Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Không chiến trên bầu trời VN - nhìn từ hai phía - Kỳ 4:

Chiến dịch Bolo - cuộc không chiến ác liệt

Trưa 2-1-1967, đội hình của chiến dịch Bolo do đại tá Robin Olds dẫn đầu bay vào miền Bắc VN với mật danh liên lạc “Olds”. Trong đội hình 90 máy bay của đại tá Olds có 56 chiếc F-4C, 28 máy bay F-105 làm nhiệm vụ chế áp tên lửa SAM và 8 máy bay F-104 Starfighters, tổng số gần 100 chiếc. Ngoài ra, ít nhất cũng có số lượng gần 100 chiếc máy bay làm nhiệm vụ hỗ trợ (như các máy bay EB-66, EC-121, A-1 Skyraider, các máy bay trực thăng).
 
 
Phi công anh hùng Trần Hanh, trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921, tại sở chỉ huy - Ảnh tư liệu

MiG-21 liên tiếp rơi 
Ngày 2-1-1967, chủ trì kíp trực tại Trung đoàn 921 là trung đoàn trưởng Trần Mạnh, phó trung đoàn trưởng Đỗ Hữu Nghĩa, trực ban dẫn đường Lê Thành Chơn, Lê Thiết Hùng. Vào buổi trưa, khi phát hiện nhiều tốp mục tiêu bay vào hướng Phú Thọ, có thể sẽ đánh Hà Nội, Trung đoàn 921 xin xuất kích. 
Lúc 13g46, biên đội MiG-21 thứ nhất, gồm Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đăng Kính, Bùi Đức Nhu. Tất cả bốn chiếc MiG đều đeo tên lửa R-3S cất cánh, xuyên mây lên Phù Ninh thì gặp tốp bốn chiếc F-4 từ Phú Thọ vào, biên đội bám theo đến phía tây sân bay lại gặp bốn chiếc F-4 khác. Số 1 Vũ Ngọc Đỉnh tăng lực đuổi theo, tốp F-4 lập tức cơ động đan chéo rất quyết liệt khiến Đỉnh không có điều kiện phóng được tên lửa. Khi Đỉnh quyết định vòng trái quay về, thấy hai chiếc F-4 phía sau đã phóng tên lửa, Đỉnh không kịp cơ động tránh, máy bay bị trúng tên lửa chấn động mạnh không điều khiển được, Đỉnh quyết định nhảy dù. 
Số 3 Kính sau khi phát hiện tốp bốn chiếc F-4 khác đã quyết định bám theo, bốn chiếc F-4 tăng tốc kéo cao. Một phi công trong đội hình Ford đã thông báo cho số 1/Olds biết có MiG xuất hiện. Đại tá Olds bám theo, phóng ra hai quả tên lửa Sparrow và một quả Sidewinder về phía chiếc MiG-21. Chỉ trong tích tắc, chiếc MiG của Kính bị chấn động mạnh, anh biết máy bay đã bị trúng tên lửa nên quyết định nhảy dù. Theo mô tả các tình tiết của trận đánh, nhiều khả năng chiếc F-4C do đại tá Robin Olds điều khiển đã phóng ra hai quả AIM-7 nhưng không trúng mục tiêu, sau đó R.Olds đã chuyển công tắc sang tên lửa nhiệt (heat) và phóng ra quả AIM-9B, quả tên lửa này đã nổ bên cạnh máy bay của Kính. 
Hai chiếc MiG-21 số 2 và số 4 sau khi bị mất đội với số 1 và số 3 đã đuổi theo và quần nhau với các máy bay F-4, nhưng do phía F-4 số lượng đông, liên tục phóng tên lửa nên cả hai phi công cũng đã bị trúng tên lửa. Như vậy, đội hình MiG-21 sau khi lên khỏi mây đã bị kẹp vào giữa, cả bốn chiếc đều trúng tên lửa của đối phương. 
