|
Trung tướng Phạm Kiệt. Ảnh: Internet |
Một ngày cuối năm 1959 đại tá Phạm Kiệt nhận được thông báo của đồng chí Vũ Kỳ: “Bác Hồ mời đồng chí lên gặp”. Ông băn khoăn không rõ mình có làm điều gì sai, khiến Bác không hài lòng mà gọi lên phê bình hay không?
- Quân đội rất cần chú, nhưng nay Bác và các đồng chí lãnh đạo muốn điều chú sang Bộ Công an, vì bên đó đang thiếu cán bộ rành về chỉ huy quân sự. Ý kiến chú thế nào?
Khi nghe rõ yêu cầu trên của Bác, Đại tá Phạm Kiệt thưa: “Đảng, Bác giao nhiệm vụ, là người đảng viên, là cán bộ cách mạng, cháu xin tận tâm hoàn thành ạ!”
Đầu năm 1960, Đại tá Phạm Kiệt sang nhận trọng trách là Thứ trưởng Bộ Công an.
Sang đầu năm 1961, Đại tá Phạm Kiệt nhận thêm nhiệm vụ nữa: Vừa làm Thứ trưởng Bộ Công an, vừa làm Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT thay đồng chí Phan Trọng Tuệ, và ông được phong quân hàm Thiếu tướng cũng trong năm 1961.
Ngày ấy, CANDVT được giao nhiều nhiệm vụ lớn như: Bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc; chống phá kế hoạch nhảy dù, xâm nhập biên giới, biển đảo của bọn biệt kích Mỹ - ngụy; bảo vệ Bác và lãnh đạo Nhà nước; bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương… Với khối lượng công việc lớn như vậy, song trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, tướng Phạm Kiệt đã xây dựng mối đoàn kết vững chắc giữa cán bộ lãnh đạo, các cơ quan ban ngành và tất cả cán bộ chiến sĩ, để cùng xây dựng, phát triển CANDVT, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó.
Tướng Phạm Kiệt với bản chất thẳng thắn, trung thực, luôn đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết, một lòng một dạ thương yêu cán bộ, chiến sĩ.
Ngược thời gian, trở về những ngày khởi nghĩa Ba Tơ, Chỉ huy trưởng đội du kích Ba Tơ Phạm Kiệt, cùng các đồng chí Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách, Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương đã chớp thời cơ, kết hợp vận động quần chúng nổi dậy, tuyên truyền, kêu gọi sĩ quan và binh lính trú tại đồn Ba Tơ hạ vũ khí; đồng thời tập trung cao nhất lực lượng tù chính trị vùng lên cướp đồn Ba Tơ đêm 10-3-1945 đến rạng sáng 11-3-1945, bắt và bức hàng tất cả sĩ quan và binh lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng mới của nhân dân.
Thiếu tá Ngô Quang Bảo, lái xe cho đồng chí Phạm Kiệt từ năm 1971 đến năm 1975, vẫn xúc động khi nói về ông: “Cụ nghiêm lắm, nhưng cụ lo cho anh em đến nơi đến chốn. Cụ là Tư lệnh, Thứ trưởng Công an mà khi vào cơ quan, anh em chào cụ, cụ đứng lại hỏi thăm anh em đến nơi đến chốn. Cụ lên tận đồn biên phòng thăm anh em, chứ không ở nhà nghe báo cáo suông. Cụ là con người rất giản dị, có trình độ và mẫu mực trong cuộc sống”
Nhớ đến Tướng Phạm Kiệt là nhớ đến một con người giàu tình nhân ái, thương yêu đồng chí, đồng bào. Mỗi lần đến các đồn biên phòng nơi vùng cao biên giới, ông thường nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải làm tốt lời dạy của Bác Hồ về đoàn kết dân tộc. Lên thăm chốt, ông chăm lo từng cái màn chống muỗi, từng cái chăn cho chiến sĩ; rồi lo cho con em đồng bào các dân tộc được ăn no, mặc ấm, được học hành. Có lần lên Pha Long, Mường Khương, thấy doanh trại của Bộ đội Biên phòng không đủ vách kín, sương mù làm ướt màn của chiến sĩ, ông rất khổ tâm. Ngay sau đó ông đã trực tiếp chỉ đạo và cùng tìm cách khắc phục. Sau này, ông vẫn thường nhắc tới chuyện này và bàn với tập thể lãnh đạo tìm biện pháp cải thiện tình hình ăn, ở, sinh hoạt cho tất cả các đồn, trạm biên phòng khác.
Đồng chí Phạm Kiệt được phong quân hàm Trung tướng tháng 4-1974.
Khi Trung tướng Phạm Kiệt chuyển bệnh nặng, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như bác Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ của các Bộ, cơ quan, ban ngành đến thăm. Trên giường bệnh, ông vẫn day dứt: “Tôi được Đảng, Bác Hồ giao phụ trách lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nhưng gần 15 năm, tôi chưa lo được gì. Mong các anh giúp đỡ để cho lực lượng vững về tổ chức, đỡ khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ …”.
Ngày 23-1-1975, Trung tướng Phạm Kiệt về với cõi vĩnh hằng. Với những đóng góp xứng đáng cho Tổ quốc, ông đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngày 25-7-2012, UBND tỉnh và Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho một số đơn vị và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có Trung tướng Phạm Kiệt.
Trần Minh Thu(báo QĐND)