Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

30/4 xin nói về những người ít được nhắc tới..

Tôi và các bạn thuộc về một thế hệ khá đặc biệt. Sinh ra cuối những năm của cuộc kháng chiến chống Pháp, đầu những năm hòa bình, ngày 5/8/1964 khi máy bay Mỹ ném những trái bom đầu tiên xuống miền Bắc, chúng ta vẫn còn là những đứa trẻ học cấp một. Do truyền thống, lúc đó bố mẹ chúng ta thường cứ hai năm cho ra đời một công dân mới, mười năm sau hòa bình lập lại nhiều người trong chúng ta đã có sau mình một đàn em, ít thì 2 đứa, nhiều có khi lên đến 4-5 đứa. Chiến tranh lan ra miền Bắc, trường học ở các thành phố lớn đóng cửa hoàn toàn, bố mẹ chúng ta người ra mặt trận, người theo cơ quan, trường học, bệnh viện để tiếp tục công tác, người ở lại Hà nôi vừa sản xuất vừa chiến đấu. Còn những đứa trẻ con thì bắt buộc phải đi sơ tán.
Vậy là hàng loạt các trại trẻ sơ tán ra đời. Tôi biết các anh chị của blog này là học sinh trường Trỗi, nhưng tôi cũng biết là phần đông các gia đình chỉ một hai người con (chủ yếu là con trai) đủ tiêu chuẩn vào trường thiếu sinh quân này, còn lại là đi sơ tán theo các trại trẻ cơ quan. Theo trí nhớ của tôi thì hồi đó các cơ quan Trung ương, các trường Đại học thì đi sơ tán toàn bộ cơ quan , nhiều cơ quan đi khá xa Hà nôi. Còn các cơ quan Hà nội thì không đi sơ tán. Khoảng thời gian từ năm học 1965-1969 những làng quê ở Hà tây, Hà bắc, Hưng yên tràn ngập trẻ con Hà nội, đặc biệt là ở Hà tây vì ở khu vực này có đủ trường học và tiện cho bố mẹ đi thăm hàng tuần hoặc hàng tháng vì không phải vượt sông Hồng. Quy mô và tổ chức của các trại có khác nhau tùy khả năng từng cơ quan nhưng mục đích thì như nhau : bảo đảm nuôi dạy các cháu an toàn, học hành chu tất. Tôi và 4 đứa em, đứa nhỏ nhất 1 tuổi đi sơ tán theo trại trẻ của cơ quan mẹ tôi. Trại trẻ về đóng ở một xã rất giàu có, có truyền thống khoa bảng của huyện Thạch thất. Và ở đây có rât nhiều đơn vị sơ tán, mỗi đơn vị đều có bí số riêng. Cho đến giờ theo trí nhớ của tôi thì ở đây, ngoài trại trẻ của tôi (trại X12) còn có trại trẻ của Tổng cục chính trị (C12), một số Viện nghiên cứu của Bộ giáo dục (V12), Tạp chí văn nghệ Quân đội, một đơn vị mà chúng tôi gọi là Cục Thông tin chả biết của cơ quan nào. Chỉ riêng hai trại C12 và X12 trẻ con đã lên đến cả trăm đứa. Trại chia các cháu thành các tổ, ở trong nhà dân. Làng này nhiều nhà to, chứa được hàng chục cháu. Như nhà tôi ở, chủ nhà dành hẳn một khu nhà ba gian, mỗi gian kê được một giừơng đôi và một giường cá nhân, cho trại trẻ. Mỗi tổ khoảng 15-20 đứa trẻ do một bảo mẫu trông coi. Thường bảo mẫu là các cô bác lớn tuổi, hết tuổi dân quân tự vệ, hoặc một số nữ thanh niên sức khỏe yếu không ở lại chiến đấu được. Và họ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe, học hành và tính mạng của cái đám trẻ con lau nhau đủ các lứa tuổi ấy. Một số nhà trẻ có cô giáo dạy học nhưng chủ yếu chỉ dạy vỡ lòng hoặc cấp 1, còn thì đa phần trẻ con theo học luôn ở các trường ở địa phưong. Ở nhiều trai trẻ những đứa lớn nhất chỉ mới 13-14 tuổi, có giúp được các cô các bác bảo mẫu thì cũng chẳng được là bao. Trẻ con ở dồn lại một chỗ nghĩa là kèm theo đánh nhau, chăm học, lười học, bệnh tật, tai nạn… Và thực ra cái vòng « an toàn » quanh Hà nôi mà nhiều trại trẻ chọn làm nơi sơ tán cũng chả xa nơi bom rơi đạn nổ là mấy. Bọn tôi cũng đã nhiều lần thò cổ ra khỏi hầm trú ẩn xem máy bay ta đuổi máy bay địch, nhiều lần thấy nhiễu ra đa vương đầy cành cây. Và cả một lần một thứ từ trên trời rơi xuống cách hầm trú ẩn của chúng tôi chừng 20-30m làm nhà hàng xóm cháy nghi ngút. May mà không ai thiệt mạng. Tất nhiên cái gánh nặng phải bảm đảm an toàn tính mạng của các cháu trong thời bom đạn đầy trời ấy cũng nắm trên vai các cô các bác bảo mẫu. Không phải chỉ một người đã từng hy sinh thân mình che bom đỡ đạn cho các cháu…

