Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt.

Đối với những bạn thích tìm hiểu thêm có thể tham khảo bài viết [Bình Nhưỡng Du Ký] Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt trên diễn đàn Phuot.vn của một nhóm bạn Việt Nam đi du lịch sang Triều Tiên cách đây 2 năm. Các bạn ấy cũng hướng dẫn rất cụ thể về cách đặt tour sang Triều Tiên du lịch. Dưới đây tôi sẽ tổng hợp một số thông tin chính cho bài viết này (các hình ảnh sử dụng dưới đây là của nhóm bạn này chụp & cung cấp).


Lời giới thiệu của nhóm du lịch
Bởi họ tin vào sức mạnh tự cường, vào nội lực quốc gia, vào những phấn đấu bền bỉ không ngừng của một dân tộc đã có nhiều nghìn năm lịch sử cổ đại, đồng thời trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc kháng Nhật oanh liệt gần 80 năm, ngày nay lại chịu đủ mọi áp lực từ nhiều phía nhưng người dân Bắc Triều Tiên vẫn sống, học tập, lao động, và xây dựng đất nước của mình để tự hào mà nói với Thế giới rằng nước mắt 2 miền chỉ dành cho ngày thống nhất.

Chúng tôi không ai viết báo, làm chính trị, hay thuộc các tổ chức nhân quyền; chúng tôi là những khách du lịch từ Việt Nam đến Bắc Hàn với tinh thần cầu thị, để được biết nước bạn ra sao, để một lần nghe tiếng nói từ phía "bên kia" sau quá nhiều thông tin áp đặt một chiều. Tưởng rằng sẽ là "nghệ thuật sắp đặt và diễn" hay chí ít cũng là "một vé đi tuổi thơ" để thấy lại những khó khăn thiếu thốn của một thời Việt Nam bao cấp nhưng những gì chúng tôi được thấy và tiếp xúc trong chuyến đi ngắn ngày lại khơi nguồn cho những cảm xúc yêu quý, thông cảm, trân trọng, và kính phục những gì người dân Bắc Triều Tiên đã và đang gây dựng từng ngày.
Các bạn Triều Tiên có thiếu thốn không? Có.
Các bạn Triều Tiên có khó khăn? Có, thậm chí còn rất khó khăn.
Nhưng với những gì đã tận mắt chứng kiến, những gì đã trực tiếp trải qua, tôi có thể khẳng định một điều, với các bạn quả là: "Đói cho sạch, rách cho thơm"
Lịch trình của đoàn:

  • Ngày 1: từ biên giới Trung-Triều (thành phố Dandong) vượt sông Áp Lục (Yalu River) đi tàu vào Bình Nhưỡng (Pyongyang). Đến thủ đô khoảng 6h chiều. Tối ngày 1 xem trình diễn Arirang.
  • Ngày 2: đi thăm núi Myohyang, nơi có International Friendship Exhibition Hall trưng bày quà lưu niệm của các quốc gia, tổ chức, và cá nhân toàn thế giới tặng cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và lãnh đạo Kim Chính Nhật (Kim Jong Il). Trưa thăm đền Phật giáo Pohyon có từ thế kỷ 11. Chiều về thăm thú thủ đô Bình Nhưỡng (Arch of Triumph, Monument to the Founding of the Party, Tower of the Juche Idea).
  • Ngày 3: sáng đi thăm quan Bàn Môn Điếm (Panmunjom) và bảo tàng Koryo. Trên đường về thăm quan tàu hải quân USS Pueblo được Bắc Hàn coi là tàu do thám bị họ bắt từ năm 1968. Sau đó đến Mangyongdae là nơi sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, và đi thử một trong những đường tàu điện sâu nhất thế giới (Pyongyang Subway). Tối đi dạo quảng trường Kim Il Sung và chụp Bình Nhưỡng trong đêm.
  • Ngày 4: lưu luyến rời Bắc Triều Tiên trở về Việt Nam
Làm sao để tới được Bắc Triều Tiên? 

Đến với Bắc Hàn nói chung và Bình Nhưỡng nói riêng chắc hẳn là đam mê của người yêu thích du lịch mà không cần hỏi rõ lý do, nhưng phần lớn đều có chung câu hỏi: "Làm sao để đi?". Có những đường chính ngạch như đi công tác, xin visa từ Sứ quán vv... nhưng chúng tôi không làm như vậy mà tìm kiếm sự trợ giúp của các công ty du lịch. Vì quan hệ hữu hảo và đường biên giới tự nhiên thuận lợi giữa Trung Quốc và Triều Tiên mà phần lớn các tour vào Bắc Hàn đều thông qua agency của Trung Quốc. Thông tin du lịch các bạn có thể tham khảo từ rất nhiều nguồn trên mạng và qua sách báo, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những agency mà chúng tôi trao đổi thông tin trong thời gian trước khi đi.

