Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Chưa bị "Alzheimer"

Như mọi sáng, sáng nay qua phở 112 Vạn phúc. Trong lúc chờ, thấy 2 bác già tầm trên dưới tuổi 70 cùng bước vào, trông quen quen, mất mấy giây nhận ra người quen. Ít tuổi hơn, tôi chủ động tới chào.
- Chào anh G!
- Trông cậu rất quen!
- Em là V, năm 1981 công tác tại Đoàn lắp đặt thiết bị số 1, Binh đoàn M1, lúc đó anh là tham mưu trưởng E63.
- Tôi nhớ ra rồi, cậu có trí nhớ tốt quá!
Được khen, "âm ỉ" sướng
Quay sang chào bác thứ 2.
- Chào anh H!
- Sao cậu cũng biết tớ?
- Vâng! em biết anh, mùa đông năm 1982 trong một lần bọn em chuyển quân vào công trình tại Đà nẵng, anh là người thu xếp cho bọn em một chuyến AN24 bay vào Đà nẵng, anh không nhớ, nhưng ấn tượng về lần đó em không quên được...
- Đúng là cậu có trí nhớ rất tuyệt!
Sáng ra được khen vậy, ai mà chẳng sướng?
Ăn xong, 3 anh em sang cafe bên cạnh thêm dăm câu chuyện rồi chia tay, hẹn có thời gian hàn huyên sau. 
Anh Giang và anh Hiển là những người đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp trong những năm đầu đời lính của mình. Sáng nay gặp 2 anh, làm tôi nhớ tới quãng thời gian nhiều kỷ niệm đó.
Cuối năm 1979, sau khi tốt nghiệp ĐH, theo lệnh tổng động viên, chúng tôi lứa những kỹ sư dân sự hàng trăm, hàng ngàn chú, được điều động vào phục vụ trong quân đội. Lúc đó, đối với quân đội, quan niệm về kỹ sư là “ đa di năng”, là “con dao pha”....là tất tần tật, là gi gỉ gì gi cái gì ở trên đời, cũng phải biết làm (đúng là “dở hơi biết bơi”). Vốn là một kỹ sư thông tin tôi “bị” điều động hết về binh đoàn Trường sơn chuyên làm đường xá cầu cống, rồi đến binh đoàn 11 chuyên về xây dựng. Với tôi bị phân công như vậy, thực sự rất khó khăn. Sau khi thi công mấy công trình nhỏ, đầu năm 1982, cấp trên bổ nhiệm tôi làm một thằng “đầu binh cuối cán” với chức vụ "quèn", đại đội trưởng một đại đội kỹ thuật độc lập, chuyên đi lắp đặt thiết bị những công trình quân sự do Liên xô viện trợ. Đã là "lắp đặt" thì lắp đặt đủ thứ, nào là điện nặng, điện nhẹ (điện công nghiệp, điện dân dụng), tổng đài, rồi thông gió cho tới cấp thoát nước...kể cả chỗ “ị”, đúng là “đa di năng” thật. Với một thằng kỹ sư mới ra trưởng, những công việc như vậy với tôi quả thật là..."choáng". Ngoài công việc chuyên môn, còn làm một thằng chỉ huy, mà chỉ huy một đám lính hơn tám chục ông, từ lính nghĩa vụ, quân nhân chuyên nghiệp cho tới công nhân quốc phòng, già trẻ lớn bé đều đủ cả. Khi đó mới 25, 26 tuổi đời, trong con mắt họ, họ coi tôi như "lính cậu", nhìn đám quân phải chỉ huy như vậy, thật sự thú nhận, công việc đó quá sức. Nhưng, đã là lính thì biết chấp nhận.
Anh Giang vốn là một chàng trai Hà nội, lúc đó anh là tham mưu trưởng một trung đoàn xây dựng trong Binh đoàn 11, là một trong những kỹ sư tốt nghiệp ĐHXD lứa đầu tiên vào phục vụ trong quân đội có nhiều thâm niên. Những năm đầu thập niên 80, quân đội xây dựng những công trình quân sự, trung đoàn của anh là một trong những đơn vị chủ lực đảm nhận phần xây dựng. Song song với việc xây dựng là phần lắp đặt thiết bị của đơn vị tôi. Do tính chất công việc như vậy, tôi thường xuyên được tiếp xúc, phối hợp công việc với đơn vị của anh. Từ anh tôi học hỏi được nhiều về kiến thức chỉ huy và kiến thức "trái nghề". Cùng là dân Hà thành khi thi công những công trình quân sự xa Hà nội, tôi càng có nhiều điều kiện gần anh và nhận được nhiều giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của anh, một trong những kỹ sư xây dựng đầu đàn quân đội thuộc lớp đàn anh đi trước. Những điều học được từ anh đã giúp tôi rất nhiều trong việc chỉ huy thi công và chỉ huy đám lính kỹ thuật phức tạp, già đời. Đầu năm 1984, đơn vị anh và đơn vị tôi cùng tham gia thi công công trình trọng điểm T83, Sở chỉ huy của BQP. Công trình này chính là công trình đánh dấu sự hiệp đồng chặt chẽ giữa 2 đơn vị, giữa anh và tôi; góp phần hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian yêu cầu của BQP. Đó cũng là kỷ niệm được anh nhắc tới sáng nay với giọng thoáng buồn: "T83 đã không còn để lại dấu tích gì!". Đúng thế, khu Hoàng thành HN đã được bàn giao cho HN, T83 "được" bỏ đi không thương tiếc.
Với anh Hiển, một lần hành quân di chuyển, cuối năm 1982 do yêu cầu của cấp trên, gấp rút thi công một công trình quân sự ở Đà nẵng, thời đó phương tiện chuyển quân từ HN vào ĐN thực sự khó khăn, sợ không kịp thời gian, phải nhờ cậy đến không quân. Anh Hiển khi đó đang là trung đoàn trưởng, trung đoàn vận tải không quân 918, anh đã tận tình giúp chúng tôi hành quân vào Đà nẵng bằng một chuyến AN 24. Sự nhiệt tình giúp đỡ của anh để lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Nhắc lại thời khó khăn, tình cảm người lính đối với nhau trong sáng vô tư, có gì đó để lại thêm ấm áp.
Gần 30 năm, sau quãng thời gian đó, không có điều kiện gặp lại các anh. Hôm nay tình cờ gặp lại và cũng vô tình biết 2 anh lại là bạn thân của nhau. Hà nội xưa kia cũng bé nhỏ thật.
.....May mình chưa bị "Alzheimer".