Tôi và các bạn cùng lứa không một ai phải nghỉ học một ngày dù tất cả trường học ở thành phố đóng cửa. Bạn bè đại học sau này có người ở tận Vĩnh linh, đã theo trại trẻ sơ tán ra Thanh hóa, rồi ra trường miền Nam. Xét theo độ tuổi khi vào học Đại học thì họ cũng không phải bỏ học ngày nào. Đọc sách, xem phim chưa từng gặp một cuộc chiến tranh khốc liệt dài lâu nào trên thế giới mà toàn bộ trẻ con không bị thất học một năm nào. Và cái đám trẻ con đội mũ rơm đi học ấy khi bước chân vào đại học đều học hành đâu ra đó. Chứng tỏ hành trình sơ tán để đi học đã được các trại trẻ thời ấy làm rất tốt.

Những ngày ấy cha mẹ của tất cả chúng ta đều đang ở mặt trận hay đang ở một vị trí công tác nào đó trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Họ đã có thể dồn hết tâm trí, sức mạnh để làm nên một ngày 30/4 /1975 lịch sử một phần cũng nhờ ở chỗ họ vô cùng tin tưởng rằng ở hậu phương con cái họ được an toàn và học hành tử tế. Công lao ấy thuộc về các thầy cô giáo, các cô bác bảo mẫu của các trại trẻ sơ tán, các trường sơ tán nội trú, những người rất ít khi được nhắc đến trong mỗi dịp mừng ngày chiến thắng. 

EGK9

13 nhận xét:

  1. Hồi đó tôi hết lớp 6, chuẩn bị lên lớp 7. Anh em tôi phải sơ tán tới một vùng quê (không nhớ ở đâu), bạn bè cùng lứa ở đó không hạp với mình, buồn muốn chết. Được ít bữa thì nghe thông báo rằng trường Thiếu sinh quân tuyển sinh. Lúc đó, chả cần biết trường đó ra sao, miễn đi khỏi đây, thế là tôi lập tức "tình nguyện nhập ngũ". Ngày 13/09 nhóm tụi tôi có mặt tại gốc đa An mỹ Đại từ (trung tâm Hành chính-Kinh tế-Văn hóa của trường Trỗi), chấm dứt "cuộc đời dân sự".

    Trả lờiXóa
  2. Ở bất cứ đâu người ta cũng nhường cho đám trẻ con sơ tán nhà cửa, giường chiếu, lớp học...
    ĐN.

    Trả lờiXóa
  3. Chiến công thầm lặng không bao giờ được sách,báo tôn vinh nói tới,nhưng đã góp một phần không nhỏ cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta chiến thắng!
    Hồi đó chúng tôi cũng sơ tán ở Thạch thất.Trường mang tên Nguyễn bá Ngọc của TCCT-QĐNDVN.C12 mà bạn nhắc tới.Gần chùa Tây Phương.

