TT - Sau khi MiG-21 được trang bị cho Trung đoàn 921, các phi công VN đã tích cực tập luyện để nắm vững kỹ thuật điều khiển và chiến đấu với máy bay mới. Để chuẩn bị tốt cho MiG-21 xung trận lần đầu, Bộ tư lệnh quân chủng đã quyết định tạo điều kiện để MiG-21 đánh thử vài trận nhằm rút kinh nghiệm không chiến.
Ảnh: Từ Phương Thảo |
Đối tượng tác chiến cho những trận đầu này tốt nhất là máy bay cường kích hoặc máy bay trinh sát không người lái. Vinh dự trận đầu xuất kích trên MiG-21 đã được bộ tư lệnh trao cho phi công Nguyễn Hồng Nhị - đoàn trưởng đoàn học bay MiG-21 đầu tiên của Không quân VN. Phi công Nguyễn Đăng Kính trực dự bị.
Phát tên lửa đầu tiên
Tại sở chỉ huy Trung đoàn 921, trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện và phó trung đoàn trưởng Trần Mạnh chủ trì kíp trực.
Thời cơ cho MiG-21 xuất trận lần đầu đã đến. Từ ngày 3-3-1966, không quân Mỹ lợi dụng thời tiết tốt liên tục cho máy bay trinh sát không người lái tầng cao vào các khu vực ngoại vi Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương với thủ đoạn mới là dùng nhiều tốp hai chiếc vào từ nhiều hướng khác nhau. Lúc 13g53, ngày 4-3-1966, khi rađa phát hiện tốp máy bay trinh sát tầng cao bay vào khu vực Việt Trì, Thái Nguyên, đường số 1 và hướng ra phía đông bắc, bộ tư lệnh lệnh cho phi công Nguyễn Hồng Nhị cất cánh. Tuy nhiên, khó khăn cho phi công MiG-21 lần đầu xuất kích là máy bay không người lái bay ở độ cao trên 18.000m, tại độ cao đó tính năng điều khiển máy bay rất kém.
Lúc 13g55, sở chỉ huy lệnh cho phi công Nhị vào cấp 1, đến 14g01 lệnh cất cánh ngay. Sau khi cất cánh, phi công Nhị bay hướng 270 độ, khi lên đến độ cao 6.000m, Nhị xin phép bỏ thùng dầu phụ. Sau khi qua mức 8.000m, sở chỉ huy lệnh mở tăng lực toàn phần lấy tốc độ M 1,8 và lên độ cao 18.000m. Do điều khiển máy bay trên độ cao 18.000m rất khó, phi công Nguyễn Hồng Nhị phải tính toán và điều khiển máy bay rất chính xác để đạt được độ cao và tốc độ cần thiết. Lúc này sở chỉ huy cho bay hướng 90 độ và thông báo mục tiêu cách 60km. Sau đó giây lát, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã phát hiện bên trái 40km có vệt kéo khói, anh phán đoán đó là mục tiêu và quyết định bám theo. Khi đến gần, Nguyễn Hồng Nhị đã nhận ra đó là máy bay không người lái, cánh dài và vểnh lên.
Thời điểm lúc 14g21 ngày 4-3-1966 đã đi vào lịch sử của Không quân nhân dân VN khi phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Nhị ấn nút phóng quả tên lửa thứ nhất tiêu diệt chiếc máy bay trinh sát không người lái, như phát tên lửa báo hiệu sự xuất hiện của một loại vũ khí mới, một thế hệ phi công mới, mở ra một trang sử mới của Không quân nhân dân VN.
Trích từ nhật ký chiến đấu của phi công Nguyễn Hồng Nhị
“Ngày 4-3-1966, buổi sáng trời nhiều mây, nhưng đến trưa trời quang mây, thuận lợi cho máy bay chụp ảnh tầng cao. Đồng chí trung đoàn trưởng điện thoại và thông báo có tin tình báo máy bay U-2 và không người lái sẽ trinh sát chụp ảnh các mục tiêu, yêu cầu tôi chuẩn bị tất cả các phương án đánh địch. Tôi mở bản đồ xem lại các phương án. Phương án đánh không người lái dễ thì ít mà khó thì nhiều... Sau bữa ăn trưa, tôi đứng trước hiên nhà trực chiến quan sát và dự báo đây là thời điểm chụp ảnh tốt nhất vì tấm ánh sáng đều, không bị bóng che.