1. Các agency ở Trung Quốc nhận làm tour đi Bắc Hàn:

- Lớn nhất và nổi tiếng nhất phải kể đến Koryo Group, trụ sở tại Bắc Kinh, là agency có hơn 20 năm kinh nghiệm làm tour Triều Tiên. Trang web của họ cũng đầy đủ, kỹ lưỡng, và cực kỳ chi tiết, thích hợp cho tất cả khách du lịch VN cũng như quốc tế muốn tìm hiểu thông tin trước khi đi. Lịch trình khoa học và hướng dẫn đến tận răng là điểm mạnh của Koryo. Còn điểm kém hấp dẫn nhất của Koryo là giá cả! thường từ 800EUR trở lên cho tour 2 đêm và có thể nhảy đến 2000EUR nếu đi trên 1 tuần, và phải có đặt cọc trước kèm theo thanh toán đầy đủ trước ngày lên đường.

- Explore North Korea có văn phòng tại Dandong (thành phố biên giới Trung-Triều) nên giá cả có phần mềm hơn Koryo (khoảng 6000RMB cho tour 4 ngày đi thăm Bình Nhưỡng). Tương tự Koryo, agency này yêu cầu thanh toán tiền đầy đủ trước khi tour bắt đầu. Sabrina, người phụ trách của agency này rất dễ thương và sẵn sàng giảm giá 10% tiền tour nếu bạn có thể đóng góp 10 cuốn sách tiếng Anh hay cho trẻ em Bắc Hàn.

- Agency mà chúng tôi chọn là DDCTS cũng có trụ sở ở Dandong, giá tour khá mềm và không yêu cầu đặt cọc trước Toàn bộ tiền tour sau khi chúng tôi thỏa thuận (đã gồm tips cho guides phía Bắc Hàn) là: 3900RMB/người, vé xem Arirang (chỉ có các dịp tháng 8 đến 10 hàng năm) tính riêng (giá 800 RMB/người) và chỉ thanh toán tại biên giới ngay khi khách đã nhận visa Bắc Hàn! Qua cả trăm mail ngược xuôi, chúng tôi đã thu thập đầy đủ thông tin cần thiết cho chuyến đi vì website của DDCTS mục tiếng Anh chỉ ở mức giản lược chứ không được đầy đủ như Koryo hay ExploreNK. Bù lại thái độ làm việc nghiêm túc, nhanh nhậy, và đặc biệt việc chỉ nhận tiền sau khi khách đã có visa lên tàu của DDCTS được chúng tôi đánh giá cao và quả đã không thất vọng ^^

2. Cách thức vào ra Bắc Hàn:

Sau khi liên hệ với agency, khách sẽ cần cung cấp bản photo của passport, ảnh, thông tin về địa chỉ nhà/cơ quan, số điện thoại và email liên lạc; muộn nhất là 8 ngày trước khi khởi hảnh. Vé tàu vào ra Bắc Hàn sẽ do agency đảm nhiệm mua, còn nếu du khách muốn bay vào/ra Bình Nhưỡng thì có thể tự mua vé và cung cấp thông tin cho agency để họ lo visa riêng. Visa Bắc Hàn không đóng vào hộ chiếu mà cấp riêng trên 1 tờ giấy sẽ được thu lại khi ra khỏi nước họ, nên du khách có thể "yên tâm" (mặc dù chúng tôi rất tiếc là không được đóng 1 dấu nào của Bắc Triều Tiên vào passport). Hình ảnh cụ thể sẽ được cung cấp thêm khi viết đến bài ngày 1 Còn bạn lo lắng vì có visa Mỹ, Nhật, Nam Hàn trong passport? bạn có thể thoải mái vì hải quan Bắc Hàn thậm chí không giở đến trang thứ 2 của passport ra để kiểm tra!

Lộ trình quen thuộc của các tour đường bộ là: đi tàu từ Dandong (Trung Quốc) đến ga Tân Nghĩa Châu (Sinuiju) của Bắc Hàn rồi chuyển qua tàu riêng của Bắc Hàn để tiếp tục đi đến Bình Nhưỡng. Còn đường hàng không sẽ bay trực tiếp Bắc Kinh hay Thẩm Dương (Shenyang), Trung Quốc vào sân bay Bình Nhưỡng bằng Air Koryo.

3. Để đến được Dandong thì có vô số cách, có thể đi tàu hoặc bay nội địa từ các thành phố khác đến, chúng tôi thì chọn lộ trình bay HCM/HN - Thượng Hải - Thẩm Dương, rồi đi xe bus (3 tiếng - 300km) từ Thẩm Dương đến Đan Đông. Đây cũng là kinh nghiệm xương máu cho chúng tôi rằng không nên chọn chuyến bay quá gần vì thời tiết mùa thu thay đổi thất thường dễ ảnh hưởng đến lịch bay.