    Trả lờiXóa
  4. BT.SgK7 - Còn tôi và 1 số bạn cùng lứa ở 28 ĐBP , 38 TrP , 1A HVT (khối BTTM )thì phải đi sơ tán từ khi đang học cuối lớp 3 .Ở Gốc sữa Ba vì mấy tháng ( gần nông trường Âu-Phi ).Sau đó do chiến tranh phá hoại của Mỹ càng ngày càng mở rộng trại sơ tán này chạy mãi tít lên Cao bằng ( Cao bình , Khâu luông , Cốc lùng - thuộc huyện,xã nào không biết ). Ở Cao bằng tuy an toàn nhưng xa quá bố,mẹ không lên thăm được,cộng thêm có vụ chị Minh đi tắm sông Nước hai chết đuối , trại sơ tán BTTM lại dời về Thạch thất ( Đình CHU QUYẾN ).Vào khoảng năm 1965-1966 BTL.TTLL thành lập trại sơ tán C.53 TÔi và LV (Cục khốn khổ,khốn nạn ) chia tay các chiến hữu ở trại BTTM về đầu quân cho trại C.53 ( Phụng thượng-Phúc thọ-Sơn tây ). Mùa hè 1966 tôi LV , V.Hoà (mất ở QL )khoác ba lô nhập ngũ Thiếu sinh quân NGUYỄN VĂN TRỖI ... Một thời thơ ấu vất vả nhọc nhằn như người lớn nhưng nhiều kỷ niệm vui,buồn không thể quên !

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn bạn,bài viết thật hay.Giá các thầy cô,chú bác ngày ấy đọc được bài của bạn nhỉ,họ sẽ thật vui có những "đứa trẻ" ngày ấy bây giờ họ đã lớn tuổi họ không bao giờ quên công việc thầm lặng góp phần không nhỏ cho ngày chiến thắng 30.4 .75

    Trả lờiXóa
  6. "Đọc sách, xem phim chưa từng gặp một cuộc chiến tranh khốc liệt dài lâu nào trên thế giới mà toàn bộ trẻ con không bị thất học một năm nào", tỉ EGK9 có một phát hiện thật đơn giản nhưng là một sự thực độc đáo, chúng ta chính là người trong cuộc nên chúng ta hiểu rõ điều đó, Bác Hồ rất sáng suốt và các thầy cô má thời ấy là những chiến sỹ tuyệt vời, những tấm gương mẫu mực và trong sáng chưa từng có! Muội nhớ năm mới ra Bắc, mới vào học những ngày đầu lớp 1 ở Vĩnh Linh thì máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc và hôm í chúng oanh tạc trường cấp 3 Vĩnh Linh (cho đến giờ muội vẫn không hiểu nỗi tại sao cái thằng Giôn Sơn ngu xuẩn và khốn nạn kia lại lấy một trường học để làm một trong những tiêu điểm bắn phá đầu tiên ở miền Bắc!), trường muội nằm sát cạnh trường cấp 3 nên cũng bị bắn phá, các thầy cô lùa học trò xuống hầm, trên nắp hầm của bọn muội trú, có một thầy giáo trẻ tên Thanh, thầy ấn bọn muội vào trong, rồi nằm đè lên nắp hầm như muốn dùng thân mình che chắn cho lũ học trò và dùng súng trường... bắn máy bay!! Hình ảnh này theo muội đi suốt tuổi thơ của mình!
    Tấm hình của tỉ bỏ lên đây làm muội giật mình vì quen thuộc quá, cứ ngỡ như có mình trong đó!
    Q.MF

    Trả lờiXóa
  7. @Q.MF: Tấm hình này là EGK9 sưu tầm trên mạng, nhưng chắc người nào trong chúng ta cũng thấy như chính mình trong đó vì tất cả đều cùng cảnh ngộ mà.
    EGK9 cũng có một bà thím là giáo viên dạy lớp 1,lấy thân mình che cho học trò khi máy bay Mỹ ném bom gần trường học và bà đã hy sinh. Bà là người Hà nội gốc đi sơ tán theo trường lên dạy ở Mê linh.

    Trả lờiXóa
  8. Tui thấy mình đứng ở cuối cùng à . Thanks EGK9 nha .

    Trả lờiXóa
  9. ' Cục khốn khổ , khốn nạn " là "cục " gì ạ ? Quế đoán mãi không ra .Hix

    Trả lờiXóa
  10. @Quế Lâm : Là cục gạch đó . Tui cũng đoán mãi không ra . Ai da .

    Trả lờiXóa
  11. " cục gạch " là nghĩa làm sao ? hay là nic của trưởng bối LV ????

    Trả lờiXóa
  12. Là cơ quan cứu nạn cứu hộ, chỗ ông LV làm việc, anh em gọi biến tướng đi.

    Trả lờiXóa
  13. Cơ quan " cứu hộ cứu nạn " mà giải nghĩa ra là " cục gạch " !!!. Cục " khốn khổ khốn nạn " ui , cứu QUẾ với , cười bể bụng rùi .

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!