Những phi công trẻ của không quân VN những năm 1960 - Ảnh tư liệu
Lúc 13g55, sở chỉ huy lệnh cho biên đội thứ hai gồm Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự, Đồng Văn Đe và Nguyễn Văn Cốc cất cánh (hai chiếc MiG-21 của Ngự và Cốc đeo rocket). Sau khi lên khỏi mây, biên đội đang bay độ cao 3.000m, Đe hô phát hiện mục tiêu, vòng trái gấp. Lúc này số 1 Độ cũng phát hiện mục tiêu, vứt thùng dầu phụ, vòng trái. Sau khi vòng một vòng, Độ thấy F-4 bắn hai phát tên lửa về phía đội hình MiG, Độ quyết định bám theo hai chiếc phía trước, đến cự ly 2.000m điểm ngắm ổn định, Độ ấn nút phóng một quả tên lửa, nhưng sau khi phóng thấy máy bay xoay nghiêng và mất độ cao, Độ quyết định nhảy dù và tiếp đất ở thôn Nam Liên, Sơn Dương, Tuyên Quang. Trong khi đó các số 2,3,4 của biên đội MiG thứ hai đã quần nhau với F-4 rất quyết liệt, nhưng cả hai phía đều không chiếm được vị trí để không kích, cả ba chiếc MiG-21 đành quay về sân bay. Bài học sau chiến dịch Bolo 
5 chiếc MIG-21 bị bắn rơi. Một tổn thất lớn. Trận này phía không quân Mỹ đã thực hiện có thể nói là thành công chiến dịch Bolo. Tuy nhiên, không quân VN không giấu giếm thất bại mà qua trận này (và trận sau đó ngày 6-1) đã quyết định dừng bay MiG-21 đến ngày 23-4-1967, rút kinh nghiệm rất nghiêm túc, chỉ ra nguyên nhân, bài học và tìm ra phương án đối phó với các thủ đoạn chiến thuật mới của không quân Mỹ, sẵn sàng cho các trận đánh tiếp theo. 
Bài học là gì? 
Trận ngày 2-1-1967, không quân Mỹ triển khai chiến dịch Bolo rất bài bản, giữ bí mật ý đồ tác chiến nên đã gây bất ngờ cho không quân VN. Các phi công Mỹ tham gia trận không chiến được tập trung nghiên cứu kỹ mọi chi tiết của chiến dịch, cách sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử, cách nghi binh, sử dụng vũ khí. Để nghi binh đánh lạc hướng hệ thống rađa của miền Bắc VN, không quân Mỹ sử dụng kết hợp bố trí đội hình (đội hình bay, thời gian cất cánh, tốc độ, độ cao) và các thiết bị tác chiến điện tử, gây nhiễu (máy bay F-4 đeo khối ECM Pod với thiết bị gây nhiễu QRC-160 Jamming Pod, giống các máy bay F-105). Khi chiến dịch bắt đầu, các máy bay tiêm kích Mỹ bay trực chiến trên mây ngay trên vùng trời sân bay, sẵn sàng tấn công khi các máy bay MiG-21 mới xuyên mây lên chưa tập hợp xong đội hình. 
Phía không quân VN, sau những trận thắng lợi cuối tháng 12-1966 của MiG-21, đã không nắm được ý đồ của địch, lại có tư tưởng nóng vội muốn phát huy tiếp các chiến thắng của tháng 12-1966 bằng cách đánh chặn các tốp cường kích. Nhưng các tốp F-4 của đại tá R.Olds đã bay vào ở độ cao thấp khiến rađa của Bắc VN không phát hiện được, khi qua dãy Tam Đảo đã triển khai bay phục kích MiG-21 ở ngay hai đầu sân bay trước khi các tốp F-4 với cấu hình giống F-105 bay vào. Khi MiG-21 cất cánh để đi đánh chặn đã bị phục kích bất ngờ, chịu tổn thất ngay khi mới cất cánh lên. 
