Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Hồi ức về một phụ huynh Trỗi

Hôm nay TQ K7 sưu tầm và gửi cho UT bài này của tác giả Cửu Thọ (một cựu thiếu sinh quân).
Thượng tướng Trần Văn Quang, một trong những người sáng lập Trường Thiếu sinh quân (TSQ) Liên khu 4 (6 /11/1948) đã viết về Thiếu tướng Nguyễn Sơn : " Có thể nói, anh Nguyễn Sơn là người có công lớn đối với sự hình thành mô hình với những quan điểm giáo dục mới, tiến bộ được áp dụng ở trường TSQ LK4". Thì ra người có quan điểm giáo dục mới, tiến bộ 64 năm về trước lại là một vị tướng. Tác giả Cửu Thọ một cựu TSQLK4 đã viết về vị "Lưỡng quốc tướng quân" đã đi vào huyền thoại này.
Tướng Nguyễn Sơn
Hồi ức về Tướng Nguyễn Sơn

Cửu Thọ


Đầu năm 1948, chúng tôi từ Bình-Trị-Thiên ra học Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV.
Vừa vào trường được ít hôm thì có lệnh trên cho Thiếu sinh quân tập thao diễn quân sự để chuẩn bị dự ngày lễ lớn.
Thế là... sáng học văn hoá, chiều ra bãi tập quân sự. Các trung đội đi đều tăm tắp, làm các động tác cơ bản thật thành thục.
Hôm ấy, chúng tôi được phát quần áo mới, đứa nào cũng súng sính trong bộ quân phục xanh, mũ lưới nom như một "đoàn quân xanh" thật hùng dũng, đẹp mắt. Chúng tôi càng vui sướng hơn khi được biết, hôm nay, chúng tôi sẽ đi dự Lễ thụ phong quân hàm Thiếu tướng cho Tư lệnh Nguyễn Sơn, Tư lệnh trưởng Quân khu IV.

Tư lệnh Nguyễn Sơn và Chính uỷ Trần Văn Quang (nay là Thượng tướng) "cha đẻ" của Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV. Bọn "lính nhóc" chúng tôi là "con cưng" của hai vị tướng đó. Từ lâu, chúng tôi đã nghe danh tiếng của Tư lệnh Nguyễn Sơn. Vị tướng tài ba đó đã từng học Trường quân sự Hoàng Phố, đã từng tham gia Vạn lý trường chinh của Hồng quân Trung Quốc, lập nên nhiều chiến công oai hùng.
Nhớ một ngày sau Cách mạng tháng Tám, lúc đó chúng tôi còn học ở Trường Quốc học Huế, tất cả học trò chúng tôi tập trung ở hội trường để nghe Tướng Nguyễn Sơn từ chiến trường miền Nam ra nói chuyện.
Vị tướng lúc đó mặc áo sơ-mi xoàng xĩnh như một người dân bình thường, nước da đen xạm, tóc hơi xoăn bờm xờm, tiếng nói thì oang oang như sấm.

Sau khi nói qua về tình hình chiến trường phía Nam, Tướng Nguyễn Sơn khuyên chúng tôi học phải liên hệ với thực tế, không phải chỉ học lý thuyết suông với những con số đơn thuần. Vị tướng bỗng hỏi chúng tôi:
- Hai với ba cái nào to hơn?
- Ba to hơn - chúng tôi trả lời.
Vị tướng lại nói:
- Thế hai khẩu đại bác với ba khẩu súng trường, cái nào to hơn?
- Hai khẩu đại bác to hơn.
Vị tướng cười:
- Đó, trong thực tế không phải khi nào ba cũng to hơn hai.
Chúng tôi nhìn nhau:
- Ông tướng nói hay thật.
Hôm nay trong buổi lễ, chúng tôi thấy Tướng Nguyễn Sơn không xuềnh xoàng như mọi khi mà mặc bộ quân phục bằng dạ xanh, đội mũ kê-pi xanh có quân hiệu đàng hoàng, uy nghiêm như những vị tướng chúng tôi thường thấy trong ảnh.

Tất cả bộ đội đã tập trung nghiêm chỉnh ở sân vận động Thọ Xuân, xung quanh có cả dàn súng cao xạ để đề phòng máy bay địch đột kích. Bọn nhỏ chúng tôi được xếp hàng đầu gần lễ đài. Sau khi đồng chí Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ đọc lệnh thụ phong và gắn quân hàm Thiếu tướng, Tướng Nguyễn Sơn nói lời cảm ơn, các đơn vị chúng tôi bắt đầu diễu hành qua lễ đài. Chúng tôi bước đều răm rắp, đi nghiêm quay mặt về lễ đài, chào. Thiếu tướng cười vui vẻ và giơ tay vẫy chào lại chúng tôi.

