Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Kinh tế Việt Nam vào tháng 4/2012: chuyện gì đang xảy ra?


TS. Phạm Đỗ Chí

   Đáng chú ý nhất trong 3 tháng đầu năm 2012 là sự thành công tương đối của ngân hàng trung ương trong việc giải quyết một cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra từ giữa năm ngoái và giúp cải thiện tình hình thanh khoản của cả hệ thống để giảm lãi suất, nhằm đối phó với tình trạng tê liệt của nhiều ngành sản xuất. 
Như vậy, kinh tế VN đang phải quay ngoắt 180 độ từ đối phó với lạm phát (gần 20% năm ngoái) sang đình trệ sản xuất đang xẩy ra một cách nghiêm trọng cùng với sự ngưng hoạt động hay phá sản của nhiều doanh nghiệp, gây ra các mối lo âu về chính trị và xã hội.
 Sản xuất đình trệ
 Trong quý đầu tiên của năm 2012, nền kinh tế của Việt Nam đã chuyển từ những lo lắng về lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng tháng ba tăng chỉ 0,16% - ít hơn nhiều hơn so với dự đoán) sang những mối âu lo về sự đình trệ hoạt động sản xuất một cách nghiêm trọng.
 Bằng chứng là chỉ số công nghiệp, xây dựng (đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến) đã giảm xuống đáng kể. 
Tốc độ tăng trưởng GDP ước tính cao nhất ở khoảng 4% trong quý đầu tiên, và theo một số nguồn tin, tăng trưởng cả năm dự báo có thể chỉ thấp ở mức khoảng 5%, so với mục tiêu chính thức là 6%-6,5%..
 “Đình đốn” sản xuất này được phản ánh rõ ràng nhất trong con số thâm hụt thương mại giảm mạnh, ước tính chỉ còn 250 triệu USD trong ba tháng đầu tiên, tương đương với khoảng 1/10 so với mức thâm hụt bình thường được dự kiến ​​cho quý này. 
Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng trong nước là số âm (-1,1%) trong ba tháng đầu năm 2012, sau khi chỉ tăng tương đối chậm 14% trong năm 2011 (so với mục tiêu hạn chế tín dụng 18% -20%).
 Những điều này phản ảnh rõ rệt khả năng hấp thụ tín dụng thấp của nền kinh tế đang "ốm yếu", tương phản rõ rệt với với tốc độ tăng trưởng tín dụng tràn lan gây ra lạm phát cao trong những năm trước đó.

 Mặc dù đó là điềm tốt từ góc nhìn tài chính trong việc giảm thâm hụt thương mại và cán cân vãng lai trong thanh toán quốc tế, nhưng dấu hiệu này cho thấy rằng mức nhập khẩu nguyên vật liệu và trang thiết bị dùng cho sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu đã giảm xuống mạnh. 
Điều này có thể báo hiệu sự suy giảm hơn nữa trong sản lượng hàng hóa, đặc biệt là sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là trong tình trạng “cầu” yếu kém dần của nền kinh tế thế giới so với dự báo cách đây 2-3 tháng. Đặc biệt là kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2% trong quý 1 năm nay so với 3% của quý 4 năm ngoái.
 Tuy vậy, một tác động phụ khá thuận lợi là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thể tăng cường mức dự trữ ngoại tệ trong những tháng gần đây, tăng hơn 6 tỷ USD từ ba tháng qua (theo tin mới nhất của NHNN) đem dự trữ ngoại tệ lên mức tương đương với khoảng 12 tuần nhập cảng (so với mức chỉ ở 7 tuần lễ cuối năm ngoái) - một mức dự trữ khá mạnh chưa từng thấy lại từ năm 2007. Điều này cho NHNN khả năng đối phó hữu hiệu hơn với bất kỳ cuộc khủng hoảng tiền tệ nào trong tương lai.