Đường vào Bình Nhưỡng

Những cảm nhận đầu tiên là Bắc Triều Tiên rất sạch, không khí thoáng đãng, và đặc biệt là màu xanh ngan ngát của ruộng lúa nương ngô trải dài trong vô tận. Mưa rơi nhẹ rắc đều lên cảnh vật bao quanh con tàu chúng tôi, một cảm giác thanh bình khó tin tràn ngập trong lòng, chúng tôi yêu Bắc Hàn ngay từ những phút đầu tiên như thế!
Phố xá làng mạc lướt qua cửa kính tàu gợi lên cảm giác thân thuộc về 1 Việt Nam trước khi mở cửa, Bắc Hàn có rất nhiều nét tương đồng với quê ta:

Tàu dừng tổng cộng 3 lần ngắn trên hành trình đến Bình Nhưỡng; thanh niên đeo balo, người trung niên xách ca táp, phụ nữ dắt các em nhỏ đeo cặp sách đi bộ trên sân ga ... có ai thấy lại tuổi thơ của mình những tháng năm thiếu thốn vật chất nhưng ấm cúng tình người hay không? Trước mắt chúng tôi là cuộc sống của người dân Bắc Hàn giản dị thanh bình. Không chen lấn ồn ảo, không ngổn ngang bẩn thỉu, người Triều Tiên làm chúng tôi nể phục ngay từ những phút đầu tiên bắt gặp.
Điều dễ nhận thấy là số lượng quân nhân của Bắc Triều Tiên rất đông (chắc không nói thì ai cũng biết) và thiếu nữ Bắc Hàn cực kỳ xinh! Trải nghiệm này chúng tôi đã chứng thực trong suốt mấy ngày xuôi ngược, những khuôn mặt con gái Triều Tiên vô tình lướt qua trên đường sẽ đủ để bất cứ ai cũng ngoái đầu!

Khách sạn Yanggakdo

Khách sạn Yanggakdo là 1 trong 3 khách sạn lớn của Bắc Hàn phục vụ cho du lịch nước ngoài (...). Đồ ăn Triều Tiên lần đầu chúng tôi thử thấy vừa miệng, chủ yếu là các món cá và đậu, riêng bia là uống miễn phí thoải mái!!! (...).


Còn đây là phòng nghỉ đôi tiêu chuẩn của khách sạn Yanggakdo, chắc là không gắn máy nghe trộm như các bạn Mỹ hay đồn đại, và cho dù có thì cũng không sao bởi ở đất nước luôn rao giảng về nhân quyền và hòa bình thế giới còn có Watergate nữa là [thời điểm này chưa lộ ra vụ nghe lén toàn cầu của Mỹ -

Hoành tráng Arirang

Arirang trong tiếng Triều Tiên vốn là tên của 1 câu chuyện tình khi chàng trai phải xa rời người con gái mình yêu và tiếng gọi của cô gái đó còn vang vọng trong không gian "A...rrrri...rraaanngg...". Ngày nay, Arirang được Bắc Triều Tiên sử dụng để gọi màn trình diễn tập thể (Mass Game Performance) trứ danh của đất nước họ, cải biên câu chuyện tình yêu năm xưa thành những khó khăn chia cắt của giai đoạn đất nước Triều Tiên oằn mình dưới ách đô hộ của Nhật Bản, rồi nhờ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc, dưới sự đoàn kết trên dưới một lòng theo Tư tưởng Chủ thể (Juche Idea) đã cưỡi cơn gió mạnh, vượt làn sóng dữ, đánh bại đế quốc thực dân giành độc lập cho Triều Tiên. Sau đó lại là công cuộc đổi mới xây dựng nước nhà và niềm tin vào ngày mai thống nhất vẹn toàn 2 miền đất nước. Arirang trong giai đoạn mới còn có thêm màn tôn vinh hòa bình thế giới và đề cao quan hệ liền núi liền sông liền đồng lúa chín của 2 nước Trung-Triều :D Kể từ 2002 đến nay đã gần 1 thập kỷ, Arirang đều đặn được tổ chức ở sân vận động May Day Stadium từ đầu tháng 8 đến trung tuần tháng 9 mỗi năm, thu hút du khách Nam Hàn và toàn thế giới đến chiêm ngưỡng kỳ quan công sức của nhân dân Bắc Hàn.


Cấu trúc sân khấu Arirang chia làm 3 khu chính:
- Trên khán đài đối diện là hàng nghìn người cầm các tấm tranh được sắp xếp theo thứ tự nhất định tạo thành 1 bức tranh mosaic lớn. Hệ thống này theo cờ hiệu lệnh sẽ lật sao cho đồng điệu với các màn trình diễn dưới sân khấu
- Chân của khán đài là đội đại kỳ có nhiệm vụ chính là che các cửa ra vào và 2 bên hông sân khấu, tạo vành đai bao bọc 3 phía sân khấu
- Sân khấu lớn cũng là tiêu điểm của toàn màn trình diễn: là nơi phô bày động tác của các vận động viên, thanh thiếu niên, học sinh theo nội dung từng màn.
Ngoài ra còn phải kể đến sự kết hợp tuyệt vời của âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng đốt đuốc, bắn pháo hoa sẽ tạo nên 1 màn diễn hoành tráng thu hút khán giả.


