Tôi xin liệt kê một số trò nghịch ngợm điển hình của học sinh trường Trỗi khoá nhỏ, từ mức độ nhẹ đến tăng dần. Còn nặng từ "tấn" trở lên thì xin phép không liệt kê ra đây nữa vì có lẽ đã nói rồi hoặc không dám nói, để mọi người hình dung học trò xa nhà tiêu khiển ngoài giờ học tập phong phú như thế nào ? Nếu có chi tiết không chính xác, hoặc còn thiếu xin mọi người bổ xung thêm, cho thêm phần" hoành tráng". Ngoài trò ném lựu đạn, chơi kíp bom, lấy vật tư của bạn biến thành đồ ăn của mình và vô số trò khác ? Lính Trỗi khoá nhỏ còn nghĩ ra nhiều trò nghịch ngợm làm đau đầu các thầy, cô phụ trách - thầy Trọng đã có bài trong SRTKL tập 2. Khiến các thầy chịu không xiết phải thốt lên :"là ngợm chứ không phải là người", nhưng biết làm sao ? Bố, mẹ chúng nó có ở đây đâu mà dạy bảo chúng ? Phải gồng mình chịu thôi, Không khéo thì bị kỷ luật, khéo quá thì bị chúng qua mặt ? Tôi xin đi tiên phong kể ra đây.
1-Phong trào nuôi gà, vịt:
Có lẽ nảy sinh từ các thầy tăng gia. Gà, vịt nuôi dưới gầm cầu thang, thế rồi lan ra các trò, nhưng mà nuôi ở đâu ? Mỗi đứa chỉ có khả năng nuôi 1-2 con, cơm thì người còn thiếu nữa là vật ? Chúng bèn nghĩ ra cách, nuôi trong ống tay áo bông, ăn mối, ăn kiến, chỉ được vài ngày gà, vịt chết hết do môi trường nuôi lạ quá, ỉa, đái trong tay áo đâu được ? mà đối với gà, vịt thì khoản đó không thông báo trước. Thế là không nuôi được thì ai nuôi được thì lấy, đỡ phải nuôi mất công. Gà, vịt của các thầy lập tức biến mất không hồi âm ? Chúng bị vặn cổ , được mang ra khu rừng trước cổng trường bọc bùn, khỏi mất công làm lông, mổ bụng, nướng chưa kịp chín, chia nhau xơi, trong khi thịt còn đỏ lòm. Có hôm tập trung đi ăn sáng, cả đại đội còn được chiêm ngưỡng một đàn ngỗng tung tăng trên nóc nhà ở khoá 7, chúng nó chơi cả đàn chứ không thèm nhỏ lẻ như lớp dưới.
2-Đi phi thuyền:
Phía sau trường, gần hố xí có một con dốc, dốc khoảng hơn 45 độ. Không biết ai nghĩ ra trò này ? Chúng lấy ghế băng dùng để ngồi học, lật ngửa ra làm phi thuyền, ngồi lên trên rồi lao từ trên dốc xuống, rất khoái ,nhưng ghê người, không phải ai cũng dũng cảm leo lên. Trò này lôi kéo cả đám học viên anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ tuy lớn, nhưng tâm hồn trẻ thơ, tham gia rất hào hứng, dù có lúc té lăn quay, rách quần, rách áo, trầy sước cả mình mẩy ? Trò này kéo dài rất lâu, cứ hết giờ học, rồi đến giờ ăn cơm, rảnh giờ nào là kéo ra chơi, đi nhanh, sợ chậm hết chỗ ? Thậm trí khi chuyển trường sang Hưng hoá không còn dốc nữa, chúng vẫn tổ chức trượt từ trên cầu thang xuống, nhưng không còn hào hứng nữa, nên đi vào quên lãng. Ngày nay ta được biết trò chơi này qua trò chơi trượt nước ở Đầm Sen, Suối tiên, nhưng gần 40 năm trước mình đã chơi rồi?
3-Cưỡi ngựa:
Mấy ai được cưỡi ngựa ? Nhảy dù như anh HCQ, lái máy bay, lái tàu, lái xe, thậm chí cả lái xe tăng như anh LMT k3 (?), như Tam Châu k6, như Quảng già k7. Nhưng cưỡi ngựa lúc còn học sinh tôi chỉ thấy có một, chẳng biết con ngựa của ai? Có lẽ của mấy chú công binh coi kho ? Lúc đó có nhiều tên nhảy lên cưỡi nhưng không được, vì không biết cách cưỡi, nhưng tôi thấy Võ hùng Thế k7 lúc đó nhảy lên và cưỡi như bộ đội biên phòng, ngựa phi như bay được một đoạn dài và hất Thế té xuống đất ? Đoạn này về sau tôi có hỏi Thế, được biết do không biết làm sao dừng ngựa ?Nên đành phải tự té.Trò này cũng làm học sinh 2 đại đội tham gia nhiệt tình khoảng 3 ngày cho đến khi con ngựa biến mất ?