 Gần đây, cơ quan này cũng đã phát hành trên 45 ngàn tỷ ĐVN trái phiếu NHNN đặc biệt (song song với trái phiếu Chính phủ phát hành bởi Kho bạc Nhà nước) để trung hòa (sterilizing) tác động của việc phát hành thêm đồng nội tệ mới đây được dùng cho mục đích mua thêm ngoại tệ cho quỹ dự trữ ngoại hối như nói trên- bài học từ những kinh nghiệm trong quá khứ để trung hòa tác động của việc phát hành tiền lên lạm phát đã ở sẵn mức cao hai con số.
 Các ngân hàng loại nhỏ liệu đã thoát khủng hoảng?
 Nhưng đáng chú ý nhất trong 6 tháng qua là sự thành công tương đối của NHNN trong việc làm tạm yên một cuộc khủng hoảng ngân hàng loại nhỏ và mới phát sinh ("a nascent mini crisis"). Từ giữa năm ngoái, đã có báo cáo dùng một hệ thống cảnh báo sớm (EWS) báo trước về việc sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng loại mới bắt đầu, cảnh cáo rằng theo một số ngưỡng định lượng được thiết lập theo một mô hình đơn giản, cuộc khủng hoảng có thể phải đến vào quý IV/2011. 
Nhưng cuối cùng thì cuộc khủng hoảng mini đó đã được “khoanh vùng” và giải quyết kín đáo. NHNN đã đối phó khá hiệu quả bằng cách bơm tiền đáng kể trên “thị trường mở” (“open market operations”—OMO) đi kèm với các biện pháp cấp bách khác trong hai giai đoạn quan trọng ngay trước và sau Tết Nhâm Thìn gần đây.
 Đặc biệt là việc sáp nhập bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém phía trong Nam khi xuất hiện những dấu hiệu ban đầu của một cuộc tháo chạy của khách hàng ở các ngân hàng này. Các hành động của này của NHNN được thực hiện một cách nhanh chóng, kín đáo và tương đối hiệu quả--theo sự quan sát của một số nhà chuyên môn quốc tế. 
Tình hình thanh khoản (“liquidity situation”) của cả hệ thống ngân hàng dường như được cải thiện nhiều khi lãi suất liên ngân hàng đã ổn định ở khoảng 7-8%, so với tỉ lệ 25-30% trong giai đoạn khủng hoảng và 13-14% trong những tuần sau Tết.
 Việc thông tin một cách minh bạch hơn của NHNN cũng đã cung cấp một bức tranh rõ hơn về tình hình tài chính của Việt Nam trong con mắt nhạy bén của một số nhà phân tích kinh tế, và điều này dường như là lý do chính dẫn đến sự phục hồi nhanh chóng của chứng khoán trong nước, khi hai chỉ số thị trường chứng khoán ở Hà Nội và Saigon (VN Index) tăng gần 35-40% trong khoảng thời gian hai tháng lại đây (6/1-5/3/2012). 
Tuy nhiên chứng khoán VN chỉ có thể phục hồi và gia tăng bền vững nếu có sự cải thiện chắc chắn của tình hình kinh tế vĩ mô và sự áp dụng một chính sách tài khóa (fiscal policy) minh bạch và có kỷ luật hơn, để tránh sự chi tiêu bừa bãi trong khu vực công, nhất là các doanh nghiệp nhà nước (liên tiếp từ Vinashin, EVN và mới đây PVN—công ty dầu khí quốc gia) đã đưa nền tài chính công VN đến mức báo động.
 Các nhóm chuyên gia kinh tế trong và ngoài Chính phủ đều đang nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục dùng các biện pháp ổn định nhằm kềm chế lạm phát mặc dù sự đình trệ sản xuất tăng cao lại đang cần sự nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất. Do đó, đáng chú ý là cần có sự phối hợp linh hoạt và hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đẩy nhanh cải cách cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu trong hệ thống ngân hàng, đầu tư công và vai trò các doanh nghiệp nhà nước, và đặt chúng dưới lãnh đạo ở cấp cao và năng động. Bên cạnh đó là việc thành lập một khuôn khổ chính sách có tầm nhìn trung hạn để thiết lập lại sự ổn vững về kinh tế vĩ mô. 