Sự đồng điệu đáng kinh ngạc của Arirang là điểm thu hút thực sự với tất cả chúng tôi. Màn trình diễn đã qua khổ luyện thời gian dài có thể xem là tinh hoa của con tim, khối óc, sức mạnh tập thể nhân dân Bắc Triều Tiên đang phô bày trước mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi chụp ảnh và vỗ tay hò reo gần như không ngơi nghỉ(...). Đúng là sẽ khó ở đâu người ta có thể thấy được sức huy động khổng lồ và mang tính tập trung cao cho một show diễn như thế này (chắc chỉ kém các cuộc duyệt binh National Parade khoe khoang sức mạnh quân sự của các cường quốc vũ khí, trong đó có Bắc Hàn).


Trong đêm chúng tôi xem có tổng cộng 8 màn múa lớn, trong mỗi màn múa lại chia ra nhiều hoạt cảnh nhỏ, vì minh họa bằng tiếng Hàn nên chúng tôi chỉ đoán được nội dung qua các tạo hình sân khấu và tranh mosaic lớn.
Chẳng hạn đây là sản xuất nông nghiệp ...


Rồi lập tức biến điệu thành màn giới thiệu võ dân tộc Taekwondo của Triều Tiên với những đòn tấn và tiếng hô vang động cầu trường:


Kéo dài khoảng 90 phút, chúng tôi ai cũng thấm mệt vì reo hò cổ vũ và chụp ảnh, nhưng phía dưới kia biển người Bắc Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại ...


Màn trình diễn sắp đến lúc kết thúc, đại cảnh cuối thay lời cảm ơn du khách đến thăm Triều Tiên và tôn vinh đoàn kết hữu nghị quốc tế:


Và cả pháo hoa rợp sân vận động nữa các bạn ạ!


Arirang đêm tháng 8 đến đây là kết thúc! chúng tôi đã quá choáng ngợp và khâm phục quy mô cộng với nhiệt tình tổ chức của các bạn Bắc Hàn nên ra về trong thỏa mãn. Tiếng hoan hô trầm trồ vẫn không ngừng lại kể cả lúc mọi người đã đứng dậy và ra khỏi May Day Stadium. Với 100,000 người tham gia, Arirang North Korean quả xứng đáng với kỷ lục Guinness Thế giới trao tặng năm 2007!
Vé Arirang chia theo các class khác nhau, tùy thuộc vị trí tương quan so với sân khấu chính, rẻ nhất là 80EUR cho đến mức 300EUR (riêng vé cho người Bắc Hàn và người Nam Hàn thì chúng tôi không biết giá).
Khách du lịch được khuyến khích chụp càng nhiều ảnh càng tốt, nhưng hạn chế quay phim (chắc vì các bạn Bắc Triều Tiên sợ người ngoài xem hết) nhưng phải nhìn nhận rằng vẻ đẹp Arirang không diễn tả bằng lời hay ảnh được mà chỉ có thể trực tiếp ngồi tại sân khấu để cảm nhận biển người dưới kia đang chuyển động đầy nhịp điệu hứng khởi với nụ cười không tắt trên môi suốt 90' trình diễn mới thấy yêu Bắc Hàn nhiều hơn.

Thăm núi Myohyang

Sáng ngày 2 chúng tôi trở dậy ăn sáng và lên xe lúc đồng hồ chỉ 8h, kế hoạch sáng nay là đến thăm núi Myohyang, nơi có International Friendship Exhibition Halls trưng bày quà tặng của các quốc gia và tổ chức trên thế giới gửi tặng chủ tịch Kim Nhật Thành và lãnh đạo Kim Chính Nhật trong suốt triều đại của gia đình ông.
Trời Bình Nhưỡng hôm nay mát mẻ nhiều mây mù, không khí buổi sớm khoan khoái và rất sạch sẽ. Vài tấm ảnh nhóm tôi chộp trên đường xe chạy trong thủ đô. Phố phường không hào nhoáng như bạn thường thấy nhưng bù lại rất sạch sẽ và có trật tự, dường như không ai buồn chen lấn hay bấm còi:

Núi Myohang nằm cách thủ đô 160km về phía Bắc (khoảng 2 tiếng chạy xe), đường quốc lộ nối Bình Nhưỡng và quần thể núi Myohang có chất lượng rất tốt, xe chúng tôi bon bon trong sương sớm:

Chúng tôi vượt qua rất nhiều cầu cống với hầm xuyên núi hoành tráng, không rõ các bạn Bắc Hàn dồn tiền của bao nhiêu cho việc bảo trì nhưng chất lượng thì tuyệt vời khỏi chê, xe chạy 2 tiếng đồng hồ gần như không giảm tốc:


Khuôn viên toàn khu tham quan núi Myohyang khá lớn, du khách sẽ gặp khách sạn Hyangsan, Children's Union Camp, đền Pohyon ... trước khi đến được Exhibition Hall. Từ trên xe chúng tôi thấy rất nhiều nhóm gia đình Bắc Triều Tiên đang đi dã ngoại tập thể trong khu vực này.