Đây cũng là bài học về công tác tình báo và hoạt động cảnh báo của hệ thống rađa, cũng như đánh giá đúng những thay đổi trong ý đồ chiến thuật của không quân Mỹ. Theo nhận xét của một số tài liệu của không quân VN thì nguyên nhân là do “không nắm được ý đồ của địch, cho cất cánh chậm, lại có tư tưởng nóng vội nên chỉ trong hai ngày 2-1 và 6-1, Trung đoàn 921 xuất kích ba biên đội, không bắn rơi địch, ta tổn thất bảy máy bay và một phi công hi sinh...”. Một tài liệu khác thì đánh giá nguyên nhân: “... Chúng ta không phát hiện ra chúng đã chiếm độ cao ưu thế. Đây là bài học lớn cho công tác nắm địch, không những cho cán bộ chỉ huy các cấp mà cho cả đội ngũ phi công, dẫn đường, sĩ quan tham mưu của ta, khi máy bay ta mới cất cánh xuyên mây lên, chưa kịp tập hợp đội hình, tốc độ còn chậm, khó cơ động, lại bị bất ngờ không tránh được tên lửa địch, vì vậy tổn thất khó tránh...”. “... 
Không hiểu sao thời tiết ngày 2-1 lại có vẻ bất lợi cho ta khi mây dày, đáy 200 và trần mây là 600, dễ cho không quân Mỹ thực hiện ý đồ che giấu lực lượng để đón lõng MiG trên mây. Do ta không nắm được ý đồ của địch nên sau khi cất cánh lên xuyên mây, cả 4 chiếc đều bị bắn rơi, bốn phi công nhảy dù an toàn. Chắc do phía Mỹ giữ bí mật tuyệt đối ý đồ đánh trận này nên các thông tin tình báo về thủ đoạn chiến thuật của Mỹ ta không nắm được nhiều. Dù sao qua trận này cũng rút được kinh nghiệm, có điều cả bốn anh em đều khỏe, vài hôm sau lại tham chiến được”. 
(ghi theo lời kể của phi công VŨ NGỌC ĐỈNH
 TS NGUYỄN SỸ HƯNG và nhóm tác giả  
  Không chiến trên bầu trời VN - nhìn từ hai phía - Kỳ 5:

Ngày dài nhất

 Ngày 10-5-1972 là một trong những ngày không chiến dài nhất ở Việt Nam. Có đến bốn mặt trận và chín cuộc không chiến trong một ngày. Máy bay MiG của không quân VN bị bắn rơi và phi công hi sinh chưa khi nào nhiều như vậy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sở chỉ huy không quân tháng 12-1972 - Ảnh tư liệu
Dàn trận
Ngày 10-5-1972 phía Mỹ tiến hành đồng thời hai chiến dịch Linebacker I và Operation Custom Tailor trên quy mô lớn, với 414 lần/chuyến cất cánh của lực lượng máy bay chiến đấu thuộc Bộ tư lệnh không quân số 7 và Bộ tư lệnh đặc nhiệm 77 của hải quân Mỹ.
Phía Mỹ huy động lực lượng lớn các máy bay A-6 (Intruder), A-7 (Corsair) và F-4 (Phantom) từ các tàu sân bay trên biển Đông cất cánh bay vào đánh phá các mục tiêu quanh khu vực Hải Phòng và các mục tiêu phía đông nam Hà Nội.
Lúc 8g sáng, các phi đội tấn công đầu tiên cất cánh từ tàu USS Constellation và USS Kitty Hawk hướng về Hải Phòng, sau đó 20 phút là các biên đội từ hai tàu USS Coral Sea và USS Okinawa cất cánh để tiến hành chiến dịch tấn công mang mật danh Alpha Strike.
Trong trận này các máy bay Mỹ đeo bom hạng nặng để ném bom sân bay Kiến An và các trận địa tên lửa phòng không.
Trong khi đó tại các căn cứ không quân ở Thái Lan, các phi đoàn không quân chiến thuật Mỹ đã chuẩn bị cất cánh từ sáng sớm để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.
Trong ngày 10-5-1972, không quân Mỹ huy động 120 máy bay tham gia tấn công, trong đó 16 máy bay F-4 và năm chiếc F-105 bay vào trước để chế áp lực lượng phòng không và máy bay MiG, 20 chiếc F-4 và năm chiếc F-105 khác làm nhiệm vụ đánh cầu Long Biên, 24 chiếc F-4 và năm chiếc F-105 tham gia đánh nhà ga Yên Viên, ngoài ra còn có 88 chiếc máy bay các loại làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Một trong những nhiệm vụ của không quân và hải quân Mỹ trong ngày 10-5-1972 là phải đánh sập cầu Long Biên bắc qua sông Hồng mà trước đó, trong suốt bảy năm trời không quân Mỹ chưa đánh sập được.
