Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Bài học từ cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979

Nguồn: Tuổi trẻ
Nguyễn Mạnh Hà
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ của một cựu lính Trỗi K7 - TS NGUYỄN MẠNH HÀ, viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng). Những ngày tháng 2 này, ông chia sẻ với Tuổi Trẻ về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ ngày 17-2 đến 5-3-1979.
Thưa ông, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra đến nay đã được 34 năm. Ông nói về sự kiện này như thế nào?
- Cuộc chiến tranh biên giới không chỉ bắt đầu từ ngày 17-2-1979, không chỉ bắt đầu sau câu chuyện “nạn kiều” 1978, cũng không chỉ bắt đầu từ những rạn nứt trong quan hệ Việt - Trung sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975, một chiến thắng mà một số nhà sử học trên thế giới đã cho rằng Trung Quốc không mong muốn. Cũng không phải hoàn toàn như vậy mà nó có gốc rễ sâu xa từ những tính toán trong lợi ích chiến lược của cả Liên Xô và Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ với một nước nhỏ như VN.

Lịch sử dân tộc ta có tới 17 cuộc chiến tranh chống xâm lược thì chúng ta đã chiến thắng 14, còn ba cuộc kháng chiến dai dẳng, hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chúng ta bị nước ngoài đô hộ nhưng rồi dân tộc ta vẫn chiến thắng.
Có thể trong lịch sử hiện đại, khái niệm biên giới quốc gia không còn được tính bằng các cột mốc nữa mà bằng “biên giới mềm”, “sức mạnh mềm”, bằng sự xuất hiện của hàng hóa, hình ảnh, văn hóa của quốc gia nào đó trên đất nước mình, nhưng tôi vẫn tin là chúng ta sẽ bảo vệ được nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình, một khi cả dân tộc kết thành một khối, dưới sự lãnh đạo của Đảng dày dạn kinh nghiệm cả trong chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Sai sót lớn là chúng ta đã nhận ra quá muộn bản chất của chế độ Pol Pot. Năm 1977, đồng chí Lê Trọng Tấn được Quân ủy Trung ương cử vào biên giới Tây Nam nghiên cứu tình hình xung đột biên giới với Campuchia trở về, khi trở ra Hà Nội đã bức xúc khẳng định: “Đây không còn là xung đột nữa. Đây là một cuộc chiến tranh biên giới thật sự”. Lúc đó, chúng ta mới tìm hiểu đằng sau Pol Pot là ai. Là rất nhiều cố vấn nước ngoài từng giúp chúng ta trong cuộc kháng chiến trước đó.
Khi chúng ta tổ chức phản kích, tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979, giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh thì đúng 40 ngày sau, Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới, với chiêu bài “dạy cho VN một bài học”. Quân chủ lực VN lúc đó đã tăng cường cho chiến trường Campuchia, Trung Quốc hi vọng VN sẽ gục ngã vì bất ngờ.
Quân và dân VN bị buộc phải cầm súng một lần nữa, đã chiến đấu kiên cường trước một đội quân đông hơn nhiều lần, trên một phòng tuyến biên giới dài gần 600km, và đã đánh bật được quân Trung Quốc về bên kia biên giới sau khi làm tổn thất đáng kể sinh lực đối phương.
* Liệu việc bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh có làm chúng ta chịu những thiệt thòi nhất định như những điều kiện đi kèm thường thấy trong các hiệp định mà nước lớn thường áp đặt cho nước nhỏ?
- Cuộc chiến tranh biên giới chính thức kéo dài chỉ 17 ngày, từ 17-2 đến 5-3-1979. Nhưng những cuộc xung đột còn kéo dài đến tận năm 1988. Trong suốt chín năm, một phần đáng kể nhân tài vật lực của chúng ta đã phải dồn cho biên giới phía Bắc, trong khi Mỹ cấm vận, viện trợ của Liên Xô cắt giảm so với trước và Trung Quốc thì từ bạn thành thù. Có thể nói VN đã hao tốn nhiều sức lực vì cuộc chiến biên giới đó. Nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, VN càng ngày càng bất lợi. Chính vì vậy, năm 1988, khi VN chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay, và đến năm 1991 thì VN và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô, Trung Quốc.
Là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.
Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà đằng đẵng đó. Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm xương máu từ thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, lợi ích các bên đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Cần hiểu rõ bạn - thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.