Exhibition Hall của cố chủ tịch Kim Nhật Thành:



Theo hướng dẫn viên du lịch của khu trưng bày giới thiệu, Hall này mở cửa từ tháng 8 năm 1978, được xây kiểu kiến trúc pháo đài cổ của Triều Tiên, nhìn từ xa thì giống như làm bằng gỗ và có nhiều cửa sổ, nhưng thực chất toàn bê tông cốt thép và không có cửa sổ, có thể chịu được nắng mưa khắc nghiệt và những chấn động vùng cao. Cửa vào Hall bằng đồng siêu dày chống đạn nhưng được thiết kế bản lề linh hoạt nên chỉ cần 1 tay có thể kéo được:


Bên trong Hall của chủ tịch Kim Nhật Thành, khách du lịch phải mang bọc giầy và gửi lại tất cả dụng cụ cá nhân (bao gồm máy ảnh) nên không thể chụp ảnh chia sẻ cùng bạn đọc, xin tạm giới thiệu sơ qua bằng lời. Hall này có khoảng hơn 200,000 quà tặng từ 184 quốc gia toàn thế giới chứa trong 150 phòng. Sảnh vào Hall có cả bản đồ thế giới (dạng sa bàn) hiển thị các quốc gia và vùng lãnh thổ đã gửi quà.
Bạn sẽ lần lượt được giới thiệu qua vài gian phòng tiêu biểu, thấy những quà be bé như sừng tê, đĩa bạc của các quốc gia Châu Phi cho đến lục ngọc, thạch anh, bình quý to hơn người ôm của các tập đoàn tài chính Hong Kong; quà của nước ta điểm qua có đôi lọ từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hay 2 đôi voi con của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng (trưng bày dưới dạng ảnh chụp từ vườn thú Bình Nhưỡng, nơi hiện giờ vẫn nuôi các cặp voi này). Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến gian phòng chứa 4 xe cổ siêu siêu đẹp mà các nguyên thủ gửi tặng chủ tịch Kim, ví như chiếc Limousine chống đạn do Joseph Stalin to con chắc nịch, nước sơn còn bóng loáng, gai lốp gần như nguyên si khiến ai nhìn cũng phải trầm trồ, nhất là 1 nước phải mua xe đắt gấp 3 lần thế giới như quê ta!
Khách sạn Hyangsan
Một vài cảnh phố phường Bình Nhưỡng








Khải hoàn môn (The Arch of Triumph)
Tọa lạc giữa trung tâm Bình Nhưỡng, Khải Hoàn Môn được xây dựng năm 1982 nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của chủ tịch Kim Nhật Thành. Cổng cao 60m, cấu trúc tương tự Khải Hoàn Môn ở Paris nhưng cao hơn và hoành tráng hơn; được xây từ 25,500 khối đá = 365x70, tức là số ngày đã sống trong đời của Kim chủ tịch cho đến sinh nhật lần thứ 70 đó!



Đài kỷ niệm thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên
Đài kỷ niệm này được xây vào năm 1996 nhân dịp 50 năm ngày thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên. Kiến trúc nhìn sơ qua đơn giản nhưng khá hầm hố, tôn vinh 3 biểu tượng cây búa, cái liềm, và ngòi bút lông tượng trưng cho 3 thành phần Công-Nông-Sĩ của xã hội đã góp phần làm nên vinh quang cho đảng. Đồng thời vòng tròn phía dưới cuốn quanh là tượng trưng cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, với dòng chữ đại ý là thành tựu của xã hội là nhờ vai trò dìu dắt của Đảng Lao Động:


Đây là hình ảnh rất đẹp chúng tôi gặp khi lên xe rời khỏi đài kỷ niệm... Không rõ nhóm này thuộc tổ chức hay cá nhân nào, nhưng nụ cười chân thành của họ giữa quảng trường chắc hẳn sẽ làm ấm lòng người dân Bình Nhưỡng về 1 thủ đô thân thiện trong mắt du khách quốc tế.



Tháp chủ thể (Tower of Juche Idea)
Tháp này được hoàn thành vào năm 1982, nằm ở bở Đông của sông Taedong, vừa kỷ niệm sinh nhật 70 của Kim Nhật Thành, cũng là để nêu cao tư tưởng Chủ thể (Juche Idea) của Bắc Triều Tiên mà tiêu điểm là: Độc lập chính trị, Tự chủ kinh tế, Tự cường quốc phòng. Tư tưởng này cho rằng người Triều Tiên là chủ thể và quyết định mọi thành bại của cách mạng dân tộc mình; do Kim Nhật Thành đề xướng và nay đã trở thành vũ khí chính luận của guồng máy chính trị Bắc Triều Tiên.


Tháp này cao tổng cộng 170m, riêng ngọn đuốc nhân tạo trên đỉnh tháp cao 20m. Toàn tháp dựng bằng 25,550 viên đá phiến, tương ứng với 70 năm cuộc đời của cố chủ tịch Kim (tính theo ngày) --- giống với Khải Hoàn Môn.
Phần tháp quay ra mặt sông có thêm tượng của tượng đài cao 30m với hình ảnh của người công nhân, nông dân, và tri thức Triều Tiên.

