Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

HỒI ỨC THÁNG 3

Mấy tuần nay, hàng ngày tôi vẫn viết những dòng hồi ức của mình khi còn là người lính. Cứ nghĩ nó ít dính đến Trỗi nên cũng không đăng ở UT mà tham gia vào quansunet, nơi hội tụ của các CCB. Đọc bài của bác TL, thấy mọi người đồng tình, khuyến kích, tôi bê vài bài về nhà các bác coi rồi tính sau.

LÍNH ĐOÀN PHONG QUẢNG (tên ghép của hai huyện Phong Điền, Quảng Điền bắc Huế)
Trung đoàn 4 chúng tôi thành lập đầu năm 1973, ban đầu Trung đoàn có K15 mặt trận đường 9 và K13 ( không biết xuất xứ từ đâu - 1973 tham gia đánh Cửa Việt ) từ Quảng Trị vào và K10 tỉnh đội Thừa Thiên. Các đơn vị trực thuộc cũng từ Quảng Trị vào, tôi không biết xuất xứ nhưng đều là các đơn vị tham gia chiến đấu ở các khu vục nóng bỏng như Thành cổ, Tích Tường, Như Lệ, Động Ông Do, điểm cao 367…Khoảng tháng 3 năm 1974 K2 từ Quảng Trị vào thay K10 trong đội hình E4. Lúc ấy thấy lính K2 vào Phong Điền lên chốt còn mang theo cả phích nước. Chúng tôi nghĩ : lính cậu thế này không biết đánh đấm ra làm sao (?).
Sau khi hiệp định Pari được ký kết, lính ở tuyến tiếp xúc với địch ở Quảng Trị có được nhàn nhã và sướng hơn chúng tôi trong Phong Điền Thừa Thiên. Giao thông thuận tiện , gần dân, gần phố huyện nên mọi thứ đều khấm khá hơn . Ở Quảng Trị ta mạnh nên thằng địch không giám ho hoe gì, còn Phong Điền vẫn còn nhiều vùng tiếng súng chưa dứt.
Trong lúc quân hai K còn lẫn lộn xen kẽ nhau, lính cùng trung đoàn mà trông khác hẳn nhau. Chúng tôi xanh gầy, nhếch nhác lắm , lính K2 phơn phớn như lính triều đình. Lính K2 còn nuôi chó, Chó chạy cả lên trận địa chúng tôi , gặp lính đang thiếu đạm, thế là chó hết đường về. Bữa đó khẩu đội 12ly 7 ở điểm cao 330 chúng tôi được mấy ngày no say. Lính ta đói khát nên đôi khi cũng bậy bạ chút xíu rồi quên ngay. Ai ngờ chúng tôi lại gặp họ.
Tháng 7/1974 khi K15 chúng tôi đánh 61 thì K2 đánh dãy đồi Không tên ở khu vực hữu ngạn sông Ô Lâu. Tiến công thắng lợi, hai khẩu 12ly7 ở điểm cao 506 và Động Chuối được lệnh rút về tăng cường cho các điểm cao vừa chiếm được. Trên đường về qua dãy đồi Không tên nhờ nấu cơm trưa ở khẩu đội cối 82 của K2, bên bờ sông Ô Lâu. Được anh em K2 chia sẻ cho ít mắm ruốc, rau rừng thật cảm động. Lúc này lính K2 đã “Phong Điền” hóa rồi , cũng thiếu thốn như chúng tôi. Đói thì bàn ăn, các bố mơ đủ chuyện về ăn, có một ông nói:” giá bây giờ mà còn con Míc nhỉ, em xung phong đi kiếm giềng ngay.” , một người khác thì gạt đi ý là chó nuôi quen rồi không được giết…Nhiều ý kiến qua lại còn bọn tôi thì im lặng có ông nghệt ra. Té ra con chó bị chúng tôi trộm ngày ấy là của khẩu đội cối 82-K2 này. Ở đời cái gì không biết thì thôi nhưng khi đã biết thì làm người ta phải nghĩ. Cũng như khi đã gặp trực tiếp những đồng đội K2 , chúng tôi lại áy náy vì những chuyện đã qua. Hôm nay kể với anh em QSVN (Quân sử Việt nam) cũng là một lời tạ lỗi với các chiến hữu k2 của chúng tôi.