Đúng lúc đó tôi nghe tiếng hô: “Một chiếc cao không cấp 1!”. Tôi nhanh chóng mặc quần áo cao không rồi chạy ra máy bay leo vào buồng lái, mở máy. Tôi cho máy bay lăn ra và cất cánh, bay hướng 270 độ, sau 5 phút sở chỉ huy cho bay hướng 210 độ và lên 8.000m, ngay sau đó sở chỉ huy lệnh tăng lực, lên độ cao 16.000m. Khi sở chỉ huy cho khẩu lệnh “Bình Minh”, đó là lệnh mở rađa để sục sạo, tìm kiếm mục tiêu. Tôi báo cáo đã phát hiện mục tiêu và xin phép không kích. Lúc này máu trong người như dồn hết về tim để cho tôi một sức mạnh kỳ diệu là bình tĩnh, chính xác đưa mục tiêu vào tâm vòng ngắm đồng thời ấn nút “bám sát mục tiêu” để xác định cự ly bắn, còn động tác cuối cùng là ấn nút phóng tên lửa!
Quả tên lửa hồng ngoại “K-13” vọt ra khỏi cánh máy bay và bay về phía mục tiêu. Tôi báo cáo về sở chỉ huy: “Đã uống bia xong!” (mật khẩu có nghĩa là đã phóng tên lửa). Sở chỉ huy thông báo trên màn hình mục tiêu đã biến mất, cho tôi quay về hạ cánh...
Tuy bắn rơi máy bay Mỹ nhưng các phi công MiG-21 hiểu rằng đây chỉ là lần tập dượt ban đầu, vì mục tiêu mới chỉ là máy bay trinh sát không người lái. Ngoài yếu tố phức tạp do điều khiển máy bay trên tầng cao không thì đây cũng mới chỉ như một trận tập dượt. Tuy nhiên, chiến thắng trận đầu có tác dụng rất tốt về tâm lý, điều quan trọng hơn là yếu tố tự tin vào khả năng làm chủ kỹ thuật của mình. Đó là các yếu tố tinh thần giúp phi công VN vững vàng khi bước vào trận không chiến với các loại máy bay cường kích và tiêm kích của Mỹ trong suốt những năm tháng tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Bảy “A” (phải), anh hùng số 1 của không quân VN, bắn rơi nhiều máy bay có người lái tối tân nhất của không lực Hoa Kỳ và không lực của hải quân Hoa Kỳ. Ông chỉ sử dụng súng đại bác 37mm trên máy bay chiến đấu phản lực nhỏ bé “lạc hậu“ MiG-17 của Liên Xô, bắn bằng mắt. Các phi công Mỹ sử dụng các tên lửa hồng ngoại tự điều khiển tối tân, có rađa hiện đại, máy bay hiện đại nhất thế giới bấy giờ là F-4, F-105, giờ bay của họ có hàng vài ngàn giờ mà không thể bắn rơi ông Bảy lần nào.
Ông là biểu tượng xây dựng nên tượng đài “Đại tá Tomb” mà các phi công Mỹ truyền miệng nhau về một phi công huyền thoại của VN bắn rơi 13 máy bay Mỹ. Nghe thấy giọng nói của ông trên vô tuyến điện thì lập tức sĩ quan nghe trộm trên máy bay trinh sát điện tử EC 121 lập tức cảnh báo cho các phi công Mỹ trên trời về sự xuất hiện của ông!
Ảnh bên là lúc ông Bảy trao tặng ông P. Peterson (nguyên phi công lái F-4 bị bắt làm tù binh năm 1966 và thả năm 1973, đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại VN) quyển sách Các trận không chiến trên bầu trời VN 1965-1975 - Nhìn từ hai phía tại TP.HCM tháng 11-2013.Phi công Từ Để
Kỳ 3: TRẬN CHIẾN CỦA CÁC "ÁCH"
TT - Chiều 26-4-1966, không quân Mỹ tổ chức cho các biên đội bay vào không phận miền Bắc Việt Nam, với ý đồ đánh đường 1B đoạn Bình Gia - Bắc Sơn và đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội. Sau khi đánh giá tình hình, Sở chỉ huy Quân chủng cho sử dụng phương án tác chiến hợp đồng giữa MiG-17 và MiG-21. Biên đội bốn chiếc MiG-17 gồm Hồ Văn Quỳ, Lưu Huy Chao, Nguyễn Văn Bảy A và Trần Triêm của trung đoàn 923 cất cánh từ sân bay Kép lúc 14g31.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc (Ảnh tư liệu, trái) và Đại tá Robin Olds - Ảnh: nationalmuseum.af.mil |
Sau khi cất cánh, biên đội MiG-17 được dẫn bay hướng 360 độ, lên độ cao 3.500m, bay vào khu vực Nam Bình Gia - Bắc Sơn 15km rồi hướng về phía Bắc Kạn. Khi biên đội MiG-17 đang vòng về hướng 360 độ thì phát hiện mục tiêu phía trái, cự ly 5.000m.
