hòn sỏi Gạc Ma, chiến sĩ quyết không để mất!
Xót thay!
Nam nhi hề, vai khoác chiến y,
Chiến sĩ hề, ai về đầu bạc?
Chuyện nhục vinh thì cứ luận bàn,
Đường sinh tử có ai không thác?
Luận anh hùng ai kể bại thành,
Xét chí khí nên coi cao thấp.

Hôm nay,
Thắp nén tâm hương ,
Tưởng người tiết liệt.
Gương hiếu trung mãi mãi chẳng phai mờ,
Máu hào kiệt ngàn đời không đổi sắc.
Hiếu với dân chẳng quản máu xương rơi,
Trung với nước đâu chờ bia đá tạc!

Ô hô! Có linh xin hưởng!
TRANG HẠNH (Khoa tim mạch BV Đa Khoa Bắc Ninh)
____________
Chú thích:
* Trần Quốc Toản thêu lên cờ 6 chữ “ Phá cường địch, báo hoàng ân”
** Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã thét lớn: “ Thà hy sinh, không để mất đảo!”

Nguồn: http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=15442

1 nhận xét:

  1. Đã là con em của người dân Việt thì ko ai đc phép quên ngày này.
    Cảm ơn TqVnq.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!