8 nhận xét:

  1. "Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà đằng đẵng đó....... Cần hiểu rõ bạn - thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.
    Không hổ danh là lính Trỗi

    Trả lờiXóa
  2. "..Chính vì vậy, năm 1988, khi VN chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay, và đến năm 1991 thì VN và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô, Trung Quốc..."
    Câu này tôi thấy nhà sử học của chúng ta nói không ổn tí nào !

    Trả lờiXóa
  3. Ít ra thì đây cũng là một Đại tá TS "sạch". Không "bẩn" như đại tá PGS TS Trần Đăng Thanh.

    Trả lờiXóa
  4. Vẫn biết ông bạn này " Sạch ", hàng xóm với nhau biết cả nhưng riêng câu trên là sơ suất ta hại.

    Trả lờiXóa
  5. K.Việt nói phải. Nhưng cũng phải thông cảm cho bạn Hà (vì còn đang mần việc),nhưng phát vậy là ok rùi.

    Trả lờiXóa
  6. Nhận định như vây, không thể không hiểu là : sự căng thẳng ở biên giới là do ta áp quân sát quá,nên " năm 1988, khi VN chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay..."
    Tuy nhiên vẫn còn một khả năng : phóng viên diễn đạt ko chuẩn câu trả lời.

    'sạch' ko liên quan tới việc đúng -sai cần minh định ở đây.

    Liên Xô ngay từ đầu đã đánh giá PP là bọn 'cực tả' nên ko công nhận chính quyền kh'me đỏ và cũng đã cảnh báo VN. Tuy nhiên VN đã ko tỉnh táo nhận ra từ đầu. Lúc biên giới Tây-Nam bắt đầu có chuyện tập kích tàn sát đồng bào,dưới báo lên trên,trên chỉ đạo xuống coi đó là hành động sai lầm có tính bột phát riêng lẻ của chính quyền địa phương bên kia biên giới ko phải chù trương chung của TW kh'me đỏ.
    Sau này có người bình luận rằng : ' tình đ/c cùng ý thức hệ ' của VN đã che mờ đi thực tế. Trong khi họ chỉ coi đó là một cái mũ đội lên đầu khi cần thiết.

    Năm 1988 kinh tế VN rơi tới đáy (như bài PV diễn giải),Ko còn sức theo đuổi việc xây dựng CQCS ở CPC, chủ động rút quân về lúc này là thượng sách,muộn hơn sợ rằng phát sinh nhiều chuyện.
    Có thể tham khảo về g.đoạn LS này ở
    Hồi ức và suy nghĩ-Trần Quang Cơ.

    Lại nhớ tới 4SG,sinh thời bạn ấy đã rất quan tâm trăn trở và kỳ khu tìm hiểu,khảo cứu về vấn đề kiểu như thế này.

    Trả lờiXóa
  7. Chỉ cần đ/c TS nhớ cho câu nói của ông "bạn vàng": "Không có kẻ thù vĩnh viễn chỉ có bạn tạm thời và lợi ích dân tộc trên hết" là đủ. Chẳng lẽ sự thật lịch sử chỉ dành cho... người về hưu !

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn TS NGUYỄN MẠNH HÀ dũng cảm nói lên một phần của Lịch sử, Tôi cũng là người lính từ K22 Nguyễn trãi ở chiến trường Nam bộ và Cambodia trước 1975 và sau 1975 Hiểu khá rõ Trung quốc đã đứng sau Ponpốt khơ me đỏ như thế nào, những người nào học từ Việt nam và Liên xô đã bị Khơ me Đỏ loạn ra ngay từ trước 1975, còn ai học từ Trung quốc thì giữ lại lại... Với tư cách chỉ là người lính nên tầm nhìn chỉ là người lính...TS viết thêm về Biên giới Tây Nam 1975 thì hay quá.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!