Trận không chiến giữa MiG-17 và F-4C của không quân Mỹ diễn ra trong vòng 5 phút, các phi công Lưu Huy Chao và Nguyễn Văn Bảy A mỗi người bắn rơi một chiếc. Phi công Nguyễn Văn Bảy A bắn rơi chiếc F-4C do thiếu tá John Roberton điều khiển. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy A bắn rơi.
Đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy A sinh năm 1936 tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông gia nhập quân đội năm 1954 khi mới 18 tuổi, tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve năm 1954. Được chọn đi học lái máy bay MiG-17 tại Trường Không quân Trung Quốc, Nguyễn Văn Bảy A tốt nghiệp về nước năm 1964 và bắt đầu tham gia trực chiến từ ngày 14-5-1965. Trận xuất kích chiến đấu đầu tiên của Nguyễn Văn Bảy A là ngày 7-10-1965. Trong cuộc chiến với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, phi công Nguyễn Văn Bảy A đã xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi bảy máy bay Mỹ mà không bị bắn rơi một lần nào (tỉ số 7-0). Trong trận không chiến ngày 26-4-1966, Nguyễn Văn Bảy A đã bắn rơi chiếc F-4C của thiếu tá John Roberton, chỉ đúng một tuần sau khi trung úy Bảy A trẻ tuổi cưới vợ.
Nguyễn Văn Bảy A được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967. Sau chiến tranh, đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy A đã nghỉ hưu và sống tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Với chòm râu bạc như một nông dân Nam bộ, hằng ngày chăm sóc ruộng vườn, không ai nghĩ rằng lão nông rất khiêm nhường này từng là phi công huyền thoại, một “ách” (ace - thuật ngữ chỉ những phi công ưu tú, bắn rơi nhiều máy bay đối phương) của không quân Việt Nam.
Trận đấu của ba “ách”: Ngân, Cốc và Robin Olds
Ngày 4-5-1967, Bộ Tư lệnh không quân nhận định nhiều khả năng không quân Mỹ sẽ đánh các mục tiêu quanh Hà Nội và các sân bay nên đã giao nhiệm vụ chiến đấu cho hai trung đoàn 921 và 923. Biên đội Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc cất cánh từ sân bay Nội Bài chặn đánh tốp F-105 và F-4 từ xa, ngoài vòng hỏa lực pháo và tên lửa trên bầu trời Nghĩa Lộ - Tam Đảo
Sau khi cất cánh, biên đội vòng trái đi hướng 350 độ. Khi biên đội đang bay trên độ cao 2.000m, ngang Tam Đảo, số 1 phát hiện tốp máy bay Mỹ bay vào bao gồm 12 chiếc F-105 và tám chiếc F-4 vừa bay hộ tống vừa làm nhiệm vụ tấn công. Chỉ huy là đại tá Robin Olds - một “ách” nổi tiếng của không quân Mỹ
Ba biên đội bốn chiếc F-105 bay theo đội hình bàn tay xòe ở cự ly 7km. Số 1 Phạm Thanh Ngân lệnh cho số 2 Nguyễn Văn Cốc tăng lực, lao vào công kích, riêng Ngân bám theo chiếc F-105 bay bên trái. Đến cự ly thích hợp, âm lượng đầu tên lửa nghe kêu tốt, Ngân ấn nút phóng một quả R-3S. Ngay khi đang thoát ly, Ngân nghe thấy số 2 Cốc hô: “Cơ động trái gấp”, Ngân lập tức cơ động vòng trái. Sau đó khi quay lại, Ngân phát hiện thêm ba chiếc máy bay đối phương, anh quyết định cắt bám theo ba chiếc này, đến cự ly 1.200-1.500m, Ngân đã phóng quả tên lửa thứ hai hạ một chiếc F-105.