Cuối cùng là sự cần thiết phải có minh bạch thông tin nhiều hơn để giúp xây dựng lại lòng tin của giới đầu tư cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước như đã đề cập ở trên.
 Trong đánh giá khả năng kiểm soát lạm phát ngắn hạn và những cải thiện tài chính, chúng ta cần nhấn mạnh đến sự cần thiết về một cái nhìn dài hạn cho chiến lược phát triển. 
Cần thiết phải chỉ ra sự xung đột giữa hai khu vực trong nền kinh tế Việt Nam: khu vực kinh tế sinh lợi với định hướng thị trường (profit-making) và khu vực kinh tế đặc lợi (rent-seeking). Khu vực kinh tế được đề cập trước là kết quả của những cải cách kinh tế dưới Đổi Mới bắt đầu từ cuối thập niên 1980, bao gồm những cá thể làm việc chăm chỉ để sinh sống và đặc biệt là những cá thể tạo ra lợi nhuận bằng các hoạt động kinh doanh sản xuất tạo ra lợi nhuận theo cơ chế thị trường nhờ cố gắng tăng doanh thu và giảm chi phí.
 Ngược lại, nền kinh tế đặc lợi bao gồm những cá thể có xu hướng hưởng lợi thông qua những quyền lực có được như bảo hộ hoặc bán bảo hộ bởi các quy định hay biện pháp hành chính, trái với cơ chế thị trường, của chính phủ hay các tổ chức nhà nước. Tham nhũng là ví dụ rõ ràng nhất của khái niệm đặc lợi này. Những người được hưởng lợi từ việc truy cập những thông tin đặc quyền đặc lợi cũng thuộc thể loại này.
 VN đã dành một vị thế ưu đãi cho khu vực kinh tế nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước trong mấy chục năm qua, mặc dù dưới tên gọi “Đổi Mới”—chiếc dù che cho các cải cách kinh tế và thị trường tự do trong hơn 20 năm qua. 
Một sự quan tâm và ưu đãi như vậy đã làm mất khả năng nâng đỡ khu vực kinh tế tư nhân vốn phát triển rất năng động, và cuối cùng là cả nền kinh tế Việt Nam có hiệu quả sản xuất rất thấp (bằng chứng là hệ số ICOR rất cao 7-8 gần như là đặc trưng của kinh tế VN). 
Các cơ chế thị trường cũng đã bị bỏ rơi và thay vào đó là hàng loạt các biện pháp hành chính trong nhiều lĩnh vực, nhưng đáng chú ý nhất là sự hoạt động trở lại của các thị trường tín dụng và ngoại hối "đen" như trong hai năm mới đây.
 Chính điều này có xu hướng giúp làm tăng lợi nhuận cho nhóm đặc lợi và gây khó khăn hơn cho nhóm sinh lợi - những người làm việc hay hoạt động dựa vào những cơ chế, luật lệ thị trường. Điều này cũng khiến thị trường tài chính bị bóp méo và làm gia tăng tình trạng kinh tế bất ổn hiện tại khi mặt bằng lãi suất vẫn rất cao và gây ra “đình đốn” sản xuất như mô tả ở trên.
 Làm sao để đi tới cuối đường hầm với nhiều ánh sáng hơn?
 Trong một quyết định mới nhất tuần này và là lần thứ hai liên tiếp trong một tháng, từ 11/4, NHNN đã quyết định giảm các lãi suất chính sách (thí dụ lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trên thị trường mở…) thêm một điểm phần trăm (1%), và nhất là giảm trần lãi suất huy động lần nữa từ 13% xuống 12% (lần trước từ 14% xuống 13% chỉ cách đây vài tuần). 
Nhìn chung từ con mắt một quan sát viên bên ngoài, đây là biện pháp hợp lý để đối phó với tình trạng ngưng trệ sản xuất trong nước và tiếng kêu cứu khẩn cấp của các doanh nhân bên bờ phá sản vì không tiếp cận được tín dụng ngân hàng theo các kênh chính thức (để phân biệt với các kênh chợ đen của “cá mập” vẫn cho vay với lãi suất trên 25%-30%).