LÍNH ĐOÀN PHONG QUẢNG
Tôi được quan sát trận đánh dãy đồi Không tên từ điểm cao 506, trận tập kích nhanh gọn như chỉ thấy trong phim ảnh. Nhìn những chớp lửa lóe liên tục trong vòng 15 phút từ ba ngọn đồi trong đêm ấy, tôi cứ nghĩ là đặc công ở đâu về chứ đâu đã biết là lính K2. Bên cạnh là điểm cao 61, súng nổ liền ba ngày mới dứt , lính C4 K15 chúng tôi cuối cùng cũng diệt được cái cao điểm oan nghiệt này. Cũng từ trận đánh ấy chúng tôi mới biết K2 là ai. Gốc gác từ trung đoàn 246 của quân khu Việt Bắc vào chiến đấu trong Quảng Trị đã lâu. Nếu bạn nào vào thăm Thành cổ, sẽ thấy ở nhà truyền thống có những dòng chữ đồng ghi danh các đơn vị chiến đấu ở Quảng Trị , các bạn sẽ thấy K2, K15 ở dòng các tiểu đoàn độc lập. Như vậy ngay buổi đầu thành lập đoàn Phong Quảng đã có ít nhất 2 tiểu đoàn Anh hùng , từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị trong những ngày hè đỏ lửa. Tôi nói ít nhất vì K13 tôi chưa biết về họ nhiều.
Ít ngày sau khẩu đội 12ly7 của tôi cùng C5bb/K15 nhận bàn giao chốt giữ dãy đồi Không tên từ K2. Khi lên tôi được nghe một câu chuyện về việc sử lý tù binh của lính K2.
Sau trận đánh bao giờ cũng phải giải quyết các công việc chính sách và củng cố trận địa, hầm hào để đánh địch phản kích. Sáng ra mới phát hiện còn sót hai thằng thủy quân lục chiến bị thương không tự vận động được. Người ít , còn phải chiến đấu tiếp, ông trung đội trưởng không biết giải quyết ra sao, bèn lệnh cho lính ta khênh hai cu cậu xuống để tạm ở cái nhà âm cũ dưới chân điểm cao rồi sau tính tiếp. Đến trưa anh nuôi mang cơm lên báo cáo :"hai thằng nó đói, nó kêu rên quá , các anh để lại ít cơm tí quay về em quang cho nó ". Tiếp đến hôm sau vẫn thế, nghe anh nuôi nói ông trung đội trưởng càng sốt ruột . Một ông lính nhà mình nói :” Để em xuống cho mỗi thằng một phát, lấp đất lên là xong.” Ông trung đội trưởng bảo :"Chú mà làm được thì xuống làm đi !".Ông lính nhà ta đi xăm xăm xuống thật, mọi người chờ mãi chẳng thấy tiếng súng nổ. Một lúc sau ông lính mình đi lên bẽn lẽn gặp trung đội trưởng :"Báo cáo anh, em chịu !..” Trung đội trưởng hỏi trong anh em có ai muốn xuống sử lý nữa không(?). Tất cả im thít, trung đội trưởng nói :” thế thì anh em chuẩn bị cáng đi … đưa chúng nó về phẫu “
Vì việc trên, chốt mất đứt 4 người để cáng 2 tù binh bị thương, trong lúc người đang thiếu vô cùng. Nghĩ mấy hôm trước bạn "bão tố" chắc cũng định đưa cái đề tài “ đối thoại với các thân phận…”. Bạn ấy cũng định nhìn từ lăng kính :” chính là thằng lính bên này, giết thằng lính bên kia.” Để đánh giá chiến tranh hay đánh giá về người lính cả hai phía là đều không trúng. Nếu như cái anh lính mà không “ em chịu! ” thì chắc sau này anh ấy và cả người trung đội trưởng kia có thể cũng bị cái gọi là “hội chứng chiến tranh” như lính Mỹ. Cá nhân tôi thì cho rằng những người lính trong cuộc chiến vừa qua ( ở cả hai phía), vào trận đánh họ chĩa súng vào nhau và nổ súng quyết liệt trước tiên là để giành sự sống cho mình. Khi cởi áo lính ra họ lại trở về như những người bình thường trong xã hội. Có chăng là họ rất ghét chiến tranh và biết yêu quí hơn giá trị của cuộc sống hôm nay.