Lúc 4g sáng tại khách sạn Metropol, một nhóm các nhà báo quốc tế được đánh thức dậy để di chuyển xuống Hải Phòng, nơi dự kiến có thể ghi nhận các hình ảnh về các trận đánh phá của hải quân Mỹ xuống Hải Phòng và tham dự buổi họp báo về việc tố cáo Mỹ thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng.
Trong số các nhà báo quốc tế có hai nhà báo Pháp Theodore Ronco và Claude Julien của tờ L’Humanité và tờ Le Monde. Đây sẽ là các nhân chứng sống chứng kiến các máy bay Mỹ đánh phá các mục tiêu.
Bầu trời khốc liệt
Tại Trung đoàn không quân 921, lúc 8g52 sở chỉ huy lệnh biên đội MiG-21 của Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Ngãi cất cánh từ sân bay Kép.
Khi biên đội mới rời đất và thu càng thì hai chiếc F-4J của Mỹ phát hiện, xông vào công kích. Đây là hai chiếc F-4J do đại úy Austin Hawkins thuộc phi đoàn VF-92, tàu sân bay USS Constellation dẫn đầu đang bay tuần tiễu trên độ cao 5.000m.
Khi bay ngang qua sân bay Kép, hai chiếc F-4 này đã phát hiện MiG của Ngự và Ngãi cất cánh. Chiếc F-4 số 2 do đại úy Curt Dose và thiếu tá James McDevitt điều khiển bám theo, phóng hai quả tên lửa AIM-9G, quả thứ hai đã trúng chiếc MiG số hai của Ngãi. Lúc đó anh mới lên độ cao 150-200m, Ngãi không kịp nhảy dù nên đã hi sinh.
Sau đó chưa đầy một tiếng, ở hướng tây bắc, 84 chiếc F-4 và năm chiếc F-105 với đội hình có cả máy bay ném bom, qua phía Bắc Lào và Thái Lan bay vào miền Bắc Việt Nam.
Do nắm trước được ý đồ không quân Mỹ sẽ đánh đập Bái Thượng và sân bay Yên Bái, sở chỉ huy không quân đã chuẩn bị phương án và quyết định sử dụng biên đội MiG-21 (Nguyễn Công Huy số 1 và Cao Sơn Khảo số 2) làm nhiệm vụ nghi binh và yểm trợ cho MiG-19 đánh bảo vệ các mục tiêu ở khu chiến Yên Bái - Tuyên Quang.
Lúc 9g39 chiến dịch bắt đầu, biên đội MiG-21 của Huy và Khảo cất cánh. Huy số 1 - Khảo số 2, sau khi cất cánh bay hướng 320 độ, giữ độ cao 2.000m.
Đến 9g53, sở chỉ huy cho lên 6.000m. Do bị nhiễu nặng không liên lạc đối không được, sở chỉ huy cho chuyển sang rãnh liên lạc số 5.
Lúc này biên đội bốn chiếc F-4D (mật danh Oyster) của Mỹ do thiếu tá Robert A. Lodge và đại úy Roger C. Locher dẫn đầu, làm nhiệm vụ chế áp MiG trên vùng trời Tuyên Quang.
Các máy bay F-4D này là thế hệ F-4 cải tiến, được lắp thêm cánh tà trước, và là những chiếc F-4D đầu tiên được trang bị hệ thống tác chiến điện tử - chỉ dẫn tập trung APX-80 Combat Tree IFF Interrrogator. Vì vậy mà biên đội F-4 tiếp cận các máy bay MiG-21 trong khi các phi công VN không hề hay biết.
Một chiếc F-4 đã tiếp cận và phóng hai quả tên lửa về phía chiếc MiG-21 của Khảo. Anh không còn liên lạc gì từ lúc 9g57. Anh đã kịp bắn rơi một chiếc F-4 trước khi bị trúng tên lửa địch và rơi ở Trấn Yên, Yên Bái. Cao Sơn Khảo nhảy dù nhưng không thành công. Anh hi sinh sau khi tiếp đất.