Khu phi quân sự liên Triều (DMZ)

Đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày vĩ tuyến 38 đi vào tâm tưởng của người dân Triều Tiên như một nhát cắt sâu nhất mà cho đến hôm nay vết thương vẫn chưa khép miệng. Lịch sử chứng kiến một cuộc chia cắt tưởng chừng ngắn ngủi bởi có những lúc thời khắc thống nhất đã rất gần kề nhưng sự thực thì mức độ căng thẳng vượt xa mong muốn của bất cứ ai. 160km từ Bình Nhưỡng, 70 cây số từ Seoul, Khu phi quân sự liên Triều (Korean Demilitarized Zone, hay DMZ) ngày nay nằm đó chứng nhân cho những sai lầm của nhóm vài quốc gia mà thế hệ tương lai sẽ còn tốn nhiều công sức dựng xây và hàn gắn(...)
Trên đường đi, xe chúng tôi chạy dưới cổng chào này, chú guide có hỏi "Các bạn có nhận ra 2 bức tượng này khác nhau ở điểm nào không?"




Chúng tôi phần vì chưa kịp chụp ảnh do xe chạy quá nhanh, phần vì loay hoay không rõ ý của chú guide nên đều im lặng chưa trả lời được. Đáp rằng: "2 bức tượng đó không khác nhau chút nào cả, một bên là bà mẹ phía Bắc, một bên là bà mẹ phía Nam, cùng là người mẹ Triều Tiên thì làm sao khác nhau được!".

Cao tốc nối Bình Nhưỡng - Keasong (còn được các bạn Bắc Triều Tiên đặt là Cao tốc Thống Nhất - Reunification Highway) chất lượng rất tốt, xe chạy êm ru 2 tiếng đồng hồ không nghỉ, tivi trên xe bật cuốn băng ca nhạc Bắc Triều Tiên, vì không rành tiếng nên chúng tôi chỉ đoán được nội dung theo hình ảnh, là những tình yêu trai gái rồi người con trai đi tòng quân, trải qua chiến tranh máu lửa là ngày về khải hoàn, lại bắt tay vào học tập làm bác sĩ kỹ sư xây dựng đất nước --- nội dung này chắc không quá xa lạ với người Việt Nam chúng ta.

Kaesong (Khai Thành) vốn là cố đô của nhà nước Koryo (Cao Ly) xưa kia, nhà nước độc lập đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên. Cố chủ tịch Kim Nhật Thành trong lần gặp gỡ với các lãnh đạo Nam Hàn đã từng đề đạt nếu mai sau 2 nước thống nhất một nhà thì sẽ dùng "Koryo" làm tên của thủ đô chung, rất tiếc ông và những người cùng thời với ông không sống được để chứng kiến thời khắc huy hoàng đó. Keasong ngày nay nổi tiếng với 2 thứ: sâm Cao Ly (Koryo Insam, hay Koryo ginseng) và quân đội! Bản thân Keasong cũng có khu công nghiệp Keasong Industrial Park nơi Bắc Hàn và Nam Hàn bắt tay nhau làm kinh tế.

Xe đã dừng, guide giới thiệu với chúng tôi đây là vọng gác KPA phía ngoài DMZ, nơi tất cả du khách xuống xe để nghe giới thiệu về tình hình biên giới phân đôi Triều Tiên, sau đó đi bộ qua khu này và lên xe đi tiếp vào DMZ.
Bên trong tòa nhà KPA Post, khi hướng dẫn viên du lịch đang đại diện cho từng đoàn làm thủ tục thì mọi khách du lịch đều quây lại bên cạnh bản đồ Triều Tiên và phối cảnh DMZ để hiểu về nơi mình đang đứng:

Viên sĩ quan còn khá trẻ giới thiệu rành rọt cho chúng tôi về nội dung ghi trên bản đồ: "bán đảo Triều Tiên phân đôi sau nội chiến năm 1953 tại vĩ tuyến 38 này, 2 bên Bắc và Nam lùi 2km từ giới tuyến để tạo nên vùng phi quân sự rộng 4km mà không được đặt bất cứ vũ khí hạng nặng hay súng máy tự động nào".