23 nhận xét:

  1. Chiến tranh = đất lành cho tính thú phát lại. Truyện này thật nặng tính người.
    Ba Chai

    Trả lờiXóa
  2. Ông K.V là lính cầm súng thật nên bài viết sinh động và có thần lắm. Đúng là một quãng đời khổ nhưng hào hùng. Các cuộc chiến sau này không giống vậy nữa, mặt trận và hậu phương khác biệt nhiều, lính 'cậu' càng nhiều...

    Trả lờiXóa
  3. K.V.:Chỗ này là để anh,em mình tâm sự mà.Nên có gì kể hết cho nhau nghe.Mỗi người,mỗi cảnh.Chuyện của cậu thật lính!Chỉ có người lính mới có thể kể những chuyện như thế.Tôi cũng có những hồi ức tháng 3,sau chuyến đi sắp tới sẽ kể cho mọi người biết về phía sau ánh hào quang của người chiến thắng là gì?

    Trả lờiXóa
  4. @KV: Bạn là lính, lại là "lính" Trỗi nữa. Chuyện của bạn là chuyện cũa 1 bạn Trỗi đã từng chiến đấu, gian khổ trong chiến tranh. AE đọc và sẵn sàng chia sẻ với bạn, mặt khác biết đâu bạn lại đang nói hộ tâm tư của những người khác mà họ không có khả năng viết thành văn được như bạn. Bạn cứ đưa chuyện của bạn vào UT Trỗi cho AE đọc với,chả có gì phải ngại. Tất nhiên với những người đã từng chiến đấu như bạn sẽ có sự đồng cảm sâu sắc hơn, nhưng nhắc bạn là AE Trỗi chúng ta cũng là những người đã được "Sinh ra trong khói lửa" đấy nhé!
    Chúc "nhà văn" KV có nhiều "tác phẩm" cho AE cùng đọc, cùng nhớ lại và suy nghĩ về 1 thời chiến tranh.

    Trả lờiXóa
  5. UT là nơi chỉ để làm những việc như của KV và của anh em mà!
    UT là nơi để viết cho nhau đọc, là "tán" cho nhau vui; là nơi để chia sẻ cho bớt "buồn"....
    Cứ tự nhiên mà phát huy!

    Trả lờiXóa
  6. Mẹ nó!Thế mới biết cho dù là trong lằn ranh của sự sống chết,vẫn thấm đậm tính nhân văn của tình người.Hay quá K.V ơi!

    Trả lờiXóa
  7. Đồi không tên trong bài viết có phải "nay đồi đã mang tên tiểu đội Bùi Ngọc Đủ" có con suối La la không tác giả nhỉ.

    Trả lờiXóa
  8. Trong chuyến đi Huế năm ngoái HB đã được nghe KV kể rất nhiều về những ngày tháng oanh liệt đó. Nhưng xem ra đó chỉ là một phần rất nhỏ trong cả tuyển tập Kí Ức Chiến Tranh của bạn.

    Trả lờiXóa
  9. Những ngọn đồi thấp không có tên thì lính mình gọi không tên. Ở bãi dze Do Linh, gần Bến Tắt (bờ nam sông Bến Hải mới là đồi không tên của Bùi Ngọc Đủ. Còn không tên trong Phong Điền là đồi của thằng V " tặc"
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  10. Lần theo dấu vết bài viết của KV không khó. Mọi người xem tại đây, để KV kể tiếp khỏi phân tâm.

    Trả lờiXóa
  11. Những lời góp, trao đổi trong chuỗi là cái mà KV không di chuyển sang đâu được. Như mọi lời góp, lời bàn, cái đó mang lại nhiều sinh khí cho bài chính.