4-Điểm danh tối:
Điểm danh là hình thức các thầy quản học trò, đi ngủ mà còn nói chuyện, thầy nói không nghe là điểm danh, học trò rất ngán, vì đã lên giường, cởi hết quần áo để ngủ, lại phải mặc vào để ra điểm danh, oan nhất là mấy vị đã yên giấc ngủ, rồi trời mùa đông, lạnh tỉnh người. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Chúng cũng ra đầy đủ, nhưng lợi dụng tối trời, vì 9h00 tối, máy phát điện đã ngưng hoạt động, đèn dầu không đủ sáng, lại chói mắt thầy, đèn pin thì hạn chế bật, vì pin hiếm. Nên ai bị đứng đầu thì dáng chịu, còn hàng thứ 2 được uỷ quyền khi thầy đọc đến tên ai vắng thì hô "có" thật to, mà phải đổi giọng thầy mới không nghi, cho nên có hiện tượng gọi tên 1 người thì 2-3 giọng hô "có". Hàng thứ 3 trở đi hầu như vắng hẳn, chúng chui vào giường ngủ tiếp.
5-Gìơ tập thể dục sáng:
Cứ 5h00 sáng là phải dậy tập thể dục, mùa nào cũng vậy. Thầy trực ban có nhiệm vụ gõ kẻng, kẻng bằng vành ôtô treo trên cây. Thế mà một hôm nằm chán chê mà không thấy tiếng kẻng? Hoá ra chúng nó, không biết ai ? hình như từ b6 ? Tháo dùi , quăng mất. Được 1 hôm thì vẫn tiếp tục tập thể dục. Kiểu này không được rồi ? Chúng lại tháo cả kẻng vứt đi, cũng kì công thật, kẻng nặng như thế, mà chúng tháo xuống, lôi ra chỗ vắng vứt, làm các thầy kiếm muốn bở hơi tai .Nhưng cũng chỉ được 1 ngày, cả đại đội ngủ no con mắt. Lần này chúng nghĩ ra cách ác hơn, để kẻng nguyên chỗ, dùi cũng không vứt nữa, mất công quá ? Chúng lấy phân bôi lên dùi , cho nên hôm sau ai dậy sớm sẽ thấy thầy trực ban cứ lúi húi chùi tay xuống đất, muốn rửa tay phải ra giếng, mà giếng đâu có gần ? Cả đại đội lại được dịp nướng. Thằng nào nghĩ ra chiêu này dã man quá!
6-Trốn học:
Trốn học đây là trốn học tự tu, còn chính khoá không ai dám trốn? Trốn bằng cách công khai, danh chính ngôn thuận, các thầy không khiển trách được ? Cách nào hay thế ? Chúng nghĩ ra cách làm điện đoản mạch, máy phát sẽ ngưng hoạt động. Đầu tiên chúng cúp cầu dao, nhưng cách này chỉ được mấy chục phút, mấy thầy tìm ra ngay. Lần sau chúng nghĩ ra nhờ học vật lí ? Lấy kim, hoặc vật nhọn đâm từ dây này sang dây kia lúc ban ngày không có điện, thế là máy phát ngưng hoạt động, do CB tự động ngắt, chúng nó được nghỉ, leo tường ra ngoài coi phim, lúc đó ở Hưng hoá, bãi chiếu phim ngay cạnh trường, bảo sao tụi nó không phá ?
7-Cướp bánh mì:
Thời điểm đó có đói không? Có đói. Nhưng không là bánh mì, chúng thèm cái khác ? Cướp bánh mì để mang ra bến đò Trung hà đổi trứng, chuối, đổi bất cứ thứ gì không phải là bánh mì ? Lúc đó lò bánh mì ở dãy nhà bếp trước cổng trường, biết cô nuôi hay gánh bánh mì từ lò về kho, kho cách lò bánh một đoạn dài. Lợi dụng trời tối, cô nuôi một vai gánh bánh mì, một tay xách đèn dầu, chúng xông ra thổi tắt đèn, lấy bánh mì rồi chạy. Cô nuôi ngã bổ chửng, la oai oái, nhưng trời vắng, chẳng có ai giúp. Cũng may nó chỉ lấy bánh mì. Về sau cô nuôi phải có 2 người mới dám đi, hoặc là đi sớm, trước trời tối.
Còn nhiều nữa, nhưng tôi không nhớ, bạn nào biết xin kể thêm, để chúng mình hồi tưởng lại một thời nghịch ngợm, phá phách vô tư. Làm các thầy, các cô, các chú phải lo lắng. Bây giờ thì yên tâm rồi...
Hồ Bá Đạt