10 nhận xét:

  1. Chính là anh Nguyễn Xuân Hiển VnAirline, chứ không phải Nguyễn Xuân Hiển Chủ tịch Hội đồng thành viên TCT Quản lý bay vừa về hưu. Hoàng Thành K7 vừa thay NXH nhận chức Chủ tịch HĐTV TCT Quản lý bay.

    Trả lờiXóa
  2. Khảo dị:
    -Chào a.Vtq
    -Sao anh biết tôi?
    -Á!Hồi xưa năm 69-70 tôi cùng đồng đội tác chiến trên hè phố HN có vinh dự đc gặp anh mấy lần.Anh dạo này thế nào,khỏe ko?
    -Cảm ơn anh tôi vẫn làng nhàng thôi.Anh có trí nhớ tốt quá.

    Trả lờiXóa
  3. @AK7: Khảo di:
    "mỗi lần sờ cái sẹo trên trán tôi lại nhớ đến a" !!!.

    Trả lờiXóa
  4. Hoàng Thành K7 nào vậy? Nghe tên thấy quen quen...
    Cũng lại Alzheimer nửa rồi!

    4 SG

    Trả lờiXóa
  5. chào anh vinh, anh có biết tôi là ai không !

    Trả lờiXóa
  6. @Tk5:
    Dạ thưa "sếp"! em biết sếp là "đại gia" aaaa...ạ! :)))

    Trả lờiXóa
  7. - A.Xin chào anh!
    - Vâng , chào anh!
    - Chúng ta quen nhau không nhỉ?
    - Ồ, có gì đâu. Tôi chào anh vì anh... chào tôi!
    Đấy, già rồi,vưỡn lịch sự nhưng lẫn bố hết cả.

    TM

    Trả lờiXóa
  8. Có gì mà các pác phải "lăn tăn"!!!
    Quy luật cuộc sống rồi.
    Cựu TBT NĐM ngoài 70 vẫn còn cua được bồ của con làm vợ kìa...

    Trả lờiXóa
  9. Sống lâu hơn nhờ uống cà phê

    Thứ Sáu, 18/05/2012 00:28
    (NLĐO) – Những người trong độ tuổi 50-71 mỗi ngày uống từ 3 ly cà phê trở lên có thể giảm 10% nguy cơ tử vong so với những người không uống, theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ.
    (Em tếu táo ngoài lề chút, mong các pác bỏ qua)
    Mời các pác xem và cho ý kiến. Khỏi sợ lẫn hay alzheimer nhá!

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!