Còn đây là sơ đồ phân bố DMZ mà tôi ghi chú thêm dựa theo giới thiệu của cậu sĩ quan:



- Số 1: đường biên của Bắc Triều Tiên, 2km từ vĩ tuyến 38
- Số 2: đường biên của Nam Triều Tiên, 2km từ vĩ tuyến 38
- Số 3 và số 4: cột cờ của 2 bên, bên Bắc to hơn bên Nam nhiều!
- Số 5: vị trí hiện tại của chúng tôi mà lát nữa xe sẽ đưa chúng tôi vào bên trong DMZ
- Số 6: Armistice Talks Hall, nơi ký kết hiệp định phân đôi bán đảo Triều Tiên ngày 27/7/1953
- Số 7: khu tiêu điểm J.S.A với những tòa nhà nhỏ nằm đúng trên vĩ tuyến 38, phía trước và sau là 2 tòa nhà lớn của bên Bắc và Nam. Nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy đường biên giới vĩ tuyến 38 này (có dạng chấm trắng đứt đoạn) uốn lượn, chứ không phải đường màu xanh nằm ngang bản đồ.
"Thanh niên nghiêm túc" Triều Tiên!
Hiểu được sơ qua phân bố của khu DMZ, chúng tôi xếp hàng từng người một lần lượt đi qua vọng gác KPA và lên lại xe buýt, hoàn toàn không có bất cứ sự khám xét hay cản trở hỏi han gì, những người lính Bắc Triều Tiên đứng trang nghiêm tại vị trí nhìn đoàn du khách tay máy ảnh tay ô dù đi qua:
Viên sĩ quan vừa làm nhiệm vụ giới thiệu cho khách du lịch về DMZ được guide của chúng tôi mời lên xe đi cùng cả nhóm, chả là trước đó chú guide đã hứa sẽ rủ được 1 người lính thực thụ cho chúng tôi gặp mặt và chụp ảnh. Chú sĩ quan này nói tiếng Anh tốt nhé, chứ không phải chỉ biết tiếng Hàn.

Tòa nhà của Hội nghị Đình chiến (Armistice Talks Hall)



Bước vào Armistice Talks Hall, viên sĩ quan giới thiệu với chúng tôi đây là những chiếc bàn và chiếc ghế tưởng chừng như rất tầm thường đơn sơ, nhưng đã cùng dân tộc Triều Tiên trải qua biến động kinh người, ngày trước đại diện 2 bên đã ngồi ở vị trí nào và nói với nhau câu chuyện gì.
Ở tòa nhà bên cạnh, các bạn Bắc Triều Tiên đã cẩn thận lưu lại những dấu tích lịch sử của giai đoạn tọa đàm và ký kết hiệp định ngừng bắn và phân định biên giới cụ thể ra sao.
Các bạn hãy để ý kỹ: bên tay phải là đại diện của Bắc Triều Tiên, và bên tay trái là phái đoàn Mỹ đại diện cho Nam Triều Tiên!



- Bàn ký kết hiệp định của phía Bắc Triều Tiên: bản gốc tiếng Hàn và cờ của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên:



- Bàn ký kết hiệp định của phía Nam Triều Tiên: bản gốc tiếng Anh và cờ của Liên Hợp Quốc. Theo giới thiệu chúng tôi được biết Mỹ muốn dùng cờ của mình nhưng Bắc Hàn không công nhận và yêu cầu phải để cờ LHQ thay thế! Vì sợ người Mỹ lật lọng, người Bắc Triều Tiên đã giữ lại toàn bộ chứng cứ như vậy:

J.S.A

Rời khỏi Armistice Talks Hall, chúng tôi chạy xe thêm vài phút nữa đến điểm dừng cuối cùng và quan trọng nhất: J.S.A, khu vực được mệnh danh là "tưởng như yên bình nhưng một bước đi sai có thể trả giá bằng tính mạng", nơi mà chiến binh cùng 1 dòng máu đứng cạnh nhau qua lằn ranh nhưng không nhìn vào mắt đối phương.

Bước vào khuôn viên khu vực này, khách du lịch sẽ gặp tấm biển đá lớn kỷ niệm những bút tích cuối cùng của Kim Nhật Thành khi ông ký 1 tài liệu có liên quan đến việc thống nhất 2 miền vào ngày 7/7/1994, cũng là lúc ông mất vì cơn đau tim, mà người Triều Tiên luôn tự hào nói rằng "he died on his post".



Đi tiếp du khách sẽ đến được tòa nhà lớn mà phía Bắc Triều Tiên xây dựng nhìn ra đường biên giới phi quân sự.
Nếu bạn mang máy ảnh thì không cần chần chờ hay hỏi han ai cả, bạn cứ thoải mái tự do mà bấm máy bởi những người lính Bắc Hàn dường như bất động đứng quay lưng về phía Nam Hàn, bởi phía này mới là phần đất thuộc chủ quyền và cần họ canh giữ. Phía bên kia lằn ranh, chúng tôi không thấy bóng dáng người lính nào, có vẻ như vì bên này đã có tour du lịch nên bên kia rút lính đi chăng? sự thỏa thuận bất thành văn này chúng tôi không có điều kiện kiểm chứng, nhưng cũng không phải là điều chúng tôi quan tâm vì chúng tôi đang đứng trên phần đất của Bắc Triều Tiên nhìn vào đường biên giới lịch sử thật sự bẳng mắt!