Riêng phi công Nguyễn Văn Cốc, khi đang vòng trái bám theo yểm hộ số 1, phát hiện phía sau có bốn chiếc F-4 đang bám theo, anh nhắc số 1 cơ động trái gấp, đồng thời Cốc cũng ép cần lái vòng trái gấp để bám theo. Nhưng ngay lúc đó, Cốc nghe tiếng nổ lớn phía sau, đoán bị trúng tên lửa không đối không của F-4 phóng ra, anh quyết định về hạ cánh trực tiếp tại sân bay Nội Bài. Nhưng biết không thể hạ cánh trên đường cất cánh được, anh quyết định kéo máy bay lên trên 100m rồi nhảy dù an toàn xuống gần đài xa sân bay, máy bay rơi xuống cách đó 500m.
Các tình tiết của trận không chiến (thời gian, địa điểm góc tiếp cận...) cho thấy chiếc F-4C đã phóng tên lửa về phía chiếc MiG của Nguyễn Văn Cốc là do đại tá Robin Olds điều khiển. Robin Olds phóng hai quả tên lửa AIM-7 và hai quả AIM-9 về phía chiếc MiG của Cốc nhưng đều không trúng, đến quả AIM-9 tiếp theo thì nổ phía dưới đuôi đứng chiếc MiG chỉ khoảng vài mét.
Nhớ lại trận này, phi công Nguyễn Văn Cốc kể:
“Trận ngày 4-5-1967 tôi và anh Ngân cất cánh, vừa ra khỏi mây thì phát hiện tốp F-4, anh Ngân số 1 hô vứt thùng dầu phụ, vào công kích. Hôm đó trời nhiều mây, tôi giữ đội hình hơi xa, khi vừa ra khỏi mây, nghe tiếng nổ lớn phía sau tôi biết tên lửa của F-4 nổ rất gần. Tôi quyết định quay về sân bay hạ cánh, đến đài xa tốc độ chỉ còn 360km/giờ, độ cao giảm nhanh. Đến trước đài gần tôi quyết định kéo lên trên 100m để nhảy dù. Lúc đó, dù chỉ mở ra lắc qua lắc lại hai cái thì đã thấy ngồi xuống ruộng đỗ, máy bay rơi cạnh đài xa... Sau này tôi được biết là mình đã đụng độ với chính viên đại tá, phi công ba lần ace của không quân Mỹ, và chắc ông ta sẽ rất bất ngờ nếu biết rằng đó là trận đụng độ giữa ba phi công ace của Việt Nam và Hoa Kỳ!”.
Trận ngày 4-5-1967 chính là trận không chiến giữa các phi công ace của không quân Hoa Kỳ và không quân nhân dân Việt Nam (Nguyễn Văn Cốc và Phạm Thanh Ngân). Vào thời điểm đó, đại tá Robin Olds, người đã bắn rơi 12 máy bay Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai với hàng ngàn giờ bay, đã công bố bắn rơi ba chiếc MiG trong chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam. Còn thiếu úy, phi công Nguyễn Văn Cốc chưa đầy 25 tuổi, mới bay được trên 300 giờ và mới lập được một chiến công trong trận ngày 30-4-1967.
Trận này, Robin Olds bắn bị thương chiếc MiG của Nguyễn Văn Cốc. Nhưng viên đại tá Mỹ này không ngờ là người phi công VN trẻ tuổi ấy sau này đã trở thành người duy nhất trong lịch sử không chiến hiện đại dùng MiG-21 bắn rơi chín chiếc máy bay Mỹ, trở thành một trong những huyền thoại của không quân Việt Nam.
Các quốc gia khác nhau có nhiều chuẩn khác nhau để ghi nhận chiến công cho phi công ace, nhưng đa số cho rằng ít nhất phải bắn hạ năm máy bay đối phương thì người phi công mới được ghi nhận là ace. Phi công đầu tiên tham gia không chiến và sử dụng vũ khí lắp trên máy bay để bắn rơi đối phương là phi công người Pháp - Roland Garros (hiện nay được đặt tên cho giải tennis ở Pháp)
Không quân Mỹ cơ bản chấp nhận cách tính của không quân Pháp. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, không quân Mỹ ghi nhận có hơn 700 phi công ace. Phi công ace duy nhất của không quân Mỹ tham chiến cả hai cuộc chiến tranh (Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Việt Nam) là đại tá Robin Olds.
Theo các tài liệu thống kê của hai phía, trong chiến tranh trên không ở Việt Nam, không quân Việt Nam có 16 phi công ưu tú (bắn rơi năm chiếc trở lên).
TS NGUYỄN SỸ HƯNG và nhóm tác giả
_______Nguồn:
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/586560/ky-2-mig-21-vao-tran.html
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/586657/tran-chien-cua-cac-ach.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!