Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Ai xóa bỏ Đảng?

 Thực tế cho thấy một đảng cầm quyền chỉ bị mất quyền khi chính họ bị quyền lực làm cho đảng thoái hóa biến chất đi chứ không do bất kỳ một thế lực nào có thể làm họ mất quyền như ĐCSVN đang ngụy biện. ĐCSVN đang trong quá trình bị thoái hóa bởi quyền lực, lạm dụng quyền lực thay vì dùng tri thức tạo đồng thuận trong thực thi vai trò cầm quyền và do đó đang mất dần sức chiến đấu, dần mất hết uy tín. Đây là một thực tế không còn là một dự đoán. Chính V.I.Lê-nin đã cảnh báo: Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta… Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”*
Vậy "thế lực thù địch" nào đòi xóa bỏ ĐCSVN hay chính tự ĐCSVN?
Đọc bài:
AI XÓA BỎ ĐẢNG? của tác giả Đức Thành


Đức Thành

Đảng, Nhà nước kêu gọi toàn dân đóng góp ý kiến xây dựng sửa đổi Hiến pháp, tất nhiên xảy ra những ý kiến đóng góp trái chiều. Những ý kiến trái chiều thể hiện sinh động một sự dân chủ trong xây dựng, góp ý sửa đổi Hiến pháp. Chúng ta nên chấp nhận những ý kiến trái chiều này để xem xét một cách khách quan những mặt ưu khuyết điểm để mà vận dụng vào bản Hiến pháp mới. Nếu có thời gian công sức thì tìm hiểu kỹ động cơ mục đích rồi hàm lượng chất xám trong các ý kiến trái chiều đó sẽ thấy họ là những người nặng lòng với dân tộc đất nước và với đảng CSVN chứ không phải như một số bình luận trên truyền thông nhà nước hiện nay.

Dưới đây là những điểm cơ bản, chứng minh cho việc này. Xin lấy bản kiến nghị 7 điểm được 72 nhân sĩ trí thức đầu tiên ký và đã trình ủy ban soạn thảo sửa đổi hiến pháp của Quốc hội cùng bản Hiến pháp do nhóm luật gia có uy tín soạn thảo được giới thiệu để tham khảo làm đại diện cho các ý kiến đóng góp trái chiều này.

Thứ nhất: Trong bản hiến pháp được giới thiệu để tham khảo không hề có một điều khoản nào đòi hạ thấp vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Nhưng hiện nay các phương tiện truyền thông nhà nước lại đang dùng một số chuyên gia hưởng lương bổng lợi lộc của đảng công kích lại các ý kiến trái chiều rằng nhóm 72 người đầu tiên ký bản Kiến nghị 7 điểm đó đang chống phá đảng, hạ thấp uy tín vai trò lãnh đạo của đảng. Những chuyên gia ấy quy chụp rằng “kêu gọi đa nguyên đa đảng” là hô hào đòi “xóa bỏ ĐCSVN”.

Ai cũng biết Việt Nam hiện nay chưa có đảng phái nào ngoài ĐCS được thành lập chứ đừng nói nhiều đảng. Vậy nếu những ý kiến trái chiều đòi đa đảng là “xóa ĐCS” thì là ý kiến hàm hồ, qui chụp nhằm mục đích chia rẽ dân tộc. Trong bản hiến pháp được giới thiệu để tham khảo chỉ nêu yêu cầu có dân chủ về lập đảng và sự bình đẳng giữa các đảng phái (điều 9). Một nhà nước thực sự dân chủ thì đương nhiên phải có tự do chính kiến , tự do đảng phái và như thế là đa đảng. Các đảng phái cùng bình đẳng cạnh tranh về sách lược, cương lĩnh để canh tân phát triển đất nước. Qua chiến lược cạnh tranh cương lĩnh ấy, nhân dân sẽ xem xét ại có đường lối đứng đắn phù hợp với xây dựng, phát triển đất nước tin tưởng giao phó quyền lực. Như thế thì không thể đổ lỗi cho các ý kiến đóng góp trái chiều rằng “lợi dụng góp ý để chống phá đảng”

Thứ hai: Điều 6 của bản hiến pháp được giới thiệu để tham khảo thực chất là làm tăng sức mạnh quân đội (nỗ lực duy trì hòa bình quốc tế) nhằm chủ động hơn trong việc đối phó với các nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài. Việc đặt lực lượng vũ trang vào vị trí trung lập, chỉ phụng sự tổ quốc nhân dân, không tham gia đảng phái là nhằm triệt tiêu những tổ chức đảng phái lợi dụng quân đội tấn công uy hiếp những bộ phận dân chúng có ý kiến trái tai với đảng và nhà nước.

Thứ ba: Trong 72 người ký tên đầu tên vào bản Kiến nghị 7 điểm quá nửa là đảng viên cộng sản nên họ không có lý do gì để phủ nhận vai trò của đảng. Họ đề nghị đa đảng chứ không hề phủ nhận vai trò của đảng, hơn nữa mọi người đều trân trọng quá khứ vinh quang của ĐCSVN nhưng lại rất hoài nghi sức mạnh của đảng, cách thức điều hành đất nước, cũng như việc gìn giữ biển đảo và cách thức xử lý các vần đề bức xúc hiện nay.

Thứ tư: Các ý kiến trái chiều muốn đưa đa sở hữu đất đai nhằm đảm bảo bình đẳng hơn trong vấn đề sở hữu cũng là nhằm triệt tiêu các bất bình đẳng đang có xu hướng tăng.

Hiện nay các ý kiến phản bác lại các đóng góp trái chiều đều là những người đang nhận bổng lộc của đảng, nhưng xem kỹ các ý kiến phản bác họ đều chỉ đưa ra những ý chung chung như Việt Nam “chưa có nhu cầu tư hữu hóa đất đai”, “chưa có nhu cầu đa đảng” hoặc “thống nhất ở đây là thống nhất về mục đích xây dưng đất nước”, “thống nhất nhưng có sự phân công”, v.v. do đó các ý kiến phản bác này được truyền thông đưa tin đều không có tính thuyết phục gây nên mối hoài nghi lớn trong đại bộ phận nhân dân.

Để rộng đường dư luận nhằm tạo điều kiện trao đổi thẳng thắn tìm tiếng nói chung để đưa ra bản hiến pháp mang tiêu chí tiến bộ của thời đại mong rằng Đảng, Nhà nước hãy tôn trọng lắng nghe những đóng góp chân thành trí tuệ nhất của mọi tầng lớp, mọi thành phần dân cư, đừng nên vội vã dùng truyền thông mạt sát, phỉ bang, chụp mũ những ý kiến đóng góp trái chiều mà gây thêm mâu thuẫn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Đ.T.

*V.I. Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tập 42, tr.311

1 nhận xét:

  1. Tiếm quyền hành chính của cả hệ thống tam pháp quyền; bằng cách đảng hóa cả ba hệ thống phân lập ấy trong nền hành chính quốc gia, cái gọi là Đảng đã tự hạ thấp mình từ một tổ chức chính trị tiên phong của nhân dân trở thành bộ máy quản lý theo nguyên lý kẻ mạnh có quyền (và tiền).
    Đấy là sự tha hóa dẫn đến biến chất một Đảng quang vinh nay chỉ còn tên gọi mà bản chất đã không đáng được kể là một tổ chức chính trị của nhân dân lao động.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!