8 MiG-19 đấu với 32 chiếc F-4 trên bầu trời Yên Bái
Gần như cùng lúc với biên đội MiG-21 bay nhiệm vụ nghi binh cất cánh, sở chỉ huy Trung đoàn 925 đã quyết định cho biên đội trực ban cất cánh.
Lúc 9g44, bốn chiếc MiG-19 ở đầu nam sân bay Yên Bái gồm các phi công Tâm, Sơn, Phúc và Oánh cất cánh, bay chờ trên đỉnh sân bay. 20 phút sau, bốn chiếc MiG-19 ở đầu bắc sân bay Yên Bái gồm các phi công Bổng, Hà Cương và Tưởng cất cánh, cũng bay chờ trên đỉnh sân bay Yên Bái chuẩn bị đánh tốp cường kích của không quân Mỹ.
Khi phát hiện đội hình máy bay Mỹ gồm 32 chiếc F-4, biên đội MiG-19 lao về phía mục tiêu. Lúc này hai chiếc F-4 đang mải bám theo chiếc MiG-21 số 1 bay nhiệm vụ nghi binh trên độ cao 6.000m, nên không phát hiện hai chiếc MiG-19 (số 3 và số 4) đang lao đến với tốc độ rất lớn, thậm chí xông lên ngang với chiếc F-4.
MiG-19 số 3 Nguyễn Văn Phúc bám sát được và nổ hai loạt đạn pháo vào chiếc F-4D. Phi công trên chiếc F-4D bị bắn rơi này gồm thiếu tá Robert A.Lodge, chủ nhiệm về vũ khí chiến thuật (chủ nhiệm xạ kích) của không đoàn 432 TFW, và phi công ngồi buồng sau là đại úy Roger C.Locher.
Thiếu tá Lodge được coi là chết trận, riêng đại úy C.Locher nhảy dù và lang thang trong rừng 23 ngày trước khi được cứu thoát. Locher trở thành phi công Mỹ có thời gian sau khi bị bắn rơi đến khi được giải cứu dài nhất, với một chiến dịch giải cứu cũng dài nhất.
Riêng số 4 Oánh trong khi yểm hộ cho số 3 đã phát hiện một tốp F-4 phía sau. Anh quyết định quay lại phản kích, bắn gần hết cơ số đạn nhưng không trúng mục tiêu. Một chiếc F-4 đã phóng tên lửa trúng máy bay của anh. Oánh nhảy dù nhưng bị tuột mất dù, rơi tự do và hi sinh ở chân núi Là, Tuyên Quang
Trận đánh kéo dài 20 phút, các máy bay MiG-19 đã gần cạn dầu nhưng máy bay Mỹ tiếp tục vào. Lúc này sở chỉ huy lệnh cho biên đội số 2 từ đầu bắc sân bay cất cánh yểm trợ cho biên đội số 1 về hạ cánh.
Biên đội thứ hai cất cánh từ đầu bắc lúc 10g02, gồm các phi công Hoàng Cao Bổng số 1, Phạm Cao Hà số 2, Nguyễn Văn Cương số 3, Lê Văn Tưởng số 4 cũng đã gặp tốp máy bay F-4 của không quân Mỹ.
Đó là biên đội F-4E làm nhiệm vụ yểm hộ tốp cường kích ném bom laser (mật danh là Cleveland). Bốn chiếc MiG-19 tiếp cận đối phương với góc gần như 90 độ. Cả biên đội vòng gắt để cắt vào sau đội hình F-4.
Riêng số 4 Lê Văn Tưởng, do bay phía sau có cự ly đủ xa hơn, đã vòng cắt một cách đáng kinh ngạc và bám được phía sau chiếc F-4E. Anh nhanh chóng đặt điểm ngắm và bắn ra hai loạt đạn. Chiếc F-4E rơi xuống phía tây nam sân bay. Khi gần hết dầu anh quay về hạ cánh từ trên độ cao 1.400m, động cơ chết máy, anh lao xuống hạ cánh nhưng khi tiếp đất cao phi công Lê Văn Tưởng đã hi sinh.
Mất sáu máy bay và năm phi công chỉ trong buổi sáng ở mặt trận hướng tây và đông bắc, ngày 10-5 quá khốc liệt và nhiều đau thương đối với các phi công VN.
TS NGUYỄN SỸ HƯNG và nhóm tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!