Sau lễ thụ phong, chúng tôi hành quân thay đổi chỗ đóng quân ngay để đề phòng máy bay địch oanh tạc. Cuộc hành quân bắt đầu vào lúc nửa đêm, khi qua một cây cầu bắc ngang nông giang, bọn nhỏ đi trước bỗng ùn cả lại. Tôi đi đến thì thấy Tư lệnh Nguyễn Sơn đứng đón ở đầu cầu, mỗi đứa đi qua bị ông "tóm" lại và dùng râu cằm cọ vào má. Ôi, râu cằm của ông thì lởm chởm như rễ tre mà cọ vào má thì rất ghê! Nhưng đứa nào cũng sung sướng khi được Thiếu tướng cọ râu vào má. Có đứa ôm lấy cổ ông và hôn lên cằm, lên tai. Lúc này không còn sự cách biệt giữa vị tướng tư lệnh quân khu với người lính nhỏ tuổi nữa mà chỉ tràn ngập một tình thương yêu, thân thiết như cha với con.

Từ đây, ở Trường Thiếu sinh quân lưu truyền một bài hát tên là "Râu bác Sơn" với đoạn lời như sau:
"Râu bác Sơn cọ vào má rất ghê! Còn gì bằng được bác đến gần, còn gì bằng được bác hôn nhiều, ôi râu nhiều sợ ghê!"

Thỉnh thoảng trên đường công tác, Tướng Nguyễn Sơn lại ghé thăm Trường Thiếu sinh quân. Tối đó, chúng tôi tập trung ở sân đình, trình diễn văn nghệ: múa, hát, diễn kịch chào mừng Thiếu tướng. Sau khi thăm hỏi các cháu về học hành, sức khoẻ, Thiếu tướng hỏi:
- Bây giờ các cháu muốn ăn gì?
- Dạ, chè! (tiếng đáp ran lên).

Chả là vì dạo ấy chúng tôi ăn uống rất kham khổ, không mấy khi được nếm vị ngọt nên đứa nào cũng thèm của ngọt.
Thiếu tướng nói:
- Được, hôm nay đãi toàn trường một bữa nhé.
Thế là các anh nuôi vội vã lên kho hậu cần Quân khu lĩnh đường, đậu về nấu mấy nồi chè to tướng. Cả trường xì xụp ăn chè hết sức ngon lành.
Do sáng kiến của Tướng Nguyễn Sơn, cả quân khu dậy lên phong trào luyện quân và mở các "Đại hội tập" để thi các môn kỹ thuật, chiến thuật quân sự. Trường Thiếu sinh quân cũng nô nức học tập và rèn luyện các môn quân sự như lăn, lê, bò, toài, bắn súng, v.v... Sau đó nhiều học viên lớn được bổ sung về các đơn vị để ra chiến trường.

Một lần, Tướng Nguyễn Sơn đến thăm Trường Thiếu sinh quân. Ông bảo các lớp lớn như chuyên khoa, đệ tứ... đưa vở học lên cho ông xem. Lúc đó lớp chuyên khoa văn đang học Truyện Kiều do giáo sư Trương Tửu giảng. Trong bài giảng của giáo sư có những quan điểm khác thường như cho nàng Kiều là bị bệnh "uỷ hoàng", một thứ bệnh sinh lý về tình dục.
Sau khi xem xong các bài vở, Tướng Nguyễn Sơn ra lệnh triệu tập các lớp lớn trong trường lại để nghe ông nói chuyện.
Chúng tôi tập trung ở đình làng. Tướng Nguyễn Sơn bước vào. Ông cầm chiếc mũ bêrê có quân hiệu đang đội trên đầu bỏ xuống bàn và nói:
- Hôm nay chúng ta không nói chuyện quân sự mà nói chuyện học. Tôi sẽ giảng lại bài Truyện Kiều thay cho bài của giáo sư Trương Tửu.
Suốt một ngày (buổi sáng và chiều) ông tướng quân sự ấy đã nói về Truyện Kiều rất say sưa và hấp dẫn. Ông ca ngợi Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt tác của dân tộc mà bất kỳ một người dân Việt Nam bình thường nào đọc cũng thông cảm và rung động sâu sắc.
Ông phê phán kịch liệt quan điểm của Trương Tửu cho rằng Kiều là một người bệnh hoạn.
Ông nói:
- Trong những ngày tham gia Vạn lý trường chinh, khi vượt qua những rặng núi tuyết lạnh thấu xương, mỗi lần tôi ngâm lên câu Kiều là thấy lòng mình ấm lại, là có thêm nghị lực để vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi đều khâm phục tri thức uyên bác của vị tướng tài Nguyễn Sơn không những về chính trị, quân sự mà cả về văn học nữa.
Đúng như đánh giá của các học giả trong lễ tưởng niệm Tướng Nguyễn Sơn ở Hà Nội ngày 31-12-1993, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông: "Tướng Nguyễn Sơn được coi như một danh tướng song toàn cả văn lẫn võ".

Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 1-1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!