    Trả lờiXóa
  12. Viết tiếp đi KV ơi! Mọi người "theo chân" cậu giải phóng Huế đấy. Theo như thông tin của cậu thì mai (25/3) quân ta cắm cờ lên Kỳ đài Ngọ môn chứ không phải là 26/3 như xưa nay vẫn kỷ niệm phải không? Hôm nay cậu sẽ gửi nốt bài về ngày giải phóng Huế phải không?
    EGK9 (một o làng chài Phong Quảng theo định nghĩa của KV)

    Trả lờiXóa
  13. "O làng chài" có biết vùng Cam Lộ, Q.Trị đang trúng mùa cá cơm không?
    Hi vọng làng chài của O cũng trúng.
    Cá cơm hấp sấy khô nhậu bia; hoặc kho kh, làm mắm cái, quá là ngon.
    Nhưng riêng chuyện nước mắm, hình như dân Huế thích nước mắm khuyết (ruốc, moi) hơn?

    Trả lờiXóa
  14. Điện thoại cho KV để hỏi cậu tại sao lại không đưa những bài viết này lên mạng của Trỗi ,Cậu bèn trả lời rất nhanh :Em cứ tưởng chuyện này không dính líu đến Trỗi .Đấy các AE coi ,hắn trả lời có sướng không .

    HH

    Trả lờiXóa
  15. @bácHH:Thường em viết về bạn của bạn mà, còn tự nói về mình thấy ngại lắm, dù chỉ là chuyện thằng lính.Rút kinh nghiệm thôi bác.
    Bác HT đã chỉ đường dẫn rồi, anh em muốn coi cứ sang, thực ra bê về thấy cũng kỳ kỳ thế nào ấy
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  16. Sông nào cá nấy. KV không đưa chuyện này sang vườn này là đúng. Ở bên QSVN câu chuyện của KV có cuộc sống sôi động bởi nhiều người sống cùng với nó. Ở bên mình nhiều lắm cũng chỉ là một câu chuyện chân thực sẽ nhận được từ bạn bè nhiều "thán từ" thôi.

    Trả lờiXóa
  17. Tất nhiên không ai "phạt" "nhà văn" KV vì "tội" gửi bài 2 nơi, nhưng cũng thừa nhận các "còm men" bên QSVN có sự đồng cảm với tác giả nhiều hơn, mà đó cũng là "động lực" tiếp sức cho người viết. Hôm ở HN, buổi tối 2 thằng ngồi nhà vừa nhâm nhi "xúc xích",vừa nói về chuyện này, gần 2g sáng mới ngủ. Thế mà mới 4g đã thấy KV lọ mọ bật máy, khoác áo lạnh ngồi viết.
    Phải công nhận ông bạn KV có trí nhớ cực "siêu", những tình tiết kể lại cứ như vừa xảy ra hôm qua. "Nhà văn" bây giờ đang "son rỗi", hy vọng ae còn được đọc nhiều.

    Trả lờiXóa
  18. Đành rằng " sông cá nấy "vùng vẫy sướng hơn nhưng lâu lâu bắt một vài chú đưa qua sông khác cũng có chết thằng tây nào đâu mà lo.

    HH

    Trả lờiXóa
  19. @TQ: Hôm qua định vào hỏi TQ là làng chài nhà TQ được mùa cá, TQ đã có quà ở quê ra chưa, mà không sao gửi được comment. Hay là TQ sợ em đòi phần quà?
    EGK9

    Trả lờiXóa
  20. Nghe EGK9 "gọi TQ, xưng em" thấy hay hay hỉ?

    Trả lờiXóa
  21. Cứ đòi đi, thời buổi thế giới phẳng, gửi quà phẳng dễ như bỡn ấy mà.

    Trả lờiXóa
  22. @TQ "u tê": Với TQ "bê tê" mà EGK9 không xưng là em thì biết xưng là gì cho phải đạo đây?
    @TQ "bê tê": Quà to mấy mà khéo gói thì vẫn phẳng. Còn nếu to quá khó gửi thì TQ cứ để đó vài bữa em nhờ người nhà (TQ) đến cầm giúp, lo gì

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!