 Nhưng một câu hỏi tự nhiên là lý do tại sao bất chấp những nỗ lực đáng kể của Ngân hàng Nhà nước-- và thậm chí mặc dù mức lạm phát từng tháng đã yếu đi kể từ tháng 8 năm ngoái, xuống còn 14% trong tháng 3 (so với 12 tháng trước) giảm từ 16% trong tháng 2—mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đã không giảm xuống đáng kể?
 Vấn đề chính là những khó khăn liên quan đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, và điều này có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu của ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản, vốn đã bị đóng băng kể từ năm 2009. Nhiều tài sản BĐS đã giảm giá 20%-30% trong 2 năm qua từ khi bắt đầu khủng hoảng. 
Theo kinh nghiệm quốc tế, như cơn khủng hoảng “dưới chuẩn” ở Mỹ mới đây từ 2007 đến nay vẫn còn kéo dài, khủng hoảng BĐS ở VN sẽ còn phải kéo dài thêm 2-3 năm nữa và giá cả có thể còn phải xuống thêm trước khi “đụng đáy” vào năm 2013 hay 2014 (?). 
Hệ lụy khó tránh khỏi là các khó khăn của hệ thống ngân hàng VN sẽ còn kéo dài đến đó.
 Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, đối mặt với chính sách thắt chặt tiền của NHNN để kiềm chế lạm phát, họ không thể nhanh chóng thực hiện các khoản cho vay với tỉ lệ lãi suất giảm một cách nhanh chóng. Bên cạnh lãi suất cao, điều kiện cho vay chặt chẽ cũng hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 Đằng sau bức màn về khó khăn thanh khoản, vấn đề thật sự là tài sản ngân hàng có chất lượng thấp, hay nói cách khác là các khoản nợ của ngân hàng thực sự rất xấu. Tuy nhiên, theo thông tin của NHNN, các khoản nợ xấu có giá trị khoảng 3-4 tỷ USD (hay 6% của tổng dư nợ ngân hàng?) và tập trung chỉ ở 9 ngân hàng vốn đã được xác định và giám sát chặt chẽ bởi NHNN. 
Theo tin của Fitch Rating’s mới được nhắc lại trên các phương tiện truyền thông thì số nợ xấu thật sự của các ngân hàng VN , theo tiêu chuẩn về nợ xấu quốc tế, có thể bằng 4 lần số nợ công bố này. Nếu đúng như vậy, thì tình trạng nợ xấu trên 10% GDP vẫn xếp VN vào trường hợp “báo động đỏ”, theo một số chuyên gia ngân hàng.
 NHNN đang làm việc với các giải pháp khác nhau để giải quyết những khoản nợ xấu này. Một trong những giải pháp chính là khả năng có một chương trình tái cơ cấu vốn ngân hàng lớn (bank recapitalization) với vốn có thể vay từ các nguồn quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hoặc thậm chí là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF - dù vẫn có dè dặt khi nghĩ đến sự vay mượn với định chế quốc tế này).
 NHNN cũng đã thông báo rằng họ có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động trần 1 điểm phần trăm cho mỗi quý cho đến khi nó đạt đến 10% trước cuối năm nay. Hoặc trong trường hợp nếu tình hình thanh khoản có cải thiện đáng kể, không loại trừ khả năng NHNN có thể loại bỏ trần lãi suất huy động hoàn toàn trong tháng Sáu hoặc tháng Bảy năm 2012. Điều này hi vọng cuối cùng sẽ giúp đưa hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam tới cuối con đường hầm với nhiều ánh sáng hơn.
 Nhưng trong thực tế, như đã nêu trên về sự kéo dài của đóng băng BĐS và hệ lụy trên hệ thống ngân hàng, liệu con đường hầm đó có ngắn và dễ đi tới nhanh như vậy không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!