Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

AI LÀ NGUYÊN MẪU NHÂN VẬT QUYÊN TRONG TIỂU THUYẾT “SỐNG MÃI VỚI THỦ ĐÔ”?

Nhân vật Quyên trong tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô" và truyện phim "Lũy hoa" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được tác giả lấy nguyên mẫu từ một nhân vật có thật: Nguyễn Nguyệt Tuệ, bút danh Nguyệt Tú. Mới đây, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy một lá thư của nhà văn Nguyệt Tú cách đây 64 năm…
Bức thư và câu chuyện dưới đây có thể giúp bạn đọc hình dung thêm về tình đồng chí, đồng nghiệp giữa các nhà văn, giữa nhà văn với một người mới bước vào nghề viết.
Nhà văn Nguyệt Tú cùng cha - danh họa Nguyễn Phan Chánh thời trẻ.
Nguyễn Nguyệt Tuệ, bút danh Nguyệt Tú chính là ái nữ của danh họa Nguyễn Phan Chánh, đồng thời là phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Bà còn là một nhà văn, nhà báo có tên tuổi, tác giả cuốn sách "Cuộc tình các chính khách Việt Nam", trong đó có bài viết về chính mối tình của mình với người chồng, người đồng chí Lê Quang Đạo.

Vào thời điểm cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, tháng Chạp năm 1946 mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lấy làm bối cảnh cho tác phẩm của mình, bà Nguyễn Nguyệt Tuệ là một cô học trò mới ở Hà Tĩnh ra Hà Nội học Trường Phan Chu Trinh của thầy Đặng Thai Mai. Quyên, nhân vật "Sống mãi với Thủ đô", cũng là học sinh Trường tư thục Phan Chu Trinh, đã quyết không đi tản cư với gia đình mà cùng một số bạn học xin ở lại, nhận nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô. Còn trong truyện phim "Lũy hoa", nhân vật Quyên sau khi trải qua cuộc chiến đấu "sáu mươi ngày khói lửa" giữa lòng Hà Nội đã cùng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô bí mật rút ra ngoài tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ…
Tháng 10 năm 1947, ở vùng rừng núi Bắc Giang, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã gặp lại Nguyệt Tú (Nguyễn Nguyệt Tuệ), nguyên mẫu nhân vật tương lai của ông. Sau khi cùng Trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu, Nguyệt Tú chuyển sang làm công tác phong trào, chuyên về phụ vận. Nhật ký ngày 25-10-1947 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho biết, đêm trăng hôm ấy, ông đã mua vịt về làm cơm, mời Nguyệt Tú cùng ăn với vợ chồng nhà thơ Tố Hữu và nhà văn Tô Hoài. Hai mươi ngày sau (15-11), ông lại ghi trong nhật ký của mình về chuyện ông gặp Nguyệt Tú cùng với "cả Bộ Tham mưu của Liên hiệp phụ nữ".
Nhà văn dí dỏm nhận xét: "Toàn tụi tí nhau, thế mà đều là những lãnh đạo phong trào". Điều này cũng có thể hiểu được, nếu ta biết Nguyệt Tú bấy giờ mới 21 tuổi, và các nữ cán bộ khác cũng chừng ấy cả… Song, liệu đằng sau hai chữ "tí nhau" kia có chút gì là sự xem nhẹ, hay tệ hơn, xem thường người ít tuổi, nhất lại là phụ nữ?
Xin được nói ngay, câu hỏi này đã có người đặt ra với tôi, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, và tôi quả thật đã có ít nhiều lúng túng khi trả lời. Với tất cả những gì tôi biết về cha mình, tôi dám chắc ông không hề có ý ấy. Nhưng dẫu sao một sự khẳng định như thế vẫn cứ là cảm tính và bạn đọc dễ có thể cho rằng tôi nói thế, nghĩ thế chỉ là vì tôi là con ông.
Xin không quá sa đà vào những chuyện đã qua. Ở bài viết này, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một tư liệu mới tìm được có liên quan đến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và nhà văn Nguyệt Tú. Trong một lần giở lại các tập tài liệu của cha tôi, những mong có được điều gì đó mới mẻ về ông để viết bài cho một ấn phẩm mới ra, tôi đã tìm được một tư liệu hoặc có thể nói, một kỷ vật đặc biệt quý. Đó là bức thư của người nữ cán bộ trẻ tuổi Nguyệt Tú gửi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng một ngày tháng 11 năm 1947, cách đây đã 64 năm.
Bức thư được viết trên một thứ giấy bản mỏng tang, gập lại vừa bằng đúng lòng bàn tay, được kẹp giữa các trang ghi công việc trong một cuốn sổ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chính vì thế đã luôn lọt qua con mắt tìm kiếm của tôi suốt mấy chục năm qua. Nay tìm thấy, xin phép tác giả - nhà văn Nguyệt Tú cho được công bố, để bạn đọc biết thêm về tình đồng chí, đồng nghiệp giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và một người mới viết, một người mà ông đang khuyến khích viết văn và thực tế sau này đã trở thành một nhà văn có tên tuổi.
Ngày 7-11-47
Kính gửi anh Nguyễn Huy Tưởng
Đã nhận được thư anh. Về quyển Filles du peuple russe [Những người con gái nước Nga], xin anh cứ để ở chỗ anh rồi hôm nào lên họp V.H [Văn hóa], tôi sẽ đến lấy, kẻo chuyển giao e không chắc chắn lắm.
Còn về ngày họp, các anh cho chúng tôi biết rõ ngày để chúng tôi đến, và các anh gửi giấy triệu tập thì chúng tôi đi dễ dàng hơn. Và độ 3, 4 người đến dự thính có được không, thưa anh?

Mấy hôm nay tôi không viết được gì mấy vì còn mải xem tài liệu.
Cám ơn anh hỏi đến.
Anh khuyến khích như thế mà không lo sáng tác thì thật xấu hổ.
Chị Thủy có cho tôi xem thư anh gửi, biết anh chú ý đến việc phụ nữ tập viết văn lắm. Mong chóng đến ngày họp để được nghe những lời chỉ dẫn.
Chúc anh, anh Thi và anh Lành mạnh, vui luôn
Chào quyết thắng,
     Nguyệt Tú

2 nhận xét:

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!