Phần đất nện là lãnh thổ Bắc Hàn, phần đá dăm là của Nam Hàn. Dải vắt ngang là đường biên giới.
Viên sĩ quan đưa chúng tôi vào trong tòa nhà màu xanh (Conference House) là nơi du khách cho dù đến từ phía Bắc hay phía Nam đều có thể tự do đi lại và thực sự đi qua biên giới 2 miền Nam Bắc.
Phía cuối căn phòng tất nhiên là cánh cửa thông sang Nam Hàn được 2 lính Bắc Hàn canh giữ, cửa có mở được không thì không ai rõ, nhưng chắc là không ai dám thử:



Từ trong phòng bạn cũng có thể hướng ống kính ra ngoài chụp ảnh: phần đất nện thuộc Bắc Triều Tiên, phần rải sỏi thuộc Nam Triều Tiên, nghe bảo rằng 1 bước từ bên này sang bên kia là hứa hẹn ăn đạn từ cả 2 phía.



Bên trong phòng bạn cũng được thoải mái chụp ảnh cùng các chú lính canh nhưng phải tranh thủ nhanh bởi số lượng khách có thể đông và khi các bạn lính đã dứt khoát là chắc chắn sẽ mời bạn ra khỏi phòng:



Rời khỏi Conference Hall, viên sĩ quan dẫn chúng tôi leo lên nóc tòa nhà Bàn Môn (Panmun Hall) - vị trí rất đẹp để nhìn toàn cảnh JSA cũng như phía Nam. Trên nóc Panmun Hall là nơi nhóm Việt Nam chúng tôi chụp chung tấm ảnh đẹp với viên sĩ quan trẻ đã nhiệt tình giới thiệu thông tin cho cả đoàn, 1 người lính thực thụ. Các bạn Trung Quốc và nước ngoài sau khi thấy chúng tôi chụp được cũng xúm lại xin chụp nhưng viên sĩ quan từ chối và đi xuống tầng luôn nên các bạn ý cụt hứng, lại xoay ra ban công nhắm vào tòa nhà Tự do (Home of Freedom) to tướng bên Nam Triều Tiên mà chụp ảnh. Chúng tôi vì không có ống ngắm xa hay ống nhòm nên không chụp rõ được phía bên ấy có gì, chắc cũng lại là những người lính đã được tập cho bất động trong mọi hoàn cảnh để ngày đêm canh giữ phần đất thuộc về mình ...



Xong xuôi hết rồi, chúng tôi không nán lại lâu. Xe bus nhanh chóng đưa chúng tôi ra khỏi khu vực Bàn Môn Điếm. Bạn có thể thấy nơi này yên bình, đơn giản, và thực sự không có gì đặc biệt. Chúng tôi cũng đồng tình với nhận định đó phần nào, đáng lẽ nó phải giản đơn và yên bình hơn nữa khi người ta có thể bước đi tự nhiên không ràng buộc. Thông tin nhiều chiều cho biết đây là khu vực phi quân sự nhưng có mật độ đóng quân 2 bên dày đặc và nguy cơ chiến tranh cao nhất hành tinh!

☮☮☮

Sau khi rời Bàn Môn Điếm, nhóm bạn này tham quan bảo tàng Koryo Museum, vốn là trường Đại học Nho giáo đầu tiên của triều đại Koryo, nằm gần trung tâm tỉnh Kaesong. Trên đường về thăm quan tàu hải quân USS Pueblo được Bắc Hàn coi là tàu do thám bị họ bắt từ năm 1968. Sau đó đến Mangyongdae là nơi sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, và đi thử một trong những đường tàu điện sâu nhất thế giới (Pyongyang Subway). Các bạn có thể tham khảo thêm tại đây. Các bạn cũng có thể xem video về chuyến du lịch của nhóm bạn này ngay dưới đây.

Tiếp theo, để nối tiếp đề tài về khu phi quân sự liên Triều (DMZ), giới thiệu với các bạn 1 hướng tham quan ngược lại, từ phía Hàn Quốc, cũng của 1 khách du lịch người Việt, được giới thiệu trong cùng chủ đề này trên trang Phuot.vn.

DMZ (nhìn từ phía Nam)

Album này đáp ứng được các tiêu chí như: người Việt Nam đi và chụp, thời gian: tháng 4/2011 đủ mới để khách quan, cảnh J.S.A nhìn từ Nam Hàn, với các thông tin cũng khá đầy đủ giúp chúng ta tham khảo được thêm nhiều điều.
Phần giới thiệu về DMZ của phía Nam Hàn (bằng tiếng Anh và dẫn bởi người Mỹ)(!)


Lính gác của phía Nam Hàn trong Conference Hall:



Checkpoint số 3 với cờ các nước tham chiến ủng hộ Nam Triều Tiên trong chiến tranh liên Triều:
Gái Triều Tiên
Để khép lại phần "du lịch qua màn ảnh nhỏ", mời các bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cô gái Triều Tiên qua ống kính của nhóm bạn du lịch này. Cám ơn các bạn ấy đã cho chúng ta một góc nhìn chân thật về cuộc sống ở Triều Tiên.








Chi tiết: http://www.doi-mat.vn/2013/12/bac-trieu-tien-khong-tin-vao-nuoc-mat.html#ixzz2rNHvgceK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!